“Bộ mày tính chết đói sao?”
Những bạn trẻ khi chọn một ngành học có vẻ thiếu hứa hẹn tài chánh thường phải đối diện với câu hỏi này từ gia đình hay người quen, đôi khi chính từ người phối ngẫu với đại tự “anh” hay “em” thay vào chữ “mày.” Đôi khi, trong hoàn cảnh chuyển tiếp của những cộng đồng di dân, nhiều bậc phụ huynh chưa hề nghe qua cái ngành mà con mình muốn theo đuổi. Nghe cứ như thần chú ấy! Không biết ra làm sao nữa! Cứ như là một bí số không mảy may có một chút sức hấp dẫn nào – nghe qua thì cũng đủ thấy không có tương lai rồi!
Còn đối với một số sinh viên trẻ mới vào đại học, chuyện đói no không quan trọng bằng chuyện phát triển sở trường và đáp ứng được sở thích của mình. Thỏa mãn những nhu cầu căn bản của cuộc sống chỉ nằm vỏn vẹn trong cái chuyện theo đúng ngành mơ ước. Hay thậm chí tự đào luyện mà không phải đi theo trường lớp. Biết được đam mê của mình, một cách nào đó, cũng là biết được sở trường của mình.
Chọn ngành và “từ bé”
Các trường đại học đều có những vị cố vấn để hướng dẫn sinh viên trong việc chọn ngành. Có nhiều lớp học và chương trình giúp sinh viên tìm hiểu về khả năng và hoài bão của họ. Chọn lựa một hướng đi cho tương lai không phải là một điều dễ. Tuy nhiên, lắm khi, chúng ta thường nghe câu, “Từ bé, tôi đã mơ làm…” Những người “từ bé” này không khó khăn gì mấy trong việc chọn ngành.
Năm 2000, khi tôi phỏng vấn kỹ sư Trần Kim Huy bằng phương pháp lịch sử truyền khẩu cho Dự Án Việt Mỹ VAP (Vietnamese American Project) được sáng lập tại Đại học CSU Fullerton vào thập niên 1990s, Cô đã xác quyết rằng, việc Cô vào thực tập cho NASA trong những năm học tại San Jose State không phải là chuyện ngẫu nhiên. “Từ bé,” Cô đã nuôi mộng làm việc cho cơ quan này và giấc mơ đó qua năm tháng đã trở thành quyết tâm và công việc của Cô.

Kỹ sư Trần Kim Huy, NASA – NGUỒN WOMEN.NASA.GOV
Đối diện thực tế: những cái giá phải trả
Không phải giấc mơ nào cũng đẹp. Có những giấc mơ mà theo tiêu chuẩn đời sống ở Hoa Kỳ thì “under poverty line,” hay nói một cách nhẹ nhàng là lương chết đói. Nhưng, giấc mơ ấy lại định nghĩa cho một đời người. Và, đối với họ, thà làm một người nghèo hạnh phúc, nhưng giàu với giấc mơ của mình, còn hơn tươm tất mà bất đắc chí. Như lời bài tình ca “Thà làm hạt mưa bay” của Trần Thanh Tùng, “Thà làm giọt mưa bay, ướt tóc em một ngày, còn hơn anh phải đợi, cuối đường chiều nắng phai.” Vâng, thà làm hạt mưa bay!
Một đạo diễn trẻ, miệt mài bên bàn phím với cái script dang dở của một bộ phim anh đang muốn thực hiện. Anh sống nhờ vào ba ly cà phê sáng trưa chiều tối và những ngọn gió từ Sunset Boulevard của thành phố Những Thiên Thần thổi qua bức rèm suông mà một người bạn đã tặng anh trong dịp sinh nhật năm trước. Bức rèm nhung xanh trông như ngớ ngẩn giữa căn phòng nhỏ sơn phết luộm thuộm với cánh cửa sổ rớt một cánh tay này. Đoạn mở đầu trong một truyện ngắn của O. Henry? Không, một người bạn trẻ đam mê thế giới điện ảnh đã theo đuổi nghiệp làm phim từ hơn mười năm nay. Anh vừa mới bán bản thảo phim feature đầu tay cho một anh bạn producer của mình với giá một đồng bạc, chỉ mong là cuốn phim được chào đời. Phim ảnh không chỉ đơn thuần là một thế giới hào nhoáng như người ta thấy ở rạp xinê hay những buổi chiếu premiere. Hàng ngàn kịch bản phim chưa bao giờ được thoát thai khỏi những con chữ và hóa thân trên màn ảnh. Dù bán với giá một đồng bạc, tác giả biết cái cùng đích của chuyện bán mua này.
Một nhiếp ảnh gia mới ngót ba mươi, lúc nào cũng kè kè máy ảnh bên mình, mơ được một ngày về Việt Nam để làm nghiên cứu qua hình ảnh về chính quê hương mình, hòa mình vào đời sống và ghi nhận lại những nét văn hóa mà anh thấy đang trên bờ tuyệt chủng. Ba Mẹ cũng mong mỏi anh có thể “settle down” và có một dịch vụ nhiếp ảnh cho riêng mình, để còn lập gia đình. Nhưng tiếng gọi ở bên kia bờ đại dương mạnh mẽ quá, và không chỉ có nghiên cứu về năm mươi tư dân tộc thiểu số ở quê nhà, anh còn muốn len lỏi vào những vùng xa xôi trên khắp thế giới, vào tận những nẻo hoang sơ. Anh cung cấp hình ảnh cho những sinh hoạt hằng ngày của người Việt tại quận Cam, và một khi để dành đủ tài chánh, lại quày quả trở lại Việt Nam để làm một Việt ba lô đi săn ảnh.
Một cô bé với biệt danh “Lọ Lem Lém” đang vật lộn với quyết định theo học ngành Animation để thực hiện giấc mơ làm việc cho Disneyland. Chỉ có điều Ba cô không ủng hộ, và tìm mọi cách để ngăn cản. Khi hỏi về việc bị la rầy vì chọn lựa của mình, cô bé thành thật, “Nghe chửi quen rồi! Nên thích quá thì cứ học.” Cô qua Mỹ năm lớp sáu, học sáu năm phổ thông cơ sở, thêm hai năm đại học cộng đồng. Cái khó không chỉ ở cái xa lạ của ngành học này đối với Ba cô, mà áp lực nằm ở chỗ người chị duy nhất của cô đang theo học ngành dược, tưởng như trong tay đã nắm sẵn một tương lai ổn định. Không chừng, tác phẩm animation đầu tay của Lọ Lem Lém là hình ảnh chị cô trong một căn nhà ấm cúng và cô trong tình trạng vô gia cư bấp bênh. Phải chăng đó chính là hình ảnh đầu tiên hiện lên trong đầu của Ba cô, khiến ông cụ phản đối việc con gái theo học một cái ngành không cơm không cháo?
Vẫn là chọn lựa
Nếu người ta trì hoãn một giấc mơ, thì giấc mơ ấy sẽ chết khô. Langston Hughes đã viết như thế. Những giấc mơ, chính là động lực lớn nhất cho những quyết định khó khăn và quan trọng trong một đời người. Một người bạn ở thế hệ 1.5 đã nói, “Nếu khi mới qua Mỹ, hai bàn tay trắng, không biết tiếng Anh, mà vẫn sống được, thì có nghề gì trong tay vẫn khá hơn.” Thà chọn từ đầu, rồi tính tới. Còn hơn phải đợi đến nửa đường “gẫy gánh” với công việc không hứng thú gì mới quay trở lại con đường mà mình vẫn hằng ao ước.
Họa sĩ Ann Phong, sau một chuyến đụng xe suýt mất mạng, mới thực sự quyết định hướng đi của mình trong hội họa. Nếu không có tai nạn ấy, có lẽ chúng ta sẽ bị ngành nha ăn cắp mất một họa sĩ mà tác phẩm của cô bộc bạch cái kinh nghiệm và tâm tư của người Việt tỵ nạn. Chính ngay trong lúc tỉnh dậy trên giường bệnh, cô quyết định thà chịu nghèo chứ không chịu để cho cây hội họa phải chết đứng trong cuộc đời mình. Chọn lựa của cô đã không chỉ đem đến ý nghĩa cho riêng cuộc đời cô, mà cho cả tập thể người Việt hải ngoại và tại quê nhà. Sự đóng góp trí tuệ và sự sáng tạo của từng cá nhân là điều quyết định cho cái tâm thức, đời sống tinh thần, và nhân diện của một cộng đồng. Đại thi hào Shakespeare thì bảo, thành phố là gì nếu không phải là những cư dân của nó. Còn, nếu nói theo kiểu nữ sĩ Suzanne Lumis của Los Angeles, thi sĩ không cần thành phố – nhưng thành phố mới cần thi sĩ.
Dù được, dù không
Những giấc mơ, dù chín thành trái thơm hay èo uột chết đẹn, vẫn có vai trò và đóng góp của nó. Có nhiều người, trong bốn mươi năm qua, vẫn theo đuổi giấc mơ thay đổi vận mạng đất nước, vực dậy đời sống của người dân tại Việt Nam. Nhìn ra, hình như giấc mơ của họ hơn nửa đời người mà vẫn chưa thành. Nhưng chính trong lúc họ mơ ước, chính lúc họ dấn thân, thì cái giấc mơ ấy đã được lây lan, truyền tỏa qua những người xung quanh, đã không bị mai một trong tức tưởi. Dù thế nào, vẫn cứ mơ!
Âu mơ cũng là một nghề tay trái của mọi người.

Họa sĩ Ann Phong – NGUỒN SANGTAO.ORG