Trang Thể Thao trước đây từng giới thiệu những ngôi sao thể thao vẫn còn thu nhập dồi dào, có người dù đã giải nghệ từ lâu, nhờ những khoản lợi tức từ công việc đầu tư, lệ phí quảng cáo, tiền bản quyền, thù lao diễn thuyết, xuất bản sách, v.v… Tuy nhiên, những thành công đáng kể có thể nói chỉ thuộc vào nhóm thiểu số.

Lực sĩ thể thao, cũng như những người thanh niên bình thường khác, khi vào đời phải học cách kiếm tiền, cách tiêu xài, và cả phạm sai lầm. Có khác chăng là giới lực sĩ nhà nghề chỉ được vài năm ngắn ngủi trong tuổi 20 nhiều nông nổi, phải vừa học lấy kinh nghiệm vừa mắc sai lầm với số tiền lớn hơn các bạn đồng trang lứa gấp nhiều lần. Tuổi trẻ chưa trải đời, non nớt về tài chánh, thói quen tiêu xài quá trớn, thêm vào những tật xấu khác, khiến trên thực tế hầu hết giới lực sĩ thường cầm vàng lại để vàng rơi… hết trọi, sa sút tài chánh rất nhanh, phải lâm cảnh khánh tận, thậm chí tù tội, v.v… Sau đây là những trường hợp… đại bàng gãy cánh tai tiếng nhất khi đã qua thời tranh đài đỉnh cao.
Mike Tyson
Võ sĩ quyền anh – để mất $400 triệu
Hiếm có võ sĩ nào xưa nay khiến các đối thủ nể sợ như “Iron Mike” Tyson thời vàng son. Trong 19 trận thượng đài đầu tiên khi mới bước lên võ đài nhà nghề, Tyson đều đánh hạ đối phương đo ván, một số ngay trong hiệp đấu đầu tiên. Thời nửa sau thập niên 1980 và nửa đầu thập niên 1990, Mike Tyson là nhà vô địch tuyệt đối của làng quyền anh hạng nặng thế giới. Anh từng là tay đấm trẻ nhất xưa nay từng giật hết các đai vô địch của cả ba võ đài chánh yếu WBC, WBA và IBF. Nhưng cái tên Mike Tyson cũng đi liền với nhiều tai tiếng: 2 biệt thự xa hoa ở thành phố sòng bài Las Vegas, dàn xe sang trọng, những chú cọp nuôi làm kiểng, hằng triệu Mỹ kim mua sắm trang phục, vòng vàng, và nhiều món xa xỉ khác (Tyson từng sắm sợi dây chuyền vàng nạm kim cương giá $173,000). Sự nghiệp lẫy lừng của Tyson dần xuống dốc cùng với thói quen chơi ma túy, lái xe trong khi say rượu, v.v… Năm 1992, “tay đấm thép” thậm chí bị kết án hãm hiếp, phải ngồi tù 3 năm. Vụ ly dị cũng đưa đến mất mát $13 triệu. Mike Tyson còn thiếu nợ tiền thuế gần $14 triệu tại Hoa Kỳ và cả Anh Quốc. Đến 2003, lúc ra tòa xin phá sản, Tyson khai các món nợ nần lên đến $27 triệu.
Evander Holyfield
Võ sĩ quyền anh – để mất $250 triệu
Đi vào lịch sử võ đài quyền anh nhà nghề thế giới như là người hạ bệ “độc cô cầu bại” Mike Tyson. Holyfield cũng có 4 lần vô địch quyền anh hạng nặng thế giới. Vào thời đỉnh cao danh vọng, Evander Holyfield ký nhiều hợp đồng tài trợ / quảng cáo bạc triệu với hiệu Diet Coke, các trò chơi video, thâu âm băng nhạc “Real deal”, thậm chí cả đóng phim. Nhưng bầu trời từ từ xám rồi đen khi Holyfield trễ nải tiền chu cấp cho con cái, để bị kiện tụng (phải cấp dưỡng ít nhất 11 trẻ). Đến cả căn nhà trị giá $10 triệu cũng bị nhà băng lấy đi.
Antoine Walker
Tay ném banh rổ NBA – để mất $110 triệu
Là một trong những đấu thủ banh rổ nhà nghề thành công nhất xưa nay, chơi banh 15 năm, trải qua 5 đội banh NBA khác nhau, và cũng từng giật cúp vô địch NBA Championship. Antoine Walker còn nổi tiếng vì mỗi tháng phải… nuôi 30 đến 70 thân nhân và bạn bè. Con đường sa sút của Walker còn có bóng dáng… cờ bạc là bác thằng bần. Năm 2009, anh bị khởi tố vì viết nhiều ngân phiếu… lủng, lên đến $800,000 cho ba sòng bài khác nhau tại Las Vegas. Một năm sau, Walker ra tòa khai phá sản, trong hồ sơ liệt kê $4 triệu tài sản nhưng nợ nần lại lên đến $13 triệu. Nhà băng sau đó lấy hết 14 căn nhà Antoine Walker từng đứng tên làm chủ.
Antoine Walker từng cưu mang vài chục người thân mỗi tháng.
Kenny Anderson
Tay ném banh rổ NBA – để mất $60 triệu
Anderson là một đấu thủ kỳ cựu của làng banh rổ NBA, từng khoác áo không dưới 9 đội khác nhau, sau cùng đánh cho LA Clippers trước khi sang Âu Châu chơi banh rồi giải nghệ. Ngoài sân banh, Anderson còn làm chủ một dinh thự lộng lẫy trong vùng Beverly Hills. Garage của Anderson luôn có tới 8 chiếc xe sang trọng đậu sẵn và anh cũng thường hào phóng tặng $3,000 đến $5,000 cho bạn bè và bà con. Nhưng đại bàng bắt đầu… xệ cánh từ vụ ly dị người vợ đầu, bị mất một nửa gia tài, thêm $8,500 mỗi tháng cấp dưỡng con cái. Anderson còn phải chu cấp 6 đứa con nữa với 2 người vợ sau. Đến khi khai vỡ nợ năm 2005, Kenny Anderson phải chi phí hằng tháng $41,000 bao gồm tiền nuôi 8 đứa con và tiền nhà cho bà mẹ.
Sheryl Swoopes
Tay ném banh rổ WNBA – để mất $50 triệu
Đây là cô nàng được mệnh danh là Michael Jordan của làng banh rổ nhà nghề nữ giới. Trong vòng một thập niên (1997-2007), cô là ngôi sao không thể thay thế trong đội hình đội Houston Comets. Swoopes cũng là phụ nữ đầu tiên từng được hãng Nike thuê tên đặt cho một hiệu giày của họ. Nhờ hợp đồng với Nike và nhiều tài trợ khác, Sheryl Swoopes từng bỏ túi $50 triệu. Nhưng các thương vụ làm ăn lẫn đầu tư toàn thất bại, đến khi Swoopes ra toà khai khánh tận, vẫn còn mang món nợ $700,000.
Sheryl Swoopes một thời là nữ hoàng làng banh rổ nhà nghề nữ giới.
Lawrence Taylor
Cầu thủ banh bầu dục NFL – để mất $50 triệu
Nhiều người xem Taylor là cầu thủ phòng vệ giỏi nhất của NFL xưa nay. Anh là hộ vệ “linebacker” của đội New York Giants từng khiến bao hàng tấn công khiếp đảm trong suốt thập niên 1980. Lawrence Taylor cũng là đấu thủ banh bầu dục được trả lương cao bậc nhất so với các cầu thủ cùng thời. Tuy nhiên, “có tài có tật”, Taylor nghiện ma túy, từng bị cảnh sát câu lưu không dưới 3 lần. Sở thuế liên bang IRS cũng bắt tội Taylor khai man thuế thu nhập. Trước vô số rắc rối pháp lý và tài chánh, cuối cùng anh phải ra tòa khai phá sản năm 1998, chỉ xin được giữ lại một căn nhà để trú ngụ.
Michael Vick
Cầu thủ banh bầu dục NFL – để mất ít nhất $50 triệu
Đây là người được đội Atlanta Falcons chọn trước hết (#1 overall pick) trong kỳ chiêu mộ cầu thủ NFL Draft năm 2001. Nhờ chơi hay, 3 lần Vick được chọn vào đội hình xuất sắc đánh “Pro Bowl”. Năm 2005, Vick tái gia hạn hợp đồng với Atlanta Falcons 10 năm trị giá $130 triệu, trở thành cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử NFL đến lúc đó. Vick cũng vào danh sách 10 lực sĩ giàu nhất thế giới. Nhưng vụ tai tiếng đấu chó năm 2007 khiến Vick bị Atlanta Falcons hủy hợp đồng, và các tài trợ quảng cáo lên đến $8 triệu mỗi năm với Nike và Coca-Cola cũng đội nón ra đi. Còn Vick bị còng tay vào tù.
Michael Vick đoái công chuộc tội.
Maradona
Cầu thủ đá banh nhà nghề – để mất $26 triệu
Không ít người mộ điệu môn đá banh xem Maradona là cầu thủ hay nhất mọi thời đại, thậm chí hơn cả cầu vương Pele. Hào quang chiến thắng thời anh còn tung hoành trên sân cỏ tỏa sáng khắp nơi, từ Argentina tại World Cup, đến Barcelona, Sevilla, rồi Napoli… Nhưng cũng như Lawrence Taylor, anh chàng có đôi chân ảo thuật này còn say mê “nàng tiên nâu”, đưa đến bị treo giò cả mùa banh 1991. Sau khi Maradona giải nghệ, rắc rối vẫn chưa hết. Năm 2009, thẩm quyền thuế của Ý ra phán quyết anh còn thiếu nợ $26 triệu tiền thuế chưa trả, gồm cả tiền phạt và tiền lời. Maradona chỉ trả một số tượng trưng, nên đến khi nhận lèo lái con thuyền đội banh quốc gia Argentina, phần lớn tiền lương của ông HLV Maradona bị xén bớt để trả nợ thuế cũ.
Ngay cả tiền lương thời làm HLV trưởng đội banh quốc gia Argentina, Maradona cũng không được hưởng trọn.
Marion Jones
Đấu thủ điền kinh – để mất $7 triệu mỗi năm
Danh tiếng Jones bắt đầu vang lừng tại Thế Vận Hội Mùa Hè tại Úc năm 2000. Jones từng đoạt 3 huy chương vàng Olympic, được mệnh danh là tay đua nữ chạy nhanh nhất hành tinh. Các cuộc thi chạy có cô góp mặt, nhà tổ chức phải trả thù lao lên đến $80,000, chưa kể $1 triệu tài trợ quảng cáo. Nhưng rồi Jones bắt đầu mắc hàng loạt sai phạm: dùng chất kích thích, ký ngân phiếu khống, giả mạo ngân phiếu, nói dối sở thuế IRS, rửa tiền, v.v… Chẳng những thân bại danh liệt, bị tước hết huy chương Olympic, phải khai phá sản, bán căn nhà $2.5 triệu và cả nhà cho bà mẹ ở, mà chính Jones còn phải ngồi tù 6 tháng, sau đó thêm nhiều năm thử thách.
Johnny Unitas
Cầu thủ banh bầu dục NFL – để mất $4 triệu
Vào thời Unitas chơi banh (thập niên 1950 đến đầu 1970), lương cầu thủ NFL chưa cao như bây giờ, nhưng so với bạn cùng trang lứa, thu nhập của ông cũng khiêm tốn, chỉ $7,000 mỗi năm, đến lúc cao nhất là $425,000 / năm. Nhưng Unitas tài năng hơn người, được mệnh danh là “The Golden Arm” (tạm dịch “cánh tay vàng”) và nắm giữ nhiều kỷ lục NFL khó bề bị phá vỡ. Nhưng khi bước vào trận đấu trên thương trường, Unitas đi từ thất bại này đến thất bại khác, phải khai phá sản năm 1991. Khi ông mất một thập niên sau, vẫn còn nhiều tranh tụng, thưa kiện hài tên Johnny Unitas là bị cáo đang chờ tòa phân xử.
Tượng Johnny Unitas tại Đại Học University of Louisville (tiểu bang Kentucky).
TTD