Menu Close

Đằng sau nỗ lực toàn cầu chống Ebola

Trong tuần qua, các tin tức về dịch bịnh Ebola vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của công luận thế giới lẫn Hoa Kỳ. Hôm Thứ Sáu, 31-10-2014, có tin quan tòa Charles LaVerdiere thuộc tiểu bang Maine đã rút bỏ các biện pháp cách ly đối với nữ y tá Kaci Hickox.

 

alt

Thông tin về Ebola trấn an hành khách tại một phi trường Hoa Kỳ. Ảnh AP

Quan tòa này cũng nới lỏng nhiều hạn chế khác dành cho y tá Hickox. Từ thời điểm đó, cô chỉ phải chịu sự giám sát gián tiếp, phải báo lịch trình đi lại, và lập tức liên lạc thẩm quyền địa phương nếu thấy có bất cứ triệu chứng phát bịnh nào. Tuần trước đó, y tá Hickox trở về Hoa Kỳ sau 1 tháng làm việc tình nguyện với tổ chức Bác Sĩ Không Biên Giới (Doctors Without Borders) tại Sierra Leone, 1 trong 3 quốc gia bị dịch bịnh Ebola hoành hành dữ dội nhất. Tại phi trường Newark Airport, khi kiểm tra thấy thân nhiệt cô hơi cao hơn bình thường, thẩm quyền tiểu bang New Jersey lập tức cô lập Hickox trong một căn lều dã chiến. Sau khi khám nghiệm không thấy bị nhiễm virus Ebola, y tá Kaci Hickox đã phản ứng quyết liệt. Dưới áp lực của công luận và cả Tòa Bạch Ốc cùng thẩm quyền liên bang chịu trách nhiệm phòng chống Ebola CDC, đích thân Thống Đốc New Jersey đã phải nhượng bộ, để cho cô Hickox được về nhà ở tiểu bang Maine.

alt

Một người biểu tình trước Tòa Bạch Ốc đòi hủy bỏ các chuyến bay từ Tây Phi Châu đến Hoa Kỳ. Ảnh Mladen Antonov /AFP/Getty Images

Nhưng lại đến thẩm quyền tiểu bang Maine muốn Hickox phải ở trong nhà 21 ngày. Đến tận hôm Thứ Năm, cũng cùng 1 quan tòa đã ra án lịnh kiểm soát Hickox nghiêm ngặt (không được xuất hiện tại các nơi công cộng, như shopping center hay rạp chiếu phim; được phép ra ngoài đi bộ hoặc chạy bộ nhưng phải giữ khoảng cách 3 foot -khoảng 1 thước- với mọi người xung quanh; và không được phép rời thị trấn nhà Fort Kent). Sự đảo lộn phán quyết của tòa án cho thấy, khác các xứ cộng sản như Trung cộng hay Việt Nam, chánh quyền Hoa Kỳ không thể hạn chế tự do của bất kỳ công dân nào ngoại trừ khi có lý do hoàn toàn chánh đáng. Trong trường hợp nữ y tá Kaci Hickox, đến nay vẫn chưa thấy có triệu chứng nào của Ebola. Cô cũng xác nhận sự phản ứng quyết liệt của mình để nhằm yểm trợ nhiều chuyên viên cứu trợ y tế khác. Họ đều tình nguyện sang Tây Phi Châu cứu người và khi trở về nhà có thể cũng sẽ gặp những chào đón không mong đợi như cô, chỉ vì giới chánh khách, truyền thông, và cả dân chúng lo sợ rồi phản ứng thái quá trước dịch bịnh Ebola.

Cần thiết nhắc lại, trong trường hợp một người tiếp xúc với virus Ebola, có thể đến 21 ngày sau mới phát bịnh. Các triệu chứng gồm: sốt (trên 38.6°C hoặc 101.5°F); nhức đầu; đau nhức bắp thịt; mệt mỏi; đau bụng; tiêu chảy; ói mửa; ho ra máu, nổi nhiều vết bầm, v.v… Virus Ebola mãnh lực lây lan rất mạnh, nhưng không dễ lây lan, ngay cả trong các môi trường đóng kín như phi cơ hay xe bus. Lý do vì khác các thể loại bịnh cúm, virus Ebola không di chuyển/lây lan trong không khí. Virus Ebola ở dạng lỏng (chẳng hạn như trong máu) có thể sống vài ngày, nhưng nếu nằm trên mặt bàn ghế thì sẽ chết trong vòng vài giờ. Theo Centers for Disease Control and Prevention, các sản phẩm gia dụng thông thường như xà bông, thuốc tẩy, chất cồn, v.v… đều có thể diệt virus Ebola một cách dễ dàng.

alt

Y tá Nina Phạm họp báo sau khi xuất viện.

Ebola là loại virus chỉ có thể lây lan thông qua sự “đụng chạm trực tiếp” với một người đang nhiễm bịnh Ebola như ăn chung, hun hít, ân ái… Để bị lây bịnh, người ta phải chạm trúng các loại chất lỏng của bịnh nhân như: máu, chất nhờn, mồ hôi, nước bọt, nước mắt, nước tiểu, sữa, tinh trùng, v.v… rồi virus đi từ tay vào miệng, mũi, mắt, hoặc các chỗ da bị hở của người bị lây nhiễm. Trong số những người chịu rủi ro nhiễm virus Ebola cao nhất có các chuyên viên y tế, là những người trực tiếp chăm sóc các bịnh nhân Ebola. Mấy tuần trước, ông Thomas Duncan, quốc tịch Liberia, trở nên người duy nhất tử vong tại Hoa Kỳ vì bịnh Ebola, nhưng đã không lây bịnh cho bạn gái hoặc những người ở cùng trong căn chung cư. Chừng 50 người từng tiếp xúc với Duncan nhưng đều vượt qua giới hạn 21 ngày mà không tỏ ra triệu chứng nhiễm bịnh Ebola. Chỉ đến lúc nằm trên giường hấp hối, ông mới lây bịnh cho 2 cô y tá trực tiếp chăm sóc mình. Một trong 2 người này là y tá gốc Việt Nina Phạm nay đã hoàn toàn khỏi bịnh.

Một trường hợp khác là Bác sĩ Craig Spencer, ca nhiễm bịnh Ebola đầu tiên tại tiểu bang New York, phát giác hôm 23-10-2014. Đến nay, bịnh tình BS Spencer vẫn còn nghiêm trọng nhưng ổn định. Trong trường hợp này, nguy cơ lây lan virus cũng không cao dù xảy ra ngay tại New York City. Từ lúc trở về nhà từ ngoại quốc, tự biết mình trong diện rủi ro cao, vị bác sĩ này đã tránh không trở lại làm việc, không tiếp xúc bịnh nhân, và đo nhiệt độ 2 lần mỗi ngày. Khi bắt đầu thấy các triệu chứng Ebola, BS Spencer liên hệ giới chức thẩm quyền, và đi vào cách ly lập tức. Cao ốc chung cư 36 tầng nơi BS Spencer trú ngụ trong khu Upper Manhattan đã phong tỏa và khám nghiệm an toàn. Bên ngoài, trong nhiều ngày liên tiếp, có chuyên viên y tế phân phát thông tin về Ebola và trấn tĩnh cư dân thành phố.

Trên thực tế, ngày càng có nhiều dư luận từ phía giới thẩm quyền y tế tỏ ra quan ngại về các lo sợ Ebola không cần thiết đưa đến phản ứng thái quá của công luận và các nhà chức trách. Giới y tế thậm chí không ít lần nhấn mạnh, trong trường hợp Hoa Kỳ, dịch bịnh Ebola không đáng ngại bằng bịnh cúm (Flu). Có nhiều bịnh nhân chỉ mới thấy các triệu chứng cảm cúm thông thường, vội sợ bị Ebola, đi thẳng vô phòng cấp cứu. Điều này có thể chiếm nhiều thời giờ và nhân lực tại các “Emergency Room” vốn đã quá bận bịu. Mối nguy lớn hơn với mùa bịnh cúm sắp đến, khiến giới y tế càng hối hả thúc giục dân chúng chích ngừa cúm “Flu Shot” càng sớm càng tốt. Càng ít ca bịnh cúm, càng ít các vụ báo động Ebola bị… việt vị, càng đỡ gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Lần này, virus Ebola rồi cũng sẽ bị đánh bại. Kể từ giữa thập niên 1970, chỉ mới có 6 lần Ebola bùng phát gây hơn 100 ca tử vong trên toàn thế giới. Trong khi đó, mỗi năm mùa dịch bịnh cúm cũng giết hại hằng ngàn người, kể cả tại Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Phương tân tiến.

alt

Y tá Kaci Hickox và bạn trai đi xe đạp dạo mát cũng có xe cảnh sát theo sau.

So sánh với Tây Phi Châu thì các ca nhiễm bịnh Ebola tại Hoa Kỳ và Tây Phương là rất thấp. Để thắt chặt kiểm soát, từ Thứ Tư 22-10-2014, thẩm quyền về kiểm soát dịch bịnh của liên bang (Centers for Disease Control and Prevention hay CDC) đã tuyên cáo họ sẽ cách ly và giám sát trong vòng 21 ngày đối với bất cứ ai nhập cảnh vào Hoa Kỳ từ Tây Phi Châu. Tại 6 phi trường miền đông Hoa Kỳ (Georgia, Maryland, New Jersey, New York, Pennsylvania, và Virginia) – là những nơi thường đón nhiều hành khách Tây Phi Châu nhất, từ Thứ Hai, 27-10-2014, đã áp dụng thêm biện pháp đặc biệt. Ngoài kiểm tra y tế, các hành khách đến từ Tây Phi còn được phát một phần “Ebola kit”, bao gồm nhiệt kế, khi vừa đặt chân xuống phi trường. Hệ thống nhà thương trên khắp nước cũng được khuyến cáo cần để mắt trông chừng các ca có nguy cơ Ebola.

Chuyện của nữ y tá Kaci Hickox cũng cho thấy thực tế tại Hoa Kỳ vẫn đang còn nhiều tranh cãi có nên hay không nên áp dụng biện pháp cách ly đối với các chuyên viên cứu trợ y tế trở về từ vùng dịch bịnh hoành hành (các nước Guinea, Liberia và Sierra Leone) – hoặc có cần cấm bất cứ ai từ các xứ đó nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Riêng Canada và Úc đã quyết định đình chỉ cấp visa cho những ai từ vùng ảnh hưởng Ebola nặng ở Tây Phi Châu. Biện pháp cấm chỉ du lịch hay nhập cảnh dù hiệu quả nhưng cũng có thể có phản ứng không như ý. Liên Hiệp Phi Châu (African Union) từng than phiền chuyện nhiều phái đoàn y tế cứu trợ gồm đủ bác sĩ và y tá đã bị đình trệ, không cách nào tới được vùng có dịch bịnh hoành hành, chỉ vì các lịnh cấm hoặc hạn chế đi lại của chánh quyền các nơi.

Một xứ cộng khác khép kín như Bắc Hàn cũng mau lẹ tự cô lập họ. Vì sợ bị lây nhiễm Ebola, Bình Nhưỡng lập tức ra lịnh cách ly mọi người ngoại quốc. Nỗi lo sợ Ebola cũng bắt đầu ảnh hưởng Âu Châu, đã thấy xuất hiện vài biểu hiện xấu xí. Tại Đức, nhiều khán giả hâm mộ đá banh đã đồng thanh đứng dậy hô to “Ebola, Ebola” khi có một cầu thủ Phi Châu được đưa vào sân trong một trận cầu. Tại Anh Quốc, có đến 2 chủ nhà từ chối không cho một thông tín viên người Sierra Leone thuê chỗ ở vì sợ người này mang virus bịnh Ebola.

Và Ebola cũng có không ít mắc mứu sâu xa khác. Chừng một thập niên trước, các khoa học gia Canada,  Hoa Kỳ đã phúc trình loại vaccine hữu hiệu 100% giúp loài khỉ chống lại virus Ebola. Khám phá này đã có thể được tiếp tục thử nghiệm trên người ta rồi trở thành thuốc ngừa từ dạo 2010 hoặc 2011. Tuy nhiên,  vaccine này từ đó vẫn nằm im ỉm trong phòng thí nghiệm, không được ai đoái hoài. Một trong những lý do vì thiếu tài trợ. Thường thường, để đưa một loại vaccine mới ra thị trường, nhà bào chế thuốc phải tốn kém $1 tỉ đến $1.5 tỉ. Ít nhà đầu tư nào can đảm tìm thuốc chữa trị Ebola khi không thấy thị trường có thể sanh lời.

Sự phát triển thuốc bị đình trệ một phần cũng vì Ebola khá hiếm khi xảy ra, mà lại xảy ra tại Phi Châu. Hầu hết các hãng dược phẩm không thích chi một ngân khoản lớn để khảo sát và chế biến một loại thuốc chỉ dùng tại các xứ nghèo, ít có cơ hội trả tiền mua thuốc, ngoại trừ khi có các chánh phủ cường quốc hoặc Liên Hiệp Quốc ra tay tài trợ. Nhưng bây giờ, với Ebola lây lan khốc liệt tại Tây Phi Châu, đe dọa lan ra các vùng khác, nhiều chánh phủ và các nhóm khác nhau bắt đầu chịu mở hầu bao. Trong cộng đồng y-dược, đang có một hiểu ngầm là tài chánh sẽ không phải là trở ngại. Diễn biến này lập tức mở cửa cho rất nhiều nỗ lực nghiên cứu và thử nghiệm thuốc chủng ngừa Ebola.

alt

Cảnh tại một phi trường Hoa Lục.

TD