Trong tất cả cây thuốc được trồng tại miền nông thôn Việt Nam, có lẽ Bạc Hà là cây thông dụng nhất và cũng được biết nhiều nhất mỗi khi bị cảm. Tuynhiên cũng nên phân biệt với một cây khác, cũng gọi là Bạc Hà được dùng để nấu canh chua, mà đúng hơn phải gọi là Dọc Mùng, thuộc về một họ thực vật khác, hoàn toàn không liên hệ đến Bạc Hà trị cảm và cung cấp tinh dầu được xử dụng rộng rãi trong nhiều kỹ nghệ khác nhau.

Ảnh minh họa. NGUỒN: KENH14.VN
Tên Khoa Học
Dược liệu này được cung cấp do hai giống Bạc Hà chính, đều có giá trị như nhau, cùng thuộc họ thực vật Labiatae:
– Mentha spicata: Mỹ gọi là Spearmint hoặc Mackerel or Green Mint. Pháp gọi là Menthe crépue.
– Mentha Piperitae: Mỹ gọi là Peppermint. Pháp gọi dưới tên Menthe poivrée.
Ngoài ra cũng có nhiều giống lai tạo khác được gọi dưới các tên M. Cardiata; M. Viridis; M. Aquata ca. Đông Y gọi chung Bạc Hà với phiên âm Bo-He.
Lịch Sử Và Đặc Tính Thực Vật
Bạc Hà mọc hoang từ thời xa xưa tại Âu Châu và quanh vùng Địa Trung Hải, và khắp nơi trên thế giới miễn là khí hậu ấm áp. Theo nghiên cứu thực vật học thì Spearmint có mặt trước và sau đó do tiến trình lai tạo tự nhiên mới có được Peppermint (Peppermint chỉ mới được chính thức ghi nhận là một giống mới vào năm 1696, và được ghi vào Dược Điển Anh năm 1721).
Bạc Hà được mô tả như một dược phẩm trị bệnh bao tử từ sách thuốc Ai Cập Ebers Papyrus vốn được xem là sách thuốc cổ nhất thế giới mà nhân loại còn giữ được. Từ Ai Cập, bạc Hà được du nhập sang Palestine, và tại đây được nhận làm hàng hóa để đóng thuế. Trong phúc âm của Thánh Luca cũng nhắc đến Bạc Hà (11:39). Từ Thánh địa, Bạc Hà đến với Hy Lạp. Và theo truyền thuyết thì Diêm Vương Pluto yêu một nữ thần tên là Minthe. Vợ của Diêm Vương nổi máu Hoạn Thư ghen tức biến Minthe thành cây Bạc Hà. Pluto không thể làm Minthe sống lại được nên đã cho cây Bạc Hà một mùi thơm đặc biệt!

Lá Bạc Hà – Spearmint (quăn)
Người La Mã và Hy Lạp đã thêm Bạc Hà vào sữa để giữ cho sữa khỏi chua và ăn lá Bạc Hà để trợ giúp tiêu hóa. Các danh y Hippocrates và Dioscoride đã viết rất nhiều về đặc tính chữa bệnh của Bạc Hà. Người Do Thái rắc lá Bạc Hà tại các nơi hội đường khiến khi bước lên lá, hội đường sẽ có một mùi thơm dịu mát.
Bạc Hà được các người Pilgrims đưa sang Mỹ vào thế kỷ thứ 17. Từ năm 1816, Bạc Hà được trồng đại trà trong vùng Rochester, New York, và đến năm 1840 đã phát triển sang Ohio và Michigan, rồi sau đó khắp miền Bắc Hoa Kỳ. Ngày nay Bạc Hà được trồng tại California, Oregan, Washington cùng nhiều tiểu bang khác. Các nước sản xuất Bạc Hà nhiều nhất là Roumani, Anh, Pháp, Ai Cập, Nga và cả Maroc.
Cây Bạc Hà có thể thu hoạch trong 5 đến 6 năm, do đó nên chọn nơi trồng cho cẩn thận. Đất cần màu mỡ, thoát nước tuy ẩm ướt và nhiều nắng. Cây bạc Hà loại Peppermint thường cao hơn và mầu đậm hơn Spearmint. Cây cao từ 50 đến 70 cm. Lá của Peppermint màu xanh sáng hơn và vị cay hơn Spearmint.
Muốn phân biệt hai loại này chỉ cần nhớ Peppermint tên bắt đầu bằng chữ P, lá có cuống (Petioled) trong khi đó lá Spearmint không có cọng. Bạc Hà mọc lan rất nhanh, trồng vào tháng 3 có thể thu hoạch vào tháng 7 hay 8. Lá bạc Hà khi chưng lên sẽ cho khoảng 0.5% đến 1% tinh dầu màu vàng nhạt dùng tạo mùi vị cho chewing gum, bánh kẹo, kem đánh răng, savon, nước hoa và dùng trong kỹ nghệ dược phẩm.
Trong những điều kiện nuôi trồng thích hợp mỗi acre cung cấp từ 15 đến 20kg tinh dầu. Mỗi năm Hoa Kỳ sản xuất khoảng 500 tấn tinh dầu.

Lá Bạc Hà – Peppermint (không quăn, có cuống)
Bạc Hà Trong Đông Y
Bạc Hà được xử dụng trong Đông Y từ lâu đời và ghi trong Tống Bản Thảo. Bạc Hà vị cay và tính mát, tác dụng các kinh mạch Phế và Can. Bạc Hà được dùng trong Đông Y do vị cay nên có sức phát tán làm xuất mồ hôi trị được các chứng cảm, trúng gió, gây nhức đầu, đau cổ họng, đau bụng do cảm mạo gió sương. Bạc Hà cũng gây được phát tán khí trì trệ trong gan, do đó giải được các chứng tức ngực, tinh thần bất ổn và các bệnh đau bụng của phụ nữ.
Trong Trung Quốc Dược Điển và trong Dược Thư của Bộ Y Tế Nhật có rất nhiều bài thuốc dùng đến Bạc Hà như:
– Phối hợp giữa Bạc Hà và Cúc Hoa (Chrysanthem) để trị nhức đầu, mắt đỏ và sung do Hỏa vượng nơi Gan.
– Phối hợp với Ngưu Bàng Tử (Fructus Artii Lappea) để trị đau cổ họng, ho ra đờm vàng và nổi ngứa ngáy ngoài da.
– Phối hợp với Kim Ngân Hoa (Flos Lonicerac Japonicac), Liên Kiều (Fructus Forythiae Suspensae) để giúp hạ nhiệt, nhất là trúng nắng.
Dược Tính Của Bạc Hà
Dược tính của Bạc Hà là tính chất của Menthol.
Tác dụng trợ giúp tiêu hóa:
Dầu Bạc Hà có tác dụng chống lại sự co thắt của cơ trơn bằng cách ngăn chặn sự chuyển vận i000on Calcium vào tế bào bắp thịt. Các nghiên cứu tại Đức và Nga cho thấy Bạc Hà có thể giúp ngăn ngừa ung loét bao tử và kích thích sự bài tiết của Mật. Điều này có thể giải thích về sự hiện diện của Bạc Hà trong các thuốc trị bao tử như Tums, Gelusil…
Bạc Hà cũng được dùng để trị các bệnh rối loạn tiêu hoá loại “Irritable bowel syndrome”. Đây là một hội chứng gồm nhiều triệu chứng sau đây: Đau bụng dưới với tình trạng căng cứng bụng, đau bụng đi vệ sinh nhiều lần, táo bón xen lẫn với tiêu chảy, phân có đờm nhớt. Các triệu chứng ăn không tiêu như đầy hơi, buồn nôn ói. Bạc Hà ngăn cản sự hoạt động quá mức của cơ trơn trong ruột và làm cho ruột hoạt động bình thường trở lại. Trong trường hợp này nên dùng viên thuốc Bạc Hà bọc chống chất acid ở bao tử (enteric coated), để viên chỉ tan khi vào đến ruột.
Khả năng gây tê của Bạc Hà:
Bạc Hà có khả năng gây tê thần kinh nhẹ nên có tác dụng trị đau bằng cách kích thích các thần kinh cảm giác khiến bệnh nhân có cảm tưởng như mát lạnh nơi đau làm quên cảm giác đau. Vì vậy Bạc Hà được dùng trong các dầu thoa bóp như Solacraine, Ungentine, BenGay và Noxzema Medicated Cream.
Bạc Hà và Sạn Mật:
Menthol và các chất Terpenes trong Bạc Hà kích thích sự bài tiết và giúp lưu thông của Mật. Một công thức phối hợp của Bạc Hà (Menthone, Pinene, Borneol, Cineol và Camphene) đã chứng minh được là làm tan sạn mật và ngừa được sự tái phát khá lâu (ít nhất là 4 năm). Tác dụng làm tan sạn mật là do khả năng của Bạc Hà làm giảm bớt nồng độ Cholesterone trong mật, đồng thời làm gia tăng acid mật và LLecithin nhờ đó làm tan được sạn.
Bạc Hà và cảm cúm:
Bạc Hà rất thông dụng để trị cảm cúm tại khắp nơi trên thế giới và là thành phần của nhiều thuốc làm thông mũi, trị nghẹt mũi và kẹo ngậm ho, đau cổ họng như trong Mentholatum Vicks Vapor Rub.
Trong mùa cảm cúm nên dùng trà được làm từ lá Bạc Hà là tốt nhất với phương thức như sau: dùng 1 hay 2 muỗng cà phê lá Bạc Hà khô trong 1 ly nước nóng khoảng 250ml.
Khả Năng Sát trùng của Bạc Hà:
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh được khả năng sát trùng của dầu Bạc Hà trên các loại vi trùng. Nhất là siêu vi trùng Herpes Simplex thường gây ra các vết lở nơi bộ phận sinh dục; và cả trên các siêu vi trùng bệnh Newcastle và Vaccina virus, và cả trên Salmonella typhi. Do đó, khi bị các vết thương nhẹ, trầy ngoài da hoặc bị côn trùng chích có thể dùng dầu Bạc Hà để sát trùng, ngừa nhiễm độc vết thương, bớt đau và ngứa.
Bạc Hà và bệnh phụ nữ:
Tính chống co giật của Bạc Hà không chỉ tác dụng trên cơ trơn nơi ruột, mà còn trên cơ trơn khác như tử cung. Nhiều thầy thuốc đã khuyên dùng Bạc Hà để trị các triệu chứng đau bụng chóng mặt vào buổi sáng nơi phụ nữ có thai. Sách thuốc The Toxicology of Botanical Medicines còn khuyên dùng Bạc Hà ở liều cao để tạo kinh nguyệt nơi phụ nữ. Như thế, phụ nữ có thai nhi chỉ nên dùng “trà dược Bạc Hà” pha loãng. Riêng giống Bạc Hà Mentha pulegium đã được thổ dân tại Mỹ (dân Onondagas) dùng để tạo kinh nguyệt từ thời xa xưa, và dùng phối hợp với men rượu để gây phá thai. Và dùng phối hợp với dầu hạt gai (linseed) để băng bó vết phỏng.
Tác dụng của Bạc Hà trên mạch máu:
Dùng dầu Bạc Hà thoa lên chân của Ếch để thí nghiệm cho thấy tác dụng làm giãn nở mạch máu tại chỗ; và khi thoa vào tai thỏ tạo phản ứng gây đỏ tai. Như thế dầu Bạc Hà kích thích sự lưu thông máu dưới da, tác dụng vào trung tâm thần kinh điều hoà nhiệt độ cơ thể, tạo sự giãn nở mạch máu, đưa đến tình trạng toát mồ hôi.
Một thí nghiệm lý thú khác chứng minh tác dụng của dầu Bạc Hà khi thoa mới đượ thực hiện tại Úc (1996) cho thấy dầu con Hổ (Tiger Balm) mà các hợp chất gồm Lông Não, Bạc Hà, Đinh Hương và Tràm khi thoa nơi thái dương trị được chứng nhức đầu còn nhanh hơn là uống Aspirin hay Tylenol !
Theo một nghiên cứu được công bố trên báo Y học Australian Family Physician-25 (1996) thì khi thử trên 57 người nhức đầu, khi cho thoa dầu con Hổ nơi thái dương thì thấy cơn nhức đầu giảm ngay sau 5 phút và có thể kéo dài đến 2 giờ. Hơn nữa dầu con Hổ lại còn tỏ ra hữu hiệu với các cảm giác khó chịu ngay trong khi cơn đau và khỏi đau trong vòng 5-15 phút nhanh hơn Aspirin và Tylenol ! Thí nghiệm này chứng minh được sự hợp lý của Y học Việt Nam từ ngàn xưa khi dùng dầu để thoa trị cảm mạo, nhức đầu… Một phương pháp khác cũng hữu hiệu để trị nhức đầu là: Nấu 4 lít nước đến sôi, đem ra khỏi bếp, mở nắp cho vào 2 muỗng cà phê lá Bạc Hà tươi hay khô. Đậy kín lại trong vòng 50 phút. Luộc và uống 2 đến 3 ly khi lên cơn nhức đầu, đồng thời thoa thêm dầu Bạc Hà nơi thái dương và sau gáy.
Bạc Hà trong phương pháp trị bệnh bằng Hương Liệu (Aromatherapy): Phuơng pháp xử dụng Bạc Hà để chữa bệnh này trong các trường hợp đau bụng, gan và ruột. Dầu được dùng để thoa bóp và chà sát nơi bụng dưới (theo chiều kim đồng hồ) đồng thời uống thêm trà dược pha từ lá khô hoặc tươi. Để trị cảm có thể xông hơi Bạc Hà, nhưng thường phối hợp chung với Majoram, Lavender. Chỉ nên dùng 3 giọt dầu trong nồi xông là đủ giúp thông mũi, tạo cảm giác dễ thở. Cũng có thể dùng dầu Bạc Hà xông hơi để sát trùng, làm sạch mụn trứng cá.
Dầu Bạc Hà còn được xem là có tính kích thích sự hoạt động của óc, giúp tinh thần trở nên minh mẫn hơn. Và nếu bị ói mửa, có thể dùng Bạc Hà để làm bớt cơn buồn nôn.
Độc Tính Của Bạc Hà
Lá bạc Hà dùng làm trà được coi là rất an toàn. Tuy nhiên, nếu muốn dùng cho trẻ em thì nên pha loãng hơn.
Riêng Menthol nguyên chất rất nguy hiểm. Chỉ cần 1 muỗng cà phê (chừng 2 gram) là có thể gây chết người. Mặt khác dầu Bạc Hà nguyên chất cũng rất độc hại, có thể gây ra sự chậm nhịp tim. Không nên dùng dầu Bạc Hà nguyên chất để uống.