Một mùa đông đầu thế kỷ. Tôi đến University of Virginia để giúp huấn luyện khóa lãnh đạo cho sinh viên đại học người Mỹ gốc Á tại miền Đông Hoa Kỳ. Đại hội quy tụ những sinh viên ‘crème de la crème’ đang giữ vai trò lãnh đạo cho các hội sinh viên tại các nơi họ đang theo học. Trong buổi hướng dẫn có tính cách đối thoại, tôi đưa ra vấn đề tranh đấu của các sắc dân Mỹ gốc Á, và gợi ý cho các khóa sinh động não về quan hệ đa sắc tộc trong những phong trào đấu tranh dân quyền và nhân quyền. Từ cấp vi mô là mức độ cá nhân đến vĩ mô là toàn xã hội, chúng ta trước hết phải đấu tranh cho từng cộng đồng sắc tộc của mình, nhưng đồng thời, cũng cần hội lực với các cộng đồng bạn cho một mục đích chung. Và như vậy, chúng ta cũng cần đón nhận sự hỗ trợ từ các cộng đồng dị tộc.

Cô Miranda (giữa) thổi sáo những làn điệu nhạc Việt rất điêu luyện
Các khóa sinh, đa phần là sinh viên đại học năm nhất, khẳng khái trả lời, “Không, nếu một người muốn đấu tranh cho các vấn đề Á Mỹ, họ phải là người gốc Á. ¾, ¼, không thành vấn đề! Miễn là phải có dòng máu Á.”
Đáp tự của tôi rất đơn giản: vậy còn Malcolm X thì sao? Anh đã sát cánh với phong trào
đấu tranh cho quyền bình đẳng Á Mỹ vào thập niên 60 và 70. Dĩ nhiên, rất nhiều sinh viên coi anh như một biểu tượng của tinh thần dấn thân trẻ. “Nhưng anh ấy vẫn là người da đen, không phải da vàng!”
Cả căn phòng gần năm mươi người im bặt khi tôi nói, “Malcolm X là người Mỹ gốc Phi Luật Tân.” Mẹ của anh đã cho anh một nửa dòng máu Á. Thế nhưng, nhiều người vẫn coi anh như một người Mỹ da đen.
Sau cái thinh lặng ngỡ ngàng, những thắc mắc và lý giải mới bộc phát. Tôi để cho cử tọa theo đuổi chính suy nghĩ của họ, và trao đổi với nhau. Họ là những người lãnh đạo cho thế hệ của họ. Họ cần suy nghĩ cho chính họ.
Trong một lần gặp gỡ riêng với nhóm văn hữu tại San Jose vài năm trước trong thời gian tôi đang theo học tại Stanford, tôi có dịp trao đổi với một thiếu nữ đang tham gia các sinh hoạt nghiên cứu Việt Học. Chúng tôi có nói với nhau về văn chương Việt Nam. Điều tôi rất kinh ngạc là thái độ của chị về những tác phẩm được coi là ‘văn chương Việt.’ Một lần nữa, như những sinh viên kể trên, chị nhấn mạnh ‘yếu tố chính thống’ của máu mủ. Một tác phẩm muốn được coi là một phần của văn chương Việt Nam, thì tác giả phải là người Việt. Đơn giản như thế.
Tôi đặt vấn đề: vậy nếu những tác giả ngoại quốc đó viết về tâm tư người Việt thì sao? Về chính kinh nghiệm của người Việt, thì sao? Nếu họ yêu ca dao, và chuyển tải được tâm thức Việt Nam? Nếu cái ‘máu mủ’ trong văn chương của họ là Việt, thì tại sao tác phẩm của họ không được coi là một phần của văn đàn dân tộc?
Hơn nữa, tự bản chất việc dùng ngôn ngữ Việt đã đủ là một sự tham gia vào văn chương Việt rồi. Và ngay cả khi tác phẩm của họ thuộc vào thể loại dịch thuật nữa.
‘Không.’ Câu trả lời vẫn vậy. Tác giả phải có dòng máu Việt.
Vậy chúng ta thử xem điều gì trong ngôn ngữ có thể hóa giải cái hàng rào phân biệt chủng tộc mà một số cá nhân coi là bất khả xâm phạm?
Khi dành nhiều thời gian hơn để đầu tư trau dồi tiếng Pháp, tôi cảm thấy như mình đã rất đỗi thân quen với ngôn ngữ này, cho dù tôi biết. Những danh từ như bánh ‘bích quy,’ như ‘xích lô,’ như ‘búp-bê,’ như ‘bơ,’ đều rất ‘Việt.’ Thậm chí, tôi lớn lên với thế hệ bo-bo và không hề biết về nguồn gốc Pháp của chúng, tuy có nhiều phen, tôi thắc mắc tại sao lại gọi cái ván/phản là cái ‘đi-văn’? Nói cho cùng, thì không một ngôn ngữ nào là ‘thuần chủng’ cả, vì luôn có sự tương tác và trao đổi giữa những văn hóa khác nhau, nhất là trong thời đại toàn cầu hoá hôm nay. Phải chăng, một ngôn ngữ không chỉ nằm trong chủ quyền của dân tộc gốc của nó? Nó đi xa hơn và vượt ra ngoài cái lãnh thổ địa lý và di truyền mà chúng ta có thể chạm đến được.
Vì ngôn ngữ có những chiều kích trừu tượng, triết lý, và cảm tính mà không chỉ lý luận hoặc ‘sờ tận mắt, bắt tận tay’ hay bị trói buộc trong cái bức tường dòng tộc. Vậy, đâu là lằn ranh giữa ‘ngôn ngữ Mẹ đẻ’ và ‘ngôn ngữ tiếp nhận’? Nghĩa là, điều gì sẽ quyết định quyền pháp lý về ngôn ngữ của một cá nhân, và xa hơn, của một ngôn ngữ trong một hoàn cảnh nhất định?
Khi chúng ta nhìn vào ‘quốc tịch’ và các cơ chế di dân hiện nay, vấn đề hợp pháp quyết định tất cả. Thẻ xanh, căn cước, hay hộ chiếu, đều là những hình thức để ‘công nhận’ và ‘phân biệt’ tình trạng pháp lý của một con người. Trong ngôn ngữ và văn hóa, chúng ta có cần những ‘thẻ’ và ‘giấy tờ tùy thân’ ấy không, để thật sự được nhận chân là một thành viên của một văn hóa, một dân tộc, một cõi văn chương?
Trong một xã hội đa chủng như Hoa Kỳ, tại sao việc tham gia vào một cộng đồng văn hóa, đối với một số cá nhân, lại phải đặt trên chuyện máu mủ và các tế bào di truyền?
Có bắt buộc phải quy tất cả về chuyện máu mủ không? Phải chăng, cuối cùng, thì “Giọt máu đào” vẫn “mặn hơn ao nước lã”? Và trong bàn tiệc văn hóa của cộng đồng thế giới, người ta vẫn phải trình màu da để nhập cuộc?
Tôi e rằng không.

Lê Thị Diễm Thúy- một tác giả người Mỹ gốc Việt sáng tác bằng Anh ngữ