Menu Close

TPP – Thương Ước Xuyên Thái Bình Dương

Trong 2 ngày đầu tiên của tháng 10-2014, phía Hoa Kỳ đã mở các cuộc đàm phán song phương với một phái đoàn sứ giả ngoại giao cao cấp của nhà cầm quyền Hà Nội. Trong dịp này, Ngoại Trưởng John Kerry ra tuyên cáo quan trọng: từ nay Hoa Kỳ quyết định dỡ bỏ một phần lịnh cấm vận võ khí sát thương đối với nước CHXHCNVN. Một đề tài trọng yếu khác trong lần tiếp xúc này là mối giao hảo kinh tế giữa Washington và Hà Nội, đặc biệt quanh Thương Ước Xuyên Thái Bình Dương – TPP.

alt

Phiên họp cấp chuyên gia TPP tại Singapore cuối năm 2013. Ảnh AFP

Chưa rõ chi tiết cuộc hội đàm giữa Ðại Diện Thương Mại Hoa Kỳ, ông Michael Froman, và phía Hà Nội, nhưng trên các thông cáo báo chí, cả hai bên đều nhấn mạnh nỗ lực tìm tiếng nói chung để sớm kết thúc đàm phán về TPP. Trên sàn Quốc Hội Hoa Kỳ, cũng đã có không ít vị dân cử đặt điều kiện khi nào Hà Nội để công đoàn độc lập hoạt động hợp pháp thì mới cứu xét thông qua TPP. Ðây là một trong những lý do VN vừa vận động ráo riết để được ký kết TPP, lại vừa có không ít e dè.

 

alt

Ngoại Trưởng John Kerry và đại diện Hà Nội trong các cuộc hội đàm đầu tháng 10-2014. Ảnh U.S. Department of State

Thương Ước Xuyên Thái Bình Dương có thể là đề tài gần gũi và được nhiều người Việt quan tâm chú ý. Trên trang báo này, mời quý độc giả cùng chúng tôi lần lượt tìm hiểu về thương ước đặc biệt này, về cách vận hành, ý nghĩa, những quyền lợi và cả ràng buộc của nó đối với Hoa Kỳ, Việt Nam, và các bên liên quan trực tiếp hay gián tiếp.

Thương Ước Xuyên Thái Bình Dương còn gọi ngắn gọn là TPP (viết tắt của Trans-Pacific Partnership). Nó manh nha từ năm 2005, buổi đầu chỉ dưới hình thức hợp tác thương mại đa phương giữa 3 quốc gia trong vùng Thái Bình Dương là Chile, New Zealand, Singapore, rồi sau đó có thêm Brunei gia nhập. Ðến 2008, Hoa Kỳ mới mở các cuộc đối thoại sơ khởi với nhóm này. Trong cùng năm, Úc châu, Peru, và Việt Nam cũng khởi sự tìm hiểu TPP. Sang 2010, có thêm Malaysia nhập hội. Ðến 2012, hai nước Canada và Mexico cũng ngồi vào bàn đàm phán. Và cuối cùng năm 2013, đến phiên Nhật Bổn nhập cuộc.

 

alt

Đại diện Thương Mại Hoa Kỳ Michael Froman hội kiến phía VN.

Sắp tới đây, có thể thêm vài quốc gia sẽ dự phần thảo luận TPP. Cả Ðài Loan lẫn Nam Hàn đều đã tỏ dấu hiệu sẵn sàng hợp tác với TPP. Phía Hoa Kỳ đặc biệt thúc đẩy mở rộng thương ước này để kết nạp thêm nhiều quốc gia hơn nữa trong vùng Á Châu Thái Bình Dương.

Một điều cần lưu ý là Trans-Pacific Partnership hay TPP không phải là một tổ chức thương mại đã hình thành. Ðây là nỗ lực cộng tác phát triển kinh tế rất lớn nhưng còn đang trong vòng thương thảo. Tính đến nay, đã diễn ra 20 vòng đàm phán TPP chánh thức, giữa đại diện thương mại của các bên liên quan, cũng có khi lên đến cấp bộ trưởng, thậm chí nguyên thủ. Vòng thương thảo cuối cùng, kéo dài 10 ngày, vừa trải qua vào đầu tháng 7-2014 tại Ottawa, Canada. Có những dự báo lạc quan là TPP sẽ được tất cả các quốc gia liên hệ chấp thuận vào đầu năm tới.

Hai cường quốc lớn nhất trong nhóm các nước đang thương thảo TPP là Hoa Kỳ và Nhật Bổn. Riêng về phần Hoa Kỳ, các nước đang thương lượng TPP cũng đã là những bạn hàng thăng tiến mạnh mẽ lâu nay. Năm 2012, giao hảo thương mại giữa Hoa Kỳ và các nước này đạt đến mức $1,500 tỉ. Nếu thương ước được ký kết thành công, TPP sẽ đại diện một liên minh kinh tế khổng lồ. Con số tổng sản lượng các quốc gia (GDP) nằm trong liên minh TPP gộp lại hơn phân nửa của cả thế giới, và chiếm trên 40% các trao đổi thương mại toàn cầu.

 

alt

Các Nguyên thủ Quốc gia tại vòng đàm phán năm 2010 củanhóm TPP.

Thông thường, các cuộc thương thảo TPP diễn ra trong vòng bí mật. Ngoài 20 vòng hội đàm song phương chánh thức, để tất cả cùng tìm tiếng nói chung, thì mỗi quốc gia cũng có nhiều tiếp xúc với từng quốc gia còn lại trong nhóm. Ðến nay chỉ có vài phần trong bản thương ước TPP được đưa ra trước công luận dưới hình thức tóm lược.

Theo trang web của văn phòng Ðại Diện Thuơng Mại Hoa Kỳ, thương ước TPP có 29 chương, đề cập mọi khía cạnh từ dịch vụ tài chánh, liên lạc/viễn thông, đến khử trùng thực phẩm, các điều khoản về cạnh tranh, các dịch vụ xuyên quốc gia, hải quan, thương mại điện tử “e-commerce”, các vấn đề môi trường, tác quyền, bảo hộ đầu tư, về quyền lao động, luật pháp, v.v…

Thương ước Xuyên Thái Bình Dương TPP có các quy định có thể ảnh hưởng và thay đổi không nhỏ đối với sự vận hành luật pháp và cả hệ thống chánh trị tại vài quốc gia liên quan. Thậm chí TPP có thể khích lệ thiết lập các định chế luật pháp theo kiểu của Hoa Kỳ. Mục đích cuối cùng là sự kết hợp hài hoà một loạt luật lệ quy định về thương mại giữa các quốc gia thành viên.

Về tác quyền, các quốc gia thành viên TPP sẽ mạnh mẽ bảo vệ “copyright” cho âm nhạc và phim ảnh, và mở rộng cũng như kéo dài hơn hiệu lực của các văn bằng phát minh, sáng chế. Các cuộc thương thuyết TPP cũng nhấn mạnh yêu cầu các nước thành viên phải giới hạn số công ty hãng xưởng “nhà nước”, do chánh quyền điều khiển. Cùng lúc TPP thúc đẩy tư nhân hoá các công ty này nhằm khuyến khích thị trường cạnh tranh tự do. Về thông thương thị trường, TPP hầu như toàn toàn tháo bỏ các loại hàng rào quan thuế và mậu dịch, giúp hàng hoá lẫn dịch vụ trao đổi giữa các thành viên dễ dàng mau lẹ. Khi có bất đồng giữa nhà đầu tư và một quốc gia nào đó, TPP có các khuôn phép để nhà đầu tư dễ dàng thưa kiện các chánh phủ vi phạm hợp đồng.

Một khi được ký kết, thương ước Xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ là liên minh tự do mậu dịch lớn nhất thế giới, và có thể là nỗ lực cộng tác kinh tế giàu tham vọng nhất xưa nay. TPP sẽ có vai trò chiến lược trong sự phát triển kinh tế toàn vùng. Một trong những chỉ trích là nếu đã có Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO-World Trade Organization) thì tại sao phải cần một tổ chức thương mại khác cho Á Châu Thái Bình Dương. Ngoài phương diện thuần địa lý và quy mô (WTO mang tầm vóc toàn cầu), thì cách áp dụng TPP có nhiều phần khác biệt hơn WTO.

 

alt

Một phiên thương thảo TPP giữa Hoa Kỳ và Nhật Bổn.

Với nhiều thương ước cổ điển, bao gồm WTO, các thành viên có thể thoải mái mua bán trao đổi sản phẩm/dịch vụ miễn sao thoả mãn một số yêu cầu về môi trường và lao động. Trong khi đó, một thoả ước thương mại hiện đại như TPP lại chú trọng nhiều vấn đề về định chế pháp luật, hệ thống chánh quyền, các quy định và ràng buộc, v.v… Khi một quốc gia tán thành gia nhập TPP, có thể phải điều chỉnh sách lược đối ngoại lẫn cách điều trị tại nội địa để phù hợp với cuộc chơi chung. Chính vì yếu tố này mà các cuộc thương thảo TPP kéo dài gần cả thập niên vẫn chưa xong.

Ngoài các ràng buộc, TPP có những quyền lợi rất lớn và rõ ràng. Ðây là giao ước thương mại tự do giữa 2 cường quốc bắc bán cầu là Hoa Kỳ và Canada với hơn 10 quốc gia trong vùng Á Châu Thái Bình Dương. Một  khi TPP hoàn tất, đến 40% hàng hoá xuất cảng lẫn nhập cảng của Hoa Kỳ sẽ nằm trong khuôn khổ tổ chức này. Nhật Bổn cũng rất sốt sắng với TPP. Đối diện các áp lực từ Trung cộng, người Nhật đang tìm cách mở rộng mối liên hệ đồng minh với các quốc gia Á Châu Thái Bình Dương còn lại. Trung cộng từ năm 2011 đã chỉ trích TPP là quá tham vọng, và yêu cầu thương ước phải điều chỉnh để “cân bằng” với các giao dịch thương mại khác trong vùng. Về phần Hoa Kỳ đã tuyên bố Trung cộng cũng sẽ được hoan nghênh gia nhập TPP một khi đã chứng tỏ “uy tín” với thế giới. Ðối với Việt Nam, một chiếc ghế thành viên tổ chức TPP có thể là mối lợi chiến lược, giúp nước này mở rộng thị trường xuất cảng, gián tiếp giảm thiểu sự lệ thuộc vào mối giao dịch thương mại nhiều phần bất lợi với Trung cộng.

 

alt

Các quốc gia đang đàm phán Thương Ước Xuyên Thái Bình Dương.

TD