Menu Close

Bằng cấp và thị trường giáo dục

Hễ có người mua kẻ bán là ta có thị trường nơi việc mua bán diễn tiến, rầm rộ hoặc âm thầm tùy theo việc buôn bán kia có hợp pháp hay không. Từ những thứ cụ thể như vật dụng quần áo, giày dép…, đến những món trừu tượng như tin tức, tri thức (qua tấm giấy có tên “bằng cấp”), nhất nhất đều có thị trường. Chính phủ nào cũng kiểm soát thị trường trên lãnh thổ họ, mức độ kiểm soát tùy theo tình trạng xã hội, thể chế chính trị của quốc gia ấy.

Tại Huê Kỳ, qua luật pháp, chính phủ kiểm soát hầu hết mọi thị trường, nhưng tương đối thả lỏng kỹ nghệ giáo dục cho đến gần đây khi bộ Giáo Dục và bộ Tư Pháp bắt đầu chú tâm đến các trường đại học tư (mở cửa để kiếm bạc) hay “for-profit colleges”. Lý do? Tội dối trá, bạn ạ. Các trường này quảng cáo kịch liệt món hàng “bằng cấp”, đại loại như học nghề abc, sẽ kiếm việc ngay sau khi tốt nghiệp, 100% sinh viên tốt nghiệp kiếm được việc làm ngay sau khi ra trường… Và học trò ghi danh nườm nượp, vay mượn để đi học với giấc mơ tốt nghiệp, kiếm việc, đi làm và trả nợ dễ dàng rồi từ đó vươn lên, đường tương lai thênh thang rộng mở… Nhưng sự thật thì không phải như thế, sinh viên học xong nợ ngập cổ và không kiếm ra việc làm nên đành xù tiền vay nợ để đi học (student loan) trong khi chủ trường ăn nên làm ra, giàu sụ.

Corinthian Colleges là công ty giáo dục với nhiều trường học rải rác khắp Huê Kỳ đã điều đình với chính phủ bằng cách đóng cửa công ty, ngưng việc buôn bán (bất chính) để tránh việc truy tố và cáo tội! Họ bán các tài sản như Everest University, Everest University Online, Wyotech, và Heald College để hoàn trả phần nào các món nợ học phí mà công ty đã giúp học trò vay mượn của chính phủ.

Thương lượng vừa xong với chính phủ liên bang thì gánh hát Corinthian Colleges nhận được trát tòa của tiểu bang California, đòi chủ trường ra trước pháp luật để trả lời về chuyện làm ăn phi pháp, cung cấp các tài liệu về tỷ lệ tốt nghiệp của sinh viên, tỷ lệ sinh viên kiếm được việc làm và cách quảng cáo, dụ khị sinh viên ghi danh, đóng tiền đi học! Cũng nên nói thêm rằng California là nơi công ty nọ mở trên dưới 30 ngôi trường.

Từ ngàn năm, giáo dục được xem như một thiên chức, một cách “đầu tư” vào thế hệ tương lai, dân trí cao thì con người bình đẳng hơn vì người ta sống theo luật pháp và xã hội tương đối hòa bình. Tri thức được truyền dạy cho hậu sinh theo mô thức trường lớp. Rồi các trường học ra đời do chính quyền tài trợ hay “trường công”, public schools, học trò học miễn phí hoặc đóng học phí rất thấp vì trường học mở cửa chỉ để giáo dục, không có mục đích kiếm tiền. Các tổ chức tôn giáo cũng mở trường học, trường tư, nhưng với mục đích giáo dục, lấy học phí chỉ đủ trả sở hụi, private “non-profit” colleges. Những tài phiệt giàu có cũng mở trường tư với mục đích để lại tên tuổi và cũng chỉ thu học phí đủ để trả sở hụi… Đây là các trường học mở cửa với mục đích giáo dục.

Nói chung, học trò sau mấy năm hì hụi thu góp kiến thức đủ để vào đời, tìm ra công việc làm và thăng tiến; ngôi trường nào đào tạo được nhiều nhân tài thì càng nổi tiếng và bá tánh đua nhau chen chân xin học! Và bằng cấp từ ngôi trường ấy có giá trị hơn so với các trường khác. Tuy nhiên, các ngành học thực tiễn, dạy nghề chuyên môn như các trường cộng đồng, thì sinh viên tốt nghiệp dễ kiếm việc làm hơn. Ngược lại các ngành học có tính cách mở rộng kiến thức nhân văn, nghệ thuật thì công việc khó kiếm hơn nhất vì các kiến thức ấy khó lòng áp dụng vào cách sống xã hội hiện nay. Điều dễ hiểu là các sinh viên tốt nghiệp từ khoa học nhân văn không kiếm được việc làm như ý và đành làm các công việc không dùng đến kiến thức của họ hoặc thất nghiệp.

Học trò, những đứa trẻ thích rong chơi khi còn nhỏ tuổi nên tốt nghiệp với số điểm làng nhàng hoặc bỏ ngang trung học, sau vài năm muốn trở lại trường học để tiến thân gặp khá nhiều khó khăn. Muốn vào trường nổi tiếng hay ghi danh học các môn học thực tiễn nhưng không được thì họ biết làm sao? Vô hình chung, nhóm sinh viên này trở thành khách hàng của các trường mở cửa kiếm bạc. Thấu hiểu tâm lý và nhu cầu của thị trường, chủ trường quảng cáo rầm rộ, nhắm đến thị hiếu khách hàng và họ đã thành công ào ào.

Tất nhiên không hẳn là ngôi trường [để ] kiếm bạc nào cũng làm ăn phi pháp, cũng có những ngôi trường trong nhóm này tổ chức được các ngành đào tạo nghề chuyên môn hữu ích và học trò học xong kiếm được việc làm nhanh chóng. Tại sao? Họ “đánh hơi” rất nhạy các nhu cầu của xã hội và tổ chức nhanh chóng lớp học đáp ứng với nhu cầu ấy trong khi các trường đại học tổ chức theo hệ thống giáo dục lâu đời thì trì trệ chậm lụt. Mỗi lớp học mới phải trải qua chương trình biểu quyết, chứng thực bởi hội đồng giáo sư, khoa trưởng… trước khi thêm vào học trình cho sinh viên lựa chọn.

Nhìn chung, các ngôi trường [để] kiếm bạc phần lớn không được nhìn nhận (accredited) bởi bộ Giáo Dục, liên bang hoặc tiểu bang. Do đó bằng cấp không được nhìn nhận và khi thi lấy bằng hành nghề, phần lớn sinh viên không đậu. Và các công ty này chịu chung những điều tiếng không hay: trường tư, mở cửa để kiếm bạc, chuyên môn dụ học trò nghèo, thiếu hiểu biết nên cả tin với những bài bản quảng cáo đầy hứa hẹn nhưng khi học xong thì không kiếm ra việc làm và nợ ngập đầu! Nghĩa là học trò vẫn trắng tay lại đèo thêm món nợ trong khi chủ trường phây phây đếm tiền trong nhà băng!

Sự kiện học trò vay nợ để trả học phí không kiếm được việc làm nên xù nợ, các món nợ “xấu” (không có gì để bảo chứng) liên quan với giáo dục, student loans, đã lên đến bạc tỷ nên Quốc Hội… đụng đậy và tìm hiểu! Tìm hiểu xong thì chán ngán mà soạn thảo luật pháp để kiểm soát thị trường giáo dục chặt chẽ kỹ lưỡng hơn, bớt cho những học trò cả tin những trận sa lầy. Các điều luật mới về giáo dục sẽ được ban hành vào cuối năm nay.

Bộ Giáo Dục đang loay hoay với các điều luật mới để kiểm soát các trường dạy nghề chặt chẽ hơn. Chẳng hạn như đòi hỏi các trường kiếm bạc khi mở chương trình đào tạo, họ phải có các giờ huấn nghệ với những điều thực tiễn, giúp học viên kiếm ra việc làm liên quan đến chương trình học và sinh viên tốt nghiệp xù nợ dưới 30% thì mới được tài trợ của chính phủ. Nghĩa là chính phủ Huê Kỳ dùng tiền để kiểm soát học trình của trường kiếm bạc. Ngăn ngừa chủ trường dụ dỗ, khuyến khích sinh viên ghi danh học đại một chương trình nào đó và vay tiền để đóng học phí vô tội vạ như trước.

Dưới đây là một số chi tiết có thể chính giúp học viên quyết định khi chọn lựa giữa trường vô vụ lợi (non-profit) và trường kiếm bạc (for-profit). Cả hai đều phát bằng cấp nhưng mục đích và cách tổ chức rất khác biệt. Sự khác biệt giữa hai loại trường ốc này bao gồm:

– Trường vô vị lợi thường tổ chức theo kiểu “học đường”, chú trọng đến sự học hỏi của sinh viên, các môn học dựa trên căn bản giao truyền tri thức; giúp sinh viên hoàn tất chương trình học và theo đuổi nghề nghiệp về sau. các ngôi trường này thường độc lập với các nguồn tài trợ và tự do trong việc dạy học.

Học phí thường dễ cáng đáng và tương đương giữa các đại học.

Trường đại học thường được điều hành bởi “Board of Trustee” là các chí sĩ, tài phiệt danh gia địa phương, muốn duy trì thanh danh địa phương ấy và thường không có “chủ nhân”.

– Trường [để] kiếm bạc là một cơ sở doanh thương, buôn bán kiếm lợi qua việc giáo dục. Họ chú trọng đến việc kiếm tiền. Ban điều hành thường là những người bỏ vốn đầu tư; đôi khi họ bán cổ phần trên thị trường tài chánh như mọi loại doanh thương khác. Chủ nhân có thể là một công ty tài chánh.

– Học phí thường cao hơn, cỡ 31 ngàn Mỹ kim chưa kể học bổng (so với 26 ngàn từ trường vô vị lợi)

– Trung bình, họ tiêu xài khoảng 3,000 Mỹ kim /sinh viên cho việc dạy dỗ (so với trường vô vị lợi: 15, 321 Mỹ kim/sinh viên)

– Khoảng 28% sinh viên tốt nghiệp chương trình 4-năm (so với 65% tại các trường vô vị lợi)

– Họ tiêu xài cỡ 8 Mỹ kim/sinh viên trong các chương trình nghiên cứu (so với 5,887 Mỹ kim/sinh viên tại trường vô vị lợi)

Trở lại với cơ sở buôn bán giáo dục Corinthian đang sập tiệm, 72 ngàn sinh viên đang theo học sẽ đi về đâu? Như mọi trường kiếm bạc khác, các sinh viên này là những người cần giúp đỡ nhiều nhất. Phần lớn là những người nghèo, da màu, và là phụ nữ cũng như các cựu chiến binh trở về từ chiến trường Iraq và Afghanistan. Năm 2012, Corinthian nhận được 186 triệu tài trợ từ bộ Cựu Chiến Binh để giúp binh sĩ trở lại học đường.

Cơ sở doanh thương này kiếm bộn bạc qua cách tính học phí cắt cổ. Mảnh bằng “medical assistant” tại Corinthian’s Heald College, Fresno, California, tốn 22,275 Mỹ kim trong khi cũng chương này tại Fresno City College chỉ tốn khoảng 1,650 Mỹ kim. Bằng phụ tá luật sư (paralegal) tại trung tâm Anaheim của trường Everest Colleges tốn trên 43,000 Mỹ kim so với bằng cấp tương đương tại trường cộng đồng Anaheim chỉ tốn trên dưới 3,000 Mỹ kim. Viễn ảnh kiếm việc làm dễ dàng khiến nhiều học viên nhắm mắt đưa chân, vay mượn với hy vọng kiếm ra việc làm rồi trả nợ dễ dàng!

Bây giờ giấc mơ tự lực kia xem ra sắp bốc hơi, các sinh viên của Corinthian đang khốn đốn vì nhiều lý do. Đầu tiên là việc chuyển tín chỉ (credit), nhiều trường kiếm bạc không được bộ Giáo Dục nhìn nhận nên tín chỉ của họ cũng không được nhìn nhận bởi các cơ sở giáo dục khác. Điều khó hiểu và khó chịu nhất là việc trốn tránh trách nhiệm của các viên chức thuộc bộ Giáo Dục, biết rõ ràng là Corinthian đang trên đà sập tiệm mà họ ngó lơ, không công bố cho bá tánh biết hoặc cấm cơ sở doanh thương này tiếp tục nhận sinh viên mới chỉ để đóng cửa trường trong vòng 1 năm sau!

Tính đến hôm nay, ngoài California, cơ sở doanh thương kể trên cũng đang bị điều tra bởi tiểu bang Massachusetts về cách làm ăn dối trá, lừa gạt khách hàng (sinh viên ghi danh theo học).

Cho đến khi luật pháp bảo vệ người tiêu thụ chặt chẽ hơn, nhìn ngắm tra xét các cơ sở giáo dục như các ngành kỹ nghệ buôn bán khác, ta sẽ tiếp tục có các nạn nhân tiền mất tật mang và tiền thuế của công dân vẫn tiếp tục vào tay những kẻ bất hảo? Corinthian này bị đóng cửa nhưng sẽ có các cơ sở khác tiếp tục, đã đến lúc người dân lên tiếng “đủ quá rồi” và nhờ nghị viên, dân biểu địa phương can thiệp bằng cách đòi các cơ sở thương mại ấy bồi hoàn học phí, trả bớt các món nợ?

alt

Biện Lý California Kamala Harris trong một cuộc họp báo về vụ kiện chống lại hệ thống Cao đẳng Corinthian và các công ty con, vì quảng cáo sai lệch, gian lận chứng khoán, xuyên tạc cố ý để lôi kéo sinh viênNGUỒN JUSTIN SULLIVAN / GETTY IMAGES

TLL