Tìm lịch sử, giữ tương lai
2015. Chuẩn bị hướng về biến cố 40 năm người Việt định cư tại hải ngoại, tôi muốn gợi mở một viễn ảnh về ‘quê tôi,’ Little Saigon tại Quận Cam, với một nhân diện đa chiều, đi vào một sự lắng đọng toàn tâm, ôn lại dòng lịch sử dân tộc tại quê nhà và hải ngoại trong nửa thế kỷ qua với các chứng từ chắt lọc từ những tâm tình của người Việt tha hương.
Vào giữa thập niên 1990, tôi ‘bấm bụng’ dùng tiền học và ngân sách cá nhân để thực hiện Dự án nghiên cứu Việt Mỹ (VAP) theo phương pháp Lịch Sử Truyền Khẩu. Từ những ngày đầu tiên ấy, tôi biết rõ mình muốn đi tìm một quá khứ đang bị hất hủi và xử ép trong dòng lịch sử Hoa Kỳ. Mặc dù các sử gia lão thành tại Hoa Kỳ vẫn coi chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử quốc gia, cuộc chiến ấy lại chỉ được nhắc đến vỏn vẹn vài dòng trong trang sử bậc trung học, và xuất hiện đó đây trong các tài liệu nghiên cứu một cách phiếm diện.
Điều làm tôi bất bình hơn nữa là cuộc chiến ấy, tuy xảy ra trên quê hương tôi, nhưng đa số sử liệu đều chú trọng đến các chính sách tại Hoa Thịnh Đốn, đến quân nhân Hoa Kỳ, đến quân đội Hoa Kỳ, đến nhận định về chiến tranh của thế hệ trưởng thành trong các thập niên 50, 60, và 70 tại Hoa Kỳ. Nói một cách ví von, những tài liệu này liệt cuộc chiến Việt Nam – về mặt ngoại giao, chính trị, quân sự, và dân sự – vào loại chiến tranh trên ‘màn ảnh truyền hình,’ trên diễn đàn báo chí, xảy ra trong tâm thức của người dân Hoa Kỳ rõ ràng hơn là trên xương máu đất đai của người dân miền Nam.

Little SaiGon
Người dân ‘quê tôi’ có nguồn có cội. Tôi phẫn nộ khi họ bị đối xử như nấm, không dưng mọc lên trong xã hội Hoa Kỳ, như những người di dân tứ cố vô thân, không quê hương, không lịch sử. Trong suốt mùa hè 2001, tôi làm việc tại SAMHSA trực thuộc AAPI White House Initiative tại Bộ Y Tế Liên Bang, với sự bảo trợ của NAFEO. Qua các nghiên cứu tại đây, tôi nhận xét rằng cuộc chiến Việt Nam trong sách vở tại Hoa Kỳ là một cuộc chiến ảo. Ảo, vì trong các tài liệu này, ta chỉ thấy một quân đội chứ không phải hai – quân đội Hoa Kỳ, một cái nhìn – cái nhìn từ kinh nghiệm nước Mỹ, một bãi chiến trường – chiến trường trên TV và hậu trường chính trị Hoa Kỳ.
Thoảng tìm được những thông tin liên quan đến người dân miền Nam và quân đội Việt Nam Cộng Hòa, thì chỉ là những chi tiết vụn vặt liên quan đến quân nhân Mỹ và chính trị Mỹ. Đa số những kinh nghiệm của người dân và quân đội miền Nam đều là những tài liệu ‘ngoài dòng’ hay chưa được đưa vào văn khố.
Khi tôi thực hiện một bài nghiên cứu ngắn về cộng đồng Việt tại Quận Cam năm 1998, tôi đã không tìm được bao nhiêu tài liệu trong thư viện Đại Họcc Fullerton. Tuy vào năm 2014 này, nhiều văn khố (như Văn Khố Đông Nam Á tại Đại học Cornell) đã thu thập và lưu trữ nhiều tài liệu liên quan đến cộng đồng Đông Nam Á nói chung, và người Việt nói riêng, các văn khố này vẫn chưa phản ánh đủ và sâu sát đời sống và tâm thức của người Việt tại Hoa Kỳ và kinh nghiệm lịch sử của họ.
Đặc biệt, tôi thao thức về những tân toan, những chua xót, những vui buồn mà các thế hệ đi trước đã trải qua. Tôi nghĩ, phải chi thế hệ ‘bobo’ đói cơm đói chữ sinh sau 1975 của chúng tôi có thể chạm đến những góc hồn cô lặng giữa tên bay đạn lạc, những khóe mắt ướm lệ bên nấm mộ lấp vội bên đường, những trăn trở mỗi ngày của các thế hệ trước. Nếu được như thế, thì ắt chúng tôi sẽ được lớn lên rất nhiều trong sự hiểu biết và nhận thức về một quá khứ khuất mặt.
Khuất mặt, là vì ở Việt Nam hậu 1975 cho đến nay, quá khứ này bị vùi dập, bị xử giảo, bị cấm khẩu, bị truy sát. Khuất mặt, vì ở Hoa Kỳ, quá khứ này bị xô lấn bởi áp lực sống còn về kinh tế của đời tỵ nạn, bị cấm cửa vì rào cản ngôn ngữ, bị té ngã vì sự khác biệt quá lớn giữa thế hệ của thời chiến và ‘con cháu của thời bình.’ Nói là thời bình, nhưng thế hệ hậu chiến của chúng tôi tìm đâu ra hòa bình giữa truy lùng nhân cách, áp bức nhân sinh, thảm sát tự do trên chính quê hương mình?
Vì vậy, tôi dấn thân đi tìm nghe và ghi nhận lịch sử và kinh nghiệm của người dân xứ Little Saigon, là để đi tìm và truy nhận một lịch sử lạc loài, nhằm nắm giữ một tương lai cho chính mình và cho chính ‘quê tôi.’

‘Chạy trong Cỏ Cao’ của đạo diễn Vũ Duy Hảo là một dạng ‘phố cổ’ màn bạc
Phố cổ – vành nôi văn hóa, kho tàng lịch sử
Tự bản chất, phố cổ là vành nôi văn hóa của một quốc gia hay một thành phố. Phố cổ được trân trọng và gìn giữ ở nhiều nơi. Tuy đối với một số phố cổ, tính cách du lịch có phần trội hơn so với các sinh hoạt văn hóa hay lịch sử, nhưng phố cổ vẫn là không gian kiên định để ta có thể tìm về, gặp gỡ hôm qua, và ôm lấy cội nguồn.
Ở Hoa Kỳ, nhất là ở các thành phố sầm uất tại California, người ta quen hơn với ‘phố nhỏ’ (chữ tôi dịch từ ‘downtown’ trong hoàn cảnh bài này), với khái niệm đi bát phố, đi mua sắm, vui chơi. Thậm chí ở các vùng phố biển, phố cổ cũng trở thành ‘làng,’ như làng La Jolla, san sát với những thương hiệu thời thượng và quán ăn hạng sang. Muốn đi tìm lịch sử ư? Phải chịu khó đi qua những nẻo biệt, vào chòi cổ, nơi mà lịch sử được ‘bảo tàng hóa’ và ‘văn khố hóa.’
Thế nên, đi tìm phố cổ ở những thành phố cận đại là một ý nghĩ viển vông. Vậy thì, nếu đã lỡ ‘viển vông,’ thì đi tìm phố cổ ở đâu? Tôi muốn mường tượng ra những phố cổ, tuy không được các Viện Sử Học đặt tên là phố cổ, nhưng lại là phố cổ của nhiều người, của một sắc dân nào đó. Vì lịch sử định hình quốc gia của Hoa Kỳ, một số nơi được chính thức công nhận là di sản lịch sử, nhất là tại các thành phố ở miền Đông Bắc, nơi mười ba thuộc địa đánh dấu sự bắt đầu của Mỹ quốc. Nhưng, đối với lịch sử định hình của người Mỹ gốc Việt, Little Saigon có thể được gọi là Phố Cổ, vì nơi đây, lịch sử và văn hóa Việt Mỹ đã được khơi mào.
Khi coi Little Saigon là phố cổ, tôi có ngụ ý rằng đây sẽ là nơi nhiều người sẽ quay về, tìm lại, để chứng kiến và truy nhận một quá khứ sống động vẫn đang chan chảy. Khi gọi Little Saigon là phố cổ, tôi muốn dành cho miền đất này tất cả những sự ưu ái xuyên suốt thời gian và trải dọc đời sống nhân sinh. Tôi muốn nói rằng, Little Saigon có một nền văn hiến và một lịch sử tiềm ẩn mà mỗi chúng ta đều có một phần trong đó. Mà không chỉ Little Saigon của Quận Cam, mà tất cả những Sài Gòn Nhỏ và những khu sinh hoạt của người Việt ở khắp nơi trên thế giới, nơi giữ hồn người và tình đất Việt, sẽ bừng nở muôn sắc trong 2015, bốn thập niên khai mạch trên xứ người.

Hai ông bà cụ Việt tìm về ‘phố cổ’ của riêng mình ở Biloxi sau bão Katrina