Menu Close

Người dạy kèm

Tôi rời VN năm 1979 lúc mới 16 tuổi. Tôi còn nhớ như in, cái thuyền cá chở anh em tôi rời bãi Sóc Trăng lúc sau nửa đêm dưới ánh trăng vằng vặc. Hồi đó tôi nhỏ con, cuộn mình núp trong cái khoang thuyền suốt mấy tiếng cho tới khi thuyền chở tôi ra gặp chiếc tàu lớn đậu chập chờn ngoài khơi biển Rạch Giá. Cùng lúc đó 6,  7 chiếc ca-nô hối hả đổ hàng chục người lên tàu lớn và mở hết tốc lực chạy thẳng tới Mã Lai. Sau 1 tuần lễ trên biển, tàu tôi được hải quân Mã Lai kéo tới đảo Air Raya, Nam Dương.

Gần 1 năm sau, chúng tôi được 1 gia đình người Mỹ gốc Anh trong 1 nhà thờ Tin-Lành bảo trợ. Chúng tôi định cư ở Atlanta, Georgia. Lúc đó rất ít người VN, tiếng Anh lại không rành, không ai chỉ bảo, cuộc sống thật khó khăn, anh em tôi chạy xe đạp đi làm trong mùa đông lạnh như cắt với mức lương tối thiểu $2 một giờ.

Rồi một hôm bà đến nhà tôi tự giới thiệu tên bà là Alice Smith, trong nhà thờ bảo trợ, và bà đến đây để dạy tôi tiếng Anh. Lúc đó tôi đang học trung học, toán với tôi thì dễ, nhưng tiếng Anh thì tôi như sắp chìm vớ được cái phao. Thế rồi bà đến nhà đều đặn hai ngày mỗi tuần và suốt 1 năm đầu khi tiếng Anh của tôi còn chập chững. Vào những ngày cuối tuần rảnh rỗi, tôi làm người mẫu cho bà vẽ, và được trả tiền giờ. Vẽ xong bà đóng khung cẩn thận cho tôi đem về. Sinh nhật của tôi, bà tặng thằng nhóc 1 tấm check Happy Birthday.

Vợ chồng bà chỉ có 1 đứa con gái, nhưng đã mất vì tai nạn đụng xe ở Florida. Thật là oái oăm, tôi tự hỏi bà chỉ có 1 đứa sao ông trời lại nỡ lấy mất đi? Tình yêu của bà dành cho đứa con qua bao năm vẫn còn nguyên vẹn, phòng ngủ của con, bà vẫn chăm sóc trang trí như cô đang sống với bà. Chiếc xe thể thao của con bà, Camaro đời 1975 có 8 cyclinder, tuyệt đẹp, ông bà để lại cho tôi với giá rẻ của Dealer trade-in. Bà không hiểu sao chúng tôi lại đến xứ này. Tôi kể cho bà biết chuyến vượt biên kinh hoàng của tôi với ba lần bị cướp biển, và thời gian đói khát trên đảo ở Nam Dương. Tôi kết luận, thì có gì lạ đâu, tôi cũng giống cha mẹ tôi năm 1954 chạy trốn cộng sản từ Bắc vào Nam. Bà không hiểu sao gạo bà mua ở Supermarket (trồng ở Louisiana) lại không ngon. Tôi giải thích quê tôi ở đồng bằng sông Cửu Long – Mekong Delta, nơi có những cánh đồng lúa bát ngát, sông ngòi chằng chịt, nước đục phù sa. Mỗi mùa con nước về, nước ngập mênh mông và lúa trổ đòng đòng. Khi nước rút đi, thì lúa chín vàng. Người nông dân gặt lúa về và ăn liền, thì đây chính là gạo thơm ngon nhất.  Tôi cười nói, tôi như cây lúa, khi nước ngập lên, thì nó cứ ngoi lên mà sống.

Một hôm, đang trong giờ học, tự nhiên tôi lạnh run cầm cập, mặt tái xanh. Thấy chuyện lạ, nhà trường bảo tôi gọi cha mẹ đón về. Ông bà đến chở tôi tới bệnh viện Grady Memorial – Emergency Room. Lúc đó tôi mới biết mình bị bệnh sốt rét. Cái bệnh quái ác này đã giết biết bao nhiêu người trên đảo tị nạn Nam Dương và suýt chút nữa lấy mạng cháu tôi. Vi trùng sốt rét được truyền từ muỗi, phá hủy hồng huyết cầu trong máu làm cho ta cảm thấy lạnh. Sinh trưởng ở sông nước miền tây đã tạo cho tôi có một kháng thể mạnh, nên vi trùng không hoạt động được khi tôi còn trên đảo. Cho tới khi qua Mỹ rồi, chúng mới hành tôi. Thuốc của Mỹ hay thật, hồi đó tôi chỉ uống vài viên thì hết sốt rét.

Thế rồi tôi ra trường đại học, và rời Atlanta đi làm. Vật lộn với cuộc sống, tôi dọn đi nhiều tiểu bang. Còn ông bà thì về hưu dọn đi Florida. Bà nói về home town nơi gia đình bà hồi trước đã từng sống với con gái và gần người chị. Vài năm sau, tôi nghe tin chị của bà đã mất cũng trong 1 tai nạn xe hơi ở Virginia. Suốt hơn 30 năm qua, cứ đến ngày sinh nhật của tôi, bà vẫn không quên tặng thằng nhóc tôi tấm check Happy Birthday. Còn tôi có dịp đi Florida, tôi hay ghé thăm ông bà ở Clear Water.
Một hôm khi còn ở Upstate New York, tôi nhận được cú phone của bà.

– Minh honey, I would like to let you know…

Giọng bà run lên, và tự nhiên nghẹn lại. Tôi bàng hoàng, biết tin không lành. Bà khóc báo cho tôi biết ông mới ra đi. Tôi an ủi bà. Tôi đau xót, tại sao những người thân của bà cứ lần lượt ra đi? Đành là già rồi ai mà không mất, nhưng bà sẽ cô đơn, và giờ đây bà chỉ có một mình…

Vài năm sau tôi ghé thăm bà ở Florida, căn nhà hoang vắng, bà gầy đi rất nhiều. Bà mời gia đình tôi ra tiệm ăn. Tôi tự hỏi hồi trước ở Atlanta, bà rất thích nấu và thường mời tôi thưởng thức món bà nấu mà? Tôi bâng khuâng nhìn cây đàn Bass trưng bày ở phòng khách đã đứt vài sợi dây từ khi nào. Còn cây bông kia, khô queo ở trên bàn. Tôi nhẹ nhàng.

– Mrs. Smith, tôi nghĩ rằng nó rất khô.

– Oh Dear… tôi sẽ tưới nước nó.

Tôi thương tiếc, cây bông kia đã chết khô lâu rồi, bà tưới nước làm sao nó sống lại được. Ông và bà như cặp chim uyên, ở với nhau gần 60 năm. Khi ông ra đi, thì bà còn hứng thú gì nữa mà nấu nướng, và chăm sóc bông hoa. Bà chỉ đường cho tôi lái xe đến nhà thờ gần nhà bà, nơi hài cốt của ông được thiêu và để trong 1 cái hộp sau bức tường. Chúng tôi đứng trước tường, bà nói chuyện với ông bình thản như ông đang sống đứng trước mặt bà, và rằng tôi ở xa đến thăm ông.

Bà nay đã gần 90 rồi, tôi cũng mừng vì bà vẫn còn minh mẫn, có nhiều người ở tuổi bà bị lú lẩn rồi. Năm ngoái, tôi gọi bà hỏi thăm, bà bắt phone.

– Đây là Minh, bà khỏe không?

– Ai đó?

Tôi nhắc lại, bà lại hỏi ai đó. Tôi quýnh quáng nhắc lại rõ ràng từng lời một.

– Minh… Minh… Minh đây

– Oh, Minh honey…

Tôi thở phào nhẹ nhõm. Hơn 30 năm qua, giọng bà vẫn không thay đổi, bà huyên thuyên nói bà vẫn ở một mình trong căn nhà cũ, vẫn lái xe đi nhà thờ, học vẽ thêm, và những người hàng xóm tốt bụng. Suy nghĩ xa hơn, tôi ái ngại, bà như ngọn nến sắp tàn. Nếu một mai bà ra đi, thì ai sẽ gọi phone báo cho tôi biết? Tôi băn khoăn cố nhớ lại con đường từ nhà bà tới cái nhà thờ mà lần trước tôi ghé thăm bà đã chỉ tôi. Nơi đó có hài cốt của những người đã khuất được thiêu và được cất giữ cẩn thận trong hộp để sau bức tường.

MN – Fairfax, VA