Menu Close

Vì tôi thích chụp hình (kỳ 117)

“Tui muốn học nhiếp ảnh chỉ vì tui thích chụp hình… chớ không phải vì muốn làm nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.”

Câu này người viết đã từng nghe vài người nói. Có một sự khác biệt lớn giữa sở thích chụp ảnh và mở một studio chụp ảnh kiếm tiền. Bà Tư kia thích làm bánh nướng, nhưng nếu gợi ý bả nên mở một tiệm bánh và làm hì hục từ sáng sớm tới tối thì hơi.. lãng xẹt. Không phải vì bà ta sẽ thất bại, nhưng vì có rất nhiều yếu tố trong một việc kinh doanh hơn chỉ sản xuất món hàng. Bà chắc chắn sẽ bận bịu làm những chuyện bà không thích trong ngày và có lẽ sẽ ghét nướng bánh luôn.

alt

Thú chụp ảnh cảnh mặt trời lặn

Thực tế rằng chỉ vì bạn thích chụp hình không có nghĩa bạn sẽ thích làm một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Chúng ta hãy định nghĩa những tiêu chuẩn để một người trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp – phần lớn nguồn lợi tức của bạn phát xuất từ nhiếp ảnh. Điều này không liên quan gì đến trình độ kỹ năng. Bạn có thể tuyệt đối trở thành một người chụp ảnh tuyệt vời, nhưng điều đó không có nghĩa bạn phải trả bills với tài năng của bạn.

Để trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp nói chung có nghĩa bắt đầu một cơ sở kinh doanh. Đó không phải là cách duy nhất, nhưng là một cách phổ biến. Sau đây là:

List Số một – những việc bạn phải làm để làm một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.

1. Nhận định thị trường của bạn – ai sẽ trả tiền cho bạn chụp hình và tại sao?

2. Thăm dò – ra khỏi nhà của bạn và đi tìm những khách hàng.

3. Tự làm buôn bán – thuyết phục những người khác trả tiền cho những dịch vụ của bạn.

4. Giao hàng – dám chắc rằng khách của bạn nhận được những gì họ mua (trả tiền).

5. Lập hóa đơn – thâu tiền mua gạo.

6. Quảng bá – mọi người trong xóm (trong quận) cần phải biết bạn là ai.

7. Viết lách – đa số những nhiếp ảnh gia bỏ ra nhiều thời giờ viết “i-meo” nhiều hơn chụp ảnh.

8. Ngồi trước máy điện toán – nhiều giờ hơn bạn có thể tưởng tượng.

9. Dự thảo ngân sách – chuẩn bị đối phó với những tháng bị “ế”.

10. Kế hoạch – công ty của bạn sẽ đến đâu trong 5 năm sau?

11. Thuế vụ – điều hành một cơ sở kinh doanh có nghĩa bạn phải tự lo chuyện đóng thuế.

12. Dịch vụ luật pháp – đề phòng bị kiện bằng cách soạn kỹ những hợp đồng

13. Thương lượng tiền vay – nếu bạn có một studio ảnh, bạn sẽ cần phải biết bạn đang làm gì ở đó.

Nếu bạn đọc qua List số một và tự nghĩ trong đầu: “Ớ, hấp dẫn quá, nhào vô liền!” thì bạn sẽ thích thú làm một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.

Hãy nghĩ đến một công ty như Apple hoặc Coca-cola. Họ có cả những ban riêng biệt lo về mỗi công tác trên. Bạn thì không. Bạn chỉ có một mình. Nếu những công việc trên nhìn có vẻ kinh khủng đối với bạn, bạn nên nghĩ lại về chuyện mở một cơ sở nhiếp ảnh; hãy nhìn qua:

List Số hai – những việc hầu hết những người chụp ảnh thật sự thích làm:

1. Đi chụp – chụp những hình họ muốn chụp, cách họ muốn, khi nào và nơi nào họ muốn.

2. Sưu tầm đồ nghề – phải có máy mới Canon 7D MkII với ống kính 200-400mm. (trường hợp của “máy ảnh gia” rồi!)

List này sẽ thích hợp hơn cho những người muốn chụp hình theo kiểu “tài tử”, vì List này chỉ là một phần nhỏ của chuyện những tay chuyên nghiệp sẽ phải làm.

Điều duy nhất bạn tuyệt đối cần phải có là niềm đam mê nhiếp ảnh. Nhưng có muốn trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hay không, bạn vẫn có thể chọn con đường chuyên nghiệp, nếu muốn. Và nếu không, bạn chỉ cần đủ trình độ kỹ năng để có thể  vui thú thêm bộ môn nhiếp ảnh.

alt

Các tay ảnh mải mê bóp cò.

AN