Menu Close

Làm từ thiện trong nước

alt

Kiểu từ thiện này vừa rẻ, vừa chắc ăn, khỏi lăn tăn suy nghĩ.

Người Việt có câu “Lá lành  đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng…”  và gần như ý niệm mang tính chất tình thương, từ thiện này được gieo mầm từ khi còn rất nhỏ qua gia đình và trường học giáo dục. Nhưng thực tại có những điều “mắt thấy tai nghe” khiến bà con rút ra được những kinh nghiệm cho lòng từ bi, bố thí hay thiện nguyện này.

Kinh nghiệm thứ nhất

Ông già mù lòa ăn xin, bà mẹ bế con khóc than mất cắp, cô gái nằm rên rỉ giữa chợ ‘khoe’ chân tay lở loét mưng mủ mà móc tiền cho ngay vì phần lớn đó là kịch sĩ, diễn những kịch bản sướt mướt cho người nhà quê lên tỉnh, hoặc du khách nước ngoài, Việt Kiều coi (và ‘dính chấu’). Dân Sài Gòn chẳng lạ gì trò lấy nước mắt ông đi qua, bà đi lại trước cổng bệnh viện Nhi Đồng, Bến Xe Miền Tây, Vòng xoay Lăng Cha Cả, phía trước siêu thị Big C, Coop Mart…Tại những nơi này, luôn có những phụ nữ ‘chằn ăn trăn quấn’ ngồi vắt vẻo hút thuốc lá, đánh móng tay, những gã to con, phạch ngực trổ xăm, đọc báo bên ly cà phê đá trong hẻm. Cuối buổi chiều, cụ già mù, đám trẻ ăn xin, người hát dạo tàn phế, chị phụ nữ ẵm con…không hẹn mà đều lần lượt tới trước hai kẻ này, móc tiền ra nộp. Từ phía hẻm đối diện, người viết nhìn rõ những cú đấm đá, những cái đầu cúi gục, những đôi tay chắp lại xá xá… cũng hiểu đại khái hai kẻ kia là chủ chăn dắt. Đám người khốn khổ nọ là thợ… ăn mày. Công việc hàng ngày của chủ là tuyển và huấn luyện thợ mới, rải thợ cũ, trông chừng, thu tiền và ‘xử đẹp’ thợ lười. Còn thợ, hàng ngày phải xin ăn, đem tiền về nộp chủ. Nếu không đủ sẽ bị đánh, bị bỏ đói. Mọi nỗ lực trốn của thợ đều vô hiệu vì khu vực nào cũng có chủ. Và các chủ đều kết bè. Mỗi lần ‘thợ’ trốn đi, chủ đều thông báo nhờ tìm và nhờ ‘dẫn độ’.

alt

Nhóm trẻ ăn xin người Cam Bốt thuộc đường dây chăn dắt tại Lăng Cha Cả đang ‘tác nghiệp’

Nói dài dòng thế, để cảnh báo người có trái tim nhân hậu phải tỉnh táo, dè chừng. Đừng để rơi vào hoàn cảnh ‘bé cái lầm’ như chị Th, từ Úc về Hà Nội thăm thân nhân. Chị này, nghe kể vùng bên có ngôi chùa B.Đ chuyên nuôi trẻ nhỏ bị bỏ rơi, trong đó có nhiều trẻ bị bệnh hiểm nghèo, bị thiểu năng trí tuệ, đã sốt sắng tới thăm, hỏi chuyện, chụp ảnh để ‘về bên đó cho tụi bạn coi, xin thêm’ sau khi bản thân cúng dường không ít tiền cho chùa. Nào ngờ chưa về Úc, chị đã hết hồn khi nghe báo đài đồng loạt đưa tin nhiều kỳ về việc hơn 10 trẻ nuôi tại chùa mất tích bí hiểm, có dấu hiệu bị bán đi.

alt

Kinh nghiệm thứ hai

Khi xảy ra bão lũ, lở đất, gẫy cầu, sập trường… Vừa nghe chính quyền, đoàn thể, tôn giáo đứng ra tổ chức quyên góp cứu trợ, từ già tới trẻ, giầu tới nghèo, xa tới gần đều không ngần ngại đóng góp, ít thì một ngày lương, nhiều thì vài trăm đô la, vài ba triệu đồng. Báo chí đưa tin em bé tiểu học nhịn quà sáng lấy tiền. Tang gia gom hết tiền phúng điếu. Vợ chồng chị ve chai đem hết tiền bán ve chai trong ngày… Tất cả đều chung tấm lòng lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát. Nhưng rồi có những bài báo phê phán vạch trần những cá nhân, tổ chức không thực tâm muốn ‘đùm’. Họ mua những loại gạo chỉ hơn gạo heo ăn chút ít, mì cũng là mì ký rẻ tiền, vở viết là loại giấy mỏng lét, đen thui, chưa viết đã tưa. Quần áo quyên góp cho trẻ mồ côi, cho đồng bào thiểu số, cho dân chài… là đồ đầm, áo ngủ, áo tắm, quần lửng, đồ bộ, không lỗi mốt thì sứt chỉ đứt khuy, tét chỗ này rách chỗ nọ, lem mầu, lấm bẩn, không tử tế thì chớ, còn hoàn toàn xa lạ với công việc, sinh hoạt, tập quán của người nhận. Chị Thào đang bán đậu hủ ở Sài Gòn kể chính gia đình chị ngoài miền Trung, sau trận bão hai năm trước, nhà cửa đổ sụp, đã nhận phải những đồ cứu trợ như vậy. Chị kể: ‘Đi từ hồi khuya, cầm phiếu nhận quà ngồi sắp hàng dang nắng cả buổi ngoài sân Ủy ban Xã. Nghe gọi tên, mừng quýnh. Về nhà, mở đồ cứu trợ coi, không thấy thứ gì tử tế. Nhứt là mớ quần áo như giẻ lau.’

alt

Đám trẻ bệnh bại não tại cơ sở Thiện Duyên- Sài Gòn(Ảnh chụp khi người thủ quỹ đã ôm thùng tiền trốn mất.)

Một du khách nọ khi đi ngang qua vườn hoa Hà Nội, thấy vài phụ nữ, người già đang ngồi vạ vật bỗng bị xua đuổi tàn nhẫn, đã dừng lại quan sát. Hỏi chuyện cụ già bán chè tươi góc phố, vị du khách đi từ ngạc nhiên tới ái ngại, bất bình. Càng bất bình hơn khi sau đó những tấm ảnh anh chụp bị xóa, những cố gắng tiếp cận, tiếp tế đám dân oan của anh bị ngăn cản một cách lịch sự nhưng quyết liệt, lạnh lùng. Trở lại hàng nước vỉa hè, anh được cụ già bỏ nhỏ: ‘Cấm có lại gần. Thương thì để trong lòng. Đợi đêm, giả vờ đi đổ rác, rồi đặt những cơm xôi hoa quả, chai dầu, lọ ruốc… ở gốc cây, bờ rào. Bà con sẽ tới nhặt’. Cụ đọc hai câu Kiều, như một lời dặn dò: ‘Ở đây sóng gió bất kỳ. Con ong cái kiến kêu gì được oan’. Vậy mới biết, muốn nhường cơm xẻ áo cho người cùng đường bế tắc, tuy cùng da vàng máu đỏ với nhau, cũng phải có ‘mánh’ có ‘chiêu’.

alt

Hát dạo ngoài nắng, thương thì thương, nghe thì nghe mà cho tiền thì…

Kho kinh nghiệm về làm từ thiện rất nhiều, song có lẽ không nên moi ra thêm, dễ khiến thui chột sự trong sáng của những tâm hồn trong sáng.  Chỉ xin rút ra một điều: Làm từ thiện, nếu không thể trực tiếp mà phải nhờ bạn bè, người thân, tổ chức tôn giáo làm thay, thì cũng đừng cả tin theo kiểu ‘Tiền đấy, làm sao, làm gì, làm tới đâu thì cứ làm’. Đồng tiền phải dùng đúng chỗ.

XH