Menu Close

Trên Nẻo Đường Nắng Tới – Hồ Trường An

Hồ Trường An tên thật là Nguyễn Việt Quang, sinh năm 1938 tại Vĩnh Long, nhập ngũ năm 1967, khóa 26, Trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Đức, khi đang theo học năm thứ hai Đại Học Dược Khoa Sài Gòn. Ông từng là sĩ quan ban thông tin báo chí của Sư Đoàn 5 Bộ Binh, rồi sĩ quan thông tin báo chí Quân Đoàn III, và Quân Khu 3. Trong thời gian này Hồ Trường An vẫn cộng tác với nhiều tờ báo, như Tranh Thủ, Tiền Tuyến, Tiền Phong, Tin Sách, Bách Khoa, Tin Văn, Tiểu Thuyết Tuần San, Bút Hoa, Minh Tinh, Vấn Đề, Văn Học… Ra hải ngoại ông từng là tổng thư ký tòa soạn của các tập san Quê Mẹ ở Pháp, Làng Văn ở Canada, và cộng tác với nhiều tạp chí, như Bút Lửa, Lạc Hồng, Viên Giác, Hồn Nước… Hồ Trường An viết nhiều thể loại văn chương, ngoài bút danh Hồ Trường An ông còn ký nhiều bút danh khác như Đào Huy Đán, Đinh Xuân Thu, Đông Phương Bảo Ngọc, Hồ Bảo Ngọc, Người Sông Tiền, Nguyễn Thị Cỏ May, Đoàn Hồng Yến, Đặng Thị Thanh Nguyệt… Tính đến nay Hồ Trường An đã có 60 tác phẩm gồm truyện dài, tập truyện, ký sự, bút khảo, bút ký, và những tập thơ.

Tác phẩm “Trên Nẻo Đường Nắng Tới” của ông do nhà xuất bản Gió Văn phát hành năm 2013, là quyển sách nhận định văn học về các tác giả Nguyễn Ngọc Bích, Thụy Khuê, Đặng Phùng Quân, Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, Vĩnh Hảo, Hàn Song Tường, Võ Đình, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ. Theo lời nhà xuất bản, độc giả sẽ không thể “mơ màng trong hiện tại và trong giây phút hồi tưởng thuở xa xăm. Tác phẩm này chỉ rọi sáng một đoạn văn chương lẻ tẻ, một khoảng thời gian ngắn từ bình minh của Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa. Nó khô khan vì bút giả đeo đuổi theo văn giới từ ngưỡng cửa của hai nền Cộng Hòa trong quốc nội cho đến hơn nửa thế kỷ ở hải ngoại.” [Trang 5] Chính vì thế tác giả của “Trên Nẻo Đường Nắng Tới,” bị phê bình là đã chủ quan trong việc chọn lựa những quyển sách theo quan niệm riêng, mà không chú trọng đến nhận định của người đọc, cũng như không nghĩ đến giá trị đích thực của nghệ thuật. Là một cây bút lão luyện trên văn đàn, Hồ Trường An không xem thường độc giả, nhưng ông có chủ kiến khi lựa chọn một tác phẩm nào đó để nhận định, đồng thời trình bày những điều ông ưa thích và cảm thụ khi đọc văn chương của một tác giả nào đó.

“Những Nẻo Đường Nắng Tới” có tất cả 9 chương sách, được trình bày thứ tự như sau:

– Chương 1: Nguyễn Ngọc Bích với quyển hiệu đính “Hồ Xuân Hương Tác Phẩm.”

– Chương 2: Thụy Khuê với quyển bút khảo “Nhân Văn Giai Phẩm.”

– Chương 3: Đặng Phùng Quân với vấn đề “Tự Truyện,” “Nội Truyện,” & “Ngoại Truyện.”

– Chương 4: Dương Nghiễm Mậu với tập truyện “Cũng Đành.”

– Chương 5: Thanh Tâm Tuyền với tập truyện “Khuôn Mặt.”

– Chương 6: Vĩnh Hảo với truyện dài “Bụi Đường.”

– Chương 7: Hàn Song Tường với thi tập “Trong Nỗi Nhớ Một Ngày.”

– Chương 8: Võ Đình, Nguyễn Thị Hoàng & Nguyễn Thị Thụy Vũ và 4 truyện ngắn.

– Chương 9: Ẩn Dụ trong Văn Chương.

Viết một tác phẩm giới thiệu những tác giả lừng danh và với nội dung phong phú như vậy, Hồ Trường An hy vọng có thể giúp người đọc nhận biết một số “khái niệm về con đường sáng tác của các cây bút trong hai nền Cộng Hòa ở Miền Nam Việt Nam” [Trang 8] Cũng như ông hy vọng khi tuần tự giở từng trang sách “Trên Những Nẻo Đường Nắng Tới,” độc giả có thể tiếp xúc với những tâm trạng bí ẩn kỳ lạ của những con người có một cuộc đời không đơn giản. Chẳng hạn như ở Chương 1, bằng quyển hiệu đính “Hồ Xuân Hương Tác Phẩm” của học giả Nguyễn Ngọc Bích, tác giả mời gọi người đọc làm quen với những bài thơ nôm ngạo mạn, phóng túng, ngông cuồng, được lưu hành trong dân gian của Bà Chúa Thơ Nôm, đồng thời cũng nói về những bài thơ nôm trữ tình, đài các trong “Lưu Hương Ký” của nữ sĩ tài hoa này. Hay ở chương cuối   cùng,  Hồ Trường An nói về ẩn dụ trong tác phẩm văn chương của những nhà văn ngoại quốc, như Alphonse Daudet, Oscar Widle, Guillaume Apollinaire; những nhà thơ Việt Nam như  Vua Lê Thánh Tôn, Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân, Phan Văn Trị, Võ Phiến, Mai Thảo…v.v…

Hãy đọc “Những Nẻo Đường Nắng Tới” để cùng với Hồ Trường An nhận biết văn chương là con đường thiên lý. Trên con đường thiên lý này có bóng dáng của những hàng thành quách cũ, và có cả chân trời mới kết tụ trong từng câu từng chữ của văn nhân thi sĩ – những người có tài mang chính cuộc đời riêng thêu dệt thành tiếng lòng của cõi người ta.

alt

Hồ Trường An

HNP – 3:35am Chủ Nhật ngày 12 tháng 10 năm 2014