Đầu tháng 10-2014, các giới chức cao cấp của Hoa Kỳ và Việt Nam đã mở cuộc đàm phán lớn tại Washington DC, mà một trong các đề tài trọng yếu là Thương Ước Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership hay vắn tắt “TPP”).

Trans-Pacific Partnership không phải chỉ là giao ước thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, mà còn có thêm Canada, một cường quốc Bắc bán cầu khác, và 9 quốc gia nữa trong vùng Á Châu-Thái Bình Dương (Chile, New Zealand, Singapore, Brunei, Úc Châu, Peru, Malaysia, Mexico, Nhật Bổn). Sắp tới có thể thêm Ðài Loan và Nam Hàn cùng nhập cuộc. Thương ước Xuyên Thái Bình Dương TPP một khi hoàn tất, được tất cả các bên đồng thuận ký kết, sẽ tạo nên liên minh tự do mậu dịch lớn nhất thế giới, với tổng sản lượng quốc gia (GDP) của các nước thành viên gộp lại hơn phân nửa của cả thế giới.
Cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton trong lần công du Việt Nam. Ảnh Bloomberg
Riêng với Hoa Kỳ, sẽ có đến 40% lượng hàng hóa xuất cảng lẫn nhập cảng nằm trong khuôn khổ tổ chức này. Trong giới hạn trang báo này, chúng tôi thử giới thiệu một số đối sách chiến lược của Hoa Kỳ đối với TPP, cách riêng chú trọng mối tương quan giữa Hoa Kỳ với… kẻ đứng ngoài là Trung cộng, và sơ lược các quyền lợi cũng như ràng buộc đối với Việt Nam trong cuộc chơi chung có Hoa Kỳ góp mặt.
Thương Ước Xuyên Thái Bình Dương là một giao kèo kinh tế khổng lồ phản chiếu chiến lược tái cân bằng thương mại của Hoa Kỳ đối với vùng Á Châu-Thái Bình Dương. Lập trường của Washington là khai triển một thương ước hiện đại, kiểu mẫu cho thế kỷ 21, và đa quốc gia–để đối kháng loại giao thương song phương lâu nay giữa Hoa Kỳ với Trung cộng mà Bắc Kinh thường là kẻ thủ lợi với nhiều mánh khóe khác nhau. Cùng lúc, TPP cũng sẽ giúp tạo thêm công ăn việc làm cho dân chúng Hoa Kỳ, và kích thích kinh tế thêm phát triển.
Một nhóm người Nhật chống đối thương ước TPP.
Thông qua giải pháp TPP, Hoa Kỳ tìm cách phát triển các thị trường sản xuất và nhân công khác để dần thay thế Trung cộng. Khi TPP được ký kết, một trong những hệ quả đầu tiên là Trung cộng sẽ mất nhiều việc làm về tay Việt Nam trong các dịch vụ may gia công trang phục. Khách hàng Hoa Kỳ sẽ bắt gặp quần áo vải vóc mang nhãn hiệu “Made in Vietnam” thường xuyên hơn, cùng lúc “Made in China” thưa dần trên các nhãn trang phục.
Một mục tiêu trung tâm của các cuộc thương thảo Trans-Pacific Partnership là nhằm loại trừ Trung cộng. Có nhiều quốc gia bất ưng Bắc Kinh vì trước đây họ lọt chân vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) quá dễ dàng, để rồi lợi dụng tổ chức này, tiếp tục nhiều vi phạm, tiểu xảo, gian dối, v.v… trong các giao thương và đầu tư khắp thế giới. Mối ngờ vực này, và uy tín thấp của Trung cộng lẫn hàng hóa “Made in China”, vô tình giúp Hoa Kỳ tạo nên một thế liên minh, không quá ngấm ngầm, nhằm kìm hãm mãnh lực Bắc Kinh. Đến nay Trung cộng không hề được mời dự phần đàm phán TPP dù chỉ với tư cách quan sát viên. Gần đây, lại có 60 vị Thượng Nghị Sĩ liên bang Hoa Kỳ đồng lên tiếng đòi bản thỏa hiệp TPP chung cuộc phải đề cập đến nạn phá giá tiền tệ. Đây thực chất là những thủ thuật nhằm ngăn cản Trung cộng gia nhập cuộc chơi.
Tuy nhiên, cũng cần điểm qua một quan điểm trái ngược quanh đề tài TPP và Trung cộng. Thay vì cô lập Bắc Kinh, nhiều người khác tin rằng sự hiện diện của Trung cộng trong các cuộc đàm phán thương ước TPP khổng lồ sẽ có lợi cho Hoa Kỳ. Bởi vì trên thực tế, Hoa Kỳ và Trung cộng là hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, đều có ảnh hưởng quyết định trong vùng Á Châu-Thái Bình Dương. Theo quan điểm này, một thương ước Trans-Pacific Partnership mà vắng bóng Trung cộng thì chẳng khác một cơ hội bị bỏ lỡ.
Thương ước TPP cũng có nhiều điều khoản nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường.
Cũng theo lập luận này, hứa hẹn một mối liên minh kinh tế mạnh mẽ với nhiều quốc gia trong vùng Á Châu-Thái Bình Dương có thể là đòn bẩy thương thuyết hiệu quả với Trung cộng. Bắc Kinh có thể chấp nhận thay đổi, chịu tuân thủ những chuẩn mực mới trong giao dịch thương mại toàn cầu nếu nhận ra thực tế đứng ngoài TPP gây nên sụt giảm đầu tư ngoại quốc và các giao dịch thương mại lẫn dịch vụ trong tương lai. Trên thực tế thời gian qua, Hoa Kỳ vừa thúc đẩy hoàn thành Thương Ước Xuyên Thái Bình Dương với nhiều điều khoản loại trừ Trung cộng, song cùng lúc cũng lại nhắn nhủ rằng Bắc Kinh có thể được… ân xá, cho nhập hội chơi chung nếu chịu cam kết, và chứng tỏ được, rằng họ sẵn lòng tuân thủ luật lệ chung.
Về phần Trung cộng đã không ít lần lên tiếng đả kích Thương Ước Xuyên Thái Bình Dương. Cùng lúc họ tìm cách kiến tạo một thị trường bạn hàng riêng. Bắc Kinh đã có thỏa ước mậu dịch tự do với khối ASEAN mà Hà Nội giữ một ghế thành viên. Một nhóm cộng tác kinh tế khác mở ra theo đề xướng của Bắc Kinh là Regional Comprehensive Economic Partnership (tạm dịch thương ước hợp tác kinh tế toàn diện trong vùng) nhằm trao đổi hàng hóa, dịch vụ, lẫn đầu tư giữa 16 quốc gia thành viên, trong đó bao gồm Trung cộng, Ấn Độ, Nam Hàn, Nhật Bổn, Úc, New Zealand, v.v… Không khó hiểu khi vắng mặt Hoa Kỳ.
Thương ước TPP cũng sẽ có hệ quả quyết định đến mối bang giao chung giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Trong số các quốc gia đang trong vòng thương lượng, thì Canada, Mexico, Úc châu, Chile, Peru và Singapore đã có giao kết tự do thương mại với Hoa Kỳ, ít có thay đổi lớn. Còn Brunei và New Zealand đều thịnh vượng, dân số thấp, địa thế lại xa xôi cách trở — khó lòng trở thành điểm dừng chân của các hãng xưởng, nhà máy của Hoa Kỳ. Trường hợp Malaysia và Mexico thì thu nhập cũng tương đương nhau. Như vậy chỉ còn Việt Nam–xứ sở nghèo khó duy nhất, dân lại đông, nhân công dồi dào và rẻ–là nhiều tiềm năng phát triển nhất.
Thương ước TPP nhắm đến thị trường Á Châu Thái Bình Dương. Ảnh Jeannie Calgary-Flickr
Trong trường hợp Việt Nam, thương ước TPP có thể khuyến khích lẫn trợ giúp cải thiện các sản phẩm từ kỹ nghệ sản xuất để đạt tiêu chuẩn của thị trường Hoa Kỳ. Hiện nay, đến 80% các sản phẩm vải vóc, trang phục may gia công… của Việt Nam không đủ phẩm chất và vì vậy bị cấm cửa, không được xuất cảng sang Hoa Kỳ. Thương Ước Xuyên Thái Bình Dương sẽ cho phép Hoa Kỳ gia tăng đầu tư kỹ thuật và máy móc vào kỹ nghệ sản xuất tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp các công ty của người Việt quốc nội thay da đổi thịt để đáp ứng đúng các chuẩn định quốc tế. Cùng với thương ước Trans-Pacific Partnership, thị trường Hoa Kỳ cũng sẽ mở rộng hơn đối với các công ty hãng xưởng của Việt Nam vốn lâu nay chỉ chuyên chú xuất cảng hàng hóa phẩm chất thấp sang Trung cộng.
Tuy nhiên, giữa Washington và Hà Nội còn nhiều vướng mắc, mà chắc chắn đã được đem ra mổ xẻ trong kỳ đàm phán mới đây. Quốc Hội Hoa Kỳ khóa 111 (cách nay 2 khóa) từng đánh giá VN chưa phát triển kinh tế thị trường tự do đúng nghĩa, mà vẫn là nền kinh tế kế hoạch, mọi sự do đảng CS an bài. Quốc Hội cũng liệt kê VN vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về quyền lợi của người công nhân, về các vấn đề bảo vệ tác quyền, cũng như về các vi phạm nhân quyền. Mới gần đây, trên sàn Quốc Hội Hoa Kỳ cũng xuất hiện vài dự luật kêu gọi đẩy nhanh tiến trình đàm phán TPP, song cùng lúc thêm vào nhiều điều khoản yêu cầu những quốc gia thành viên phải đáp ứng đủ các chuẩn mực về lao động và môi trường. Trên trang báo này, tới đây chúng tôi sẽ thăm lại các vướng mắc của Hà Nội trước vận hội TPP trong những vấn đề nhân quyền, công đoàn độc lập, v.v…
Cần thiết nhắc lại là Thương Ước Xuyên Thái Bình Dương TPP không chỉ là giao kèo riêng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, mà còn dính líu thêm 10 nước khác trong vùng Á Châu Thái Bình Dương. Vào Tháng Hai đầu năm 2014 tại Singapore, 12 nước này đã không thể đạt thỏa hiệp chung cuộc, mà một phần lý do vì Hoa Kỳ và Nhật Bổn vẫn còn bất đồng lớn trong hai lãnh vực sản phẩm nông nghiệp và xe cộ (Nhật khăng khăng duy trì hàng rào mậu dịch, không chịu nhập cảng thêm sản phẩm nông nghiệp lẫn xe hơi “Made in USA”). Các nước còn lại chánh yếu chỉ làm khán giả khi 2 anh khổng lồ này chạm trán nhau.
Khi đã trọn vẹn hình hài, TPP sẽ giúp Hoa Kỳ kết nối quan hệ đồng minh chặt chẽ hơn với các xứ Đông Á. Đại diện thương mại Hoa Kỳ lâu nay cũng nhẫn nại tìm cách thúc đẩy đưa Indonesia cũng như các nước Đông Á khác ghi danh vào TPP. Cũng có cả trường hợp vào TPP tuy không phải là thượng sách–như nước Úc–nhưng vẫn muốn nhập cuộc chơi chung, vì họ xem đây như là một cách gián tiếp thắt chặt hơn nữa mối liên hệ đồng minh chiến lược với Hoa Kỳ trong trường kỳ.
Một trong những trở lực của TPP: Không phải ai cũng thích tự do mậu dịch.
TD