Menu Close

Những vần thơ cứu rỗi

Để chống lại bão táp và thú dữ, đóa hoa hồng của Hoàng Tử Bé có bốn cái gai. Để chống lại cảnh khốn cùng, đọa đày, áp bức tôi cũng có một cách: làm thơ.

Năm 1982, rời ngoại ô Long Khánh, vào trung tâm thị xã, tôi loay hoay xin được một chân dạy nhạc ở nhà văn hóa. Vài tháng sau, không biết nghĩ thế nào, người ta bắt tôi phải làm giáo án. Đã là giáo án thì phải có người kiểm soát giáo án, nhưng từ ông giám đốc cho đến ông bảo vệ của nhà văn hóa chẳng ông nào biết nốt trắng, nốt đen, nốt tròn, nốt méo nó như thế nào, thành ra giáo án có làm ra  thì cũng để chiêm ngưỡng cho nó oai. Vài tháng sau nữa tôi bỏ việc, lý do: không đủ sống.

Bỏ việc mà không tìm được việc mới là thất nghiệp. Thất nghiệp vào lúc bấy giờ có nghĩa là ngày không có cơm ăn và đêm không có chỗ ngủ. Tình trạng sống của tôi lúc bấy giờ là như thế đó. Lây lất. Và tôi vẫn làm thơ. Nhưng không phải chỉ có mình tôi. Thời ấy có nhiều kẻ như thế lắm. Cùng hoàn cảnh với tôi là một anh bạn trẻ mới quen. Anh này da trắng xanh, mắt đẹp, gầy gò, trông rất thư sinh, tính tình hiền lành, dễ thương. Và yêu thơ.

Vét những đồng bạc cuối cùng, chúng tôi mua hai cái cuốc và xin được hai chân cuốc đất mướn cho một rẫy trồng cà phê. Và vừa cuốc, tôi vẫn vừa làm thơ. Những vần thơ không cho áo cơm nhưng làm cho nguôi quên, cho đau khổ kiếp người trở nên đẹp và lãng mạn để có thể chịu đựng được mà không phát điên hay tự sát. Vì thế tôi gọi những câu thơ thời đó là những vần thơ cứu rỗi.

Một buổi chiều, việc đã xong, chúng tôi ngồi dưới gốc cây nhìn màu nắng sắp tắt. Tức cảnh, tôi ngậm ngùi đọc hai câu lục bát của nhà thơ Phạm Thiên Thư mà tôi nhớ: “Tiếng nàng hát vọng đôi câu. Dừng tay cuốc mướn lòng sầu ngẩn ngơ…” Nguyên văn hai câu này là: “Dừng tay viết mướn…” nhưng tôi sửa lại thành “cuốc mướn” cho hợp với hoàn cảnh. Anh đồng nghiệp của tôi mở to hai mắt :

“Hay quá! Thơ của ai mà hay vậy anh?”

Biết rằng câu thơ đã đánh trúng tâm trạng anh chàng. Tính trẻ con, tôi vừa cười, vừa vênh vênh cái mặt lên mà nổ rằng:

“Của tao chứ của ai! Chỉ có tao đây mới làm được những câu thơ hay như thế!”

Hắn khẩn thiết:

“Em muốn có câu thơ ấy với lời đề tặng và chữ ký của tác giả. Anh cho em nhé? Anh đúng là bậc thầy…”

Lỡ bộ, nhưng cho là đùa vui vô hại, tôi làm tới luôn, cười hì hì:

“Vậy thì tối nay mang lễ vật đến nhà thầy, thầy sẽ ban cho một câu thơ…”

Cứ tưởng đùa cho vui thế thôi, không ngờ tối hôm ấy hắn tìm đến thật, đến cái chỗ tôi ngủ nhờ. Lễ vật hắn mang đến dâng “thầy” gồm có: quyển vở học trò, cây bút bi, một gói cà phê, và gói thuốc lá. Trị giá của những món này có thể bằng một ngày công cuốc đất. Rồi trên chiếc giường tre ọp ẹp, dưới ánh sáng lù mù của ngọn đèn dầu “thầy” chổng mông lên trần nhà, hí hoáy viết, không phải một câu thơ mà là cả một bài thơ dài do “thầy” ăn cắp được. Bài thơ ấy như thế này:

“Ngày xưa áo nhuộm hoàng hôn
Dáng ai cắp rổ lên cồn hái dâu
Tiếng nàng hát vọng đôi câu
Dừng tay cuốc mướn lòng sầu vẩn vơ
Lều tranh còn ủ chăn mơ
Mối tình là một bài thơ vô đề
Ẩn Lan ơi! mái tóc thề
Gió xuân nay có vỗ về suối hương
Đêm nao ngồi học bên tường
Nến leo lét lụi, chữ vương vất chìm
Ngoài song thoảng tiếng hài im
Như trăng buông hạt tơ chìm kiêu sa
Lan cười đưa đến cho ta
Sợi dài tóc buộc chùm hoa ngâu vàng
Sách thơm áp má mơ màng
Tỉnh ra hương thoảng bóng lan chập chờn
Nhớ khi em dỗi em hờn
Hai ta chia sẻ nắm cơm cháy vừng
Nhớ đêm nằm võng ngó trăng
Đếm ngôi sao sáng lại rằng sáng sao
Giọng em lanh lảnh tiếng cao
Răng em tươi hạt ngọc nào long lanh
Nền trời mây lại qua nhanh
Viền trăng vương phải đầu cành vỡ tan
Những đêm trời tối như than
Bắt con đom đóm trên giàn mồng tơi
Cho em, em cất tiếng cười
Hất tay em thả đóm trời tung bay
Vòi ta đuổi bắt lại ngay
Thả đi, đòi lại mãi đày đọa nhau
Gọi em là đóa hoa sầu
Lan đòi nụ bưởi cài đầu làm duyên
Nhặt son trên núi mài nghiên
Thơ anh em điểm dấu son màu hồng.”

Thật lòng, tôi thấy bài này chỉ có mấy câu đầu là hay, đọc tiếp xuống dưới cũng thường, thậm chí hai câu cuối còn sai âm luật, nhưng khi ký tên mình ở dưới thì tôi thấy xấu hổ. Sự xấu hổ của tôi càng tăng khi ông bạn tôi mở to đôi mắt đẹp với hàng mi dài như mắt con gái, trịnh trọng nhận lấy quyển vở tôi đưa bằng cả hai tay và lời cám ơn. Tôi nghĩ thầm, thôi, để vài ngày nữa, khi niềm hưng phấn của hắn đã nguội, mình sẽ xưng tội với hắn như thế này: “Tao đùa đấy, có phải thơ của tao đâu. Thơ của sư phụ Phạm Thiên Thư đấy. Hôm nào mang thêm lễ vật rồi tao sẽ cho đọc thơ của tao.”

Nhưng mãi mãi tôi không còn cơ hội để nói với hắn câu ấy, vì ngay sáng ngày mai, sau một trận nôn ra máu, tôi được chở đến phòng cấp cứu của bệnh viện với bệnh án: “thủng bao tử”, hậu quả của sự ăn uống bữa no bữa đói. Sau vài tháng lê lết ở nhà thương thí, tôi xanh xao rách rưới tìm về thì biết là hắn đã chết rồi. Hắn ngã từ trên ngọn dừa xuống đất. Người ta kể lại rằng sau khi tôi đi, vài ngày sau, hết việc cuốc đất, hắn xin được công việc hái dừa. Rồi từ trên ngọn dừa cao mười mấy thước ngã xuống. Tôi buồn lắm nhưng cũng mừng cho hắn, cõi đời khốn khổ này có gì đâu mà cứ ôm ghì lấy nó mãi!

Đứng trước nấm mồ, sau câu kinh “Lạy cha chúng con ở trên trời”, tôi hình dung ra gương mặt ngây thơ, đôi mắt mở lớn với hàng mi dài như mắt con gái của hắn, tôi thì thầm: “Tao nói đùa đấy! Thơ ấy có phải thơ của tao đâu… Khỏi cần lễ vật nữa, hẹn ngày về dưới ấy, tao đọc cho nghe…”

Hơn 30 năm trôi vèo, ngày ấy chắc cũng gần.

NQT