Ngày 7 tháng 2 năm 2014, hai cây cầu nằm trên quốc lộ 63, nối Châu Thành với An Biên (Kiên Giang) là cầu Cái Lớn dài hơn 680 m và cầu Cái Bé dài gần 600 m cùng rộng 12 m, đã được khánh thành.
Tuyến phà lớn chạy qua hai con sông Cái Lớn và Cái Bé, rất đông người và xe cộ qua phà
Ngày này cũng là một ngày lịch sử đối với cư dân trong vùng, do phương tiện đi lại được dễ dàng hơn nhưng cũng là một ngày tiễn biệt một con phà đã vài thập niên gắn bó với đời sống người dân ở hai bờ Châu Thành và An Biên.
Những hình ảnh một thời của những chuyến phà Tắc Cậu
Tài công trong phòng lái phà
Thêm một con phà, sẽ lui về một xó xỉnh nào đó nằm yên với sét rỉ thời gian, nhường chỗ cho một cái khác sinh động mới mẻ hơn đó những chiếc cầu đúc nhiều làn xe chạy.
Những chuyến phà Tắc Cậu còn gọi là “Những chuyến phà về Miệt Thứ”
Cửa tiệm bán dầu, những hình ảnh đã thuộc về quá khứ
Phà Tắc Cậu-Xẻo Rô nối liền huyện Châu Thành và huyện An Biên của tỉnh Kiên Giang. Đây là bến phà duy nhất ở miền Tây Nam phần phải vượt qua hai con sông và chạy dọc một đoạn kênh. Đầu bờ Tắc Cậu cách bờ Xẻo Rô tầm hơn 2 km, riêng đoạn kênh Lộc Tắc nối liền hai con sông Cái Lớn, Cái Bé qua cồn Vĩnh Hòa Phú dài khoảng 200 mét. Vì vậy ngoài chuyện di chuyển sang sông dài nhất và lâu nhất, khách đi phà còn có dịp thưởng ngoạn những cảnh vật miền sông nước mang đậm nét Nam kỳ lục tỉnh.
Phà cập bến phía sông Cái Lớn
Phà Tắc Cậu còn có tên“chuyến phà về Miệt Thứ” bởi con phà sẽ đến một vùng đất có tên là: Miệt Thứ. Đây là tên chung chỉ vùng đất thuộc địa bàn các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng (Kiên Giang) nằm cặp sông Cái Lớn, chạy ra vịnh Rạch Giá rồi quặt trái xuống tới huyện U Minh (Cà Mau). Toàn bộ vùng miệt thứ trải dài trên 30 km kể từ sông Cái Lớn tới trung tâm huyện An Minh, rộng chừng 15 km tính từ bờ biển vào đất liền. Người xưa theo mốc thứ tự của các con rạch đặt tên cho địa bàn, lần lượt là Thứ Hai, Thứ Ba… tới Thứ Mười Một. Lần hồi những “thứ” ấy được ráp với “miệt” (giống như miệt đồng, miệt vườn) trở thành “miệt thứ”.
Xin ghi lại những hình ảnh một thời của phà Tắc Cậu, đã ăn sâu vào ký ức biết bao nhiêu lớp người đã lớn lên hai bên bờ sông và cả những ai từng qua đây trên con phà bềnh bồng sông nước lục bình trôi.
Phà cập bến phía sau sông Cái Lớn
HT