Vớt tràm lụt
Thường thường tại các rừng tràm nguyên sinh luôn bị ngập nước vì các vùng ấy đất thấp. Do vậy khi dông mưa lớn tràm bị gió dông làm gãy ngã hoặc có khi người ta vô rừng đốn tràm tươi về làm kèo cột cất nhà nhưng sau khi đốn cây hạ xuống xong rồi thấy không vừa ý vì tràm có thể không ngay thẳng như lúc cây còn đứng; thế là người ta bỏ cây tràm này mà đốn cây tràm khác. Cả hai trường hợp tràm bị gãy ngã hoặc tràm bị đốn bỏ lại nằm dưới nước năm này qua năm khác nên lớp vỏ ngoài bị tróc mục và chỉ còn lại cái thân tràm chắc ở bên trong màu sậm như than củi và dân gian gọi là tràm lụt. Tràm lụt nầy bên miệt Đồng Tháp Mười cũng có nhiều.(2) Nhớ có lần chúng tôi vô vùng Kinh Năm miệt Hỏa Lựu chạy dài xuống Kinh Zero gần ngã ba Nước Trong (Chương Thiện) để phá rừng tràm trồng lúa và đào liếp trồng khóm cũng gặp những thân tràm lụt nằm dưới đất gần thành than như vậy.

Rừng tràm – PHOTO: TRẦN NHIẾP
Loại tràm lụt nầy mấy chục năm trước dân vùng Mặc Cần Dưng xuồng ghe tấp nập đi vớt tràm vì dường như hồi ấy các vùng rừng tràm miệt Lình Quỳnh bị kiểm lâm cấm đốn tràm tươi, nhưng vớt tràm lụt thì họ cho. Tràm lụt vì ngâm lâu trong nước trong bùn nên khi đem về cưa khúc phơi khô chụm lửa đượm lắm nên ai ai cũng thích. Vả lại hồi ấy dân tình còn thưa thớt, rừng tràm thì nhiều, đất hoang chưa khai mở cũng nhiều nên việc đi vớt tràm lụt cũng thư thả lắm không có gì phải gấp gáp, tranh giành… Hồi xưa, mỗi khi đi vớt tràm lụt người ta thường đi chung hùn với nhau vì hồi đó đâu phải ai cũng có ghe hoặc xuồng lớn; thỉnh thoảng mới có người sắm được chiếc ghe chở vài trăm giạ lúa là quý dữ lắm. Thành ra, ít nhứt một ghe cũng hai người hoặc ba bốn người chung hùn lại với nhau cùng đi và mỗi kỳ đi vớt tràm lụt như vậy họ thường đi chung một đoàn năm ba ghe. Đi chung như vậy có cái vui là vô rừng cùng nhau vớt tràm không ngán, không thấy cực vì họ cũng ngầm thi đua coi ghe nào mau đầy trước; thứ nữa là phòng khi có gặp bất trắc gì thì họ cùng giúp đỡ lẫn nhau. Sau khi cùng nhau mò vớt tràm lụt vài ba hôm, nếu ghe mình đầy rồi thì họ còn xúm nhau vớt tiếp cho ghe kia mau đầy để cùng về với nhau một lượt cho vui. Cái tinh thần giúp đỡ tương thân tương ái ở nhà quê nó luôn luôn được dân quê lưu truyền hết đời này qua đời khác, mà nhứt là những khi có những công việc xa nhà và hơi cực như vớt tràm lụt thì họ lại càng tỏ lòng tương thân tương ái rất tận lực, hết mình. Thế rồi vài ba hôm thì đầy xuồng, đầy ghe tràm lụt lé đé nước từ trong rừng theo con rạch Mặc Cần Dưng xuồng ghe lũ lượt đổ về; rồi lại có những xuồng ghe khác lại đi ngược về hướng vô Tri Tôn, Lình Quỳnh, Kiên Lương, Hà Tiên kiếm củi nữa, vui lắm…

Cây chết lâu năm, nằm giữa rừng, chỉ còn lại lõi cây với rêu phủ; đây cũng là hình dáng loại cây lụt như tràm lụt. HT CHỤP
Ngày nay, qua rồi sáu bảy chục năm, ngồi nhớ lại cảnh ngồi tum chờ cá bông, cá lóc vô tum cùng những đoàn ghe xuồng xuôi ngược vô các vùng Tri Tôn, Lình Quỳnh, Hà Tiên vớt tràm lụt kiếm củi mà thấy thuở xưa thiên nhiên ưu đãi con người các vùng sông nước vừa kể biết bao. Hồi đó đời sống dân cư nơi các làng quê rất đơn giản. Khi bạn có mái tranh vách đất, có lúa gạo, có cá, có củi là bạn có một đời sống an cư lạc nghiệp rồi! Có lẽ nhờ thiên nhiên quá tốt bụng với dân cư sống nơi các vùng đất ấy mà tạo ra những con người chơn chất, mộc mạc cứ mỗi lúc vào mùa thì ngồi tum chờ cá như ngồi chơi vì có cá thì chỉ để ăn thôi chứ không ai bán chác gì; còn tới mùa vớt tràm lụt đầy ghe đầy xuồng về cũng để làm củi chụm thôi chứ cũng không cầu mong bán chác để làm giàu làm có gì. Quả xã hội và gia đình giáo dục tánh tình con người đã đành nhưng tạo hóa cũng góp công sắp đặt và giáo dục con người không ít!
Cước chú:
a. Theo cuốn“Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười, Du ký và Biên khảo của Nguyễn Hiến Lê, Loại sách: Học Làm Người, do nhà Phạm Văn Tươi xuất bản, Sài Gòn, năm 1954, trang 104:
“Rau thì có bông súng mọc khắp nơi. Củi thì có tre, sậy và tràm lụt.
Anh Bình hỏi:
– Thưa cụ, tràm lụt là gì?
– Đi chơi ở ngoài đồng người ta thường gặp những khúc tràm vặn vẹo vùi lâu dưới đất, gần thành than [(gọi là tràm lụt (ghi chú của HT)]. Có người bảo cánh đồng Tháp này hồi xưa là một rừng tràm: Sau trận bão lụt năm 1904, tràm trốc gốc bị vùi xuống một lớp phù sa. Giả thuyết đó chưa đáng tin vì có lẽ gì chưa đầy mười năm sau, khi tôi tới đây, những gốc tràm ấy đã gần thành than rồi.”
b. Ngoài ra, trong sách vở cũng như ngoài dân gian, người ta còn một danh từ nữa liên quan tới “củi lụt”. Đó là từ ngữ “dân củi lụt”với nghĩa bóng chỉ những người nghèo, chịu khó, chịu cực, chấp nhận gian khổ vì công việc mình đang làm. Chẳng hạn trong sách “Ăn Cơm Mới Nói Chuyện Cũ: Hậu Giang Ba Thắc”của cụ Vương Hồng Sển, do nhà xuất bản Trẻ (Việt Nam),tái bản lần thứ 1, năm 2012, chương “Ba Thắc Hậu Giang Bốn Chục Năm Về Trước”, trang 228, có nhắc: “Kinh đào chưa xong là đã có dân củi lụt tứ xứ đến khai hoang làm ruộng. Nói rằng củi lụt chớ thật sự là dân tứ chiếng, đã thất bại tại quê nhà Mỹ Tho, Chợ Bưng, Biên Hòa, nay nghe đồn có đất mới bèn đưa vợ con đến thử thời vận với vận mạng, mà tiếng quen thuộc “làm ruộng là đánh bạc với trời.”

Rừng tràm bị cháy và đang sống lại – PHOTO: TRẦN NHIẾP
Kinh Xáng Bốn Tổng, ngày 29-09-2014