Menu Close

Thơ Cao Đông Khánh

Nhớ ngày nào (tháng 12 năm 2000) Nguyễn viết lời chia tay Cao Đông Khánh: Cao Đông Khánh đã ra đi. Bây giờ, ngồi nghĩ về thơ Cao Đông Khánh – hai tập “Lịch Sử Tình Yêu” và “Lửa Đốt Ngoài  Giới Hạn” – mới thấy rằng chúng ta chưa nói đủ những gì cần phải nói về thơ Cao Đông Khánh. Có thể lâu ngày người ta trở nên dị ứng với những chuyến tàu vượt trùng khơi bão tố đi tìm một bến bờ dung thân. Có thể người ta không còn xúc cảm nữa trước cái căn cước tị nạn (chữ của Cao Đông Khánh) của mình và người. Thơ Cao Đông Khánh, cũng như văn của Hà Thúc Sinh, đã không được chú ý đúng mức, như lẽ công bằng đòi hỏi phải như vậy. Mà thơ Cao Đông Khánh đâu phải là thứ văn chương tiêu khiển, thù tạc. Nó là tiếng nói trung thực, dũng cảm của một con người trước những thế lực hung hãn, trong ba đào của những biến chuyển thời đại. Nó là nghệ thuật, là khai phá, mới mẻ và táo bạo. Hãy đọc lại Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn và chìm vào trong đó để nghe những dư ba động vỡ của bi kịch người. Hãy nghe tiếng thơ của Cao Đông Khánh vang lên, không hề lỗi nhịp, ở quảng trường thời đại. Khánh đã bứt phá tất cả để tiến lên phía trước, sừng sững như một pháo đài trong lửa, gió, nước, vầng trăng và mặt trời.

Ngang tàng, táo bạo, mới và đẹp. Cao Đông Khánh đã đóng góp phần mình vào thơ của một thời.

alt

Cao Đông Khánh

Nguyễn

Cao Đông Khánh sinh năm 1941 tại An Phú Đông, Gia Định, Việt Nam. Vượt biển đến Mã Lai, trại tỵ nạn Cherating tháng 6 năm 1979, đến Hoa Kỳ cuối năm 1979. Tác phẩm Lịch Sử Tình Yêu, Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn.

Nhà thơ Cao Đông Khánh từ trần tại Houston ngày 12/12 năm 2000 lúc tròn 60 tuổi.

Đường Ngô Thị Tâm

Để anh kể cho em trí nhớ
quán lộ thiên cây nhãn già cỗi
một buổi sáng nhìn anh mỉm cười
tách trắng nõn khói cà phê đen

Để anh sửa xe đạp cho em
trước giới nghiêm em về Chợ Lớn
bóng lá me đường Trần Cao Vân

Để anh uống ngon giọt nước mắt
bữa cơm rau chấm cay nước muối

để anh nhắc ngày anh ra biển
chặt một chân để lại làm tin
hãy xẻ khô cất làm lương thực
em ráng sống giùm anh nghe em
nghe đó em người làm nhân chứng
tình yêu này như hỏa diệm sơn

Để anh kể cho em tưởng tượng
một đêm gió khô hết hơi thở
người chết dưới biển lên đảo viếng thăm
họ xây cất thành phố lộng lẫy
đầy lương thực và vũ khí
để làm trạm trở về cho Nguyễn
Nguyễn đi xa Nguyễn nhớ cha mẹ
Anh đi xa anh nhớ em khóc
từng đoàn quân hùng dũng phát xuất
tổng hành dinh một màu cờ vàng
đoàn cơ giới chạy ra hải cảng
trên con đường đã mang tên em

Để anh kể cho em sung sướng
điểm xuất quân một ngày hy vọng
trên con đường anh đặt tên em
trên hải đảo anh nằm chờ chết.

Rồng Bay Phượng Múa
                
tặng Nguyễn Lập Đông

Sàigòn Chợ Lớn mưa như chớp
nát cả trùng dương một khắc thôi
chim én bay ngang về Xóm Chiếu
nước ròng ngọt át giọng hàng rong
hỡi ơi con bạn hàng xuôi ngược
trái cây quốc cấm giấu trong lòng
hỏi thăm cho biết đường ra biển
nước lớn khi nào tới cửa sông

Sàigòn Khánh Hội gió trai lơ
khi ấy còn tơ gái núi về
đào kép cải lương say tứ chiến
Ngã Tư Quốc Tế đứng xàng xê
gánh nước nặng hơn vác thánh giá
má đỏ hình như rượu mới nồng
em nhớ giăng mùng khi xế bóng
kéo đời đưa võng suốt hôn mê
Chương Dương sánh ánh trăng vàng võ
rọi thấu vào trong dạ não nùng
con cá lội qua Cầu Ông Lãnh
như chiếc ghe bầu khẳm héo hon
nước chia mấy ngả sao không thấy
mấy ngả phong trào thuở thiếu niên

Sài Gòn Gia Định em vô trước
qua ngõ Cầu Bông mới tủi thân
chiếc xe đò cũ hơn chùa miễu
chở hết vàng son tới ủ ê
đêm đêm rực tiếng côn trùng dậy
trống trải hồn ta đến thấu trời
xa lộ phía bên gà gáy tối
về lối Hàng Sanh có tiếng cười
anh lén ghé qua nhà kẽo kẹt
thấy tiếng cười trong một giấc mê

Sài Gòn Phú Nhuận nhớ không nổi
có ngả nào qua Khám Chí Hoà
hỏi thăm quên mất tên thằng bạn
như lá trên rừng đang chuyển mưa
trận mây đồng phục nặng như thép
ửng chút đời xưa rạng chỗ ngồi
những người cách mặt gần như nhớ
những mặt trời xây xẩm trở về

Sài Gòn Chợ Lớn nhớ không tới
con gái Bàn Cờ qua Thủ Thiêm
chiếc phà chở hết tên thành phố
mỗi ngã tư trời đất mỗi nơi
nhớ thương cũng mỏi cánh cao vút
đáp xuống Cầu Ba Cẳng xả hơi
mọc thêm một cánh chân thời thế
con thú về Lục Tỉnh mất tiêu
nửa đêm em đổ mồ hôi trộm
như nụ cười che chở thịt da

Sài Gòn bước cho rõ tiếng guốc
nắng vàng vàng trên đá nứt mê tơi
như một mùa hoa nở cấp tốc
đưa đường tại hạ ghé qua chơi
hỏi thăm con bạn thời sinh tử
đã lánh mình qua miệt Chánh Hưng
cầu Chữ Y yêu kiều ba ngã
có ngã lui về đế dưỡng quân
nồi lẩu lươn chua đêm nuốt khói
ta với mình nhứt dạ đế vương

Sài Gòn Chợ Lớn dưới mặt đất
ngõ hẻm đời sau rối địa hình
tiếng nói cất lên, ngoài tiếng nói
của đàn ông nói chuyện với rồng
tiếng hát cất lên, ngoài tiếng hát
để về khuya phượng múa chung quanh

Trên Nóc Sàigòn

Để anh hát cho em ngủ quên
lời êm ái như cỏ xanh mướt
mây và hoa trên nóc thành phố
nơi đóng rêu nơi anh hoang vu
chẳng ai ngờ anh hôn ngón tay
nơi anh kể chuyện buồn cổ tích
chẳng ai ngờ anh hôn mái tóc
một ngọn cây còn một gia tài
chẳng ai ngờ anh hôn đôi môi
con đường rong thành phố phế thải
chợt cơn nắng tiếp trận mưa mù
lá me rơi trong tách cà phê
chẳng ai ngờ anh chưa chết đói
bụi cỏ may mọc nửa lưng trời
một cụm mưa làm phong cảnh đẹp
mặt trời xanh mọc trên gò má
nơi mấy năm bụi phủ lặng thinh
chẳng ai ngờ anh hôn mắt khép
người dưới đất cờ bay phất phới
chẳng ai ngờ hai đứa tự tình
cò trổ hoa trên nóc cao ốc
chẳng ai ngờ anh còn đủ sức
để anh hát cho em ngủ quên
lời êm ái nhỏ như sợi chỉ
chẳng ai ngờ em chết lạnh băng

Hồng Hạnh

hồn em như tranh sơn mài
vào trong ánh sáng mang hài đi ra
hồn anh như đom đóm xa
ra ngoài bóng tối mang hoa đi vào
sao giăng chín ngọt nhánh trời
sông trăng vàng thếp tuyệt vời quê hương

alt

Tranh: Đinh Cường