Menu Close

Ngày Chủ Nhật của tôi

Một ngày cuối tuần, tôi lẩn quẩn trong căn phòng, lật giở một cuốn sách, uống một ngụm nước, lục tìm những từ ngữ của tôi. Tôi xua đuổi những ưu tư ra khỏi mình để có thể viết. Tôi chán cái hình thức viết ngắn như kiểu “truyện dài bằng hơi khói”, thời gian để đọc nó, chỉ bằng thời gian để hút xong một điếu thuốc lá.  

 Tôi quăng người xuống giường. Chữ bay lơ lửng trên trần phòng. Chăm chăm nhìn một cụm bông bất động trong bình, rồi chợt dưng thèm muốn sự yên bình của cỏ cây, thèm muốn giải khuây nỗi người bằng sự vô thức của loài thảo mộc.

Bật dậy, đứng trước gương. Mười ngón tay tôi vò xới, xổ tung cái đầu tóc cho đến khi nó bù xù như cái tổ chim. Chồng nhìn tôi, chưng hửng, “em làm gì… quái chiêu vậy, Honey?”

 “Ít ai biết về Einstein. Lúc cuối đời, mỗi buổi sáng ông bỏ ra nhiều giờ đồng hồ để chải chuốt bộ tóc cho đến khi vừa ý với cái kiểu cách ông thích. Rồi khi đã thỏa mãn thì ổng xới tung nó lên thành một mớ bù xù,” cái lưỡi tôi điệu đàng “lên mặt” triết lý, “điều quan trọng là, cho thời gian biết ai là kẻ làm chủ.”

Anh chau mày, mắt vẫn không rời màn hình computer.  

Tôi lấy chìa khóa xe rồi bước ra khỏi nhà. Chậc! tôi lại quên khuấy mình ra khỏi nhà để làm gì. Rồi tôi lại chợt nẩy ra ý nghĩ, “đời người, có khi chỉ là sự bước ra  khỏi cửa, thế thôi!” Ngày vẫn bon chen đồng bóng. Tóc tôi bay loạn xạ. Mùa Thu đang bừa bộn từng nhát chổi…

 Tôi không gọi ngày cuối tuần của mình là  một ngày nghỉ. Vì tôi chẳng bao giờ được thẳng cẳng khì khò. Cuối tuần là ngày của chợ búa, dọn dẹp, nấu ăn. May mà có… tôi, đời còn dễ thương!

Khu phố  Việt giờ trưa nhộn nhịp hơi người. Tôi ngồi chờ anh dạy xong lớp Nhiếp ảnh.

“Anh ra sao rồi, chị?”, giọng nói của người đàn ông  đối diện, giấu đôi mắt trong cặp mắt kiếng nặng tròng, dự báo thời tiết bằng cánh áo da đen dày.  

(Tôi ngờ ngợ như mình đã gặp đâu đó, cũng may, tôi vừa đớp gọn xong ổ bánh mì).  

“Đọc mấy bài viết của chị về anh. Chị viết như một… nhà văn vậy, chị viết bằng cảm xúc thật thì phải, đọc rất xúc động,” độc giả bốn mắt tiếp lời. Tôi thường phản ứng chậm thụt với những lời khen tặng, thường không quá hai chữ “cám ơn” đáp trả.

“Vâng, đó là cảm xúc thật, và tôi vẫn còn ám ảnh khi viết lại câu chuyện này.” Tôi cảm giác đang nói với chiều sâu của trái tim mình.

“Chị hãy tiếp tục viết đi nhé,” độc giả mắt kiếng còn nhắn gửi “động viên” sau lời chào tạm biệt.

Những cảm xúc dồn ứ, dụm dành đã “chạm” vào tâm tư người đọc. Sau loạt bút ký “Giữa Lằn Ranh Mong Manh,” tôi cảm giác mình neo nước mắt khi gặp nhiều những đồng cảm, những ân cần han hỏi, những chia sẻ âm thầm của rất nhiều bạn đọc. Độc giả [dường như] hài lòng với một “happy ending,” cứ như vừa xem xong một phim bộ Hàn Quốc.

Đời vẫn còn dài- hai chiếc bóng vẫn lặng lẽ song hành. Tôi chẳng còn gì để mơ ước hơn.

 Tôi viết xuống “kế hoạch” trong ngày của mình:

– Giải tỏa “khu ổ chuột” trong closet của nàng.

– Nấu xong một nồi bò kho cho Andy.

– Chạy đua nước rút với cột báo hằng tuần.

– Ăn một trái bơ vừa chín  tới.

– Upload  lên trang mạng cá nhân loạt hình ảnh đang lên men giấm trong cái ổ đĩa.

Tôi cũng đang nghĩ đến một “khát vọng” đổi thay sâu sắc hơn, chẳng hạn:

– Mặc quần áo theo một “sì tai” thời trang hoàn toàn khác.

– Viết một cuốn tiểu thuyết trong tương lai (có quà tặng dành cho những độc giả đủ kiên nhẫn đọc hết chương cuối).

– Cưỡi lạc đà từ Maroc đến Timbuktu!

– Vẽ tranh sơn dầu.

 Vết rỉ hoét của chiến tranh -“The City of Life and Dead”- Cuộc thảm sát Nam Kinh của quân đội Nhật Bản lấy bối cảnh 1934 ở Naking. Làn đạn đỏ loang từng vệt nhễu nhại, những phấn kích man dại của mênh mông xác người. Hơn hai giờ đồng hồ dán mắt vào cái màn hình nhỏ. Tôi mệt nhoài trước những nhàu nát kinh hoàng, gai óc tôi sừng sộ như vừa uống một ly rượu mạnh.

Tôi bước ra khỏi cửa, tìm chút gió để thăng bằng cảm giác. Ly café đắng ngọt trôi tuột cả cơn buồn ngủ. Trong góc tường, một con chó già loạng choạng, không giơ nổi cái chân sau. Một cặp đôi xà nẹo ở gốc cây già cỗi, cô nàng đang cắn vào môi của gã tình nhân. Mắt tôi tọc mạch cảnh tình nhân yêu nhau. Tình yêu với tôi, vẫn như đôi lần, lạc vào giữa lối đi quen.

Tôi thả rong ý nghĩ trong tiếng sủa của lũ chó hàng xóm bị bước chân tôi đánh thức. Đêm hẹp hòi như buổi kẹt xe. Anh gọi tôi ơi ới sau lưng, “honey, chờ anh đi với.”

 Tôi gồng gắng thư giãn, bình tâm với cuộc đời. Hãy còn không gian cho một tôi. Hãy còn tôi cho một không gian. Sau cơn nghẹt thở khô khốc vành môi, những tháng ngày khủng hoảng nơi xứ sở Jamaica, tôi rơi vào sự căng thẳng tinh thần trầm trọng (anxiety attack). Nỗi lo vẫn cụ cựa. Những cơn ốm o vẫn rơi vào giữa đời… Dẫu vậy, sau cuộc chiến đầy sinh tử, đã  biến mỗi phút giây của đời sống trở nên quý báu. Chẳng còn những phẫn nộ của mưu sinh hay thời cuộc. Không còn những níu/buông của sự sống/chết. Tôi bình thản hơn với cuộc đời.

 Tôi ngồi vào bàn, chiêu nghiệm về ý nghĩa của sự thông minh và ngu xuẩn. Rồi tự nhủ, “nếu không viết được những điều thông minh, thì thử viết những ý tưởng ngu xuẩn nhất”. Nhưng tôi cũng chẳng thể vắt óc ra một giọt ngu xuẩn nào cả. Thật khó để làm trọn vẹn một điều gì. Làm cái lưng chừng thì chẳng có chút “thử thách”, chẳng cần đòi hỏi sự cố gắng gì. Dù có là một sự quân bình. Phước cho kẻ nào có trí tuệ.

Những con chữ vẫn ngửa mặt lặng thinh. Tôi tự “tôn vinh” mình với nồi bò kho hoàn hảo và một phần tư kế hoạch giải tỏa khu ổ chuột closet , đã được hoàn tất trong ngày.

Anh rầu rĩ, “thời buổi gì mà nhìn quanh quất thấy ai cũng bệnh hoạn. Anh thì mới mổ tim xong, còn ông P. luật sư thì ra vô bệnh viện như đi chợ…”

Tôi gật gù, ráng nuốt trôi miếng bò kho.

 “Nè, em có thấy, mọi thứ đều mềm rũ, và uể oải tựa như cọng rơm ướt?”, anh tự dưng hỏi giật.

Tôi  liếc chồng với nụ cười trêu chọc, “Ai, anh hả? Ừa, mới mổ tim xong mà!”

alt

Đinh Cường

                    ĐMH