Tôi đến Hồng Kông – hòn đảo ở giữa biển, nằm dọc theo muôn lọn sóng nhấp nhô trước gió, miên man bơi sải quanh biển trời. Khi máy bay chuẩn bị đáp xuống phi đạo, người ta tưởng chừng thủy triều, cung trời, tầng mây cùng vẫy tay chào quý khách, cùng tươi cười với cuộc đời chung quanh. Phi trường Hồng Kông nằm trên đảo Lantau, sát bờ biển phía nam của Trung Quốc, giống hệt hình ảnh nàng công chúa xinh đẹp thuở xưa, uyển chuyển nhịp nhàng, nhẹ bàn tay quay tròn nan quạt, múa khúc nghê thường, hát tình ca tặng khách nhàn du ghé thăm nơi được mệnh danh là Hương Cảng. Theo đường đèo nhấp nhô uốn lượn như đi lên muôn trùng hải giác thiên nhai, xe tắc xi đưa tôi và đoàn người du lịch tiến vào lãnh địa của Lantau. Thật vô cùng thán phục tài trí và cảm ơn người bản xứ đã, đang, và vẫn còn tận tâm mở mang đường sá vòng quanh núi đá, để du khách hiểu được thế nào là lên cao trông thức mây lồng [1], khi đi qua đỉnh núi sương lam khói tỏa, tận hưởng cảm giác bộ lạc ta xưa hưởng thái bình, trong khung cảnh tịch liêu của cánh rừng nguyên sơ. Và Lantau, MuiVo – với chân trời vô biên xanh màu đại dương, với bến phà ngày từng ngày chăm chỉ cần mẫn đưa khách sang Koon Loon, Hong Kong Central, hay những hòn đảo lân cận; và những cư dân địa phương có tấm lòng hiền lành như bồ tát, thực sự chiếm trọn vẹn cảm tình của du khách. Giữa sông dài biển rộng mênh mông, giữa khung trời đầy mây trắng cao xa, từng mái ngói ẩn hiện giữa tàn cây lá xanh um, giữa những khối đá rêu mờ phủ bóng thời gian, khiến lòng của lữ khách chơi vơi, không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà. [*]
Mặc kệ thế thái nhân tình điên đảo, mặc kệ cõi đời tranh giành hơn thiệt, cụ bà da mồi tóc bạc tuổi ngót bảy mươi ngồi bên khoang thuyền độc mộc, bày bán từng vỏ sò vỏ ốc ngộ nghĩnh cho du khách, bình thản đếm chuỗi ngày còn lại trong đời. Thật rất hồn nhiên bé gái tuổi độ lên mười lên tám, hàng ngày sau giờ đi học, dùng đôi bàn tay mảnh mai chỉ cầm vừa cây bút, phụ mẹ đẩy xe hàng đầy ắp rau quả từ bến sông về cuối bãi – nơi có ngõ hẹp dẫn vào nhà. Không hề mặc cả hơn thua, cuộc sống bình yên trôi chảy trên phận đời sẽ qua của những người cao niên, đang đứng trước buổi hoàng hôn của tuổi thọ. Thật rất êm đềm bình thản, những em học sinh ngây thơ hồn nhiên mặc đồng phục nhà trường, nói chuyện âm thanh nghe như chim hót ríu rít, nhẹ nhàng bước đi trên con đường lát gạch, hàng ngày qua cầu đến trường học để mở mang kiến thức, chờ đón vận hội mới để xây dựng tương lai.
Hiện diện như một điều mặc nhiên nhưng không thể thiếu, đó là sóng biển mây trời – những hình ảnh rất gần gũi trong sinh hoạt đời thường của người bản xứ. Đọi cát đượm nắng vàng, bờ đá ánh sắc nâu, nước vỗ bờ lăn tăn gợn sóng…Tất cả những cảnh trí này cùng hòa nhập trong vòng quay nhịp nhàng của trái đất, tạo thành sự gắn bó đầy nghĩa tình giữa thiên nhiên và nhân loại. Qua biết bao chính kiến, lịch sử mải miết thay da đổi thịt chuyển mình, biết bao hệ lụy đã và đang còn in hằn dấu vết trên xứ thơm Hương Cảng. Thoáng nhìn tưởng như những điều này không có ảnh hưởng gì, đối với cảnh vật và người Hồng Kông. Thực ra khuôn mặt cương nghị, ánh mắt thẳm sâu, nụ cười thầm lặng của họ, cũng như triều dâng con nước vờn mây bạc, cho du khách cảm nhận những điều trông thấy mà đau đớn lòng nhiều hơn nghe được bất cứ một lời than vãn nào.
Dù sao mặc lòng, khu trung tâm thương mại sầm uất, đỉnh tháp vờn mây cao vút của những tòa nhà chọc trời hiện đại, đường phố sạch đẹp đông người qua lại, cư dân lịch sự hiếu khách, bóng thuyền nhẹ trôi trên sóng nước… Ngần ấy hình ảnh là biểu tượng rất riêng, khiến Hồng Kông trở thành một địa danh du lịch làm vui lòng người từng ghé thăm xứ cảng thơm, làm say lòng khách ở phương xa. Hồi tưởng lại thời gian gần một tháng đi chơi ở Hồng Kông, Koon Loon, dạo quanh bãi biển Lantau, trở về Tau O, đi lên Ngong Ping… Dọc đường gió bụi nhưng tôi không thấy mệt. Phong cảnh hữu tình ảo hiện trong khói sương mờ, hòa quyện với khói nhang trầm thơm ngát, khiến tôi ngỡ mình đang trên đường tìm về cửa động, đầu non, đường lối cũ, bên giòng Hoàng Hà huyền thoại.
2:30am Thứ Bảy ngày 12 tháng 10 năm 2014
[*] Thơ Huy Cận
[1] Thơ Đoàn Thị Điểm