Menu Close

Tôi đi học

Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, không ít người trên thế giới nôn nao chờ đợi kết quả Giải thưởng Nobel. Giải thưởng này không nhiều như lá (rụng) mùa thu; độ chừng năm, sáu cái cho những lãnh vực về vật lý, hóa học, y học, văn chương, hòa bình, và kinh tế. Mỗi giải thưởng giá trị khoảng trên một triệu Mỹ kim (theo thời giá hiện nay). Giải thưởng này luôn được Ban giám khảo suy đi tính lại kỹ càng trước khi tuyên bố nên ít có lời ra tiếng vào sau đó. Đấy là các giải thưởng thuần túy về khoa học; chứ hai cái giải Văn Chương và Hòa Bình, nhất là Hòa Bình, lâu nay hay bị nhiều người chê bai này nọ.

alt

Malala Yousafzai

Chẳng hạn hồi năm 1973, giải Hòa Bình được tặng chung cho Henry Kissinger và Lê Đức Thọ nhờ công lao (đàm phán) đem lại hòa bình cho… Việt Nam. Cả hai (phe) thật sự chẳng quan tâm gì đến hòa bình ráo trọi. Thật ra, một bên muốn rút nhanh rút lẹ khỏi miền Nam Việt Nam, mặc kệ người dân… “sống chết mặc bay”! Bên kia, muốn hất Mỹ ra để rảnh tay… thanh toán miền Nam. Còn người dân, cuối cùng chẳng được cái… giải gì cả! Hoặc theo như cuộc thăm dò mới đây của Rasmussen Reports, có đến 55 phần trăm người Mỹ thấy ông Obama không xứng đáng với cái giải Nobel Hòa Bình ông đã nhận hồi năm 2009; 26 phần trăm nghĩ ông xứng đáng còn 18 phần trăm thì… lưng chừng. Giải Nobel cho hòa bình năm nay được trao cho ông Kailash Satyarthi và cô Malala Yousafzai. Ông Kailash đã tranh đấu để cứu hàng vạn trẻ em ở Ấn Độ thoát cảnh nô lệ và được đi học. Cô Malala đã đấu tranh giành quyền được đi học cho phụ nữ Pakistan ở những vùng bị quân Taliban chiếm đóng. Có lẽ hai người này sẽ không bị dư luận bàn tán là có xứng đáng nhận giải hay không như trường hợp của mấy ông chính trị gia chuyên nghiệp kia. Nếu người ta bàn tán, có lẽ họ chỉ luận bàn có ai khác xứng đáng hơn không mà thôi. Khi nhìn hình ảnh cô Malala mới 17 tuổi đã được giải thưởng Nobel, nhiều người không thể không nghĩ đến Hoàng Chi Phong, một học sinh cũng mới 17 tuổi đang lãnh đạo cuộc biểu tình của sinh viên ở Hồng Kông suốt mấy tuần qua.

Dĩ nhiên việc đề cử ứng viên cho giải Nobel phải có từ trước nhiều tháng để Ban giám khảo có thì giờ chọn lựa. Giả sử những gì Hoàng Chi Phong đang làm xứng đáng để nhận giải thưởng thì cũng chờ ít nhất phải sang năm. Tuy nhiên, cách đây khoảng hai năm, anh đã lãnh đạo phong trào sinh viên chống chính sách giáo dục của Trung Quốc áp đặt lên Hồng Kông. Mục đích tranh đấu của anh không (chỉ) là được đi học mà phải là học như thế nào. Trong các chế độ do đảng Cộng sản cai trị, chuyện giáo dục bao giờ cũng được chính quyền quan tâm hàng đầu. “Quan tâm” theo nghĩa chính quyền thò tay kiểm soát từ A tới Z về… tư tưởng, học thuật. Họ, đảng Cộng sản, muốn đào tạo các thế hệ học sinh giỏi… đọc nhưng không giỏi… suy nghĩ. Nói khác đi, để giữ vững chế độ, họ muốn mọi người dân chỉ biết chữ mà không biết… nghĩa. Rất nhiều thế hệ trẻ hiện nay, như ở Việt Nam, biết rõ mấy chữ TỰ DO, DÂN CHỦ nhưng không thật sự hiểu rõ nghĩa là gì. Họ là sản phẩm của chính sách giáo dục “dạy chữ nhưng không dạy nghĩa”. Không biết Ban giám khảo giải Nobel có để ý đến sự nguy hại của “biết chữ mà không biết nghĩa” như họ đã quan tâm đến vấn đề “không biết chữ” hay không? Chắc chắn họ biết rằng Taliban nghĩa là “sinh viên” trong ngôn ngữ của người Pashtun ở vùng Nam Trung Á. Thành viên của tổ chức này vốn là những sinh viên trường đạo. Những sinh viên này biết… chữ, đọc kinh Thánh hằng ngày mà lại lấy đại bác bắn tượng Phật cổ được tạc trên vách núi cách đây cả 1500 năm, cố ám sát người tranh đấu cho quyền được đi học của phụ nữ mà người đó là cô Malala lúc ấy đang ở tuổi trăng tròn.

Không biết chữ là dốt! Biết chữ mà không biết nghĩa là… gì?

alt

Giải Nobel Hòa Bình