Có người hỏi tôi: “Bạn đã để gió cuốn đi nhiều thứ, sao không gửi Coca Cola cho mây ngàn bay..” – một câu hỏi bất ngờ, đặc biệt. Người ta để gió cuốn đi mang đến tận cùng trời cuối đất rất nhiều điều, hay chí ít cũng như Trịnh Công Sơn có một tấm lòng để gió cuốn đi… Chứ chưa từng nghe có ai gửi Coca-Cola vào bốn phương tám hướng bao giờ. Chưa có (hay hiếm thấy?) chứ không phải không có, bởi vì trên đời này chẳng có điều gì không thể xảy ra. Hơn nữa đang ở thời điểm hiện tại “đừng bao giờ nói rằng bạn (hay ai đó) sẽ không bao giờ làm điều gì đó.” Ý nghĩa của câu thành ngữ “never say never” chủ yếu dành cho những vấn đề có liên quan đến chính trị và thương mại, và câu hỏi bất ngờ nhưng đặc biệt nói trên, đã xui khiến lòng tôi muốn tìm hiểu đôi chút về thương hiệu lừng danh Coca-Cola.
Theo thống kê hàng năm của công ty, mỗi ngày Coca-Cola bán ra 1.7 tỷ lon nước ngọt. Tính trung bình cứ mười người trên thế giới có bảy người hàng ngày uống Coca-Cola. Thương hiệu Coca-Cola gọi tắt là Coke, khai sinh ngày 8 tháng 5 năm 1886, có nhãn hiệu cầu chứng tại tòa án Hoa Kỳ từ năm 1893. Cha đẻ của Coca-Cola là Dược Sĩ John Stith Pemberton. Theo cách hiểu của người Mỹ thời đó, Coca-Cola là một loại thuốc uống giảm đau đớn, mệt mỏi. Ban đầu Dược Sĩ Pemberton đã sáng chế thành công một loại sirô màu đen như cà phê, khi hòa với nước lạnh sẽ có thứ nước uống giúp chống nhức đầu, uể oải, làm tâm hồn sảng khoái. Danh hiệu Coca-Cola xuất phát từ tên lá coca và hạt cola – hai thành phần chính của loại nước ngọt này. Dược Sĩ Pemberton giữ kín công thức sáng chế, chỉ biết rằng thành phần quan trọng nhất của Coca-Cola chứa một tỷ lệ tinh dầu nhất định, chiết xuất từ quả và lá của cây Kola – một loại cây chỉ có ở khu vực rừng nhiệt đới Nam Mỹ, chứa một lượng cocain và caffeine đáng kể. Dược Sĩ Pemberton đổi chữ “K” trong “Kola” thành chữ “C” cho dễ nhìn và quen thuộc hơn. Coca-Cola được bán đầu tiên tại Nhà Thuốc Tây Jacob ở Atlanta, Georgia. Ông Frank M. Robinson – nhân viên kế toán của Dược Sĩ Pemberton – đã sáng tạo ra logo màu đỏ và trắng lừng danh cho chai Coca-Cola, bằng ấn bản Spencer đặc biệt.
Sau này khi mua lại Coca-Cola, ông Asa Griggs Candler – vị giám đốc điều hành tài giỏi bậc nhất của công ty – đã biến đổi suy nghĩ của công chúng Hoa Kỳ và của thế giới về thứ nước giải khát này. Ông Asa Candler cho người tiêu dùng hiểu Coke là nước giải khát ngon lành và tươi mát. Chính vì thành phần cấu tạo từ lá coca và hạt cola đã khiến Coca-Cola có thời kỳ khuynh đảo trái đất, và thiên hạ quy kết ông Asa Candler là người đàn ông gây nghiện cho cư dân địa cầu. Hiện nay Coca-Cola là thương hiệu giải khát nổi tiếng thế giới, với rất nhiều sản phẩm đa dạng, như Coca-Cola Light (còn gọi là Diet Coke), Coca-Cola Cherry…Cho đến bây giờ Coca-Cola vẫn trung thành với tôn chỉ của họ. Hình dáng chai Coca-Cola được ghi danh bảo vệ năm 1960.
Quảng cáo đầu tiên của Coca-Cola xuất hiện trên tạp chí The Atlanta Journal tại Atlanta. Biểu tượng “Uống Coca-Cola” viết trên vải dầu ở mái hiên nhà thuốc tây Jacob. Về sau giám đốc Asa Candler không chỉ viết tên Coca-Cola trên chai, mà còn viết tên quạt, lịch, và đồng hồ. Những chiến dịch tiếp thị độc đáo kết hợp với phẩm chất tuyệt hảo của Coca-Cola, đã khiến thương hiệu này trở thành một trong số những thương hiệu giải khát được yêu thích nhất thế giới. Có thể chiếm được địa vị này nhờ công ty Coca-Cola luôn hòa nhập vào nhịp sinh hoạt của xã hội, tổ chức hoạt động thể thao ở khắp mọi nơi, đặc biệt tài trợ cho một trong số những sự kiện thể thao nổi tiếng và tồn tại lâu đời nhất của nhân loại: Đó là Thế Vận Hội Olympics. Chiến dịch quảng cáo của Coca-Cola phong phú đầy sáng tạo. Trong số 100 chiến dịch quảng cáo độc đáo nhất của thế giới do Tạp Chí Advertising Age bình chọn, chỉ riêng công ty Coca-Cola đã có ba chiến dịch được chọn. Và ông già Noel mặc y phục màu trắng và đỏ là hình ảnh nổi bật nhất, mà Coca-Cola dùng để quảng bá cho công ty.
Vì quá nổi tiếng nên công thức pha chế nước giải khát Coca-Cola được mọi người khao khát tìm hiểu và muốn biết. Nhưng có thể nói kể từ năm 1886 cho đến nay, công thức này là một trong số những bí mật được bảo vệ chặt chẽ nhất trên thế giới. Hơn một thế kỷ qua, những nhà sản xuất Coca-Cola luôn từ chối công bố các thành phần chế tạo ra sản phẩm của họ. Được biết năm 1977 hãng Coca-Cola dự định xây dựng nhà máy sản xuất nước ngọt tại Ấn Độ. Nhưng khi chính phủ Ấn yêu cầu cho biết công thức pha chế, hãng Coca-Cola đã rút lui. Họ thà chịu mất một cơ hội làm ăn, còn hơn để lộ một công thức bí mật có ý nghĩa sống còn của công ty. Phải chăng đây cũng chính là “chiêu thức độc nhất vô nhị,” đã thêm phần quảng cáo cho Coca-Cola, giúp hãng nước giải khát này tiêu thụ hơn 1.7 tỷ lon Coca-Cola / 1 ngày, tại hơn 200 quốc gia trên thế giới. Hiện nay chỉ có hai quốc gia không chính thức bán Coca-Cola là Cuba và North Korea, vì cả hai đều bị đặt dưới lệnh cấm vận thương mại dài hạn của Hoa Kỳ.
Nhưng công thức bí mật của Coca-Cola đã được tiết lộ trong quyển sách mang tên “For God, Country, And Coca-Cola,” của tác giả Mark Pendergrast, phát hành tại Anh Quốc. Được biết sau sáu tháng nghiên cứu và tìm hiểu tỉ mỉ tài liệu lưu trữ trong thư viện của hãng Coca-Cola, tác giả đã tìm thấy công thức gốc ghi trên một tờ giấy đã vàng ố có đánh dấu “X.” Dĩ nhiên hãng Coca-Cola phủ nhận nguồn tin nói trên. Nhưng Nhật Báo Sunday Times đã thuê một viện bào chế ở Luân Đôn, sản xuất thử loại nước giải khát mang tên “Actonola” theo công thức tìm được. Họ nhờ các chuyên gia về nước ngọt nếm thử. Tất cả đều tin rằng đây là nước giải khát Coca-Cola thứ thiệt 100%. Quyển sách của Mark Pendergrast tóm lược quá trình hình thành và ra đời của Coca-Cola tại thành phố Atlanta, Georgia từ năm 1886 cho đến ngày nay. Nhưng ông Muhtar Kent – giám đốc phụ trách kinh doanh của Coca-Cola cho biết: Công ty không cần thiết phải đưa ra pháp luật những người sử dụng công thức bí mật để cạnh tranh thương mại, trừ phi họ lấy tên Coca-Cola làm nhãn hiệu. Cho dẫu họ có thật sự sản xuất ra được một loại nước giống như Coca-Cola dưới một tên gọi nào đó – Yum Yum chẳng hạn. Nhưng nếu họ không có một thị trường tiêu thụ và một quy mô sản xuất lớn mạnh trên toàn thế giới như hãng Coca-Cola, họ cũng chẳng thể nào tranh chức vô địch giải khát của thương hiệu bá chủ hoàn cầu này.
Nhận xét của giám đốc Kent cũng là lời kết thúc để gió cuốn đi bí mật của công thức pha chế, và cũng để gió mãi mãi còn vương hương vị tuyệt vời của Coca-Cola. – – –
4:15am Chủ Nhật ngày 2 tháng 11 năm 2014
*Link tham khảo: http://www.coca-colacompany.com/stories/the-chronicle-of-coca-cola-birth-of-a-refreshing-idea