Với nhiều nước nghèo trên thế giới, ăn xin có thể được xem là một cái nghề. Nhưng với một đất nước giàu có văn minh, ăn xin có lẽ là một cái nghiệp. Cứ cho đó là số phận họ muốn như thế vì lý do cá nhân. Do vậy, có nhiều cách ăn xin làm bạn ngạc nhiên không ít. Chẳng hạn: “Xin tiền uống bia”, “Thất nghiệp, không có tiền trả tiền nhà, xin được giúp đỡ”, “Một cựu chiến binh tàn tật”, “Một người mẹ vô gia cư”, v.v… Và bạn sẽ làm gì khi gặp những người ăn xin giữa phố? Tùy theo sự từ tâm của bạn hay bạn giả vờ không thấy.

Ăn xin giữa phố
Hẳn ai trong chúng ta cũng đều thấy hình ảnh những người ăn xin đứng nơi góc phố, hay các lối vào đường xa lộ. Hình ảnh đó đôi khi trở nên quen thuộc và không ít người bày tỏ lòng thương cảm cho những thân phận con người. Ở góc đường Chapel, khu vực Dallas hằng ngày tôi đi qua nhìn thấy một bà cụ da trắng đội chiếc mũ kiểu cũ, che cây dù, ngồi trên chiếc ghế vải xếp, tay cầm tấm bảng với hàng chữ viết tay bằng mực đỏ: “Cần giúp đỡ”. Câu chữ ngắn gọn, dường như không cần ai thương cảm. Thương thì cho, không thì thôi. Một cách ăn xin quá ư lịch sự!
Hầu hết người ăn xin trên phố là người vô gia cư
Một số người ăn xin khác có khi mỉm cười và vẫy tay để có được sự chú ý của người đi đường. Cũng có khi họ đi bộ tới dòng xe đang ngừng chờ đèn đỏ, đưa tay ngỏ ý xin tiền. Cách xin này tuy trơ trẽn làm người ngồi trên xe giả lơ và tránh tiếp xúc bằng ánh mắt. Một vài người khác, hạ cửa kính xuống, thò tay ra đưa chút tiền cắc hoặc đôi khi cả tờ giấy bạc. Vậy thì câu hỏi đặt ra là, có nên giúp đỡ những người ăn xin không?
Ông Trương Thuận, một người theo đạo Công giáo, sống ở Arlington trả lời: “Cần giúp đỡ. Họ là những người đáng thương, vì hoàn cảnh nào đó ‘đói cơm, rách áo hóa ra ăn mày’ là vậy. Trước kia, tôi không quan tâm bởi tôi nghĩ rằng họ có trợ cấp xã hội, có điều kiện được hưởng mọi thứ phúc lợi xã hội mà người đi làm công nhân như tôi với đồng lương đã ít lại còn phải đóng phần thuế ‘nuôi’ những người như thế. Những người ăn xin giữa phố hoàn toàn khỏe mạnh, không khác gì những người bình thường, cớ sao lại đi ăn xin và tại sao mình lại phải giúp đỡ họ. Họ đi ăn xin kiếm ít tiền có thể chỉ là giải tỏa cơn ghiền thuốc đột xuất hay mua rượu bia đánh chén sau những giờ đứng ngoài phố xin ít tiền còm”.
“Lạy ông đi qua, lạy bà đi lại”
“Nhưng những năm sau này tôi lại suy nghĩ khác, nhất là hiện thời cuộc sống của tôi hoàn toàn thanh thản. Con cái thành đạt, có cuộc sống riêng. Bản thân vợ chồng tôi, không giàu có nhưng có được mái nhà ba phòng ngủ, tiền hưu trí sống đủ đầy. Chúa đã cho tôi những gì tôi có, tôi được hưởng nhiều ân sủng trong khi một số ít người khác chẳng may không có cuộc sống tốt đẹp. Tôi cho là nghiệp dĩ của họ như thế, chứ có ai muốn làm kẻ đi ăn xin”, Ông Thuận bày tỏ.
Trái với quan điểm của ông Thuận, một người bạn hàng xóm của ông giãi bày: “Lòng tốt, lòng từ thiện cũng nên đặt đúng chỗ, nhất là những người đi xin ngoài phố. Có lần tôi đi California thăm bạn bè, mấy anh em ra chợ Phước Lộc Thọ mua ít đồ ‘mồi’ về cho chầu nhậu. Mới vừa kiếm được một chỗ đậu xe, thì gặp một ông trung niên người Việt mình. Ông ta từ phía đối diện đi tới, tay cầm chai bia, gọi: “Anh Hai, anh Hai đi chợ hả, cho em út một hai đồng lẻ ăn bánh mì. Từ sáng tới giờ em chưa có cái gì bỏ bụng”. Vừa nói ông ta vừa quơ quơ cái chai như muốn đập bể kiếng xe. Mấy thằng bạn của tôi ở Bolsa nói: “Thôi rồi, gặp ‘Chí Phèo’ thứ thiệt, xin ăn kiểu này không cho không xong”.
Tất nhiên, xin ăn kiểu trên là trường hợp cá biệt trong hàng trăm cách ăn xin của thế giới hành khất. Có người làm một hành động gì đó cho người khác sợ hãi, có người đánh động vào lòng từ bi, tích phước cho con cháu. Tin tức gần đây cho biết người Trung Quốc mặc trang phục tu hành và tụ tập thành những nhóm nhỏ để xin tiền tại khu vực Times Square ở thành phố New York. Họ mang theo lá bùa may mắn, mời gọi khách qua đường mua với mục đích quyên góp tiền để xây dựng đền chùa. Tuy nhiên, những nhà sư này lảng tránh mọi câu hỏi liên quan tới nguồn gốc xuất thân.
Ăn xin có con chó làm bạn dễ có được tiền bố thí
101 cách ăn xin kiếm tiền
Một Youtube đăng lên mạng chuyện một cụ bà ăn xin giữa phố mà lại lái một chiếc xe hơi. Một người đàn ông ở Oklahoma đã rất tức giận khi nhìn thấy bà cụ ăn xin mà anh vẫn cho tiền hàng ngày lái một chiếc xe đời mới Fiat 2013, thậm chí chiếc xe này còn tốt và đắt tiền hơn chiếc xe anh vẫn đi. “Thật là điên rồ. Bà đã lợi dụng lòng tốt của tôi để trục lợi. Không như bà, tôi phải làm việc rất cực khổ để có được số tiền này”. Người đàn ông có lòng bao dung này tên là Daniel Ayala, một người làm công ăn lương thường ngày đi ngang qua một nhà ga trên đường đi làm, nơi anh thường xuyên cho tiền và giúp đỡ cụ bà 78 tuổi vô gia cư rất nghèo, không đủ tiền mua đồ ăn. “Tôi thấy thương bà nên hằng ngày tôi đều cho bà 2, 3 đô. Thậm chí có lúc tôi phải nhịn ăn trưa chỉ để có 4 đô để giúp bà miếng ăn. Còn bà thì lại như thế này ư. Xe của bà còn xịn hơn xe của tôi”, Daniel nói trong clip.
Ngay lập tức bà cụ ăn xin đã phản đối rằng chiếc xe này không phải của mình. Clip trên được một người tình cờ qua đường nhìn thấy cuộc tranh cãi, quay lại và đăng tải trên mạng xã hội. Ngay lập tức đã thu hút gần 3 triệu người xem và rất nhiều lượt bình luận, chia sẻ.
Một begger khác chia sẻ về “chiến lược” tiếp cận xin tiền ngoài phố như thế này: “Chiến lược ăn mày của tôi là dứt khoát không đeo bám khách chạy dọc phố. Nếu xin mà họ không cho, tôi dứt khoát không bám theo họ. Bởi nếu họ cho tiền thì đã cho ngay rồi, nếu họ cho vì bị đeo bám lâu, thì tỉ lệ thành công cũng nhỏ. Tôi không thể mang thời gian ăn mày có giới hạn của tôi để đi lãng phí trên những người khách này, trong khi tôi có thể xoay ngay sang mục tiêu bên cạnh”.
Có cách ăn xin nào với khẩu hiệu thế này không?
Đi xin cũng phải có nhiều “chiêu” để tăng số tiền thu được. Anh Hồng Võ, tại Fort Worth kể: “Mấy tháng trước, tôi chở vợ đi chợ ở Arlington. Trong lúc ngồi trong xe chờ bả, thì có một anh đồng hương, ăn vận đàng hoàng, áo bỏ quần, tay măng sết. Anh ta đến nói với tôi vì đường về nhà ở Oklahoma, lại bị rơi mất bóp nên không có tiền đổ xăng. Tôi thấy thông cảm với lý do rất rõ ràng. Một bình xăng đi xa ít ra phải hai chục. Tôi móc bóp đưa tờ giấy bạc cho anh ta với lòng hoan hỉ. Khi bà vợ tôi ra xe, tôi kể lại chuyện này thì bả la làng: “Tuần trước, em cũng gặp một người Việt đến xin với lý do như thế”.
Rõ ràng đây là kiểu ăn xin lường gạt. Thà như ông ăn xin người Mỹ râu ria ngồi ở khu chợ Albertson với con chó vàng. Có lần tôi hỏi, ông là người Mỹ, lại là cựu binh Việt Nam, sao không xin trợ cấp xã hội để sống, xin tiền lẻ ngoài phố có được bao nhiêu, làm sao mà sống. Ông không trả lời thẳng câu hỏi của tôi, lại chỉ con chó vàng nằm bên cạnh. “Lúc trước mỗi ngày kiếm được năm mười đồng. Nhờ con chó cưng này tôi xin được khá hơn. Không biết nó lạc chủ từ đâu, lê la đến gần tôi. Tôi thấy tội, cho nó ăn miếng bánh mì thừa, rồi nó theo tôi ngồi ở đây. Nhiều người đi ngang qua, cho nó đồ ăn và dúi tôi vài đồng nhờ mua thức ăn cho nó. Nhờ vậy tự dưng số tiền xin ăn tôi kiếm được hằng ngày nhiều hơn. Thực ra người ta cho tiền con chó chứ không phải cho tôi. Đúng là thằng đàn ông xin ăn như tôi còn thua một con chó. Nhưng tôi rất quý nó, nó thật sự là bạn của tôi”, anh Hồng Võ kể thêm câu chuyện về thế giới ăn xin ngoài phố.
Sau một buổi ăn xin, bạn bè họp mặt
TN