Kính thưa Quý báo Trẻ,
Đã hơn 3 thập niên qua, mặc dù cơn ác mộng thuyền nhân đã được chôn vùi vào dĩ vãng, nhường lại cho cuộc sống luôn tất bật vội vã hằng ngày trên một xã hội văn minh vào bậc nhất hiện nay. Có lẽ vì vậy mà dường như đôi khi người ta không còn dịp để suy tư những chuyện đã qua, những chuyện đã trở thành quá khứ và vô tình quên mất cái nhấc chân vốn khốn khó đầu tiên trên đất nước thứ hai, cũng như những ai đã từng giúp đỡ họ trên bước đường tạo dựng cuộc sống mới. Mãi đến hôm nay nhờ Quý báo Trẻ mở một cuộc thi với chủ đề “Cám Ơn U” rất có ý nghĩa để nhắc nhở cho chúng ta nhớ đến những cái ơn, nhớ đến sự giúp đỡ tận tình của những người bạn, những người thân hoặc của những người dưng mà chúng ta chưa một lần quen biết. Nhân với cuộc thi nầy tôi xin phép được gởi đến Quý báo Trẻ một câu chuyện thật về chuyến vượt biên của tôi. Mong rằng qua câu chuyện dưới đây Quý báo cũng như Quý độc giả sẽ cảm nhận được lòng nhân ái của những người Ngoại quốc đã từng đối xử với người tị nạn cộng sản Việt Nam của chúng ta như thế nào.
Năm ấy vào cuối muà thu 1979, trên một chiếc thuyền không lớn lắm đã mang 108 người lặng lẽ rời bỏ Quê hương thân yêu của mình, để ra đi tìm ý nghĩa của 2 chữ Tự Do, dù bằng một cách nào đó tồi tệ nhất hay dù có phải đánh đổi ngay chính cả mạng sống của mình…Đêm hôm đó trời sáng trăng, ánh trăng rọi xuống dòng nước lung linh thật là buồn. Sau khi mọi người đã lên thuyền, con nước được rẽ đôi khi con thuyền rời bến, nó vẫn lặng lẽ âm thầm chuyển động chầm chậm lướt trong bóng đêm, bỏ lại sau lưng một Quê hương của Mẹ, một Quê hương thân yêu vẫn đang chìm đắm trong một màu tang trắng xóa…
Khi bình minh thức giấc thì con thuyền cũng đã ra khỏi hải phận Quốc tế. Một niềm vui, một tiếng cười chưa dứt thì những con sóng bạo động được dịp trở mình. Nó ngang tàng như những con thú hoang chưa thuần thục, đẩy ngang dọc những sinh mạng mong manh như mành chỉ. Tiếng gào thét kinh sợ của mọi người lấn át tiếng mưa cuộn gió lùa vì cái chết dường như đã cận kề trước mắt. Bên tai tôi lúc đó chợt nghe rất rõ ràng tiếng kinh cầu thành khẩn như xuất phát từ tận cõi lòng của mọi người và có lẽ chính nhờ sự nhiệm mầu thiêng liêng nào đó đã làm động đến lòng Trời, nên khiến xui những con sóng bạo động biết tự kìm hãm sự hung hãn của mình mà lặng lẽ bỏ đi qua. Thế là sinh mạng của những con người trên con thuyền bé nhỏ ấy được tái sinh. Sau cơn mưa trời lại sáng. Con thuyền vẫn cố lướt đi. Không còn thực phẩm. Qua đến ngày thứ ba ai nấy đều đói, rã rời, mệt mỏi. Trong cơn tuyệt vọng, bỗng đâu xuất hiện trên bầu trời một chiếc phi cơ mang dưới bụng một hàng chữ “US NAVY” thật to và nổi bật. Đó là vị cứu tinh của cả hơn trăm con ma đói, nó lượn quanh trên không một hồi rồi thả xuống thực phẩm và nước uống…

Tác giả Lê Hoàng Nam
3 giờ chiều sau đó, đúng với lời hứa của vị Sĩ Quan Phi hành. Chiến hạm LONG BEACH 9 xuất hiện sừng sững như những Sứ giả Thiên thần. Có niềm vui nào hơn khi đặt chân trên một chiến hạm vĩ đại chưa từng thấy, chính nơi đây chúng tôi đã tìm thấy những trái tim có chứa dòng máu con người, đó là những quân nhân Hải quân Hoa Kỳ, những người đã lo cho chúng tôi tỉ mỉ từng li từng tí, từ những bộ quần áo, thuốc men đến thực phẩm. Họ dựng những buồng tắm Nam, Nữ riêng biệt, tuy dã chiến nhưng rất kín đáo. Họ gần gũi với chúng tôi như những người bạn, có khi như những người thân ruột thịt. Họ kể cho chúng tôi nghe về đời chinh chiến gian nan cũng như sự hy sinh vinh quang của họ (qua lời thông dịch của vị Bác sĩ VN). Chúng tôi cũng cảm nhận được tấm lòng nhân ái mà họ đã dành cho chúng tôi rất nhiều. Sau 2 ngày lênh đênh trên biển cả, tàu được lệnh ghé trạm Thái Lan để lấy nhu, thực phẩm và nhiên liệu nên họ đã tạm thời gởi chúng tôi vào trại “Lamsing” thuộc vùng ngoại ô của đất Thái.
Nơi đây đã cho chúng tôi thấy được mặt trái của cuộc đời, mặc dù Chính phủ Thái Lan đã dùng tấm bình phong đẹp mắt nhất để che đậy. Một con thuyền đã bị bọn hải tặc tấn công. Chúng dùng búa và mã tấu chém những thanh niên, hãm hiếp phụ nữ và cướp bóc ngay trên bãi biển chỉ cách trại chừng trăm thước. Sau khi hả hê, bọn chúng mới chịu bỏ đi. Thuyền lết vào bờ. Cả trại được huy động để tiếp cứu đồng bào khổ nạn. Khi bước lên thuyền…hỡi ôi! Có cảnh tượng xót xa nào bằng, người nằm oằn oại la liệt, máu tươi ngập cả thuyền. Chúng tôi chuyền tay nhau đưa những nạn nhân vào bệnh xá. Và chứng kiến 3 nạn nhân cũng mới vừa trút hơi thở cuối cùng. Ôi! Người VN của chúng tôi đây sao? Ai đã gieo nên những nghịch cảnh như thế nầy? Chỉ 2 ngày sau đó xác những thuyền nhân còn lại đã trôi dạt vào bờ. Chúng tôi đã đem chôn và khắc lên mộ bia vội vã những cái tên thật đẹp nhưng xấu số bạc phận của người dân chúng tôi.
Kính thưa Quý báo Trẻ, sở dĩ tôi đưa hai câu chuyện trái ngược nhau là để chúng ta dễ cảm nhận được ai có dòng máu ân tình giữa con người với con người. Xin một lần nữa tri ơn những đại Ân Nhân đã từng giúp và cưu mang chúng ta vào nước Mỹ cũng như tất cả các nước trên toàn thế giới trong mùa Lễ Tạ Ơn nầy…
Chúng tôi xin chân thành cảm tạ đến Quý báo Trẻ đã thực hiện một cuộc thi rất đầy đủ ý nghĩa để chứng minh lòng biết ơn của chúng ta đến với các vị Ân Nhân trong mùa Lễ Thanksgiving năm nay và cũng xin hoan nghênh tinh thần bất vụ lợi của Quý báo Trẻ về cuộc thi cũng như đã từng gởi đến cho chúng tôi những thông tin rất hữu ích và quý báu nhất.
Kính chúc toàn thể Quý vị trong tòa soạn đầy nghị lực và thành công trong mọi lãnh vực.
Kính ái!
(TB: Nếu bài được chọn đăng tôi kính nhờ Quý báo sửa lỗi chính tả giùm trước khi lên khuôn. Thành thật cảm ơn)!