TPP là chữ viết tắt của Trans-Pacific Partnership (Thương Ước Xuyên Thái Bình Dương). Khi hoàn tất ký kết, đây sẽ là giao ước thương mại lớn nhất thế giới, bao gồm ít nhất 10 quốc gia trong vùng Á Châu-Thái Bình Dương, cùng với Hoa Kỳ và Việt Nam. TPP có thể ảnh hưởng rất lớn tới tương lai thương mại, chánh trị, xã hội tại VN – mà vài yếu tố chánh chúng tôi thử điểm lược trên trang báo này.
Kỹ nghệ may gia công trang phục của VN có thể hưởng lợi nhờ TPP.
Trước hết, trên phương diện kinh tế, Thương Ước TPP có thể giúp mở rộng các thị trường xuất cảng những hàng hóa vốn là sở trường của nhân công VN, bao gồm hải sản, nông sản, may gia công trang phục, v.v… Như hiện tại, việc TPP vắng mặt Trung cộng, Ấn Độ và Thái Lan cho VN lợi thế không nhỏ. Đã có không ít dự báo sau khi TPP được ký kết, VN có thể được hưởng thị phần lớn hơn nhiều lần trong kỹ nghệ may gia công trang phục, cách riêng với 2 thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bổn.
Một hội thảo về TPP tại quốc nội.
Vào TPP, Việt Nam thêm nhiều lợi thế xuất cảng nông sản, trong đó có gạo, tiêu, cà phê, v.v… TPP cũng sẽ cho VN xuất cảng các sản phẩm quần áo trang phục sang Hoa Kỳ, chỉ đánh thuế thấp hoặc zero thuế, giúp sản phẩm “Made in Vietnam” giàu sức cạnh tranh hơn. Về lâu dài, Thương Ước Xuyên Thái Bình Dương cũng sẽ đưa VN vào quỹ đạo thế giới qua sự cộng tác sâu đậm hơn trong các lãnh vực gìn giữ môi trường, bảo vệ bằng phát minh, tác quyền, bản quyền sáng tạo, v.v…
Sở trường của VN là nhân công dồi dào, khéo léo, chịu khó, mà tiền công lại thấp hơn nhiều xứ khác. Trong các nước đang trong vòng thương lượng TPP, một số sẽ không nhiều thay đổi vì lâu nay đã có giao kết tự do thương mại với Hoa Kỳ; một số khác đời sống cao, ít dân, lại xa xôi cách trở, nên VN có thể dễ dàng thu hút hãng xưởng, công ty của Hoa Kỳ dừng chân làm ăn. Họ cũng sẽ gia tăng đầu tư kỹ thuật và máy móc vào kỹ nghệ sản xuất tại Việt Nam, giúp các công ty của người Việt quốc nội thay da đổi thịt để đáp ứng đúng các chuẩn định quốc tế.
Mặc dù Thương Ước Thái Bình Dương hoàn toàn loại trừ Trung cộng, bóng dáng anh khổng lồ này vẫn lù lù trong các toan tính của phía VN. Lâu nay, cán cân thương mại giữa VN và Trung cộng thường nghiêng về phía Bắc Kinh, và càng ngày thâm thủng mậu dịch cho Hà Nội càng lớn hơn. Việt Nam xuất cảng sang Trung cộng hầu hết là các sản phẩm thô, chưa chế biến, nên giá rẻ. Ngược lại, VN phải nhập cảng máy móc, thiết bị, thép, hóa chất, vải vóc… nên càng lúc càng lệ thuộc nhiều hơn vào Trung cộng.
Quyền Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ Demetrios Marantis (trái) thương thuyết TPP với đại diện phía VN tại Hà Nội năm 2013.
Thương Ước TPP có thể giúp cân bằng tình trạng này nhờ thặng dư mậu dịch với các quốc gia thành viên TPP, đặc biệt là Hoa Kỳ. Thị trường khổng lồ này sẽ mở rộng hơn đối với các công ty hãng xưởng của Việt Nam vốn lâu nay chỉ chuyên chú xuất cảng hàng hóa phẩm chất thấp sang Trung cộng.
Bên lề các cuộc hội nghị đa phương trong khuôn khổ Thương Ước TPP, từ năm 2011, Hoa Kỳ và VN cũng gặp gỡ bàn thảo song phương nhiều lần để thúc đẩy thương mại lẫn đầu tư. Washington và Hà Nội đã ký kết hiệp ước thương mại song phương (Bilateral Trade Agreement – BTA) từ năm 2000. Trong 10 năm kế đó, tổng số giao dịch thương mại qua lại tăng gấp 12 lần (1,200%), từ $1.5 tỉ năm 2001 lên trên $20 tỉ năm 2011.
Riêng các sản phẩm trang phục quần áo, năm 2012, VN xuất cảng sang Hoa Kỳ lên đến $7 tỉ, chiếm gần 35% lượng trang phục quần áo nhập cảng vào Hoa Kỳ – đưa VN trở thành nhà xuất cảng trang phục quần áo sang Hoa Kỳ lớn hàng thứ 2. Sang 2013, Hoa Kỳ nhập cảng hàng hóa VN lên gần $25 tỉ, nhiều nhất vẫn là trang phục, quần áo, giày dép, các sản phẩm làm từ gỗ, v.v… Về phần Hoa Kỳ cũng là bạn hàng nhập cảng lớn thứ 12 của VN. Năm 2013, VN nhập cảng trị giá $2.1 tỉ, nhiều nhất là cotton ($400 triệu), đậu nành ($320 triệu), các sản phẩm sữa ($240 triệu), v.v…
Tuy nhiên, cùng lúc với thăng hoa giao dịch thương mại song phương, giữa Hoa Kỳ va VN vẫn còn nhiều trở ngại không nhỏ. Một trong số này là việc VN phá giá cũng như xuất cảng hải sản phẩm chất kém ào ạt sang Hoa Kỳ (như trường hợp cá đông lạnh đã lấy xương – frozen fish fillet). Thương Ước TPP cũng đặc biệt chú trọng giới hạn vai trò của các công ty quốc doanh, cùng lúc khích lệ kỹ nghệ tư nhân, trong khi đó khảo sát của Quốc Hội Hoa Kỳ (US Congressional Research Service) cho thấy công ty quốc doanh Vinatex chiếm khoảng 1/2 tổng sản phẩm trong kỹ nghệ gia công may trang phục quần áo tại VN.
Trước áp lực “giải tư”, các năm qua, hàng loạt công ty, tập đoàn “nhà nước” đã bị đưa ra ánh sáng công luận, hé lộ vô số sai phạm và tham nhũng động trời (như vụ tai tiếng Vinashin). Trong 2 năm tới, VN sẽ tiếp tục tư nhân hóa 500 công ty hãng xưởng quốc doanh trên toàn quốc, bao gồm hàng không Vietnam Airlines, hãng viễn thông Telecommunications Group (VNPT), hay Vinamotor “Tổng công ty Công nghiệp ô tô VN”, v.v..
Ra mắt chi nhánh hãng xe Ford tại Cần Thơ.
.
Mắc mứu lớn khác giữa Hoa Kỳ và VN trong các cuộc đàm phán Thương Ước Xuyên Thái Bình Dương xoay quanh những vấn đề về nhân quyền, công đoàn độc lập, v.v… Xưa nay đảng CSVN, ngoài cầm quyền và nhiều chuyện khác, cũng giành luôn cho nó vai trò đại diện giới nhân công, thợ thuyền. Theo bản tường trình ngày 18-9-2014 mới đây của Quốc Hội Hoa Kỳ, các thương thuyết gia của Washington và Hà Nội đang bàn thảo thúc đẩy VN sửa luật, xác nhận quyền tồn tại hợp pháp của công đoàn độc lập, và thiết lập các định chế theo dõi việc thực thi luật này.
Đã có vài chánh trị gia tuyên bố Quốc Hội Hoa Kỳ dứt khoát không cứu xét Thương Ước Xuyên Thái Bình Dương nếu VN chưa hoàn tất 2 việc nêu trên. Thái độ cứng rắn này có thể là một phần lý do đằng sau việc người thiếu nữ hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh đã được nhà cầm quyền Hà Nội phóng thích vào tháng 6-2014 vừa qua. Chiều hướng thương thảo TPP sắp tới đây cũng có thể sẽ ảnh hưởng tới hoạt động tương lai của Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do (tên gọi tắt: Lao Động Việt, trang web: laodongViet.org) – là tập hợp một số tổ chức công đoàn của người Việt quốc nội lẫn hải ngoại gồm: Phong Trào Lao Động Việt, Công Đoàn Độc Lập, Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, v.v…
Để tạm kết thúc đề tài này, cần thiết nhắc lại vị trí địa lý đặc biệt dễ đặt VN vào thế khó, đặc biệt trong hoàn cảnh Trung cộng ngày càng lớn lối trên Biển Đông. Sự xuất hiện và gây nhiều chú ý của TPP – Thương Ước Xuyên Thái Bình Dương, là cơ hội đặc biệt cho VN. Một ghế thành viên TPP có thể là giải pháp đắc địa trong thời điểm hiện tại. Thông qua giao dịch thương mại, TPP có thể là phương cách giúp VN cộng tác phát triển kinh tế song phương với Hoa Kỳ, đồng thời đa phương với các nước thành viên khác. Nếu VN mở rộng thị trường xuất cảng nhờ TPP, sẽ gián tiếp bớt lệ thuộc vào mối giao thương nhiều phần thất thế với Trung cộng. Thương Ước Xuyên Thái Bình Dương có thể là một “liên minh mềm” giúp VN đối phó với Trung cộng.
Việc VN gia nhập vào TPP cũng có thể vượt ngoài các lợi ích đoản kỳ, ảnh hưởng không ít đến cách hệ thống chánh trị tại quốc nội vận hành, thậm chí đưa đến các thay đổi trong hiến pháp. Đây là lý do vì sao các thương lượng TPP giữa Hoa Kỳ và VN kéo dài, trong lúc giới cầm quyền chóp bu tại Hà Nội cân nhắc các mặt “lợi” lẫn “hại” cho họ và đảng của họ trước cuộc chơi lịch sử.
Nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh.
TD