Paulo Coelho, nhà văn Ba-Tây, sinh năm 1947 tại Rio de Janeiro. Trước khi trao trọn vẹn cuộc sống cho văn chương, ông đã làm việc như một nhà đạo diễn kịch nghệ kiêm diễn viên, một người viết ca từ và một phóng viên báo chí. Coelho đã viết ca từ cho nhiều nhạc sĩ lừng danh ở Ba-Tây, như Elis Regina và Rita Lee. Tuy nhiên những tác phẩm nổi tiếng nhất lại là những ca khúc ông viết chung với Raul Seixas. Trong số hơn 60 bài cùng sáng tác, những bài nổi bật nhất của họ là Eu nasci há dez mil anos atrás [Tôi sinh ra cách đây mười ngàn năm], Gita và Al Capone.
Ông bắt đầu yêu thích những tra vấn tâm linh từ những năm ông còn là một lãng tử hippie và liên tục du hành qua nhiều nước trên thế giới để tìm hiểu về các tôn giáo Đông phương cũng như những hiện tượng và lễ nghi huyền bí. Kinh nghiệm này đã để lại dấu ấn sâu sắc trong các tác phẩm văn chương của ông.

Paulo Coelho
Đến nay, Paulo Coelho đã xuất bản gần hai chục cuốn sách, nổi tiếng nhất là cuốn O Alquimista [Nhà giả kim] với số bán hơn 47 triệu bản và được dịch ra 56 ngôn ngữ. Tính chung số bán của tất cả các tác phẩm của ông là hơn 100 triệu bản, và điều này chứng tỏ tầm ảnh hưởng của ông đến độc giả trên toàn cầu.
Vua Weng, một người sáng suốt, yêu cầu đi thăm nhà giam trong cung điện. Rồi ông bắt đầu lắng nghe những lời kêu ca của những tù nhân.
“Tôi vô tội”, một người bị buộc tội giết người nói. “Tôi vô đây chỉ vì tôi muốn làm cho vợ tôi sợ, nhưng rủi ro thay tôi lại giết bà ấy.”
“Tôi bị buộc tội hối lộ,” một người khác nói, “tất cả chỉ là vì tôi nhận một món quà.”
Tất cả những tù nhân trình bày điều vô tội của họ cho vua Weng, cho đến khi một người trong số họ, một thanh niên chỉ khoảng hai mươi tuổi, nói: “Tôi là người có tội. Tôi làm cho em tôi bị thương trong một lần đánh nhau và tôi xứng đáng để bị trừng phạt. Nơi đây đã giúp tôi suy gẫm về sự đau khổ mà tôi đã gây ra.”
“Hãy đưa tên tội phạm này ra khỏi nhà giam ngay lập tức!” vua Weng thét lên. “Kết cục thì nó sẽ làm hư hỏng tất cả những người vô tội này thôi.”
Tôi đi dạo trong những khu vườn của một bệnh viện tâm thần thì gặp một thanh niên đang đọc một cuốn sách triết học.
Cách cư xử và sức khoẻ tốt hiển hiện của anh ta làm cho anh nổi bật trong số các bạn khác trong bệnh viện. Tôi ngồi xuống cạnh anh, rồi hỏi:
“Anh đang làm gì ở đây?”
Anh ta nhìn tôi, ngạc nhiên. Nhưng khi biết rằng tôi không phải là một trong những người bác sĩ, anh ta trả lời:
“Rất là đơn giản. Cha tôi, một nhà luật sư lỗi lạc, muốn tôi được như ông. Chú tôi, người chủ của một cửa tiệm, hy vọng tôi sẽ kế tục tấm gương của ông ấy. Mẹ tôi muốn tôi là hình ảnh của người cha yêu dấu của bà. Chị tôi luôn đặt chồng chị ấy trước tôi như một tấm gương của một người thành công. Anh tôi cố gắng huấn luyện tôi thành một lực sĩ đẹp như anh ấy.
Và những điều tương tự đã xảy ra tại trường, với thầy giáo dương cầm và thầy giáo Anh Văn – họ đều thuyết phục và kiên quyết rằng họ là những tấm gương tốt nhất để tôi có thể noi theo. Không ai trong số họ nhìn tôi như một con người nên nhìn vào một con người, mà cứ như là họ nhìn vào một tấm gương soi mặt. Vì vậy tôi quyết định vào dưỡng trí viện. Ít nhất nơi đây tôi có thể là chính tôi”.

Insula Dulcamara – 1938 – họa sĩ Paul Klee