Tương truyền, hội vật cầu bùn này có từ thời Lý Bôn, Lý Bí đánh đuổi quân Lương (thế kỷ 4-5) gắn liền với sự tích bốn anh em Trương Hống, Trương Hách, Trương Lừng, Trương Lẫy khi đi qua làng Vân (tên tục của thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bây giờ) đã chiến thắng lũ quỷ trong trận vật cầu ở đầm lầy. Kể từ đó, hằng năm, lũ quỷ phải tham gia hội vật cầu bùn để góp vui cho các vị thần làng sau ngày bốn anh em họ Trương tuẫn tiết hiển Thánh.

Vì yêu mến và cảm phục chiến công của họ, dân làng đã lập đền thờ. Người anh cả được sắc phong là Đức Thánh Tam Giang. Từ đó, cứ vào khoảng dịp rằm tháng 4 và tháng 8 âm lịch, thôn Yên Viên lại tổ chức lễ hội đánh cầu bùn và rước kiệu. Tuy nhiên, do một số điều kiện khó khăn nên khoảng hơn chục năm gần đây, lễ hội đặc sắc này không được tổ chức thường niên mà được tổ chức theo chu kỳ 2 năm/lần vào các năm chẵn. Lễ hội kéo dài trong ba ngày, nhưng đông vui nhất vẫn là trận chung kết kết thúc lễ hội vào ngày 14 tháng 4 âm lịch. Lễ hội diễn ra tại sân Đền Chùa Vân nơi thờ các vị anh hùng dân tộc.
Hình ảnh của sự chiến thắng
Đền Chùa Vân
Quả cầu thiêng được rước ra sân đấu
Luật chơi của hội vật cầu bùn như sau: 16 thanh niên trai tráng khỏe mạnh tham gia hội vật được gọi là “quan cầu”, họ được chia làm 4 giáp (mỗi giáp 4 người), 4 giáp này được gộp lại rồi chia làm hai đội (mỗi bên 8 người) gọi là giáp trên và giáp dưới. Sau phần nghi lễ vào đền làm lễ tế Đức Thánh Tam Giang, các quan cầu uống mỗi người ba lưng bát rượu, ăn hoa quả (dưa hấu, xoài, thanh long) rồi xuống sân đấu ra mắt dân làng. Vừa đi vừa hô vang khẩu quyết biểu lộ tinh thần thượng võ quanh quả cầu đã được đặt sẵn ở khu vực giữa sân. Tiếp đến, hai giáp cử những chàng trai khỏe nhất ra ràng, xe đai đấu vật giữa sân bùn nhão nhoét. Nếu đô vật nào thắng thì giáp đó sẽ được giao cầu. Việc này giống giao banh trong môn đá banh. Hội vật cầu được tổ chức trên một sân có diện tích khoảng hơn 200m vuông, mặt sân là bùn nhão, ở hai bên đầu sân có hai hố để đẩy cầu xuống, mỗi lần một giáp đẩy được cầu xuống hố giáp đối phương trấn giữ là kết thúc một hiệp. Ngày 12 đánh hai cầu (một lần đẩy cầu xuống hố gọi là một cầu), ngày 13 đánh 3 cầu và ngày 14 đánh 4 cầu. Quả cầu đường kính 35 cm, nặng khoảng 20kg, được lưu truyền trong đình làng từ đời này sang đời khác.
Các đấu thủ cử hành nghi thức truyền thống
Tế Thần
Tranh tài
Theo quan niệm tâm linh, mỗi lần cầu được đẩy xuống hố sẽ tượng trưng cho trời đất hòa hợp, mưa thuận gió hòa giúp mùa màng bội thu.
Quả cầu được cất giữ nơi đền thờ
HT