Tôi có viết một bài “Tên đường thành phố” nhân có lần tình cờ đi ngang qua đường “Bong” ở Fort Worth. Còn hàng ngàn tên đường quái lạ như thế, chẳng mang một ý nghĩa nào hoặc có chăng những ý nghĩa diễn giải ra làm bạn lắc đầu cười lăn. Và trong bài này, tôi xin giới thiệu thêm những cái tên càng quái chiêu hơn nếu bạn đã từng sống hoặc đến thăm thành phố nào đó hay thị trấn với một cái tên đặc biệt khác thường khiến trong đầu đặt ra câu hỏi?
Thị trấn Uncertain của Texas ghi nhận có 9 cư dân nhưng thực sự có đến 150 người. Đúng là thị trấn “Không chắc”.
Đầu tiên chúng ta nói về thành phố Yuma ở Arizona. Tên Yuma rất đẹp và có ý nghĩa rõ ràng nguồn gốc của bộ tộc Yuma sống ở miền Arizona và Colorado xa xưa. Nó còn mang một nghĩa “Đứa con của Tù trưởng”. Theo một câu chuyện xưa, nguyên thủy của tên thành phố Yuma bắt nguồn từ một tiếng chửi thề thô tục. Số là cách nay ngót nghét trăm năm, làn sóng những người di dân từ khắp miền Trung Tây tiếp tục di chuyển về miền Viễn Tây định cư. Tại Arizona có một nhóm cư dân sinh sống, đêm nào cũng bị mất quần áo phơi ngoài sân, gà qué cứ bị bắt dần. Dân làng cho là ở rừng núi này có ma quấy. Ông mục sư của làng chẳng tin vào chuyện ma quái và quyết tìm cho ra thủ phạm. Ông núp trong rừng và đêm đó bắt gặp một cái bóng thoát ngang. Vị mục sư nổ súng, cái bóng ngã lăn trên đất. Ông chạy đến xem nhận ra một người da đen trúng đạn. Vị mục sư hỏi: “Anh là ai?”, Người da đen trong lúc hấp hối, làu bàu nhưng chỉ phát âm được hai âm tiết: “Yu… ma…” rồi nhắm mắt. Vị mục sư nghe xong, lo lắng: “What the hell… bắn nhầm thằng con của tù trưởng”. Nhưng ông đâu biết rằng, người da đen chửi thề độc địa “You’re motherfucker”! Từ đó làng Yuma ra đời và ngày nay thành một thành phố có gần trăm ngàn người sinh sống.
Thị trấn Boring không chán như bạn tưởng
Việc phát âm không rõ theo nghĩa gốc biến thành một từ có ý nghĩa đẹp hầu như bất kỳ ngôn ngữ nào cũng có. Chẳng hạn những người quê Quảng Ngãi đều biết Bến Tam Thương. Tam Thương không phải “Ba thương má lúm đồng tiền” ngợi ca nhan sắc cô gái đẹp trên sông Trà Khúc. Tam Thương vốn là từ Hán Việt, từ gốc là Tạm Thương, nghĩa là “kho tạm”, nằm gần bến. Nhưng dần dần, khi gắn với địa danh, người dân ở đây đọc thanh nặng khó hơn nên dấu nặng biến mất, mọi người gọi bến sông này là Tam Thương.
Trở lại ông mục sư lo lắng chuyện bắn nhằm thằng con tù trưởng. “What the hell…” cũng là một tiếng chửi nhẹ nhàng trong văn hóa ngôn ngữ Anh-Mỹ. Không biết có phải người Mỹ khoái dùng tiếng lóng hay không mà lại có cái tên Hell Town ở Michigan. “Hell” tách khỏi cụm từ “what the hell” lại có nghĩa khác là “địa ngục, hạ giới”. Chẳng ai muốn sống trong “Địa ngục” thế mà Cục Khảo sát Bản đồ và Địa chất Hoa Kỳ thống kê có đến 60 cái tên “Hell” đặt cho tên làng, thị trấn, thành phố trên toàn nước Mỹ. So với “Paradise” (Thiên đàng) thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chắc người ta thích sống ở “Hạ giới” hơn lên “Thiên đàng” vì nó đời hơn, con người hơn, đầy đủ hỉ nộ ái ố. Cái tên “Hell” buồn cười này theo truyền thuyết bắt nguồn từ những bà vợ có chồng là nông dân nát rượu, thường xuyên đổi lương thực hay dùng tiền để mua rượu giải khuây. Vui cũng uống, buồn uống nhiều hơn, bàn công việc uống tới bến, các ma men nông dân chẳng có gì làm sau một ngày làm việc, rượu vào lời ra tiếng lại mới làm cho cuộc đời ở “Hạ giới” càng thêm náo nhiệt.
Thị trấn Intercourse (nghĩa tiếng Việt là Giao hợp), cái tên không chút e dè!
Có lẽ đệ tử lưu linh ở các “Hell” Town nhiều quá, rượu làm ảnh hưởng cuộc sống sinh hoạt, xáo trộn đời sống gia đình, xã hội, nên chính quyền các nơi ra lệnh hạn chế rượu đã khiến hình thành một thị trấn có tên Last Chance ở Idaho. Đi dọc xa lộ 20, chắc chắn bạn sẽ nhìn thấy thị trấn này. Thị trấn “Cơ hội cuối cùng” của Idaho là một phần đất đai của Island Park, được thành lập vào những năm 40 của thế kỷ trước nhằm chống đối chính sách cấm bán rượu vượt quá lượng cho phép của chính phủ tiểu bang Idaho.
Không có rượu làm sao không khí được náo nhiệt vì thế ở Oregon có thành phố mang tên Boring. Du khách đến đây nhìn thấy tấm bảng “Welcome to Boring” thì chán chết. Muốn vui nhộn lái xe ngàn dặm thăm thú nước Mỹ mà đến Boring City còn chi hứng thú! Nhưng các bợm nhậu đừng lo, thành phố này được lấy theo tên của một người dân địa phương có công dựng làng, W. H. Boring. Tuy vậy, trái ngược với cái tên buồn chán này, chẳng có lý do gì khiến cho dân cư ở đây cảm thấy buồn tẻ cả. Boring City có đến tám mươi ngàn dân cư, người dân ở đây sống bằng nghề khai thác gỗ. Và quan trọng nhất, tiểu bang Oregon là nơi có hàng ngàn xưởng sản xuất bia nhiều nhất trên nước Mỹ. Vậy thì các ma men chẳng phải lo nghĩ gì cả, cứ đến Boring.
Hồ nước có cái tên dài lê thê với 45 ký tự
Nói đến đây, tôi chợt nhớ thị trấn Carefree nằm ở phía Bắc của Phoenix. Arizona. Thị trấn nhỏ này rất chú trọng đến vấn đề dân sinh. Tại đây có những tên đường rất thoải mái như Lazy Lane, Easy Street… Chẳng thế mà người dân nơi đây sống rất thanh thản, vui vẻ yêu đời. Và bạn cũng đừng hốt hoảng khi tình cờ lái xe rong ruổi đến Maryland, bước vào ranh giới thị trấn bên đường bắt gặp tấm bảng “Welcome to Accident”. “Accident” chỉ có nghĩa là “Tình cờ”. Chuyện là hồi năm 1750, có hai nhóm kỹ sư đi khảo sát vùng đất này. Thật là tình cờ, cả 2 nhóm này đều lấy mốc ở cùng một cây sồi và diện tích họ khảo sát đều là 600 mẫu Anh. Vì vậy mà nó có tên Accident. Một từ có vài ba nghĩa là chuyện bình thường, như “Welcome to Accident” đừng nghĩ người ta trù ẻo mình. Ở Pennsylvania có thị trấn quê mùa Intercourse. Người địa phương nói tên của thị trấn này bắt nguồn từ sự giao nhau của những con đường, người lại bảo là xuất phát từ mong muốn trái đất được đoàn kết, hòa bình. Tuy nhiên ý nghĩa thật sự của nó thì lại không lành mạnh như mọi người liên tưởng.
Có lần tôi đi New Mexico, trên xa lộ 25 bắt gặp bảng chỉ đường đến thành phố Truth or Consequences (Sự thật hay Hậu quả). Hỏi người địa phương về thành phố này sao lại có cái tên kỳ cục và dài ngoằng. Chẳng ai biết, họ gọi thành phố này là “T or C” cho gọn. Cái tên Truth or Consequences bắt nguồn từ một chương trình radio đầu tiên xuất hiện tại thành phố. Nhưng tôi cứ thắc mắc, chẳng lẽ trước đó thành phố không có tên mà lại phải đợi có đài radio mới có được cái tên Truth or Consequences. Thật vô lý! Thà như tại Texas có một thị trấn nhỏ xíu tên Uncertain (Không chắc) vẫn hay hơn. Khởi nguồn của cái tên ngộ nghĩnh này là khi một nhà khảo sát phải đến thị trấn này đo đạc địa giới, ông đã không chắc chắn sự tính toán của mình là chuẩn xác, từ đó “Uncertain” ra đời với dân số 9 người. Nhưng hiện nay có đến 150 người. Đúng là “Không chắc”!
Xin chào các bạn, đừng sợ chẳng có tai nạn nào đâu
Nói đến cái tên địa danh dài ngoằng thì đây chắc không phải một từ sai chính tả. “Chargoggagoggmanchaug-gagoggchaubunagungamaugg” tên một hồ nước thuộc thị trấn Webster, Massachusetts. Trước đây, người ta biết đến hồ này với những tên gọi như Chabanaguncamogue, Chaubanagogum và Chaubunagungamaug. Các nhà sử học cho rằng những tên gọi này đều có chung một nghĩa là “khu vực câu cá ở biên giới”. Tên gọi của hồ bắt nguồn từ một nhóm di dân người Anh sinh sống tại khu vực này từ nhiều thế kỷ trước. Về sau những người da đỏ sinh sống ở đây đã đặt tên cho hồ là Chargoggaggoggmanchoggagogg, với nghĩa “Người Anh ở làng Manchaug”. Đến năm 1795, tên hồ đã được tìm thấy trên bản đồ. Sau đó, người dân quyết định ghép thêm cụm từ Chaubunagungamaug vào sau tên gọi hiện tại của hồ và nó trở nên dài lê thê như ngày nay.
Vấn đề tên địa danh được ghép thêm từ, gần đây có thị trấn PhinDeli tại Wyoming (trước đây là Buford). Phạm Đình Nguyên nhà kinh doanh cà phê tại Việt Nam đấu giá mua được thị trấn gần hai năm trước với mục đích quảng bá cà phê. Theo Thị trưởng Phạm Đình Nguyên, cà phê PhinDeli là sản phẩm thuần Việt. Ông giải thích thêm rằng chữ “Phin” trong PhinDeli là cái phin để pha cà phê, biểu tượng của cách chế cà phê độc đáo chỉ có ở Việt Nam. “Deli” là chữ viết tắt của “Delicious”, nghĩa là ngon. Ghép lại có nghĩa là “cà phê phin ngon”. Sở dĩ, ông không chọn tên rặt “Tây” vì sẽ không mất ý nghĩa về nguồn gốc cà phê Việt. Tuy nhiên, chọn tên thuần Việt thì người Mỹ, người châu Âu khó đọc, khó nhớ. Vì vậy, ông đã tìm cách “liên thông” cả Việt lẫn Mỹ và cái tên PhinDeli được chọn. Nhưng dẫu sao, PhinDeli vẫn là cái tên địa danh khá là “quái chiêu” ở xứ Mỹ này. Chẳng lẽ mỗi lần nhắc đến PhinDeli lại phải giải thích lòng vòng mà không có cái nghĩa cụ thể của từ gốc. Mà thôi, thắc mắc làm chi cho mệt cái đầu.
Thị trấn PhinDeli khai trương bảng tên mới và giới thiệu cà phê Việt
TN