Hôm Thứ Sáu, 24-10-2014, nữ y tá người gốc Việt, Nina Phạm, 26 tuổi, đã khỏi bịnh Ebola và xuất viện. Cô là 1 trong 2 y tá tại Dallas bị nhiễm vi trùng Ebola trong khi chăm sóc một bịnh nhân Ebola người Liberia đã tử vong tại nhà thương Texas Health Presbyterian Hospital. Người y tá còn lại cũng đã được chữa trị khỏi Ebola.
Tổng Thống Barack Obama và các cộng sự cao cấp họp với CDC, tâm điểm nỗ lực chống Ebola tại Hoa Kỳ. Ảnh Kevin Lamarque/Reuters
Cùng lúc, lại có tin tiểu bang New York phát giác ca nhiễm bịnh Ebola đầu tiên. Bác sĩ Craig Spencer, 33 tuổi, vừa trở về từ Guinea vào tuần trước, đã thử nghiệm dương tính với vi trùng Ebola hôm 23-10-2014. BS Spencer là người thứ tư bị chẩn đoán nhiễm bịnh Ebola bên trong nội địa Hoa Kỳ và là bịnh nhân thứ 9 được điều trị ở đây.
Y tá Nina Phạm ra mắt Tổng Thống Hoa Kỳ tại Tòa Bạch Ốc.
Ngoại trừ bịnh nhân người Liberia, còn lại tất cả đều hồi phục sức khỏe. Liên bang cũng cho biết đang có sự gia tăng số người tại Hoa Kỳ được đặt dưới sự giám sát của thẩm quyền y tế trong nỗ lực ngăn ngừa Ebola lây lan ngoài tầm kiểm soát. Cho đến nay, tin tức khả quan là chưa có ai trong số này thử nghiệm dương tính với siêu vi trùng Ebola.
Cần thiết điểm lược về dịch bịnh này. Siêu vi Ebola mãnh lực rất mạnh, nhưng không phải dễ lây lan, ngay cả trong các môi trường đóng kín như phi cơ hay hỏa xa. Ebola chỉ có thể lây nhiễm thông qua sự “đụng chạm trực tiếp” với một người đang mắc bịnh như: ăn chung, hun hít, ân ái, hoặc chạm phải các loại chất lỏng trong người bịnh nhân (máu, mồ hôi, nước bọt…) để rồi vi trùng từ tay đi vào miệng, mũi, mắt, hoặc các chỗ da bị hở của người bị lây nhiễm.
Trường hợp một người tiếp xúc với vi trùng Ebola, có thể đến 21 ngày sau mới phát bịnh. Các triệu chứng có thể bao gồm: sốt cao, nhức đầu, đau bụng, tiêu chảy, ói mửa, trên người nổi nhiều vết bầm, v.v… Thẩm quyền liên bang về phòng chống dịch bịnh (Centers for Disease Control and Prevention) đã xác nhận các sản phẩm gia dụng thông thường như xà bông, thuốc tẩy, chất cồn, v.v… đều có thể giết chết vi trùng Ebola một cách dễ dàng.
Y tá Nina Phạm trong vòng tay nhóm y sĩ giúp cô khỏi bịnh Ebola.
Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization hay WHO), trên toàn cầu đến nay có khoảng 10,000 ca nhiễm bịnh Ebola, và chừng 5,000 bịnh nhân đã tử vong. So sánh với Tây Phi Châu thì các ca nhiễm bịnh Ebola tại Hoa Kỳ và Tây Phương đều rất thấp.
Cũng WHO cảnh báo tại vùng Tây Phi Châu, Ebola vẫn đang lây lan ở “cấp số nhân”. Các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Guinea (nơi BS Spencer vừa trở về), Sierra Leone, và Liberia. Xứ Liberia đặc biệt nghèo khổ và bị Ebola hoành hành dữ dội nhất. Cả nước 4.3 triệu dân nhưng chỉ có chưa đầy 200 bác sĩ. Đã thấy dự báo, trừ khi có một nỗ lực yểm trợ phi thường, đến cuối năm nay, số tử vong vì Ebola tại Monrovia, thủ đô Liberia, có thể vượt con số 60,000 người.
Dịch bịnh Ebola bùng phát cũng có thể đưa đến khủng hoảng thực phẩm tại Liberia, Sierra Leone và Guinea. Đến nay, đã có nhiều nỗ lực vận chuyển viện trợ hằng ngàn tấn thực phẩm đến chừng 780,000 nạn nhân tại những vùng ảnh hưởng nặng nề nhất của 3 nước này. Thêm vào khó khăn, giữa tuần trước, đại diện Liên Hiệp Phi Châu (African Union) cũng than phiền chuyện nhiều phái đoàn y tế cứu trợ gồm đủ bác sĩ và y tá đã bị đình trệ, không cách nào tới được vùng có dịch bịnh hoành hành, chỉ vì các lịnh cấm hoặc hạn chế đi lại của chánh quyền các nơi.
Sau một thời gian bị động ban đầu, cộng đồng thế giới đang hiệp lực phản công Ebola rất quyết liệt. Hoa Kỳ đang chuẩn bị một sứ mạng quân sự đặc biệt: gởi 3,000 quân nhân sang Tây Phi Châu giúp thiết lập 17 cơ sở đặc trị dịch bịnh Ebola, có thể cứu chữa hằng ngàn bịnh nhân.
Dr. Craig Spencer, ca nhiễm bịnh Ebola đầu tiên của New York City, trong một cuộc phỏng vấn tại Tây Phi Châu trước khi về nước.
Thủ Tướng Anh Quốc David Cameron cũng đã hứa viện trợ thêm $128 triệu, phần nhiều được dùng để mở chừng 200 trạm xá nhỏ giúp chữa trị Ebola tại Sierra Leone. Đến nay, Anh Quốc và Hoa Kỳ là 2 quốc gia yểm trợ cuộc chiến chống Ebola mạnh nhất về nhân lực lẫn tài lực.
Hôm Thứ Sáu 24-10-2014, theo sau hội nghị thượng đỉnh giữa các thành viên, Liên Hiệp Âu Châu cũng công bố sẽ viện trợ $1.25 tỉ giúp Tây Phi Châu chống lại dịch bịnh Ebola. Trong đó có ngân khoản $30 triệu tài trợ các chương trình thử nghiệm tiêm chủng ngừa Ebola trên diện rộng tại Tây Phi Châu dùng kháng thể lấy từ máu của các bịnh nhân Ebola nay đã khỏe mạnh. Liên Âu cũng chánh thức cử ông Christos Stylianides, nhân vật đứng đầu các hoạt động nhân đạo của EU, làm người điều hợp nỗ lực cứu trợ Ebola.
Đảo quốc Singapore đã giúp $150,000 cho WHO trong nỗ lực chống Ebola. Các thành viên Liên Hiệp Phi Châu (African Union) cũng đang có kế hoạch gởi trên 1,000 chuyên viên y tế tình nguyện đến vùng Tây Phi Châu ảnh hưởng nặng nề nhất. Riêng Nigeria hứa gởi 600 tình nguyện viên, và nước Congo Cộng Hòa cũng hẹn đưa 1,000 chuyên viên y tế đến trợ giúp.
Dịch bịnh Ebola cũng góp phần thúc đẩy các nỗ lực gây quỹ của tư nhân trên khắp thế giới. Yểm trợ tư nhân nhắm đến những tổ chức nhân đạo phi chánh phủ lẫn các cơ quan công quyền như Centers for Disease Control and Prevention của Hoa Kỳ. Hệ thống tiệm bàn ghế tủ giường IKEA của Thụy Điển đã trao tặng gần $7 triệu cho nỗ lực chống Ebola toàn cầu.
Cảnh khử trùng trên đường phố Monrovia, thủ đô Liberia hôm 20-10-2014. Ảnh Reuters
Đặc biệt, hôm Thứ Năm 23-10-2014 vừa qua, tỉ phú Hoa Kỳ Paul Allen hứa tặng $100 triệu giúp chống lại Ebola. Tỉ phú Allen là đồng sáng lập hãng Microsoft và nay là chủ nhân đội banh Seattle Sounders FC thuộc giải đá banh nội địa Hoa Kỳ Major League Soccer.
Đây là đóng góp cá nhân lớn nhất thế giới tính đến nay. Một phần tài trợ sẽ chuyển cho Trường Y Đại Học University of Massachusetts Medical School để giúp tái huấn luyện nhân viên, tái thiết cơ sở, và tái mở cửa nhiều nhà thương trước đây đã phải đóng cửa tại Tây Phi Châu. Tỉ phú Paul Allen cũng vừa tạo ra trang web www.TackleEbola.com giúp gây quỹ trên toàn cầu, nhằm trợ giúp những nỗ lực cứu trợ nhỏ và riêng lẻ. Một trong các dự án này là đặt 6,000 bồn nước rửa tay cho một vùng chịu ảnh hưởng Ebola mạnh bên Tây Phi Châu.
Trong cuộc chiến chống Ebola hiện tại, các tiến triển khả quan cũng đã ló dạng rồi: tại Senegal, nơi có 1 ca nhiễm bịnh Ebola nhưng chữa khỏi (17-10-2014) và tại Nigeria, nơi đã có 8 ca tử vong nhưng kể từ 19-10-2014 đã chấm dứt không còn ai bị nhiễm vi trùng Ebola nữa. Một chuyên viên cao cấp của Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế thậm chí bày tỏ tin tưởng nạn dịch Ebola sẽ hoàn toàn trong tầm kiểm soát trong vòng 4 đến 6 tháng tới.
Ít nhất có 2 loại vaccine chánh đang được dùng thử nghiệm khá hiệu quả và có 5 loại thuốc chủng ngừa khác đang trong các giai đoạn khảo sát khác nhau, sẽ sẵn sàng đưa ra dùng thử nghiệm trên bịnh nhân Ebola vào đầu năm tới. Tổ Chức Y Tế Thế Giới dự báo sẽ có hằng trăm ngàn liều thuốc chủng ngừa Ebola sẵn sàng cho chủng ngừa trên diện rộng vào giữa năm 2015, thậm chí sớm hơn.
Mặc dù Ebola đang là một trong những đề tài thu hút chú ý nhất hiện thời, không ít giới chức thẩm quyền y tế không quên cảnh báo về một vấn nạn khác đáng lo hơn nhiều: bịnh cúm (Flu). Ebola, như đã thấy tại Senegal và Nigeria, rồi sẽ đến lúc bị đánh bại. Con vi trùng Ebola lại sẽ chạy trốn vô rừng, đợi nhiều năm sau lại tái phát. Những lần bùng phát Ebola có trên 100 ca tử vong toàn thế giới là vào các năm 1976, 1995, 2000, 2003, và 2007.
Trong khi đó, mùa dịch bịnh cúm đang sắp trở về với Bắc Mỹ. Khác Ebola, siêu vi cúm dễ dàng lây lan qua đường không khí, và mau lẹ lây nhiễm khắp thế giới. Trong vài tháng tới, dịch bịnh cúm sẽ tước đi mạng sống của hằng ngàn người, kể cả tại Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Phương tân tiến. Và dịch bịnh này đều đều tái ngộ mỗi năm, không thiếu năm nào. Sau khi mùa “Flu Season” ở Bắc Bán Cầu kết thúc, virus cúm sẽ bay xuống hoành hành các xứ Nam Bán Cầu suốt mấy tháng, trước khi đáo hồi vào năm tới.
Quân nhân Hoa Kỳ lên phi cơ trực chỉ Liberia. Ảnh U.S. Air National Guard/Maj. Dale Greer/handout via Reuters
TD