Giao đề
Đất trời vận chuyển. Càn khôn xoay vần.
Trống thiêng gọi nước. Đàn linh gọi người.
Đại phong phất kỳ. Hào chí khơi tâm.
Giang sơn ta vị. Tình riêng ta tròn.
Long mạch cuồn cuộn. Dân tình chứa chan.
Trong buổi tối hôm ấy, sân khấu của Nhà hát Rose tại Westminster đã chuyển hình để khoác lấy hồn thiêng dân tộc, mặc vào tâm tình quê hương, chuyển tải linh hồn đất Việt. Để cả “Một vùng như thể cây quỳnh cành dao” (Truyện Kiều, Nguyễn Du).
Những khó khăn về kỹ thuật âm thanh ánh sáng, thì tôi tin là Ban tổ chức đã lưu tâm để lo chu đáo cho các chương trình trong tương lai. Ở đây, xin được phép cho tôi tự dung túng mình trong việc bộc lộ những cảm kích vô vàn sau khi có được một cuộc hạnh ngộ kỳ thú với văn hóa dân tộc. Xin để cho lòng biết ơn của tôi được làm chủ bài viết này.

Đôi uyên ương Nga Mi-Trần Lãng Minh trong tiết mục Trống Cơm
Thưởng ngoạn
Giới mộ điệu đã được một đêm no say với mâm cỗ “Phong Châu Mở Hội” do đôi uyên ương nghệ sĩ Nga Mi – Trần Lãng Minh khởi xướng. Với một chương trình hết sức chọn lọc, linh động, lý thú, và mẫu mực, Ban tổ chức đã đưa quê hương rất xa về lại ngay trong lòng của mỗi khán giả. Và với một mãnh lực nào đó, chương trình vẫn còn rung động với tần số cao trong lòng tôi rất nhiều ngày sau khi đến dự.
Không gian của rạp hát đã tuôn chảy những mạch sông mạch suối tuyệt mỹ nhất của nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. Để diễn tả lại cái xán lạn của buổi trình diễn hôm ấy, thì chẳng qua là việc ‘diễn nôm.’ Nhưng đôi khi, lòng hứng khởi không chịu nhượng bộ với sự giới hạn của ngôn từ. Những từ ngữ mà tôi cố gắng lôi kéo về đây trên trang giấy này để hầu quý độc giả, chẳng qua chỉ là những tiếng vỗ tay mà tuy tôi đang ngồi một mình vẫn còn muốn vỗ vì lòng còn rất say.
Có rất nhiều những cái duyên văn nghệ đã tô điểm cho ngự hoa viên đêm ấy. Từ những chi bảo của nền âm nhạc cận đại Việt Nam như danh ca Kim Tước và nhạc sĩ Văn Phụng, cho đến những nghệ sĩ tí hon còn rất trẻ của Vũ Đoàn Lạc Hồng – tất cả đã cho người đến dự một thoáng mê ly, đúng như chương trình đã dẫn dắt với khúc hát mở đầu “Ô, Mê Ly!” Mà mê ly thật, vì ta được lên tận “Trên Đỉnh Phù Vân,” rồi về tận “Mái Đình Làng Biển,” lại “Lên Đồng” với Cô Bơ Thoải và Cô Đôi Thượng Ngàn, giao duyên với thơ nhạc, hát xẩm với Nguyễn Bính, vào miền Nam “Thi Nói Dóc,” ra Bắc Ninh hát Quan Họ, lên cao nguyên nghe đàn đá với Giáo sư Vũ Hồng Thịnh – tích tụ hồn đất tình đời. Và còn nhiều nữa những mê ly khác mà tôi xin giữ lại sự hứng thú cho quý vị thưởng lãm trong những buổi trình diễn tới. Tuy nhiên, tôi xin lưu ý quý độc giả, nếu đến dự những chương trình trong tương lai, thì xin cẩn thận kẻo bị MC Nguyễn Ngọc Bảo hớp hồn. Rất nhiều khán giả tại buổi trình diễn đã bị Ông hớp hồn với kiến thức uyên bác và tài kể chuyện thu hút, càng thu hút hơn khi Ông dông dài chuyện cổ chuyện kim. Không biết cái duyên của Ông đến từ đâu: từ lúc Ông được sinh ra trong cung lòng quê hương, hay do lòng yêu văn hóa dân tộc hun đúc nên?

Nga Mi-Trần Lãng Minh hát dân nhạc tại Ford Theatre, Los Angeles
Tri ngộ
Một điều cần nhấn mạnh, rằng nay ‘ngọc đã tỏ,’ thì cũng xin châu về hợp phố. Với một chương trình tuyệt hảo như Phong Châu Mở Hội, rất nhiều tâm huyết của Ban thực hiện đã được trân trọng gửi đến quý khán giả. Mong sao sự hồi đáp của giới thưởng ngoạn sẽ ngày càng bao quát hơn, nhất là giới thưởng ngoạn sinh trưởng ở hải ngoại. Để được như vậy, sự hướng dẫn và khuyến khích của các bậc phụ huynh trong mỗi gia đình là điều tiên quyết. Ước mong rằng các bậc cha mẹ sẽ tiếp tay với những tấm lòng như Nga Mi và Lãng Minh, để chúng ta giữ tinh hoa dân tộc cho mình và cho đời. Nếu được, những chương trình như thế này cần được trình diễn nhiều xuất và ở nhiều nơi để cống hiến đến đồng bào hải ngoại món ăn tinh thần rất cần thiết này. Nữ nghệ sĩ Châu Hà đã khôi hài thưa với khán giả rằng “Suối Mơ” của Bà vì ‘hạn hán’ nên không còn chảy nữa. Mái tóc của một nữ danh ca có thể vì thời gian mà bạc màu tắt mạch, nhưng suối nhạc của dân tộc thì không thể để cho khô hạn được.
Khi làm phóng viên cho tờ Stanford Daily trong thời gian học tiến sĩ tại trường, tôi đã tường trình về buổi chọn diễn viên của Công ty trình diễn sân khấu Stanshakes. Đây là một đoàn kịch chuyên thực hiện những tác phẩm của Shakespeare tại đại học Stanford. Tôi rất hứng thú khi đạo diễn nói với tôi rằng cô ấy sẽ đưa những kỹ thuật sân khấu Kabuki của Nhật vào mùa hát năm 2007. Tôi vẫn tha thiết nghĩ đến những kỹ thuật và nghệ thuật trình diễn của dân tộc Việt Nam – liệu đến bao giờ mới khoe tài khoe sắc với sân khấu trình diễn thế giới? Còn nhiều những thí dụ khác, như Trống Taiko của Nhật, từ nhiều năm nay đã trở thành sinh hoạt thời thượng cho giới thưởng ngoạn thuộc mọi sắc tộc. Tôi hy vọng rằng với thành công của Phong Châu Mở Hội, Ban tổ chức sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực và mạnh mẽ về mọi mặt, để trong các lần trình diễn tới, có thể sẽ có một xuất dành riêng cho giới sinh viên học sinh – với những đãi ngộ như: vào cửa miễn phí, được tính điểm cho các lớp về văn hóa nghệ thuật tại trường họ đang theo học, và chương trình sẽ hoàn toàn song ngữ để làm nhịp cầu nối giúp các bạn trẻ nắm bắt được tinh hoa văn hóa mình thay vì cảm thấy bị ‘bỏ rơi’ khi không hiểu hết những thuật ngữ thâm thúy của dân nhạc.
Tuy tôi mơ ước nhiều cho tương lai, nhưng tôi cũng muốn nhắc lại rằng, Ban tổ chức đã hài hòa được sự đóng góp của ít ra ba thế hệ trong chương trình. Các ‘nghệ sĩ trẻ’ hình như không hề nao núng trước một cử tọa hết sức sành điệu, mà rất ư tự toại trong cung cách trình diễn và khả năng diễn xuất của mình. Từ những bài múa dân gian đến những ca khúc đòi hỏi trình độ dân nhạc cao, các nghệ sĩ còn ở tuổi vị thành niên này đã xuất thần, thỏa chí vẫy vùng trong sóng nhạc triều âm. Tôi thành thật biết ơn đôi uyên ương nghệ sĩ Nga Mi và Trần Lãng Minh đã hết lòng vun bồi cho những thế hệ trẻ, và với hết tâm huyết đã trao truyền cho họ những linh đạo để đi vào hồn dân tộc. Rất tin tưởng vào những cống hiến khác của Anh Chị trong tương lai cho nghệ thuật dân tộc, cho cộng đồng, và cho mạch sống trẻ hải ngoại.