Cuối cùng anh em tôi cũng tới Mỹ sau hơn một năm chờ đợi. Vì chị dâu tôi, hai đứa con và hai người em vừa rời đảo Bidong theo diện nhân đạo khi chúng tôi lên đảo, nên phái đoàn Mỹ nói chúng tôi phải chờ khi nào qua Mỹ, chị dâu tôi sẽ bảo lãnh anh em chúng tôi.
Thành phố chúng tôi tới là một thành phố nhỏ cách thủ phủ của Tiểu bang VA khoảng 30 phút lái xe. Là một thành phố về hưu vì không có hãng xưởng gì cả vì đa số là người già. Tuần đầu tiên nhà thờ bảo lãnh chúng tôi (một nhà thờ Tin Lành khá nổi tiếng của nước Mỹ). Họ phái một phụ nữ trong nhà thờ dẫn chúng tôi đi chợ vì ông bông xoa (sponsor) người chịu trách nhiệm còn bận xây nhà thờ ở Phi Châu chưa về. Bà rất ân cần chỉ cho tôi và ông anh nào là cam, táo, nho đủ thứ cả vì biết chúng tôi mới qua Mỹ (chị dâu tôi đã qua Mỹ hơn một năm). Chúng tôi chỉ thèm bia nhưng biết họ sẽ không mua nên cũng không dám hỏi. Về đến nhà chị dâu tôi nói hôm nay có tôi và ông anh nên họ mới cho mua thịt heo chứ hơn một năm nay họ chỉ cho ăn thịt gà. Sau này hỏi ông “bông xoa” thì ông nói vì nhà thờ phải lo cho chúng tôi mà không nhận trợ cấp của chính phủ, nên họ phải hà tiện vì không biết phải lo cho tới khi nào.
Sau vài tuần nghỉ ngơi ông bắt tay vào việc kiếm việc làm cho chúng tôi. Vì là mùa Xuân nên việc lặt vặt không thiếu, nào là cào lá khô, lau khung cửa sổ… thôi thì gặp việc gì thì làm việc đó không câu nệ. Ông kiếm việc rồi chở chúng tới đi làm bằng xe của ông, khi làm xong thì lại đón chúng tôi về. Tiền thì chúng tôi bỏ túi xài, ông không lấy dù chỉ là một xu tiền xăng.
Tới mùa xuân thì anh tôi làm rửa xe trong một hãng bán xe mới cách đó 15 phút lái xe, trong nhà thờ ai rảnh thì chở anh đi/về. Chị dâu tôi thì dọn dẹp nhà cho một bà bác sĩ Phi. Còn tôi thì ở nhà nấu cơm và coi hai đứa cháu. Vì là mùa Hè nên ông kiếm việc cắt cỏ cho tôi, nếu là buổi sáng thì ông chở tới rồi khi làm xong ông đón về. Nếu buổi chiều thì ông tình nguyện coi hai đứa cháu để tôi đi cắt cỏ, máy, xăng của nhà thờ, công chở đi của ông, tiền thì tôi xài.
Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng phải chia tay ông và nhà thờ, vì ba má của chị dâu qua sau chúng tôi vài tháng quyết định dọn về tiểu bang KS làm hãng bò vì ở đây không có tương lai. Sau khi ba má chị dọn đi thì chị cũng muốn đi qua KS cho gần gia đình. Ông anh tôi không cách lựa chọn đành phải chiều ý vợ. Lúc này anh đã có bằng lái, nhà thờ mua dùm một cái xe cũ nhưng chỉ có 50,000 miles mà chỉ tốn 500 đôla. Sau vài tuần chuẩn bị, một lần nữa chúng tôi lại vượt xuyên bang. Đêm cuối cùng, sau khi nhét hết gia tài vào chiếc xe bự như xe tăng, ông anh tôi hơi kỹ nên đậu kế bên nhà để giấu ông “bông xoa” nếu lỡ ông qua chơi. Vậy mà hình như ông có linh tính gì đó ông qua thật mặc dầu trời cũng hơi khuya, ông ngồi nói chuyện vớ vẩn một chút rồi về, tuyệt đối không hỏi tại sao lại đậu xe bên hông nhà vì ngày mai anh tôi phải đi làm.
Sau khi ổn định chỗ ở tại ở Wichita KS, tôi viết thư thăm ông bằng thứ tiếng Anh bên trại tỵ nạn èo uột, nhưng chắc ông hiểu vì một tuần sau thì tôi nhận được thư của ông và một cái hộp. Tôi ngạc nhiên mở ra thì có một cái răng giả trong đó. Khi đọc thư của ông thì tôi mới hiểu, trước khi đi ông có có dẫn tôi đi làm một cái răng bị gãy ở bên trại nhưng còn gốc răng. Tôi đinh ninh là đã xong nên không để ý, thật ra nó chỉ là răng tạm vì cái răng (thật) vài tuần sau mới xong, nhưng lúc xong rồi thì tôi đã ở KS. Tôi không biết ai trả tiền nhưng còn nhớ tốn hết 500 đô vào năm 1983.
Một tuần sau Bộ Y tế của thành phố gọi chúng tôi lên để nhận thuốc ho lao. Tuy không phải bị ho lao thật sự, anh tôi chỉ bị một đốm trong phổi nhưng để phòng ngừa họ vẫn đưa thuốc cho anh uống. Còn tôi thì cũng uống luôn cho chắc ăn dù tôi không bị gì. Biết việc làm của ông “bông xoa”, chúng tôi vừa bực vừa cảm kích tấm lòng của ông đã lo cho tới nơi tới chốn. Dù chúng tôi đã bỏ ông và nhà thờ ra đi không một lời từ giã cũng như cám ơn họ đã lo chúng tôi qua Mỹ và những giúp đỡ lúc đầu.
Tôi còn thư từ với ông một vài lần nữa trước khi mất địa chỉ. Năm 92 tôi có dịp đi Boston lúc về, tôi có ghé thăm ông nhưng ông không có nhà. Hỏi Ms Wilson người dẫn chúng tôi đi chợ lần đầu tiên thì con bà cho biết bà đã dọn vào nhà dưỡng lão. Đã hơn 30 năm, Mr Swift chắc không còn nữa, cũng như Ms Wilson. Tôi vẫn không quên những gì họ và nhà thờ của họ đã giúp chúng tôi. Chắc họ cũng không mong chúng tôi sẽ trả ơn họ, vì một người làm ơn thì không mong sẽ được trả ơn, nhưng muốn người được nhận ơn sẽ giúp đỡ người khác khi họ cần.
Tôi đã làm được một vài việc tuy không so sánh được như họ, nhưng dầu sao đi nữa tôi cũng thực hiện một phần nào ước vọng của họ. Xin cảm ơn nước Mỹ và những người Mỹ như Mr Swift, Ms Wilson, First Baptist Church of Hopewell.