Menu Close

Mùa ngồi tum và vớt tràm lụt

Mùa Ngồi Tum

Vào những năm thập niên 1940-1950, các cánh đồng vùng Mặc Cần Dưng, Cần Đăng, Vĩnh Hanh, Hang Tra, Trà Kiết thuộc quận Châu Thành (An Giang) đổ dài vô Cầu Số Năm, Tri Tôn, cũng như các cánh đồng miệt Chắc Cà Đao chạy dài vô Ba Bần, Kinh Xáng Bốn Tổng, Định Mỹ, Phú Hòa… còn làm lúa mùa với các giống lúa Nàng Tây, lúa Thâm Đưng, lúa đuôi trâu là những giống vượt cao theo mực nước có khi cây lúa cao tới hai ba thước là thường… Thời ấy dường như mùa nước lên năm nào cũng lớn như năm nào, ít có khi nào gặp được con nước nhỏ, mùa nước nhỏ. Con đường lộ đất dọc hai bên rạch Mặc Cần Dưng dẫn vô tới Tri Tôn, từ chợ Bình Hòa chạy dài vô tới ngã ba Vàm Nha gần chùa Kỳ Viên cách chợ Vàm Xáng (Cần Đăng) vài ba cây số, năm nào cũng bị ngập sâu tới đầu gối, nước chảy băng băng qua đường đổ vô các cánh đồng hai bên làm mực nước trên đồng lúa càng dâng cao hơn. Hồi nhỏ tôi đi học trường Sơ Đẳng Tiểu Học tại Vàm Nha này nên vào mùa nước lên ngày nào tôi cũng lội bộ từ nhà tới trường qua nhiều khúc lộ bị đứt như vậy, có khi về tới nhà quần áo ướt loi-ngoi lót-ngót (1), nhứt là khúc đường trước cửa ông thầy Sáu Màu hốt thuốc bắc là bị ngập sâu nhứt.

Vì nước ngập sâu và lâu như vậy nên nước trên đồng lúc nào cũng đầy đồng và trong leo lẻo. Từ Tháng Tám tới Tháng Mười âm lịch các cánh đồng lúa mùa ấy mực nước lên cao lút đầu lút cổ. Hồi xa xưa ấy, vào mấy tháng này, ngoại trừ xuồng câu hoặc cắt cỏ bò, vớt lúa cua kẹp về cho trâu bò ăn, còn ít ai chống xuồng lên đồng xa vì lúa bắt đầu nặng mình, xiêu xiêu muốn ngã theo chiều gió. Và tháng 11 âm lịch là nước giựt mạnh. Ở nhà quê các vùng vừa kể khi nước giựt và rút ra sông mang theo những dòng nước cỏ trong leo lẻo ấy cùng với cá tôm biết bao nhiêu là cá. Cá đi theo dòng nước trở về sông, tìm lại những gốc cây xưa, những đống chà cũ mà có một vài lần nào đó chúng ghé lại làm ổ hoặc nghỉ mệt trên bước đường rong ruổi…

Biết được đặc tính ấy của các loài cá tôm, dân quê các vùng này mới nghĩ ra cách ngồi tum đâm cá. Tum là hình dáng cái chòi nhỏ, có khi hình vuông, có khi hình chữ nhật, được che chung quanh một gốc cây gáo hoặc cây cà na, cây bảy thưa có bóng mát. Vật liệu gồm vài cây tràm hoặc cây  bằng lăng, hay gốc tre già săn chắc với dây cổ rùa hoặc dây choại, dây mây dùng để buộc các cây này làm thành cái sàn tum để khi người ta vô ngồi trong cái tum ấy rình cá lội vô đây trú ngụ không bị động đậy hay bị sập. Chung quanh cái tum người ta dùng lá chuối khô, hoặc lá mía lợp trên nóc và dừng xung quanh vừa che nắng và cũng vừa tránh người qua lại thấy mình đang ngồi trong tum nhằm mục đích giữ im lặng cho cá dạn ghé vào các gốc cây này.

Dụng cụ dùng để đâm cá gồm một cái chĩa xà búp, trong dân gian còn đọc trại ra là sào-búp. Sào búp là một loại chĩa cán dài, mũi chĩa gồm ba mũi nhọn rèn bằng sắt có ngạnh rất bén có hình dáng ba mũi nằm ba góc túm lại giống như cái bông búp được rèn dính liền nhau vào một cái chuôi, và cái chuôi này được tra vào cái cán bằng ngọn tầm vông dài cỡ ba hoặc bốn thước tây để dùng đâm cá. Vì là loại chĩa có mũi lớn như vậy nên mục đích ngồi tum là chỉ để đâm cá lóc, cá bông vì cá nhỏ hơn như các loài cá trắng, cá rô biển ít ai dùng sào búp để đâm, mà chỉ dùng chĩa xà-di ba mũi hoặc năm mũi đâm các loại cá này; và đặc biệt người ta khi dùng chĩa xà-di để đâm cá nhỏ lúc mùa cá dại dọc theo các kinh rạch cạn mà thôi vì cá tôm nổi bèo nước nên không cần phải ngồi tum với chĩa mũi lớn như vừa kể.

Thời gian ngồi tum lý tưởng nhứt là Tháng Chín, Tháng Mười và những ngày đầu Tháng Mười Một vì thời gian này nước trên đồng bắt đầu rút và mùa này nước cỏ trên đồng đổ ra các kinh rạch dù có chất phèn và cỏ nhưng nước vẫn trong vắt nên ngồi tum dễ nhìn thấy rõ cá vào các bóng cây trốn nắng. Người ngồi tum có thể họ dùng cái ghế ngồi, loại ghế thấp ở nhà quê hay dùng để ngồi lặt rau cải hay ngồi làm cá, nấu nướng, để ngồi cho đỡ mỏi chưn. Chĩa sào-búp thì dựng ngay cái lỗ nhỏ chừa sẵn cỡ ba hoặc bốn tấc vuông, cán chĩa trổ lên nóc tum, để khi thấy cá lội tà tà vào ngay cái tum, mình có thể kịp thời rút cái chĩa đâm ngay lưng con cá. Thường thường là cá lóc hoặc cá bông khi chúng lội vô tum cái bóng của chúng rất lớn, nên ngồi tum phải bình tĩnh, không nên giật mình và cũng không vội vàng vì nếu mình vội vàng, lụp chụp thì cá lớn sẽ nhát và vội lội ra ngoài.

Theo kinh nghiệm trong việc ngồi tum đâm cá của nhiều người lớn hồi đời trước kể lại là không bao giờ đâm ngay giữa lưng con cá vì sức cản của nước so với mũi chĩa làm vận tốc từ khi rút cây chĩa tới lúc mũi chĩa tới giữa lưng con cá sẽ chậm hơn sức lội của con cá, nhứt là gặp cá lớn khi nghe có tiếng động làm lao xao mặt nước chúng lại càng lội rất nhanh. Do vậy mà dân chuyên nghiệp họ thấy cá vô tum rồi cứ bình tĩnh để đó cho cá dạn và từ từ mới rút lấy cây chĩa và nhắm ngay nơi cổ cúc của con cá đâm mạnh xuống. Làm như vậy khi cá vừa nghe nước hơi xao động là chúng lội mạnh, thì mũi chĩa đến đúng giữa lưng con cá là lấy ăn, thay vì nhắm ngay giữa lưng thì mũi chĩa vuột tới đằng đuôi của con cá nên khó dính lắm!

Vào mấy năm xa xưa ấy cá bông, cá lóc lớn lắm. Có lần nhà cậu tôi ở trên Mặc Cần Dưng dù cất trên táng nống bằng đá với sàn nhà cao có hơn một thước tây, vậy mà nước ngập lé đé tới mí sàn nhà và cá bông gấm lâu lâu lại lội vô sân trước hoặc lội dưới sàn nhà của cậu tôi rất thường. Gặp những trường hợp ấy không có tum nên chẳng ai bắt được những con cá bông gấm lớn như vậy. Hồi đời trước, trung bình mỗi ngày ngồi tum, tùy theo cá vô tum nhiều hay ít và cũng tùy tài đâm cá của người ngồi tum nữa nên không thể nói mỗi ngày đâm được bao nhiêu cá bông, cá lóc, mà cũng tùy hên xui may rủi, có khi được năm ba ký lô, có khi cả ngày chỉ được vài ba con cá lớn, nhưng ngồi tum vào mùa nước cỏ và cá ra sông giống như bịnh ghiền, không có không được vào những ngày mùa nước cỏ cá nhiều ấy vậy.

Vào những ngày mùa nước cỏ từ trên đồng bắt đầu đổ ra sông cũng là mùa cư dân các vùng lân cận chèo ghe hoặc bơi xuồng lên miệt rừng tràm Lình Quỳnh vớt tràm lụt. Dĩ nhiên, theo đúng nghĩa, vật gì nổi thì mình gọi là “vớt”, còn vật gì chìm thì mới dùng chữ “mò” nhưng dân quê hồi đó ít dùng chữ “mò củi lụt” hay “mò tràm lụt”. Ở đây, theo ý ngu của tôi, tôi nghĩ người ta thích chữ “vớt” hơn chữ “mò” dù chữ “mò củi lụt” hay “mò tràm lụt” rất sát nghĩa của công việc kiếm củi ấy có lẽ vì dân cư vùng này họ dùng chữ “vớt” cũng muốn làm nhẹ bớt phần nào cái công việc mà họ đã phải vất vả mới có những ghe tràm lụt khẳm mẹp sau mấy ngày trời lặn ngụp trong rừng tràm. Bất đắc dĩ người ta mới dùng chữ “mò cá”, “mò tôm” để chỉ công việc giậm chân và quậy nước đùng đùng để cá tôm hoảng hồn lặn trốn theo các dấu chân mà mình vừa giậm trước đó, rồi dùng hai bàn tay ốp dấu bàn chân lại và bắt cá, bắt tôm; nhưng cực chẳng đã người ta mới nói “mò tôm”, chứ bình thường dân quê các vùng này trước đây ưa nói “mò cá” là ngầm hiểu có cá và tôm trong ấy luôn thể. Họ rất ngại khi phải nhắc ba cái vụ “mò tôm”, “mò tép” dữ lắm!

alt

Ngồi tum trên đầm sen Đồng Tháp –  NGUỒN WEGOTODAY.WORDPRESS.COM

(1)“Loi-ngoi lót-ngót” ở nhà quê còn đọc trại ra là “loi-ngoi lóp-ngóp”

HT