Menu Close

Lãi kim – Đổ mồ hôi ban đêm – Gãy xương khi bị tiểu đường

Tôi bị lãi kim trên ba chục năm. Trước đây chỉ buổi tối lãi mới ra hậu môn, đôi khi phải bắt bây giờ lãi ra suốt ngày. Tôi đã dùng hàng chục loại thuốc mà vẫn không hết.Vậy xin bác sĩ cho hay có thuốc gì khác không?

Đáp

Ông không cho biết là trong gia đình còn ai bị bệnh lãi kim này hay không, vì thường thường bệnh lãi kim lan truyền cho mọi người trong gia đình, nhất là ở trẻ em. Sống ở vùng có khí hậu ôn hòa.

Sán này thường xuất hiện ở hậu môn, và thường vào ban đêm, như trường hợp của ông. Sán cái đẻ trứng ở hậu môn, và khi sán bò thì ta thấy ngứa và đưa tay gãi. Thế là trứng dính vào tay và nếu vô tình ta đưa lên miệng là trứng lại xâm nhập cơ thể, tăng trưởng thành sán con. Trứng cũng rơi vãi ra quần áo, bàn ghế, đồ chơi mà khi ta đụng vào rồi đưa tay lên miệng là lại mắc bệnh. Trứng có thể sống trên các vật dụng kể trên tới ba tuần lễ trong nhiệt độ bình thường.

Người mắc bệnh sán kim đôi khi không thấy triệu chứng gì. Nhiều khi thấy ngứa ở hậu môn, hoặc cửa mình nữ giới; đau bụng ngầm ngầm, khó ngủ.

Bệnh của ông đã có từ trên ba mươi năm và ông đã dùng hàng chục loại thuốc mà không khỏi. Giá ông kể cho chúng tôi biết đó là những thuốc gì để chúng tôi góp ý thì tốt hơn. Tuy nhiên, các thuốc mà ở bên Mỹ dùng là: Mebendazole, Pyrantel pamoate.

Một điểm rất quan trọng là tất cả mọi người trong gia đình đều phải uống thuốc thì mới có hy vọng tiêu diệt sán kim. Xin ông hỏi bác sĩ gia đình coi là ông đã dùng các thuốc tôi vừa nêu ra ở trên đây chưa.

Ngoài ra cần giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ, tránh đừng gãi hậu môn. Nếu ngứa có thể bôi loại kem chống ngứa vài ba lần trong ngày. Các vật dụng như quần áo mùng mền cần được tẩy sạch trứng sán bằng cách nấu trong nước nóng, phơi khô.

Năm nay tôi 47 tuổi, thường hay bị đổ mồ hôi về ban đêm khi nằm ngủ. Xin bác sĩ cho biết tại sao và bao giờ thì cần đi bác sĩ để được khám bệnh. Mme Minh

Đáp

Ban đêm nằm ngủ mà đổ mồ hôi đến nỗi ướt đẫm cả áo ngủ và vải phủ giường có thể do một số bệnh gây ra. Đôi khi nằm ngủ mà đắp chăn quá dầy hoặc nhiệt độ trong phòng quá ấm cũng gây ra đổ mồ hôi. Đây là chuyện bình thường dễ hiểu.

Sau đây là một số nguyên nhân gây ra đổ mồ hôi ban đêm:

– Tác dụng phụ của mấy loại dược phẩm như thuốc chữa trầm cảm, thuốc điều hòa kích thích tố, thuốc hạ đường huyết.

– Một số bệnh như lo âu, bệnh HIV/AIDS, tuyến giáp hoạt động quá mạnh, tuổi mãn kinh, stroke, lao phổi, bệnh Hodgkin, viêm màng bọc tim, người quá mập,…

Đổ mồ hôi ban đêm thường thường là một khó chịu vô hại, tuy nhiên đôi khi sự việc này có thể là dấu hiệu của một bệnh như đã kể ở trên. Đề nghị với bà là nên đi bác sĩ để khám bệnh nếu liên tục đổ mồ hôi ban đêm nhất là khi có trở ngại cho giấc ngủ hoặc kèm theo nóng sốt, xuống cân.

Mẹ tôi ở Việt Nam, 84 tuổi, mắc bệnh tiểu đường, mới đây té ngã gẫy xương chân. Bác sĩ đã khám và đang cho kéo tạ và hẹn mổ vào một tuần nữa để bắt đinh vít rồi bó bột.

Xin cho biết bị bệnh tiểu đường, tuổi lại cao liệu mổ có được không và bao lâu xương lành.Có cần tẩm bổ gì không? Đường huyết bà cụ thường xê dịch từ 230 tới 260 và đang uống thuốc giảm đường. Trần Thu- Seattles

Đáp

Thưa bà

Bà cụ đã được bác sĩ khám bệnh và đang điều trị cấp thời có nghĩa là bà cụ đang được chăm sóc chu đáo. Khi bác sĩ quyết định mổ thì họ đã ước lượng tình trạng sức khỏe của bà cụ, có đủ sức thì họ mới mổ. Cho nên chúng tôi nghĩ là bà cứ để bác sĩ mổ rồi bó bột. Tuy nhiên, trước khi đồng ý, nên hỏi lại bác sĩ là liệu có rủi ro gì không cũng như cách thức chăm sóc sau khi giải phẫu. Để mình yên tâm hơn.

Bình thường, sau khi bị gẫy xương như vậy, cần từ 4 tới 8 tuần lễ để xương lành. Tuy nhiên thời gian lành cũng tùy thuộc ở tuổi tác, tình trạng sức khỏe cũng như xương gẫy có ngay thẳng hay không. Bà cụ năm nay đã 84 lại đang bị bệnh tiểu đường chắc là sự lành xương cũng chậm hơn.

Điều cần là sau khi giải phẫu, bó bột, nên để ý tới mấy điều như sau:

– Tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc chăm sóc bà cụ;

– Đừng để bó bột bị ướt, bột sẽ mềm và không đủ sức để giữ xương gẫy ở vị trí mong muốn;

– Khi tắm rửa, nên dùng bao nylon che kín bó bột để tránh nước xâm nhập gây ra viêm nhiễm da;

– Sau này, bà cụ phải dùng nạng để đi lại. Nên nói với y tá chỉ cách dùng nạng hợp lý để tránh rủi ro gây ra té ngã, xương gẫy lại;

– Nếu da phía sau bó bột bị ngứa, không nên thò đũa vào gãi mà nhẹ nhàng dùng máy sấy tóc thổi không khí lạnh vào để làm dịu cơn đau;

– Đưa bà cụ tới tái khám khi chỗ gẫy sưng, đau, đổi màu da hoặc tê dại;

– Tránh các cử động quá mạnh ở bên chân gẫy;

Dinh dưỡng đầy đủ nhất là cần dùng thêm vitamin D và khoáng chất calci để xương mau lành. Bà có thể mua các chất này ở bên đây mang về làm quà cho bà cụ.

Nên yêu cầu bác sĩ đang chữa bệnh tiểu đường coi lại thuốc hạ đường, vì đường huyết của bà cụ quá cao đấy. Nếu không hạ thấp xuống mức trung bình là từ 90 tới 110, thì e rằng biến chứng bệnh tiểu đường sẽ xảy ra, làm phức tạp thêm cho sự lành xương.
Cầu chúc cụ bà mau lành bệnh.

NYD