Trích đoạn nhật ký Eine Frau in Berlin của Marta Hillers, lược dịch từ bản Pháp văn “Une femme à Berlin”, Journal 20 avril – 22 juin 1945 của Francoise Wuilmart, Nxb Gallimard 2009, với lời tựa của Hans Magnus Enzensberger và lời bạt của Kurk W. Marek. Sách dầy 394 trang. Năm 2008, đạo diễn Max Farberback quay thành phim cùng tựa do Nina Hoss thủ diễn vai chánh.

Nina Hoss trong phim A Woman in Berlin – NGUỒN FANPIX.FAMOUSFIX.COM
Chủ nhật 22 tháng 4-1945, 1 giờ sáng
Tôi nằm duỗi trên giường, phía bên trên, trong phòng, gió lùa qua những khung kính vỡ, tôi thiu thiu ngủ, hai chân dán chặt vào một viên gạch đã được sưởi nóng suốt nhiều tiếng đồng hồ trên một tia lửa ga yếu ớt. Giấc 20 giờ, bà Lechmann đập cửa: ‘‘Xuống ngay, xuống ngay đi, trong lúc này dứt báo động, chưa có còi hụ. Mọi người xuống hết rồi.’’
Bước lộn nhào xuống cầu thang. Gót giày nghẽn vào một ngách bậc thang. Tôi sợ chết điếng, chỉ kịp níu lấy tay vịn. Tôi tiếp tục bước xuống, hai đầu gối mềm như bông. Tôi chậm chạp dọ dẫm về phía trước, từng bước một, tim đập mạnh trong hành lang tối tăm tựa trong một lò nướng, cho đến khi tìm thấy cần gạt để mở cửa vào hầm.
Bên trong, khung cảnh hoàn toàn thay đổi. Những kẻ đến đây tức thời tìm chỗ ngủ. Khắp nơi đầy những chăn, gối, ghế dài. Thật khổ sở tôi mới len lỏi đến được chiếc ghế của mình. Máy phát thanh đã tắt lịm, phi trường Tempelhof không còn phát tin. Chiếc đèn dầu phát ra thứ ánh sáng yếu ớt, chập choạng. Một vài quả bom rơi đâu đó rồi tạm yên. Siegismund xuất hiện, như thường khi đầy lạc quan. Gia đình bán màn cửa Schmidt lắp bắp điều gì đó liên quan đến ngoại ô Bernau và quận Zossen đã bị lính Nga chiếm;
Siegismund, ngược lại, tiên đoán sắp đảo ngược tình thế. Chúng tôi tiếp tục ẩn náu ở đây trong lúc thời gian bất động. Tiếng đại bác cứ nối nhau dồn dập, lúc gần, lúc xa. ‘‘Đừng trở lên tầng bốn nữa’’, bà góa dược sĩ khuyên. Rồi bà cho tôi một chỗ trú trong căn gác nhà bà ở tầng một. Cả hai chúng tôi đã trở lên bằng cầu thang trôn ốc ở phía sau chung cư. (Trước đây là lối đi dành riêng cho người giúp việc và các tài xế giao hàng). Vòng xoáy ốc của cầu thang rất hẹp. Những mảnh vỡ thủy tinh nghiến rào rạo dưới gót giày và gió rít qua những vòm cửa sổ trống hoác. Tôi buông mình xuống trường kỷ, đặt phía ngoài, trong một phòng kế nhà bếp, ngủ liền một mạch hai giờ đồng hồ dưới tấm chăn len ám mùi lạ. Bom rớt gần chung cư lúc cận nửa đêm, làm chúng tôi lại gấp rút trở xuống tầng hầm thêm lần nữa. Đêm thêu bằng những giờ không chấm dứt, tôi quá mệt mỏi để tiếp tục viết nhật ký, ở đây, dưới hầm…
Sáng hôm sau, giấc 10 giờ, trong căn hộ ba phòng của tôi dưới mái ngói. Chúng tôi đã chịu giam dưới hầm đến gần 4 giờ sáng. Sau đó tôi đã một mình leo lên. Tôi tự hâm nóng cho mình một chút súp củ cải đỏ trên lửa ga thoi thóp, gọt vài củ khoai tây, luộc quả trứng cuối cùng còn sót lại, hay chính xác hơn tôi đã nuốt sống nửa quả trứng, rồi sau đó đã vẩy khắp thân thể mình cặn nước hoa Cologne còn lại. Thật lạ lùng với bao nhiêu thứ mà mình làm kể từ nay cho một lần cuối, nghĩa là lần cuối cùng cho đến lần tới mà mình chưa biết khi nào, mà chắc chắn sẽ còn rất lâu. Từ đâu tôi sẽ có một quả trứng khác? Hoặc nước hoa? Vì thế tôi tận hưởng những khoái cảm này với ý thức rõ ràng về nguyên nhân, bằng sự chú tâm tối đa. Sau đó, tôi để nguyên quần áo vùi mình vào trong giường, và chìm vào giấc ngủ chập chờn đứt quãng những cơn mơ khuấy động.
Bây giờ, tôi phải đi kiếm thực phẩm…
Khi tôi trở về dưới mái nhà, đã 2 giờ chiều. Bên ngoài, trời đổ cơn mưa rào và không còn báo chí gì nữa. Nhưng không thể ngăn đám đông lao đến vào giấc giao báo để nhặt nhạnh những thông tin lề đường, mà chắc chắn còn thâu lượm thêm được từ những tấm bích chương hay trong các bản in đặc biệt. Giờ đây người ta có cả một loại bưu điện truyền khẩu. Mọi thứ đều truyền từ miệng sang tai.
Chính quyền ban đặc ân cho dân chúng bằng các ‘‘tạm ứng’’, theo cách gọi chánh thức, những tạm ứng thịt, xúc xích, mì, đường, đồ hộp và thế phẩm cà phê. Tôi chôn chân xếp hàng, thật lâu suốt hai tiếng đồng hồ, dưới mưa, để cuối cùng nhận được 250 gam bột, 250 gam yến mạch, hai cân đường, 100 gam thế phẩm cà phê và một hộp củ cải. Hãy còn thiếu thịt và xúc xích, cũng thiếu cả cà phê hạt. Góc hàng thịt, đầy lúc nhúc người. Mỗi bên, những cái đuôi dài vô tận xếp thành hàng bốn, dưới cơn mưa như trút.
‘‘Không thể tin được!’’ Cái đuôi bên tôi dâng lên những tin tức sôi bỏng: Quân đội Wehrmacht đã triệt thoái khỏi Köpenick, Wünsdorf bị tràn ngập, lính Nga đã áp sát kênh đào Teltow. Nhưng, trước những ‘‘chuyện thời sự’’ như vậy, cánh đàn bà vụt im bặt, không bàn cãi nữa tựa như họ đã ngầm thỏa thuận.
Sau từng ấy bàn tán trong những dãy đuôi chờ đợi, mà con người không thể tự ngăn mình bị lôi kéo vào, nơi cách diễn đạt thoái hóa dần từ hình thức đến nội dung, và nơi người ta bị chìm vào trong những kích động của đám đông, tôi thấy mình nhầy nhụa và khó chịu. Vậy mà, tôi từ chối tách rời ra khỏi những kích động này, muốn trầm mình vào biển người, cùng chia sẻ những gì kẻ khác phải trải qua, cùng tham dự. Một xung đột nội tại giữa sự cô lập đầy kiêu hãnh của một đời sống đã quen riêng tư cá nhân, với mong muốn được như những người khác, được làm một phần của dân tộc mình, được hứng chịu Lịch Sử.
Có thể ứng xử một cách khác? Chờ đợi, là tất cả những gì con người có thể làm. Cao xạ và pháo binh giằng xé từng ngày của chúng tôi. Lắm lúc, tôi ước muốn mọi chuyện hãy kết thúc, cho xong. Thời kỳ lạ lùng. Con người sống Lịch Sử một cách trực tiếp, những trải nghiệm mà sau này người ta sẽ tôn vinh và hoan ca. Nhưng khi mình chìm đắm vào giữa, thì đầy gánh nặng và kinh hoàng. Lịch Sử nặng nề khi phải mang vác.
Ngày mai, tôi sẽ đi kiếm rau với than đá. Những thức ăn dự trữ khiêm tốn vừa lãnh giúp chúng tôi chống trả với nạn đói. Với tôi, thực phẩm còn gây thêm lo lắng giống như tiền bạc của nhà giàu. Thực phẩm có thể bị dội bom, bị đánh cắp, bị gặm nhấm bởi lũ chuột bọ hoặc rơi vào tay kẻ thù. Cuối cùng tôi nhét hết những thứ lỉnh kỉnh còn sót lại vào một cái rương khác đem xuống hầm. Tôi vẫn còn có thể mang xuống, mang lên, tất cả những gì thuộc về sở hữu trần gian của mình mà chưa quá khó khăn.
Khá muộn vào lúc chạng vạng, khi chiều tà. Tôi lại đến thăm bà Golz. Ông chồng ngồi cạnh, trùm áo choàng và quấn khăn quàng, vì trong phòng lạnh và đầy gió. Cả hai đều câm lặng và tuyệt vọng. Hai vợ chồng không còn hiểu chuyện gì đang diễn ra trên trần thế. Chúng tôi chỉ vừa kịp cất tiếng. Bên ngoài, từng tràng liên thanh không dứt. Đứt quãng, chen vào tiếng nổ vang rền của đại bác phòng không, tương tự như người ta đang đập những tấm thảm khổng lồ căng giữa trời và đất.
Âm vang những loạt đạn pháo dội lại trong sân. Lần đầu tiên, thành ngữ ‘‘những tiếng gầm của đại bác’’ có ý nghĩa, cho đến nay tôi hãy còn đặt chúng ngang cùng tầm với các cụm từ ‘‘sức mạnh khổng lồ’’ hay ‘‘gan dạ anh hùng’’. Hình tượng thật giễu cợt.

Cảnh trong phim A Woman in Berlin – NGUỒN FANPIX.FAMOUSFIX.COM
Bên ngoài, mưa rào và giông bão. Trên thềm cửa, tôi dõi mắt nhìn theo những toán lính đi ngang qua. Họ lê từng bước chân, không hiên ngang. Vài quân nhân bước khập khiễng. Trong im lặng, thân ai nấy lo, đám lính cất bước nặng nề và không nhịp chân, về phía trung tâm thủ đô. Gương mặt của những người lính râu ria hốc hác, trên lưng nặng trĩu quân trang.
‘‘Chuyện gì xảy ra? Các anh đi đâu?’’ Tôi hét lớn về phía họ.
Không một câu trả lời. Một kẻ càu nhàu điều gì không rõ. Một kẻ khác hô thật to: ‘‘Quốc trưởng, hãy ban lệnh. Quân đội phục tùng đến chết.’’
Tất cả đều mang nhân dáng hết sức thảm thương, không còn là những người đàn ông trong mắt chúng tôi. Họ thật đáng thương. Không thể trông chờ hay kỳ vọng bất kỳ điều gì ở họ nữa. Những người lính đã mang hình ảnh bại trận của những tù binh. Họ ném vất về phía chúng tôi, những người đang đứng bên vệ đường, ánh mắt vô cảm và ngây dại. Đã quá hiển nhiên, chúng tôi, dân chúng, hay những người dân thường, hoặc những người dân Bá Linh, hay thứ gì đi nữa, đối với họ chẳng có gì khác nhau, đều đáng ghét mà họ không màng đến. Thậm chí tôi còn không tin họ mang mặc cảm xấu hổ về sự thảm hại của chính mình. Toán lính quá mệt mỏi, đến trở nên đần độn. Bạc nhược. Tốt nhất là đừng nên nhìn họ nữa.
Trên các bức tường, các chỉ dẫn cũ kỹ viết bằng phấn, nhằm hướng dẫn các toán quân đến một điểm tập trung, đã bị xóa nhòa phân nửa. Trên thân một cây phong ở ngay đối diện, hai tấm bảng yết thị đóng bằng đinh. Những mẩu giấy bồi ghi lại các thông tin được cẩn thận viết tay xanh đỏ, trên nền tên tuổi của Hitler và Goebbels. Bảng thứ nhất cảnh cáo những kẻ muốn đầu hàng sẽ bị treo cổ hoặc xử tử. Bảng còn lại, với nhãn « Bố cáo cho dân thủ đô », ra lệnh phải coi chừng những kẻ lạ ngoan cố và kêu gọi mọi người tham gia chiến đấu. Các niêm yết không thật sự gây chú ý. Các dòng chữ viết tay lem nhem thiếu nghiêm cẩn, dân qua đường không ai nhìn thấy, tựa như chúng chỉ là những lời thì thầm.
Vâng, kỹ thuật đã khiến chúng tôi hư hỏng. Không được phục vụ bằng máy chiếu phim hay được thông tin bằng loa phóng thanh là một sự tệ hại đối với chúng tôi. Những bố cáo viết tay hay lệnh lạc thốt ra từ một cá nhân nào đó, cho dù được gào thét khản cổ… liệu có thật đáng tin cậy? Chính vì kỹ thuật đã ngầm phá hoại tác dụng của một diễn văn hay của chữ viết. Những giọng nói không vang lớn mà xuyên thấu, những niêm yết tô màu sặc sỡ, chín mươi lăm cáo trạng đóng khung treo trước cổng nhà thờ ở Wittenberg, trước đây, đã có khả năng phát động những cuộc nổi dậy của công chúng. Ngày nay, chúng tôi muốn kích thước mọi thứ phải to ra, phát vang dội, hay nhân lên bằng các loại máy gia tăng công suất làm tăng cường hiệu quả. Một phụ nữ, đi vòng quanh thông cáo, quan sát rồi kết luận: ‘‘Nhìn tấm bảng này, đủ hiểu lính mình đã rớt xuống đáy cùng.’’
Trong hầm, 22 giờ khuya. Sau tô súp chiều tối, tôi tự cho phép mình nằm nghỉ một chút trên giường, rồi vội nhào ngay xuống hầm. Đám đông quen thuộc đã có mặt đầy đủ. Hôm nay, không nhiều tiếng súng, tuy tất cả các điều kiện kết hợp cho một cuộc oanh tạc đều hội tụ, đến lúc này vẫn chưa thấy dội bom.
Một thứ cơn sốt hân hoan pha lẫn bồn chồn lan rộng trong đám đông. Hàng tá câu chuyện bắt đầu được truyền đi. Bà W. kêu lên: ‘‘Thà chịu cho lính Nga cưỡi lên bụng còn hơn cho lính Mỹ phi trên đầu.’’ Câu pha trò không mấy hợp với khăn nhiễu đen bà đang để tang. Đến phiên cô Behn la lên trống không: ‘‘Nào, các chị phải lương thiện… không còn nhiều gái trinh ở đây…’’ Không ai đáp lại. Tôi tự hỏi, mà quả thật, ai còn có thể như vậy nữa? Tất nhiên là vẫn còn cô con gái út của viên quản gia, cô bé chỉ mới mười sáu tuổi và được giám sát rất kỹ kể từ khi cô chị ‘‘sẩy chân’’. Và cũng khá chắc chắn, theo như cách tôi quan sát cơ thể của các cô gái trẻ, thì còn Stinchen, cô bé mười tám tuổi đang ngủ gật yên lành ở đầu hầm. Màng trinh nguyên vẹn dường như ít khả tín đối với thiếu nữ mang dáng dấp một cậu trai đã hỏi tôi chị viết gì, lần trước. Nhưng có lẽ đây là một trường hợp riêng rẽ.
Hôm nay, thêm một cô gái nữa vừa đến. Cho đến chiều nay, cô luôn trú ẩn trong hầm công cộng của khu phố, cách đây sáu dãy nhà, vì được tiếng kiên cố. Cô gái này sống một mình trong căn hộ riêng, góa bụa, hay bị bỏ rơi hoặc đã chia tay, tôi còn chưa rõ. Cô gái mang một vết ghẻ lở mưng mủ đang ăn dần khắp má trái. Cô thông báo, ban đầu rất nhỏ, sau lớn dần, là cô nhất định cột chiếc nhẫn cưới của mình vào sợi dây thun quần lót. ‘‘Một khi chúng sờ đến đây, nơi cột nhẫn, tôi chẳng còn gì để mất!’’ Cả hầm cười toáng. Hơn nữa, với một gương mặt bị lác ăn có thể giúp không bị cưỡng hiếp! Với tình hình lúc này, lác là một ân huệ.
Trần Vũ lược dịch