Menu Close

Xương – Bệnh Loãng Xương

Bà lão nhà tôi năm nay đã 66 tuổi, hết kinh nguyệt trên mười năm nay. Hôm  đi khám bệnh vừa rồi, bác sĩ có cho chụp hình để đo về xương coi có bị thiếu khoáng chất, vì bác sĩ sợ xương yếu, dễ gây tai nạn.

Xin bác sĩ nói thêm cho về thử nghiệm này và trường hợp nào mà người già chúng tôi  hay bị gãy xương. Cụ  Nguyễn Hải.

Đáp

Thử nghiệm mà cụ bà được bác sĩ cho làm là để đo tỷ trọng khoáng chất trong xương (Bone Mineral Density, BMD). Đây là một kỹ thuật rất chính xác để ước lượng nguy cơ gẫy xương và để theo dõi việc  điều trị bệnh này.

Xương và Calcium

Xương là một cấu trúc tạo ra hình dáng và chống đỡ cho cơ thể. Xương có những nhiệm vụ chính như che chở cho các bộ phận quan trọng nhưng dễ bị tổn thương như não bộ và tủy sống; có tác dụng như một cái đòn bẩy, phối hợp với  bắp thịt  để tạo ra cử động của cơ thể;  là nơi dự trữ  calcium và  cũng là nơi sản xuất ra tế bào máu.

Có hai loại xương chính: xương đặc và xương xốp. Xương đặc là cấu  trúc chính của các xương dài. Xương xốp nom giống như cái tổ ong, nằm  ở phần cuối của xương dài. Mặc dù xương đặc chiếm 85% tổng số xương, nhưng xương xốp có sự biến hóa quan trọng hơn và thường nằm ở nơi mà xương hay bị gẫy như cột sống, xương hông, xương cổ tay.

Để cho xương được lành mạnh và vững chắc, cần sự phối hợp của một dinh dưỡng đầy đủ và một sự liên tục vận động cơ thể, ngay từ  tuổi ấu thơ.

Xương cần một lượng calcium cao do thực phẩm cung cấp. Calcium càng cao thì xương càng vững chắc.

Muốn cho calcium được dự  trữ trong xương thì khoáng chất này phải được hấp thụ từ thực phẩm vào máu.

Calcium không những cần cho sự mọc xương mà còn cần cho sự đông máu, cho sự trao đổi các tín hiệu thần kinh và cơ thịt  và một số chức năng khác của cơ thể.

Khi cơ thể cần calcium thì khoáng chất này sẽ được lấy ra từ kho dự trữ ở xương. Và calcium trong xương sẽ giảm sút. Calcium dự trữ trong xương cần sự tác động của nhiều kích thích tố, sinh tố A và sinh tố D và  sự vận động cơ thể. Sự vận động này, đặc biệt là trong thời kỳ cơ thể tăng trưởng mạnh, sẽ làm tăng số lượng calcium đọng vào phần xương chịu nhiều sức ép, do đó tăng sức bền bỉ và kích thước của xương.

Bệnh loãng xương

Loãng xương là bệnh tổng quát về xương với các đặc điểm là khối lượng xương nhỏ đi, thoái hóa  cấu trúc vi mô làm xương trở nên mỏng manh dễ gẫy. Lý do là xương luôn luôn biến đổi, mất đi nhiều hơn là thay thế, trở nên xốp.

Bệnh có thể do tiền phát hoặc thứ phát.

Tiền phát là hậu quả những thay đổi bình thường của tuổi cao và giảm chức năng của tuyến sinh dục.

Thứ phát gây ra do sự không vận động cơ thể, bệnh kinh niên, thiếu dinh dưỡng, tác dụng phụ của dược phẩm.

Loãng xương là bệnh chung của cả nam nữ giới, nhưng đàn bà thường bị nhiều hơn đàn ông tới tám lần và tuổi càng cao thì nguy cơ bệnh càng tăng.

 Lý do khiến có sự khác biệt này là vì khi còn trẻ, nữ giới đã có khối lượng xương nhỏ hơn nam giới; họ cũng thường ăn thực phẩm có ít calcium hơn.

Ngoài ra trong khi kích thích tố nam Testosterone che chở cho người về già thì phụ nữ hết kinh, estrogen giảm không đủ để bảo vệ sự thất thoát của calcium ở xương.

Một điểm đặc biệt là phụ nữ da trắng và Á châu bị loãng xương nhiều hơn phụ nữ Phi châu có bộ xương rất chắc với nhiều khoáng chất.

 Sau đây là một số nguy cơ có thể đưa tới loãng xương: 

– Nữ giới, cao tuổi, hay bị té ngã,

– Có lịch sử gẫy xương trong gia đình,

– Sức khỏe kém,

– Hút thuốc lá,

– Thiếu kích thích tố nữ estrogen ( mãn kinh sớm, giải phẫu lấy buồng trứng),

– Nghiện rượu,

– Dinh dưỡng thiếu calcium và sinh tố D,

– Không vận động cơ thể,

– Sa sút trí tuệ nằm liệt một chỗ.

 Ngoài ra, một số dược phẩm như thuốc trị bệnh kinh phong, thuốc lithium chữa bệnh trầm cảm, thuốc đông máu Heparin cũng là  những nguy cơ đưa tới loãng xương.

Thử nghiệm đo tỷ trọng xương giúp tìm ra bệnh loãng xương  trước khi xương bị gẫy mà không phải chờ đến khi có triệu chứng bệnh như xương gẫy, giảm chiều cao, lệch xương sống. Phương pháp này có nhiều hứa hẹn tốt để giúp ngăn chặn bệnh loãng xương ngày một  gia tăng.

 Bệnh nhân được khuyến khích nên làm thử nghiệm BMD gồm có:

– Người dưới 65 tuổi ở tuổi mãn kinh mà có một hay nhiều nguy cơ bị loãng xương;

– Tất cả phụ nữ trên 65 tuổi;

– Phụ nữ hết kinh mà bị gẫy xương;

– Phụ nữ đang được điều trị với kích thích tố thay thế, đang dùng nhiều cortisone, phụ nữ thiếu estrogen;

– Người đang được trị bệnh loãng xương.

Trường hợp của cụ nhà, bác sĩ làm thử nghiệm này vì lý do là bà cụ trên 65 tuổi, không còn kinh nguyệt. Đây là hai trong nhiều nguy cơ có thể đưa tới bệnh loãng xương.

Tiện đây cũng xin nhắc là cơ thể ta mỗi ngày cần 1,000mg calcium; khi có thai hay cho con bú thì cần 1,200mg.

Trong cơ thể có khoảng hơn 1 kg calcium thì 99% nằm trong xương và răng, 1% ở trong tế bào và máu. Mỗi ngày có chừng 700mg calcium được tiêu dùng trong việc làm tăng trưởng và tu bổ xương.

Calcium có nhiều trong sữa, sữa chua, cheese, broccoli, đậu phụ, tôm, cá, nước cam, cereals, trái sung khô, cá có xương nhỏ đóng hộp như cá sardine hộp, sữa đậu nành. Về sữa thì nên dùng loại ít chất béo để tránh cao cholesterol trong máu.

Có thể uống thuốc calcium thêm và nên chia ra làm nhiều lần trong ngày để ruột dễ dàng hấp thụ. Cũng cần uống thêm sinh tố D, vì sinh tố này giúp sự hấp thụ calcium.

Xin tham khảo bác sĩ để coi mình cần bao nhiêu calcium và sinh tố D, kẻo uống nhiều quá vừa phí tiền lại có tác dụng không tốt cho cơ thể.

Trong việc ngăn ngừa bệnh loãng xương, sự năng vận động cơ thể, giảm thiểu các nguy cơ gây bệnh như đã kể ở trên, cũng là những điều cần làm. Vận động cơ thể làm tăng sự điều hợp, uyển chuyển và thăng bằng của cơ thịt, tránh té ngã và làm tăng các chức năng khác của cơ thể.

NYD