Menu Close

Trầm cảm – Lẹo mắt – Đau bao tử

Thưa bác sĩ, Tôi đã uống thuốc chống trầm cảm và chống lo âu trong 2 năm do bác sĩ gia đình của tôi cho toa. Bây giờ ông muốn chuyển tôi sang bác sĩ chuyên môn về bệnh tâm lý. Theo bác sĩ, làm như vậy có hợp lý không? Lê Lân

Đáp

Tôi nghĩ ông nên làm theo lời bác sĩ gia đình càng sớm càng tốt và tôi chỉ mong là bác sĩ này giới thiệu như vậy từ lâu rồi. Có nhiều bệnh nhân chữa bệnh tâm thần kinh niên bởi bác sĩ gia đình hoặc các bác sĩ khác không được huấn luyện đầy đủ về chuyên khoa này. Thực không hợp lý khi bác sĩ sản khoa biên toa thuốc trầm cảm cũng như khi bác sĩ tâm lý lại làm pap smear truy tìm ung thư cổ tử cung. Trầm cảm là bệnh có thể chữa khỏi nhưng không phải các thuốc chống trầm cảm đều có tác dụng như nhau ở mọi bệnh nhân. Hơn nữa một số bệnh nhân trầm cảm cũng không cần đến thuốc chữa bệnh này. Tâm bệnh không phải thẳng thừng như là ‘ông trầm cảm thì uống viên thuốc này.”

Ngày nay, một số bác sĩ tâm bệnh được huấn luyện cặn kẽ về các loại thuốc và đều có thể kết hợp nhiều loại để có kết quả như ý muốn. Và đôi khi cần cả vài tháng mới tìm ra kết hợp như vậy.

Có rất nhiều tiến bộ trong lãnh vực y khoa tinh thần trong mấy năm vừa qua và đó là điều rất tốt để giúp đỡ bệnh nhân.

Thưa BS, hồi xưa khi còn nhỏ, tôi có nghe nói những phương pháp chữa lẹo ở mí mắt dưới. Nếu được xin bác sĩ chỉ giùm. Chân thành cám ơn BS.  Huỳnh Văn

Đáp

Chào ông, Lẹo mắt tiếng Anh gọi là chalazion là bệnh trong đó tuyến bã ở mi mắt bị sưng viêm đưa tới tắc nghẽn ống tuyến, chất nhờn ứ đọng trong đó thành một cục giống như chất thạch. Sau đó lẹo có thể bị nhiễm vi khuẩn rất đau và chảy mủ. Có khoảng 100 tuyến nhờn nằm ở mi mắt và tiết ra chất lỏng để mắt ướt chớp lên chớp xuống được. Dấu hiệu của lẹo gồm có sưng viêm và hơi đau ở mi mắt, chảy nước mắt, dễ bị chói mắt.

– Điều trị

Bình thường thì lẹo hết đi trong vài tuần lễ. Tuy nhiên có nhiều trường hợp phải rạch một vết nhỏ để lấy chất nhờn ra.

Khi lẹo xuất hiện, có thể đắp khăn nước ấm lên lẹo mỗi ngày ba bốn lần để bớt đau bớt sưng.

Lau mắt sạch sẽ để tránh bội nhiễm bởi vi khuẩn.

Không tự ý nặn lẹo để tránh vi trùng xâm nhập.

Khi bị lẹo cũng nên tạm thời ngưng bôi mỹ phẩm lên mi mắt, ngưng mang kính sát tròng.

– Phòng ngừa

Để tránh lẹo mắt, nên giữ gìn sạch sẽ mi mắt, rửa thường xuyên, nhất là quý bà quý cô hay dùng mỹ phẩm mascara vi trùng dễ bám vào mí mắt; không chà mắt, tránh nơi bụi bặm; tránh dùng chung khăn mặt.

– Chữa theo truyền thống

Ngày xưa các cụ ta chữa lẹo với vài mẹo vặt như lấy tay chà xuống chiếu cho tới nóng ngón tay rồi áp lên lẹo. Kinh nghiệm này cũng tương tự việc áp khăn nước ấm lên mắt như y khoa học ngày nay áp dụng.

Hoặc dùng mấy mẹo vặt như:

– Lấy gấu váy các cụ già chà lên lẹo

– Có người nói nếu lẹo bên mắt trái thì lấy chỉ cột ngón tay áp út phía đối diện.

– Cũng có người vòng bàn tay cùng phía lẹo ra sau lưng, cố với sang lưng bên kia, xòe ngón tay ra. Rồi nhờ một người lấy kim đã khử  trùng châm vào da chỗ đó để một giọt máu chảy ra, thế là hết lẹo!!!.

Xin ông áp dụng thử mấy mẹo này coi xem có công hiệu không nhé.

Chào Bác sĩ ! Con bị đau dạ dày gần 10 năm rồi, thỉnh thoảng cơn đau lại tái phát. Cách đây gần 1 năm con hay nôn ra máu, như sốt, ho, hay ăn không tiêu… cứ mỗi lần nôn là ra máu, màu nhạt và ít. Con có đi khám bác sĩ bảo không có vấn đề gì chỉ là viêm dạ dày và cho thuốc về nhà uống. Uống thuốc chỉ giảm cho cơn đau thôi, thỉnh thoảng con bị nôn vẫn còn ra máu hạt li ti, đi khám con xin nội soi nhưng bác sĩ không cho chỉ đo huyết áp, siêu âm, xét nghiệm máu và cho thuốc về nhà uống. Thời gian gần đây con có uống mật ong pha với chanh và thuốc Donalium do bạn con chỉ, uống hơn 3 tháng rồi, giờ thì vẫn còn đau, nhất là buổi tối khoảng 23h-00h đêm và lúc về sáng, lúc đau râm râm có lúc đau nhiều và đến giờ thỉnh thoảng con vẫn nôn ra máu.

Vậy Bác Sĩ cho con hỏi, vấn đề nôn ra máu như vậy có ảnh hưởng gì nghiêm trọng không và con phải làm sao ạ? Con cám ơn Bác Sĩ – Huỳnh Thị Mai Khôi

Đáp

Thưa bà. Qua lời bà kể thì bà đang bị bệnh về bao tử. Các dấu hiệu bệnh khá rõ rệt đặc biệt là “vẫn còn đau, nhất là buổi tối khoảng 23h-00h đêm và lúc về sáng”, vì đây là lúc mà bao tử không có thực phẩm, sẽ cọ vào nhau đồng thời dịch vị bao tử lên cao, gây ra đau.

Nhắc lại là trong bao tử luôn luôn có dịch vị và nước acid rất mạnh do bao tử tiết ra để tiêu hóa thức ăn. Bình thường, các chất này không gây ra vấn đề gì cho bao tử, bởi vì bao tử có một lớp niêm mạc che chở và vì luôn luôn có một sự cân bằng giữa acid và dịch vị. Khi vì một lý do nào đó mà sự cân bằng này bị xáo trộn thì màng niêm bị ăn mòn và tạo ra những vết loét trong bao tử. Để xác định bệnh loét bao tử, chúng tôi e rằng siêu âm không giúp gì nhiều mà cần phải làm nội soi bao tử như bà đã yêu cầu. Vì nội soi là đưa một dụng cụ y khoa vào bao tử rồi quan sát mặt trong của bộ phận này và tìm ra vết loét. Đồng thời nội soi cũng giúp tìm kiếm một loại vi khuẩn gọi là H Pylori là thủ phạm gây ra tới 90% bệnh loét bao tử.

Các loại thuốc do bạn bà mách có thể tốt cho triệu chứng khó tiêu, buồn nôn, nôn, cảm giác đầy bụng, nặng bụng, đau tức bụng hoặc vùng thượng vị sau bữa ăn. Muốn trị các vi khuẩn H Pylori cần phải dùng thêm mấy loại thuốc kháng sinh. Vả lại cũng còn nhiều loại thuốc chống chất chua trong bao tử mà bác sĩ có thể biên toa cho bà.

Chúng tôi đề nghị với bà là xin bác sĩ cho làm nội soi bao tử để coi xem có vi khuẩn này hay không rồi điều trị thích hợp.

Tiếp tục nôn ra máu là do vết loét trong bao tử, cũng cần nội soi coi xem vết loét lớn nhỏ ra sao. Để lâu, nôn ra máu đưa tới thiếu máu và vết loét sâu thêm, rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Chúc bà mau lành bệnh.

NYD