Võ Quốc Linh
Ý định dựng Cột Cây Số Đi Lạc trong khuôn viên tư gia nhen nhúm đã nhiều năm. Ban đầu tôi định sẽ xây những cột cây số mang địa danh của các tỉnh thành miền Nam bị mất sau tháng 4/1975 – mỗi cây số có chiều kích lớn nhỏ khác nhau sẽ được dựng một cách tùy tiện, cái đứng, cái nghiêng, cái ngã đổ… rải rác chen lẫn với đá tảng, cây và hoa trước hai cánh vườn mở ra theo hình rẽ quạt đổ dốc thoai thoải xuống dòng sông trước nhà.
Về sau, nghĩ lại, thấy nặng nề u ám quá – nặng vì công sức và chi phí đã đành, mà nặng hơn nữa là cả khu vườn sẽ biến thành một khu mộ địa, với những cột cây số lổn nhổn đứng nằm trông chẳng khác gì những tấm mộ bia hoang phế…
Tác giả Võ Quốc Linh đang xây cột cây số trong vườn nhà
o O o
Tôi chỉ mới mở Facebook được vài tháng nay, chủ yếu để đọc những bài viết văn nghệ của bạn bè thân quen, nhưng không ngờ, qua Facebook, tôi đã “gặp” lại khá đông bạn cố tri thời niên thiếu – phần lớn họ sinh ra ở Nha Trang cũng như tôi. Sau tháng 4/1975, chúng tôi bắt đầu lạc nhau…
Có cơ hội tái ngộ, liên lạc và trò chuyện với nhau qua Facebook và điện thoại, tất cả chúng tôi đều xôn xao sống lại với cái quá khứ 30 – 40 năm trước – cái quá khứ mà ban ngày thì tưởng như chuyện cũ, nhưng ban đêm thì lại len lỏi vào những ngóc ngách của giấc ngủ.
Dựng Cột Cây Số Đi Lạc trong lúc này, không chỉ để hoàn tất phần nào điều mà mình ấp ủ đã lâu, mà còn là để dựng lại một dấu mốc cho sự tìm thấy lại tình bạn, tìm thấy lại tuổi thơ của mình.
“Cột cây số đi lạc” đã hoàn tất
o O o
Nhưng, tại sao lại là Cột Cây Số?
Trước hết tôi thấy nó đẹp – cái kiến trúc tưởng như quá đơn giản ấy lại là một hình ảnh vô cùng hoàn chỉnh mà chúng ta đã từng thấy từ ngày xưa: thân trắng, đầu đỏ, với bảng tên là những chữ đen mang trước ngực, đứng đơn độc dãi dầu mưa nắng trên một xứ sở triền miên chiến tranh. Có cột cây số bị nước lũ làm trốc gốc, nằm gục bên vệ đường. Có cột bị nát mặt vì đạn M16 hay AK47. Có cột đã từng ướt đẫm máu vì bị dùng như thớ thớt để chặt đầu. Có cột là nơi hò hẹn tình tự của những kẻ yêu nhau, còn lưu dấu vết những dòng chữ thề non hẹn biển; hay là nơi tụ tập của những kẻ giang hồ, còn để lại những câu chửi thề hay những lời tục tằn thô lỗ…
Thuở tôi còn nhỏ, cột cây số là điểm tựa cho những giấc mơ rày đây mai đó. Lúc mới 5 hay 6 tuổi, tôi hay đứng tần ngần rất lâu để nhìn cột cây số, cố gắng đánh vần từng chữ, để rồi buổi tối, trong mộng mị, tôi thấy mình phiêu lưu đến những nơi chốn xa xôi… Huế, Sài Gòn…
Lớn lên… vượt biên… vào tù… kinh tế mới… mất hộ khẩu… tôi thành người lang thang vô gia cư, vô tổ quốc trong nhiều năm… và cột cây số trở nên thân thiết với tôi như người bạn đồng hành. Cột cây số là kẻ để tôi nương vào, dừng chân, tựa lưng lấy sức, rồi tiếp tục lê bước…
Rời Việt Nam cho đến nay đã ngót 30 năm, tôi vẫn mang cột cây số trong tâm tư như một ám ảnh. Nhiều đêm trong chiêm bao tôi thấy tôi tiều tuỵ, thất thểu bước dưới sức nóng gay gắt kinh hồn trên quốc lộ 1. Trước mắt tôi, con đường dài hun hút đang lung linh bốc hơi, và ở cuối tầm mắt tôi, cột cây số cũng chập chờn như ảo ảnh.
“Người đi”- thơ trên cột cây số
o O o
Cách đây hơn một tuần lễ, tôi dựng xong Cột Cây Số Đi Lạc trong vườn nhà. Mặt trước của nó có ghi chữ NHA TRANG, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Khoảng cách từ Sydney về đến Nha Trang là 7236 KM. Tôi cố tình bỏ trống mặt sau của cột cây số như một khuôn mặt trắng toát của một kẻ không có mắt mũi. Hai bên hông cột cây số, tôi đề hai bài thơ. Đó chỉ là những câu thơ vụn mà hình như tôi chưa đưa cho ai đọc, nhưng tôi còn nhớ chúng, chỉ vì thấy tội nghiệp, và cũng vì chúng có liên quan ít nhiều đến cột cây số.
Bài “Người Về”, tôi viết vào khoảng tháng 5/1982, lúc còn đang ở trại tù A.30, trong một dịp hiếm hoi được đưa ra chợ Phú Lâm (một địa danh cách thị trấn Tuy Hoà không xa lắm). Khi đang đứng dựa vào cột cây số để chờ xe tù chuyển về trại, tôi đăm đăm nhìn túp lều tranh đơn sơ bên lề đường, lòng dâng lên nỗi thèm khát có một mái nhà để trở về, và bất giác bài thơ nẩy ra trong ý nghĩ…
Bài “Người Đi”, tôi viết vào khoảng tháng 8/1985, khi đang ở trại tị nạn Pulau Bidong (Malaysia). Thời gian đó, chiều nào tôi cũng ngồi một mình trong khu nghĩa địa của đảo, chỉ vì nơi đó yên tĩnh và vô cùng đẹp. Đó là nơi lần đầu tôi thấy mặt trời lặn xuống biển. Trong số những tấm bia mộ chen chúc, có những tấm dày và thô như những cột cây số… Ngồi giữa đám bia mộ dưới bầu trời và trước biển bao la, tôi đã viết bài thơ này.
“Người về”- thơ trên cột cây số
o O o
Bây giờ Sydney đang vào xuân. Ngọc lan và dạ lý hương bắt đầu trổ nụ. Buổi tối, tôi thường ngồi yên lặng dưới hiên nhà, đôi khi với chai rượu và gói thuốc lá. Trước mặt là dòng sông đêm, xa xa phía chân trời là ánh đèn đô thị nhấp nháy. Ngồi đây, tưởng như vẫn còn ngồi bên bờ biển Nha Trang, với những đốm đèn câu mực nhấp nháy khơi xa…
Đêm nay, mưa xuân lác đác, hương ngọc lan thoang thoảng, hương dạ lý đặc quánh sỗ sàng, tôi ngồi dưới hiên nhà vừa nhìn mưa vừa uống rượu. Đột nhiên nhớ Cột Cây Số Đi Lạc mới trồng, tôi ngoảnh mặt nhìn nó dưới ánh đèn mờ nhạt, và bất giác sững người lạnh gáy khi thấy nó giống như một đứa trẻ còm cõi ngồi bó gối, với cái đầu bể toang hoác, máu đỏ ròng ròng chảy xuống tấm bảng ghi hàng chữ đen “Nha Trang” trước ngực.
VQL-Little Moon Bay, tháng 10/2014
(*) Bảng đồng khắc tên “The Straying Kilometre Stone” là ý tưởng của anh Hoàng Ngọc-Tuấn.