Theo thông lệ, hàng năm vào dịp tháng 10 thì tất cả các thành viên trong gia đình tôi tụ họp lại ở Dallas để làm đám giỗ mẹ tôi và cũng là dịp họp mặt gia đình luôn thể. Gia đình tôi khá đông, tất cả là 9 anh chị em, đều đã lớn, thậm chí sắp già, hiện nay 7 người đang sống ở Mỹ tại nhiều tiểu bang khác nhau, riêng tôi và một cậu em thì do điều kiện công việc mà đi đi về về giữa Mỹ và Sài Gòn, ba tôi cũng sống ở một tiểu bang khác. Mỗi năm tôi về Mỹ vào dịp này và sẽ ở lại chừng vài tháng để bớt chất phèn, cho nó văn minh ra với người ta, em gái tôi bảo vậy.
Năm nay, tôi vừa đến Dallas được 10 ngày thì cũng vừa lúc người ta phát hiện ra dịch Ebola ở đây. Theo các nguồn tin khả tín thì đã có hơn 4.000 người tử vong trong đợt bùng phát Ebola tệ hại nhất tập trung tại Tây Phi. Trong số hơn 400 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, có hơn 200 người đã tử vong, và nước Mỹ cũng không còn là nơi bất khả xâm phạm với chứng dịch này.
Người đầu tiên trên nước Mỹ bị nhiễm virus của căn bệnh ghê gớm này lại là cô Nina Phạm, một y tá gốc Việt. Tin vừa bùng ra làm mọi người trong nhà tôi hoang mang, nhất là khi các gia đình chúng tôi sống không xa cái bệnh viện Texas Health Presbyterian, nơi mà bệnh nhân Ebola đầu tiên, ông Thomas Duncan, đã qua đời trên nước Mỹ, và đến lúc này có 2 y tá chăm sóc ông có triệu chứng bị lây từ ông. Mấy cậu em tôi không khỏi lo lắng, thậm chí phải cân nhắc lại xem việc sang Dallas có phải là một sự liều lĩnh hay không.
Tôi nhận được tin nhắn trên Facebook của cô em họ: “Ở nhà trùm mền đi anh ơi! Be safe!”, và một cô khác: “Stay safe, Anh à! Though I don’t know how… Maybe self-isolation.” Tôi vốn nhát nhưng trong hoàn cảnh này cũng phải lên gân cà rỡn để giữ thể diện cho khỏi mất mặt bầu cua với mấy nhỏ: “Cám ơn các cô. Không phải lo lắm đâu; vì đi đâu, lúc nào, anh cũng có một chai dầu cù là Con Hổ trong túi bên phải và một chai dầu Nhị thiên đường trong túi bên trái, mà chai nào cũng trị được bá bệnh, từ nhức đầu sổ mũi cho tới cancer, với lại cùng lắm thì mình còn những phương pháp trị liệu cổ truyền như cạo gió, châm cứu, tẩm quất, giác hơi, cúng ma, xin bùa đeo, uống nước tàn nhang… thì Ebola nhằm nhò gì cơ chứ. Vả lại, quan trọng nhất là hồi nhỏ thầy bói nói rằng anh sống dai khủng khiếp!”
Hồi nhỏ, tôi có một vị sư phụ. Người rất quậy khi xỉn và dễ thương vô cùng khi tỉnh. Người đi lính, ở cùng xóm, thường nhờ tôi làm chim xanh chuyển thư tình cho cô bồ gần nhà, thưởng công tôi bằng kẹo sô-cô-la. Sau 75, sư phụ còn sống hay chết, lưu lạc nơi nào, tôi không rõ. Có lần Người dạy tôi rằng: “Khi cậu đau buồn, sợ hãi thì hãy viết hay vẽ cái nỗi đau-sợ ấy ra giấy, không có giấy bút thì dùng cái que vẽ lên mặt đất, nếu không có giấy bút, que đất thì hãy vẽ nó bằng cách hình dung ra trong đầu, rồi nhắm mắt lại tưởng tượng mình đang xóa đi thì nó sẽ biến mất. Anh cậu chuyên làm vậy khi đi đánh trận nên hổng bao giờ phải tè ra quần!” Tôi tin sư phụ và làm theo cách ấy, không ngờ nó rất hiệu nghiệm. Tôi vẽ ra giấy mặt thằng nhóc chuyên bắt nạt tôi ở trường, vẽ nó ốm tong ốm teo, yếu ớt và xấu xí, rồi quẹt diêm đốt đi; ngày hôm sau tôi liều lĩnh nện nhau một trận ra trò với nó, từ đó tôi hết sợ nó.
Lần này, khi bị virus Ebola đe dọa thì phải làm gì đây? Tất nhiên là phải giữ đúng theo các phương pháp phòng ngừa dịch bệnh và phép vệ sinh căn bản, đại khái là những điều sau đây. Phải tránh chỗ đông người. Phải rửa tay, rửa mặt, tắm táp hàng ngày, giữ gìn thân thể thật sạch. Không nên dùng nhà vệ sinh công cộng. Phải mang bao tay hay bọc tay trong tờ giấy khi cầm đến nắm cửa hay những vật mà có nhiều người đụng đến, sờ vào. Phải ăn uống điều độ và khoa học. Phải tập thể dục thường xuyên. Phải kiểm tra thân nhiệt, huyết áp, lượng đường trong máu thường xuyên. Phải và phải. Hàng chục thứ phải cái này, phải cái nọ. Sau cùng, và quan trọng nhất, là: Tuyệt đối không được hôn người lạ, đặc biệt là người khác phái! Thiệt là kẹt!
Tôi không biết mặt mũi con virus Ebola nó như thế nào nên không vẽ nó ra được. Trong lúc bí, tôi thấy thằng cháu 7 tuổi đang chơi game kề bên, tôi liền hỏi nó về vụ này xem nó có cao kiến gì không, thì nó cau mày ra vẻ suy nghĩ ghê lắm, rồi bảo: “Nếu cậu không vẽ được thì hãy call his name.” A, đúng rồi, gọi tên nó thì cũng giống với vẽ nó, thế nào cũng có một hiệu quả tương tự như vậy. Nghe nó nói có lý, hai cậu cháu bèn hợp tác, chế ra một câu thần chú: “Ebola, Ebola, Ebola… tao xức dầu cù là!”
Chiều, các em tôi đi làm về, khi ngồi vào bàn ăn tối thì mọi câu chuyện đều dẫn về vụ Ebola. Cô Năm than: “Trời ơi, tiệm nail của em ế kinh khủng, chẳng có ma nào vào làm vì khách sợ lây Ebola khi biết cô Nina Phạm là người Việt. Thất thu trầm trọng!”
“Bậy, họ nói như vậy là kỳ thị à nghen…” Cô cháu tôi phán.
Mợ Sáu nói: “Em đi làm, bọn đồng nghiệp hỏi mày có đi nhà thờ không, có bắt tay người lạ khi chúc bình an không? Đừng nhé!”
Chú Tư cân nhắc: “Có nên bảo mấy đứa chưa bay qua Dallas thôi đừng bay nữa, chờ cho qua vụ này rồi tính, không ta?”
Nhưng giờ này thì đã quá trễ, mọi người đang trên máy bay rồi, từ Sài Gòn, từ Seattle, từ Virgina, từ Las Vegas, cùng về Dallas.
Lúc đó, ông cháu gào lên, giọng ngọng nghịu: “Ebola, Ebola, Ebola… tao xức dầu cù là!” Cả nhà bật cười, vơi chút căng thẳng, bàn tiếp chuyện đám giỗ Mẹ.
Kệ, mặc kệ Ebola, tới đâu thì tới, xức dầu cù là Con Hổ, rồi làm vài chai bia cho đời lên hương cái đã, tính sau. Nghĩ vậy, nhưng rồi tôi cũng vớ cái tablet lên mạng xem tin, và các em tôi cũng vậy. Lo quá!
ND