Chào bác sĩ, vợ tôi bị bệnh sỏi túi mật, lâu lâu mới đau bụng một lần. Bác sĩ nói có thể để đó theo dõi xem bệnh tình có trầm trọng thì hãy mổ. Chúng tôi rất phân vân. Bạn tôi nói nếu lo ngại thì đi hỏi thêm ý kiến bác sĩ khác. Xin bác sĩ cho biết có nên làm như bạn tôi nói không?
Cảm ơn Bác sĩ. Quốc Bình
Đáp
Thưa ông, Đây là việc làm khá cần thiết, vì thường thường trước một căn bệnh hiểm nghèo, chắc là bệnh nhân cũng muốn tìm hiểu thêm trước khi quyết định việc điều trị. Sự tìm hiểu thêm này có thể là từ sách báo, internet nhưng thường thì với các bác sĩ chuyên môn khác. Xin góp ý kiến như sau.
Việc lấy ý kiến thêm (Second Opinion), là chuyện được nói tới khá nhiều ở mọi quốc gia. Ấy vậy mà kết quả thăm dò cho biết hàng năm chỉ có 20% bệnh nhân làm công việc có tính cách hỗ trợ, quyết định về bệnh tình của mình.
Lấy ý kiến thứ hai (hoặc thứ ba…) có thể do bệnh nhân hoặc thân nhân yêu cầu, đôi khi cũng từ bác sĩ, khi vị này có khó khăn trong chữa trị, chẩn đoán.
Các trường hợp cần phải xin ý kiến thứ hai.
– Khi chính bác sĩ đang điều trị cho mình nêu ra, vì căn bệnh ngoài chuyên môn của vị này.
– Khi bác sĩ đề nghị một giải phẫu không khẩn cấp. Trong trường hợp này, công ty bảo hiểm cũng đòi phải có ý kiến thứ hai
– Khi không được bác sĩ giải thích tường tận về bệnh của mình
– Khi mình không thỏa mãn với lời giải thích của bác sĩ điều trị
– Có một bệnh hiếm chưa được hoặc đã được xác định
– Có hơn một phương thức điều trị bệnh đó được nêu ra.
– Bác sĩ điều trị không biết mình đau bệnh gì.
– Bệnh nhân muốn có phương thức trị liệu mà bác sĩ của mình không nắm vững.
– Khi đang bị một bệnh trầm trọng, bệnh nhân cần quyết định xem nên chấp nhận hoặc từ chối phương thức điều trị mà bác sĩ đề nghị.
– Ý kiến thứ hai giúp ta yên tâm là mình đã quyết định đúng.
– Lấy ý kiến thứ hai từ các bác sĩ có kinh nghiệm hơn về bệnh của mình.
– Ý kiến thứ hai có thể giúp mình và bác sĩ điều trị an tâm về phương thức trị liệu đang hoạch định
– Lấy ý kiến thứ hai giúp ta hiểu biết nhiều hơn về phương thức trị liệu mới
– Lấy ý kiến thứ hai đôi khi cần làm đối với vài loại bệnh hoặc kỹ thuật chữa trị, sàng lọc bệnh. Bảo hiểm đôi khi chỉ trả một nửa hoặc không bồi hoàn nếu không lấy ý kiến thứ hai.
– Khi sẽ phải trải qua giải phẫu lớn hoặc tái giải phẫu.
– Khi gặp khó khăn thảo luận với bác sĩ điều trị.
– Bệnh tình không khá hơn với trị liệu đang theo.
– Có quá nhiều bệnh một lúc.
Cần làm gì khi tới bác sĩ thứ hai?
Khi tới bác sĩ thứ hai, nên chuẩn bị sẵn các điều muốn hỏi như là:
– Liệu bệnh của mình có thể có chẩn đoán khác
– Có cách chữa nào khác không
– Kết quả sẽ ra sao nếu trì hoãn hoặc không điều trị
– Rủi ro của điều trị như thế nào
– Điều trị có kéo dài hoặc nâng cao đời sống không
– Bao lâu sau điều trị thì bình phục
– Tại sao ý kiến thứ nhì lại khác với ý kiến trước.
Tóm lại, lấy ý kiến thứ hai có lợi điểm là giúp bệnh nhân có thêm hiểu biết về bệnh tình, về phương thức chữa trị để lựa chọn và nhờ đó họ an tâm tích cực hơn trong việc tự chăm sóc.
Trước khi yêu cầu ý kiến thứ hai, nên coi lại xem giữa mình và bác sĩ đã có sự đối thoại, giải thích rõ ràng chưa. Nếu là chưa thì mình cứ nhẹ nhàng hỏi thêm, cho ra lẽ. Thường thường thì các vị lương y cũng không đến nỗi quá khó tính, không muốn mích lòng con bệnh và cũng không muốn thấy mấy ngài trạng sư gửi thư hỏi thăm.
Các cụ ta vẫn nhắc nhở
“Lời nói chẳng mất tiền mua”.
Đôi bên nên nhẹ nhàng hỏi đáp thô
ng cảm với nhau để duy trì tình nghĩa con bệnh-thầy thuốc ngày càng thêm thắm thiết.
Hy vọng các góp ý này giúp ông bà giải quyết được mối e ngại đang có.
Xin bác sĩ cho biết, bệnh trầm cảm có chữa được hay không và chữa bằng cách nào? Vĩnh Đỗ.
Đáp
Thưa ông, Bệnh Trầm cảm có thể chữa bằng dược phẩm và tâm lý trị liệu.
Tâm lý trị liệu tìm hiểu hoàn cảnh đưa tới rối loạn tâm thần và các vấn đề tâm lý rồi giúp người bệnh phát triển nhân cách, tự hiểu mình hơn để giải quyết khó khăn của chính mình. Bác sĩ không hướng dẫn các quyết định của bệnh nhân.
Về dược phẩm thì có cả vài chục loại khác nhau được dùng để điều trị trầm cảm. Để lựa chọn thuốc thích hợp cho tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ lưu ý đến mấy điểm sau đây:
1. Nếu ta đã bị trầm cảm và đã được điều trị thuyên giảm với một loại thuốc nào đó thì bác sĩ sẽ tiếp tục cho dùng tiếp.
2. Nếu thân nhân của ta bị bệnh và được điều trị hữu hiệu với một thuốc thì thuốc đó cũng được dùng cho ta;
3. Thuốc trị trầm cảm nào cũng cho một vài tác dụng phụ, có ảnh hưởng trên sức khỏe và bệnh mà ta đang có. Cho nên khi lựa thuốc, bác sĩ cũng phải cân nhắc ở điểm này và lựa thuốc có càng ít tác dụng phụ càng tốt;
4. Tâm lý bệnh nhân là rất ngại uống thuốc. Vì vậy bác sĩ sẽ lựa thuốc nào để ta uống ít lần mà vẫn giảm triệu chứng trầm cảm;
5. Thuốc bây giờ rất đắt cho nên bác sĩ cũng lựa loại hợp với túi tiền của bệnh nhân hoặc các hãng bảo hiểm sức khỏe đồng ý trả tiền thuốc;
6. Vì phải theo dõi kết quả điều trị cũng như tác dụng tốt xấu của thuốc, bác sĩ cũng lựa thuốc mà họ đã biết rõ và thường cho bệnh nhân. Như vậy cũng tránh được sự dò dẫm, khiến bệnh nhân không nản lòng;
7. Thuốc phải sớm có tác dụng, giảm triệu chứng như là bớt buồn rầu, có nhiều nghị lực hơn, ăn ngủ bình thường…
8. Có thể là ta đang dùng vài thuốc cho vài bệnh nào khác. Bác sĩ cũng phải cân nhắc coi các thuốc đó có tác dụng qua lại với nhau, có làm giảm hiệu lực của nhau hay không;
9. Thuốc và thực phẩm đôi khi cũng có ảnh hưởng lên nhau, nên ta phải hỏi bác sĩ xem uống thuốc lúc nào: khi ăn hoặc khi đói bụng? Kiêng cữ món ăn nào không?…
Cũng xin nói thêm là khi bị trầm cảm thì người mình vốn rất kín đáo, dè dặt và chịu đựng, một mình mình biết, một mình mình hay. Người bệnh thường không chịu nói ra, kể cho ai nghe vì ngại vạch áo cho người xem lưng. Nhiều khi lại không tìm phương thức điều chỉnh một phần vì không quen với lối bộc lộ tâm tư để nghe người lạ khuyên nhủ và cũng không tin tưởng ở khoa tâm lý, khuyên giải nước đôi.
Cho nên mới có
“Sầu đong càng lắc càng đầy” để rồi
“Giết nhau chẳng cái lưu cầu; Giết nhau bằng cái u sầu, độc chưa”.
NYD