Menu Close

Nhật ký Bá Linh – Kỳ 2

Một thiếu phụ trẻ sinh sống ở Bá Linh đã viết nhật ký, từ 20 tháng 4-1945 – khi Hồng quân Sô Viết áp sát cửa thủ đô – đến 22 tháng 6-1945, khi thành phố hoàn toàn bị chiếm đóng. Tác giả đã muốn ẩn danh, dịp xuất bản sách đầu tiên vào năm 1954 và ngay cả sau đó. Đọc lời chứng của tác giả, chúng ta hiểu vì sao.

Bằng lối văn khách quan gần như lạnh lùng, hoặc châm biếm, luôn rõ ràng, đôi khi xót xa, đôi khi hài hước, tác giả ghi lại đời sống hằng ngày trong một chung cư hầu như đổ nát, mà cư dân là những phụ nữ đủ hạng tuổi, cùng những người đàn ông ẩn trốn: Đời sống khốn nạn, trong sợ hãi, lạnh giá, bẩn thỉu và đói ăn, bằm xé bằng pháo kích trước tiên rồi tiếp đến bằng chính sách cai quản tàn bạo. Cộng thêm hãm hiếp, tủi nhục và sự kinh hãi thường nhật.

Chính tính trung thực không son phấn và không úp mở làm nên giá trị của câu chuyện kể khủng khiếp này, vừa là sự tỉnh táo của một cách nhìn phóng chiếu vào một thủ đô Bá Linh chết điếng sau thảm bại. Ngòi bút của tác giả đã hoàn trả tuyệt diệu sự pha trộn giữa phẩm cách với thái độ vô liêm sĩ của con người, trong tính hoạt kê, và có lẽ, cũng chính ngòi bút này đã giúp tác giả sống sót.

[Giới thiệu của Nxb Gallimard ]

Thứ Bảy 21 tháng 4-1945,
2 giờ sáng

Bom. Những quả bom làm những bức tường rung chuyển. Chúng lắc lư. Các ngón tay tôi nắm bút hãy còn run. Tôi nhễ nhại mồ hôi, giống như sau một lao dịch cực nhọc. Trước đó, trong hầm nhà, tôi ăn những lát bánh mì dầy. Kể từ ngày mà tôi bị dội bom, và kể từ lúc tôi phải giúp lôi những xác chết bị chôn vùi, kể từ trong đêm ấy, tôi cưỡng chống nỗi kinh hoàng gặp thần chết. Luôn luôn cùng những triệu chứng. Ban đầu là mồ hôi đẫm trán, túa ra từ chân tóc, những mũi lao phóng thẳng vào tủy sống lưng tựa như cột sống bị đục khoét, đau nhức cần cổ, rồi miệng khô khốc, và nhịp tim đứng dừng. Mắt nhìn trừng chân ghế trước mặt, như để in vào trong trí dáng vẻ của kiểu ghế với dải đệm bọc vải. Có thể cầu nguyện ngay lúc ấy. Trí não bấu víu vào các công thức, vào những mảng rách của mặt chữ: ‘‘Nỗi đau cao vời, đi trước thế gian không là gì hết, đừng sợ hãi…’’ …‘‘Geh an der Welt vorüber, es ist nichts, Keines fällt aus dieser Welt, Noli timere…’’ … cho đến khi các lượn sóng phóng pháo cơ rút đi.

Thiên hạ rũ ra cười, huyên thuyên như theo lệnh. Tất cả cười toát, la to hơn kẻ ngồi bên, những từ khôi hài loang ra. Cô Behn xuất hiện với nhật trình trên tay, đọc cho chúng tôi nghe diễn văn của Bộ trưởng Goebbels nhân dịp sinh nhật Quốc trưởng (vào một ngày nào đó mà đa số chúng tôi không còn nhớ ngày tháng). Behn xướng ngôn thật đặc biệt, nhấn mạnh từng chữ và bằng một giọng tinh ma, giả tạo, một giọng đọc mà chúng tôi chưa hề nghe, chưa vang lên dưới hầm này. ‘‘Ruộng lúa mạch vàng cho nhân dân lao động trong thanh bình…’’. Tầm phào! Một cư dân Bá Linh kêu lên. ‘‘Tương lai sẽ tuyệt vời!’’. Giọng thanh quản không còn ai nghe nữa.

Ba giờ sáng, hầm trú ẩn ngủ gục. Nhiều lần, dân phòng thông báo chấm dứt báo động, nhưng ngay sau đó, còi hụ vang rân trở lại. Bom không rơi. Tôi ghi nhật ký, ít nhất chữ viết giúp tôi khuây khỏa. Gerd có thể đọc tất cả nếu anh trở về một ngày nào đó, nếu không bao giờ anh… Không, nên gạch những hàng này, đừng nên khiêu khích định mệnh.

Một thiếu nữ giống một anh thanh niên lân la đến tận chỗ tôi ngồi. Cô hỏi chị viết gì. Tôi: ‘‘Không gì quan trọng, những câu chuyện mà tôi chép nguệch ngoạc, giúp bận tâm trí.’’

Sau đợt oanh kích thứ nhất, ‘‘Siegismund’’, ‘‘Miệng chiến thắng’’ nhào đến. Lão hàng xóm mà oanh tạc cơ bứng ra khỏi hầm, mang biệt hiệu chế riễu vì không ngừng nói đến Sieg, Chiến thắng. Sieg-ismund tin thật sự là chúng tôi sắp được phá vây và chiến thắng đã gần kề, và ‘‘Người’’ rất sáng suốt (Người là biệt danh cuối cùng chúng tôi tìm ra cho A.H). Trong lúc Sieg-ismund hùng hồn, những người ngồi gần ném cho nhau những ánh mắt đầy hàm ý. Không ai đánh liều phản đối. Cãi làm gì với một kẻ điên? Chưa kể bọn điên khùng thường nguy hiểm. Duy nhất vợ lão quản gia tán thành nhiệt tình và tiên đoán qua răng nanh, quả quyết chúng tôi có thể phó thác số mệnh vào tay ‘‘Người’’ như đã chấp nhận gửi trao cho thượng đế.   

Giấc 9 giờ sáng, trên gác lửng. (Kể từ đây về sau, tôi chỉ có thể ước tính giờ giấc trôi qua trước mũi mình, phỏng chừng vì mất phương tiện báo giờ, tôi đành sống tách rời với thời gian.) Buổi sáng xám, mưa vỗ mạnh. Tôi viết nhật ký trên bờ rìa cửa sổ. Đã trở thành chỗ hát thánh ca quen thuộc. Sau giấc ba giờ, chấm dứt báo động. Tôi cởi bỏ áo đầm và giày tất rồi lăn mình như cổ thụ xuống mặt giường, luôn đợi sẵn thường trực. Giấc ngủ sâu năm giờ liền. Ga thành phố vừa cúp.

Tôi mới vừa đếm tiền mặt của mình, 452 marks, tôi hoàn toàn không biết làm gì với số tiền này, vì để mua vài món hàng khan hiếm còn cho phép, vài pfennigs cũng đủ. Tôi cũng còn một trương mục ngân hàng còn khoảng nghìn marks chưa tiêu, vì không còn gì để tiêu pha. (Khi tôi mở tài khoản, năm chiến tranh bùng phát, tôi đã nghĩ sẽ tiết kiệm cho đến ngày hòa bình tái lập để có thể du hành thế giới. Đã xa, thật xa những ước vọng này.) Thời buổi này, thiên hạ đổ xô đến các ngân hàng, nếu còn mở cửa, để rút hết tiền mặt. Nhưng để làm gì? Khi nhân loại trương buồm, đồng bạc Đức sẽ chìm xuống đại dương. Bạc mặt, tức là tiền giấy, chỉ là một ảo ảnh, sẽ không còn giá trị gì nữa một khi ngân hàng quốc gia trung ương phá sản. Tôi đếm xấp bạc với sự dửng dưng. Tôi cảm giác chúng sẽ chỉ còn giá trị của kỷ niệm. Những hình ảnh đẹp nhỏ nhắn của một thời đại đã khuất. Tôi giả định kẻ chiến thắng sẽ mang tiền của họ đến và chúng tôi sẽ phải tiêu dùng bằng tiền này, hay người ta sẽ đúc tiền quân quản… nếu kẻ chiến thắng cho phép chúng tôi sống đến đó mà không bắt lao động khổ sai đánh đổi một muỗng súp.

Trưa. Mưa dai dẳng. Tôi đi bộ suốt dọc đường Công Viên (Parkstrasse) để lãnh thêm một xấp tiền gộp thêm vào mớ ‘‘tiền giấy-hình ảnh’’ của mình. Người thụ lý trả cho tôi kỳ lương cuối cùng trước khi thông báo cho ‘‘nghỉ-phép’’. Nguyên nhà xuất bản nơi tôi làm việc đã bay biến. Cả văn phòng tìm việc cũng bốc hơi, chẳng còn ai thuê mướn lao động; cách nào đó, chúng tôi trở thành chủ thuê của chính mình.

Chế độ quan liêu công sở hòa tan vào mưa nắng. Ít nhất, hành chánh bốc hơi ngay khi mưa miểng pháo. (Tuy vậy, tất cả khá yên tĩnh trong khoảnh khắc này. Yên tĩnh đến đáng sợ.) Không còn một ai ra lệnh cho dân chúng. Sự trống vắng này không ngăn trật tự vãn hồi trong các tầng hầm. Khi tôi bị dội bom, tôi đã kiểm tra thấy: ngay cả các nạn nhân sống sót từ những đống gạch vụn, những kẻ bị thương hay những kẻ thất lạc, đều rời khỏi sân khấu của ghê rợn theo thứ tự. Dưới hầm chung cư cũng vậy, chính những kẻ ưa ra lệnh và ưa điều phối tiếp tục nắm quyền. Thuộc về bản chất nhân loại. Không nghi ngờ, nhân loại vận hành cách này từ thời đồ đá. Bản năng bầy đàn, bản năng bảo toàn chủng loài. Ở súc vật, dường như luôn luôn là con trống, đám bò mộng, hay giống đực thống trị. Dưới hầm này ngược lại, ngựa cái át trội bầy đàn. Cô Behn là một; bà Hambourg thấp bé là hai. Với tôi, không phải cách của mình, trong căn hầm trước đây cũng không khác, cho dù trong hầm trú pháo cũ ngự trị một con trâu mộng hét vang tiếng sấm rền, dưới dạng một thiếu tá hồi hưu mà không một phụ nữ hay một đàn ông nào dám đến gần. Tôi đã luôn chán ghét phải ẩn náu trong một căn hầm giữa bầy thú, tôi luôn luôn thu mình tự cô lập, tìm một góc riêng qua đêm. Nhưng ngay khi con thú đầu đàn quát tháo, tôi tuân lệnh và đi theo.

Trên đường phố, tôi chạy theo xe điện. Tôi không thể lên vì không có thẻ hạng III. Mặc dù toa tàu gần như trống. Tôi đếm tám hành khách trong khoang, trong lúc hàng trăm người chạy theo bên hông tàu dưới trận mưa nặng hạt; tàu vẫn phải chạy về bến sao không lấy thêm khách? Không, vì là một nguyên tắc. Đã ăn sâu vào não dân Đức và dân Đức tuân thủ.

[…]

Dưới cơn mưa, hàng chuyến xe bò tiến chậm chạp bằng vận tốc đi bộ vào thành phố. Chúng phủ bạt ướt như súp đặc, chất đầy lính. Lần đầu tiên tôi trông thấy những người lính dính phân, râu xám, ‘‘lông lá’’, tất cả toàn già cỗi. Xe thổ mộ chứa cỏ khô: không còn gì giống với chiến tranh thần tốc cơ khí.

Trên đường về, tôi bước chân vào ngôi vườn bỏ hoang của giáo sư K.; phía sau ngôi nhà cháy rụi, tôi hái vài bó hoa nghệ và cắt vài nhánh tử đinh hương. Tôi mang một ôm đến tặng bà Golz, hàng xóm nhà cũ. Chúng tôi ngồi đối diện nhau trước mặt bàn bằng đồng và trò chuyện vu vơ. Hay đúng hơn, chúng tôi gào to để át tiếng pháo gầm. Giọng bà Golz gẫy bể: ‘‘Hoa đẹp làm sao, lộng lẫy quá… ’’, rồi nước mắt bà tuôn đầm đìa khuôn mặt. Tôi cũng cảm thấy thật tàn độc đau đớn. Bây giờ, ngay cả vẻ đẹp của thiên nhiên cũng làm đau đớn. Vì thần chết choáng ngập chúng tôi.

Sáng nay, tôi đã tự hỏi tôi đã trông thấy bao nhiêu xác chết? Xác đầu tiên là ông Schermann. Tôi chỉ vừa lên năm, ông đã bảy mươi. Vôi sống rắc lên lụa trắng, đèn cầy thắp phía đầu nâng cao và tĩnh tại. Một cái chết uy nghi và tôn nghiêm. Cho đến năm 1928, Hilde và Käte cho tôi xem xác anh trai Hans, chết hôm trước. Xác anh nằm trên đi-văn giống một mớ nùi giẻ, một mẩu vải xanh buộc quanh đầu giữ chặt cằm, hai đầu gối anh co quặp – một đống thịt thừa, không gì khác. Về sau, tôi chứng kiến xác của thân nhân, những đầu móng tay xanh bầm giữa những vòng hoa cườm và các bó hồng. Rồi, ở Ba Lê, một người đàn ông bị xe đụng nằm giữa vũng máu. Và một xác nữa đông đặc trên sông Moskova…

Vâng, những xác người, nhưng tôi chưa trông thấy ai chết. Một kinh nghiệm mà có lẽ không bao lâu nữa tôi phải trải qua. Nhưng liệu thần chết có đến bắt mình không? Tôi không tin lắm. Tôi đã thoáng gặp thần chết nhiều lần đến mức tôi linh cảm được ân xá. Có lẽ cũng là niềm tin của nhiều người. Nếu không làm sao giải thích sự hăng say dai dẳng ở giữa vòng vây tử thần? Điều chắc chắn, thần chết không giết được chúng tôi làm cho chúng tôi mạnh mẽ hơn. Tôi, tôi cháy bỏng cuồng nhiệt thêm với ngọn lửa dữ dội hơn trước chiến tranh. Cuộc chiến của những thảm bom. Mỗi một ngày mới, còn sống, với chúng tôi là một ngày chiến thắng. Chúng tôi đã sống sót thêm ngày này nữa. Chúng tôi đối đầu. Giống như chúng tôi đứng thẳng hơn, vững chãi hơn trên đôi chân mình. Ngày đầu tiên khi chịu sức ép của chuỗi bom, tôi đã lấy bút chì và viết lên tường những dòng chữ La-tinh hiện ra trong đầu:

Si fractus illabatur orbis,
Impavidum ferient ruinae.

Vòm trời sẽ sập và những mảnh vụn sót lại
đập vào con người không làm hắn ngạc nhiên.

Thời ấy, còn có thể gửi thư ra ngoại quốc. Một trong những bức thư, viết cho những người bạn D. ở Stockhom, tôi đã dẫn những lời thơ này của Horace như để khoe sức mạnh của mình, và tôi đã nhắc đến sức sống mãnh liệt của sự tồn sinh của chính chúng tôi đang bị đe dọa, với một giọng văn nhẹ nhàng phủ trắc ẩn, giống như, đạt đến tuổi trưởng thành và đã bước hẳn vào đời sống, tôi khuyên nhủ những đứa trẻ nhỏ vô tội nên biết gượng nhẹ.

[…]

alt

Poster phim “A Woman In Berlin”

Marta Hillers
Trần Vũ
lược dịch