Menu Close

Chân Ướt Chân Ráo – Lê Thiệp

“Chân ướt chân ráo? Quả thật không lúc nào trong cuộc sống lưu vong những suy nghĩ, những cái nhìn lại không vướng mắc vào quá khứ Việt Nam. Những bữa ăn trong gia đình dù nói chuyện trời đất, chuyện con cái học hành, chuyện nhà cửa, chuyện “bill” rồi cuối cùng cũng lại là chuyện Việt Nam. Bằng hữu anh em những lúc trà dư tửu hậu, những lúc tính cái này cái nọ, kết cục thế nào cũng đá chuyện Việt Nam vào. Cái quá khứ không thể cắt bỏ và cái hiện tại lưu vong không thể phủ nhận, hai thực tại đó quấn lấy nhau và vây bủa những suy nghĩ, những cái nhìn. Cho dù ngồi ăn giữa những người bản xứ da trắng da đen, tâm sự đời, bàn về chuyện chính trị hay bất cứ đề tài nào sao vẫn thấy mình như lạc lõng, như kẻ đứng bên lề…Cuộc sống, suy nghĩ, trở nên hai mặt. Phía vỏ là nơi đây và sâu thẳm phía trong là ở bên kia. Có lúc tưởng như có thể hòa làm một, nhưng những lúc giật mình tỉnh dậy thì thấy không thể…” [“Ngỏ”]

Ký giả Lê Thiệp đã mở đầu “Chân Ướt Chân Ráo” của ông như vậy. Ngoài phần phụ lục, toàn bộ quyển sách là 38 đoản văn viết theo thể  ký sự. Từng câu chuyện được ghi lại trong  “Ngỏ, Giã Từ Chế Độ, Một Chuyện Rất Bình Thường, Cái Nhà là Nhà Của Ta, Ngày Gia Đình Tại Vùng Hoa Thịnh Đốn, Nước Mắm Và Xì Dầu, Tình Anh Hàng Phở, Có Cần Cái Thìa, Những Quả Ổi Cuối Mùa, Mai Này Chúng Ta Cùng Về Việt Nam, Tiếc Tay Trao Vàng…,” là một mảnh đời xảy ra trong thời điểm cũ của ký giả Lê Thiệp, hay là mảnh đời của những người thân quen với ông. Tất cả được ghi lại bằng những câu chữ khác nhau, nhưng đều có chung niềm hoài cảm, đó là lòng nhớ thương quê hương Việt Nam. Tác giả và những nhân vật của ông không chỉ đau buồn vì phải xa cách cố hương, vì đường xa thăm thẳm, mà còn vì sự tổn thất không gì bù đắp được bởi vì ông biết không có ngày trở lại.

Người Việt ở Hoa Kỳ hay ở Pháp, Đức, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển…, đều nhớ mái nhà xưa, cho dẫu ở quê hương mới họ đã có một căn nhà khác, đẹp và đầy đủ tiện nghi hơn căn nhà cũ. Một căn nhà ở Hoa Kỳ không chỉ thuần túy để ở, mà còn là một trong số những hình thức đầu tư quan trọng hàng đầu của nhiều người. Thế nhưng tự bản chất căn nhà còn chất chứa nhiều thứ hơn là những lợi nhuận được tính bằng tiền bạc. Những người di tản cách đây gần bốn mươi năm đã bỏ lại sau lưng không chỉ tổ quốc, mà còn bỏ lại một cái tổ nho nhỏ của gia đình – một cái tổ đôi khi không chỉ là một đời mà cả ba bốn thế hệ cùng chung sống.

Chính vì bản tánh ít thay đổi ít di chuyển đã trở thành nếp trong tâm tưởng, nên dù đã tạo dựng được cơ nghiệp ở nơi định cư mới, Lê Thiệp cũng như biết bao người Việt khác, luôn mang nỗi lòng “nhớ nước đau lòng con quốc quốc, thương nhà mỏi miệng cái gia gia” của Bà Huyện Thanh Quan.

Nhà văn và cũng là  nhà báo Lê Thiệp sinh năm 1945 tại Sơn Tây Bắc Việt, qua đời ngày 5 tháng 7 năm 2013 tại Oakton-Virginia. Ông tốt nghiệp Khóa 1 Báo Chí do Việt Tấn Xã tổ chức, cùng những nhà báo tên tuổi như Dương Phục, Lê Phú Nhuận, Vũ Ánh. Sau này khi định cư tại Virginia, nhà văn Lê Thiệp được mệnh danh là “Ông Phở 75” vì đã mở ra hệ thống “Phở 75 – Danh Bất Hư Truyền,” mang hương vị thơm ngon của món ăn quốc hồn quốc túy Việt Nam đến với người ngoại quốc. Ngoài tuyển tập “Chân Ướt Chân Ráo,” Lê Thiệp còn được biết qua các tác phẩm “Đỗ Lệnh Dũng, Lững Thững Giữa Đời.” Ông đã chân ướt chân  ráo đến Hoa Kỳ, và lững thững từ giã cõi người ta bằng lý tưởng riêng mang:  Đó là nói lên sự thật, bảo vệ sự thật, loan truyền sự thật, bằng ngòi bút của chính ông.

alt 

HNP
3:51am Thứ Hai ngày 3 tháng 11 năm 2014