Một quan niệm về đặc tính của văn hóa được xem là chính thống trong các sách giáo khoa xã hội học ở các đại học Âu Mỹ được các chế độ Cộng sản, nhất là Việt Nam, rất khoái nhắc tới (nhắc lui) kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Đấy là văn hóa không có tiêu chuẩn… xếp hạng! Nghĩa là không thể dựa vào đâu để nói nền văn hóa này hơn nền văn hóa kia. Nói rõ hơn, không thể nói văn hóa của một bộ lạc còn ăn lông ở lỗ bên Phi Châu thấp kém hơn văn hóa của một dân tộc như Nhật Bản chẳng hạn. Từ đấy (mấy ông Cộng sản) suy rộng ra, không thể so sánh tính tự do dân chủ của quốc gia này với (những) quốc gia khác. Ý mấy ổng, tùy văn hóa mỗi dân tộc mà sự tự do dân chủ mang hình thức (và cả bản chất) khác nhau. Thành ra, đừng có đem nhân quyền nói chuyện… với tụi này!
Các giáo sư xã hội học, nhất là ở Mỹ, khi viết sách giáo khoa (cho sinh viên đại học) cũng nhấn mạnh tính “bất khả so sánh (hơn thua)” của văn hóa. Dĩ nhiên, ở một nước mà vấn đề chủng tộc quá nhạy cảm như ở Mỹ, muốn sách lọt được vào các trường đại học, không ai ngu gì viết ngược lại. Dầu sao, tính chất “bất khả so sánh” ấy có không ít vấn đề… “khả nghi”. Đại khái, không lý nào khi nghe một bản nhạc cổ điển, của Mozart chẳng hạn, rồi nghe nhạc Rap… mà vẫn không thấy tiêu chuẩn nào để so sánh? Đấy là âm nhạc, nhiều lãnh vực khác của văn hóa cũng có những vấn đề tương tự, như trong một lễ hội văn hóa mới đây ở Thái Lan.

Một vài cảnh xâu má ít ghê rợn nhất tại lễ hội Phuket Thái Lan – NGUỒN HUFFINGTONPOST.COM
Sự kiện văn hóa này, nói nôm na trong tiếng Việt, là Lễ hội ăn chay. Chuyện ăn chay này nguyên thủy là vì sức khỏe nhưng lâu ngày biến thành một hoạt động mang tính tôn giáo. Tương truyền hồi xưa có một gánh hát Trung Hoa sang Thái Lan lưu diễn. Đến tỉnh Phuket thì cả đoàn mắc bệnh sốt rét. Không (chịu?) uống thuốc gì, họ chỉ ăn chay và cầu Trời mà khỏi bệnh. Lễ hội này được tổ chức vào mỗi Tháng Chín Âm lịch, không chỉ ở Thái Lan mà còn ở một số nước khác như Miến Điện, Tân Gia Ba, Mã Lai… Tuy nhiên, ở tỉnh Phuket là rầm rộ nhất vì nơi đây có dân… Tàu Phuket rất đông. Điều đặc biệt ở lễ hội này là hoạt động… xâu má. Họ đục… má rồi xâu những thứ như nòng súng, lưỡi dao, cán dù… xuyên qua hai bên má. Có người còn chơi cả sừng hươu hoặc lấy mũi tên sắt đâm qua lưỡi hoặc môi. Nói chung là nhìn (trong ảnh) thấy… ghê! Còn nếu thấy tận mắt e… dựng tóc gáy. Họ làm như vậy để tỏ lòng tôn sùng chín vị thần gì đó trong huyền thoại Trung Hoa. Họ tin rằng ai mà chịu được những cực hình như thế sẽ được mấy vị thần đó phù hộ, không bệnh tật gì. Hồi năm 2011, có tới 74 người bị thương nặng và một người chết vì tham gia hoạt động… văn hóa này.
Tất nhiên những hoạt động văn hóa mang tính tôn giáo thường rất khó so sánh cái nào hơn cái nào về mặt… khoa học. Bên nào cũng dựa vào đức tin. Vấn đề ở chỗ, nếu cầu nguyện không thôi mà không được gì thì cũng không… mất gì. Chứ cầu nguyện theo kiểu lễ hội ở Phuket, nếu không mất mạng thì cũng mất… đẹp! Xong lễ hội, ai cũng mang hai cái sẹo bên má thì ngay cả dân xã hội đen có khi cũng sợ nói chi là người thường?
Các chế độ Cộng sản rất cần những công dân như thế. Không thấy được những tiêu chuẩn của văn hóa!
