Menu Close

Bắp cải

Gia đình bắp cải, một nhóm cây rau rất quen thuộc và phổ thông đối với các bà nội trợ Việt Nam. Từ luộc, nấu canh, xào rồi làm gỏi hoặc ăn sống. Nhưng có lẽ ít ai biết được sự liên hệ mật thiết giữa bắp cải với các cây rau khác như Bông cải, Broccoli, Xu hào, và cũng ít ai ngờ được rằng các loại cây vừa kể chỉ lại là một giống mà thôi. Bắp cải là một cây đặc biệt khi xét về phương diện biến dạng. Bắp cải tùy theo phương pháp trồng đã biến đổi cả dạng lẫn vị để thành nào là Broccoli, Brussel sprout, Bông cải (Cauliflower), Cải Xanh (Collard, Kale..), Cải Bẹ trắng (Chinese cabbage), Xu hào (kohlabi).

alt

Gia Đình Bắp Cải: Broccoli, Bông Cải, Xu Hào, Lá Cải Xanh – Với những đặc điểm lạ lùng về các đặc tính thực vật.

ĐẶC TÍNH THỰC VẬT

– Bắp cải với “đầu bắp” (Common Cabbage): trồng trong mục đích có được nhiều lá hơn, tạo ra những “Đầu Bắp”, trong khi đó lõi càng thu hẹp càng tốt.

– Bắp cải trồng lấy lá xanh: Khi áp dụng kỹ thuật ngăn chặn sự tạo “Đầu Bắp”, các nhà thực vật đã tạo được cây Bắp cải phân nhánh gọi chung là Kale (Borecole).

– Bắp cải trồng lấy cọng hoa làm phần chính: Với kỹ thuật biến đổi các cọng hoa (Flower Sterm) đã được thúc cho mọc lớn ra, tạo thành những khối “thịt” mềm, trong khi đó Hoa trở thành còi và không sinh sản nữa. Đây là nhóm Broccoli và Bông cải (Cauliflower). Broccoli và Bông cải có vẻ ngoài tương đối giống nhau. Broccoli thường có nhiều lá. Ngọn Bông và Lá cứng hơn và nhỏ hơn lá Bông cải.

– Bắp cải trồng để lấy củ: Với nhóm này, kỹ thuật trồng trọt nhằm vào việc biến đổi thân cọng thành một khối phình như củ và tạo ra các cây Xu Hào Kohl-rabi và Turnip-rooted cabbage.

Khi chọn Bắp cải nên chọn những bắp có độ lớn vừa phải, chắc tay, lá còn tươi. Bắp cải cần xử dụng ngay sau khi thu hoạch vì để lâu lượng Vitamin C sẽ giảm thiểu. Bắp cải, Broccoli, Bông cải (Cauliflower): khi luộc nên nấu nhỏ lửa, đồng thời không nên nấu chín hẳn vì Broccoli còn xanh sẽ giữ được chất Chlorophyl để làm giảm được sự tạo hơi của Sulfur trong bao tử.

DƯỢC TÍNH CỦA GIA ĐÌNH BẮP CẢI

Bắp cải có khả năng chống lại sự tác hại của tia phóng sạ. Nên thêm Bắp cải vào thực đơn để giúp cơ thể thêm khả năng chống đỡ.

– Khả Năng chống Ung thư Ruột Già

Các hợp chất Sulfur (như Braaicin, Dithiolthiones) và Histidin có trong gia đình Bắp cải ngăn cản được sự phát triển của khối ung thư, nhất là ung thư nơi ruột già. Nước cốt ép từ Bắp cải có thể diệt được các tế bào ở vào trạng thái tiền ung thư, nên nhờ đó ngăn chặn được sự phát triển của ung thư.

– Tác dụng nhuận trường của Bắp cải

Bắp cải giúp gia tăng nhu động của ruột già tạo ra tác dụng nhuận trường. Muốn giúp cơ thể tiêu hóa điều hòa, nên dùng mỗi tuần hai lần, mỗi lần khoảng chừng 150g bắp cải thái nhỏ kiểu làm gỏi sống hoặc nấu chín cũng được.
Một phương thức đơn giản để dùng Bắp cải trị bệnh bao tử là:

– Nên dùng các lá Bắp cải tươi, còn màu xanh, dùng Bắp cải thu hoạch trong mùa Xuân và mùa Hè. Bắp cải mùa Thu kém hơn và Bắp cải mùa Đông không hữu hiệu.

– Dùng máy xay để xay lấy nước cốt (khoảng 4 hay 5 pounds Bắp cải sẽ cho 1 Quart nước cốt.

– Để dễ uống, nên trộn 75% nước ép Bắp cải với 25% nước ép Cần tây. Có thể thêm nước Cà Chua, nước Dứa để có vị ngon hơn.

– Uống mỗi ngày 1 quart và liên tục trong 3 tuần lễ sẽ thấy hiệu nghiệm.

– Bắp Cải và bệnh Tiểu Đường

Do ở khả năng cung cấp Calories thấp nên Bắp Cải rất thích hợp với những người mang bệnh tiểu đường. Hơn nữa Bắp cải có khả năng làm giảm lượng Cholesterol xấu (LDL) trong máu nên cũng rất tốt cho những bệnh nhân tiểu đường có thêm tình trạng không tốt về tim mạch. Bắp cải được hội Tiểu Đường Quốc gia Hoa Kỳ khuyên các bệnh nhân nên xử dụng.

DS Trần Việt Hưng