Người Việt ở Little Sài Gòn ai cũng biết Trung Tâm Văn Hóa Nghệ Thuật Sài Gòn Performing Arts Center ở Fountain Valley, do nghệ sĩ Quốc Thái khánh thành ngày 4 tháng 12 năm 2008. Có thể nói đây là trung tâm văn hóa nghệ thuật đầu tiên của người Việt hải ngoại, một sân chơi của giới nghệ sĩ Việt Nam. Ban đầu trung tâm này có tên gọi là Star Performing Arts Center, sau đổi thành Sài Gòn Performing Arts Center – một sân khấu chuyên nghiệp, sang trọng, với 625 chỗ ngồi thoải mái, được thiết kế ba dàn đèn thế hệ mới, điều khiển bằng máy điện toán, hệ thống surround sound do hãng QSC thiết kế riêng cho rạp hát, tạo hiệu quả đặc biệt về âm thanh và ánh sáng trong những đêm biểu diễn nghệ thuật. Chính tại nơi đây đã diễn ra rất nhiều buổi sinh họat văn nghệ cộng đồng của người Việt, và cũng là nơi trình diễn cải lương, kịch nghệ, chiếu phim của giới nghệ sĩ Việt Nam ở Nam California.
Trước đây mỗi khi tổ chức văn nghệ, các đoàn kịch nói hay các đoàn hát thường phải thuê sân khấu của người ngoại quốc. Địa điểm xa không thuận tiện, dù người Việt muốn đi xem ủng hộ cũng không thể đến. Chính vì thế việc cần có một nơi trình diễn riêng của người Việt là điều cần thiết. Từ khi có Sài Gòn Performing Arts Center, đa số mọi sinh hoạt văn nghệ của người Việt đều thực hiện ở đây. Ngoài những buổi trình diễn của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, còn có những buổi văn nghệ của các hội đoàn, như Người Cao Niên, Hội Thân Hữu Trưng Vương, Gia Long, Hồng Lạc, và cả những lần chiếu phim. Wave Releasing – một tổ hợp bao gồm các đạo diễn, các nhà sản xuất phim ảnh trẻ tuổi người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ – biết rằng làm phim tại một đất nước có nền điện ảnh lớn nhất thế giới, không phải là chuyện dễ. Họ đã đoàn kết, giúp đỡ nhau, để có thể có những buổi chiếu phim rộng rãi. Năm 2010, bộ phim “Fool For Love – Để Mai Tính” của đạo diễn Charlie Trực Nguyễn đã được chiếu ra mắt tại đây. Từ đó chương trình điện ảnh của người Mỹ gốc Việt thường hội tụ ở địa điểm này. Có thể nói sự xuất hiện của Sài Gòn Performing Arts Center là một đóng góp lớn thúc đẩy sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của Việt Nam có cơ hội phát triển, và cũng là nơi giới thiệu những ca khúc, những vở kịch, những tuồng cải lương đặc sắc của người Việt ở hải ngoại.
Đến Sài Gòn Performing Arts Center xem văn nghệ, khán giả không chỉ được thưởng thức những món ăn tinh thần đặc biệt, mà còn là cơ hội tay bắt mặt mừng với những người đồng hương. Chỉ cần ngồi bên nhau nghe diễn kịch, nghe hát, hay nghe sáu câu vọng cổ, những người Việt nhanh chóng trở thành bạn hữu; sau khi rời khỏi rạp hát họ không chỉ mang theo dư âm của lời ca tiếng nhạc, mà còn mang theo cả hình ảnh của những người cùng có chung nguồn cội. Đây chính là lý do để người Việt ở Little Sài Gòn ít khi bỏ qua những buổi trình diễn văn nghệ, được tổ chức tại Sài Gòn Performing Arts Center. Bởi vì khi đến sân khấu này họ vừa được nghe tiếng tơ đồng của quê hương, vừa được chia sẻ với nhau cảm nhận về phố cũ làng xưa, hay trao đổi một vài ưu tư trước hoàn cảnh sống mỗi ngày một đổi mới tại Hoa Kỳ.
Little Sài Gòn có nhiều quán xá, mỗi quán xá có một vẻ riêng tuy không mười phân vẹn mười, nhưng cũng là những nơi có một chút gì để nhớ. Quán Gypsy cũng vậy. Gypsy ! Nghe có hương vị sa mạc và đoàn người di-gan cưỡi lạc đà hay cưỡi ngựa đi khắp vùng Siberia ở Tây Bá Lợi Á…?! Không đâu. Gypsy ở một góc phố nằm trên đường Bolsa là quán cà phê có bán cả điểm tâm, ăn trưa, sẵn sàng đón chào những người khách thân quen đi dăm bước đã về đến phố một buổi chiều nao…, tay bắt mặt mừng trao nhau ly cà phê sữa đá ngọt ngào, hay ly rau má đậu xanh mát lòng mát dạ. Quán mới mở chừng vài ba năm, hầu như đều là khách quen. Họ đến đó không chỉ để uống cà phê, mà còn để nói chuyện. Những câu chuyện đời thường như cân đường hộp sữa, hay những câu chuyện cao sang hiển hách hơn có liên quan đến văn hóa, nghệ thuật, và các hoạt động từ thiện…, tất cả đều có thể trao đổi tại Gypsy. Không phải là hội nghị thượng đỉnh bàn tròn, cũng chẳng phải hội nghị bốn bên bàn chữ nhật, mà là hội nghị của những người lãng tử, chỉ cần kéo ghế ngồi túm tụm quanh chiếc bàn vuông nhỏ xíu, là cả một dĩ vãng từ ngàn xưa có thể trở về, hay ngày mai để mai tính cũng đến hẹn lại lên ở quán Gypsy này.
Thế thì những ai có thể đến Gypsy? Bất cứ ai cũng có thể đến. Người ta có thể gặp những celebrity người Việt tại đây, cũng có thể gặp những sinh viên học sinh là học trò nhưng không sách cầm tay, chỉ cầm máy tính bảng vừa nhâm nhi cà phê, vừa thoăn thoắt làm bài trên on line. Tôi từng nhìn thấy một em sinh viên vừa ăn cơm tấm bì trứng, vừa tra cứu tự điển tìm từ khó trên Net, và cũng từng hỏi: Chung quanh ồn ào như thế, em có học được không? Câu trả lời kèm theo cái nhìn đơn thuần của cặp mắt trong veo: Họ nói chuyện của họ, em học bài của em, không ai phiền ai hết. Một quan điểm hết sức Thiền! Tôi bỗng hiểu tại sao người xưa bảo thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba mới tu chùa. Ở chốn quan trên trông xuống người ta trông vào này mà nhất tâm bất loạn, thì đúng là hành giả rồi còn gì. Tôi nhìn chung quanh, từ cô gái trẻ mặc y phục trông rất sexy, từ anh chàng đầu tóc bù xù ngổ ngáo, cho đến những ông anh bà chị to tiếng nói cười thân mật, hay đôi bạn trẻ chụm đầu thủ thỉ thì thầm giữa chốn đông người, tất cả đều…nhất tâm bất loạn, đều rất riêng tư. Bỗng nhiên tôi cảm nhận: Quán Gypsy đồng âm với chữ privacy, có lẽ chính vì thế dù ở ngay góc phố, người đến Gypsy vẫn thấy không gian privacy của riêng mình.
Những cơ hội tốt đẹp, những tình bạn thân thiết, dường như cũng được hình thành tại quán Gypsy. Tôi nghĩ như vậy, bởi vì có rất nhiều người họp nhóm bàn công việc làm ăn, ở giữa không khí mix đủ thứ âm thanh multi đủ thứ chuyện trên trời dưới đất này. Có ai đó hút thuốc khói quyện vòng thoát ra khỏi tấm bạt che chắn trên đầu, rồi tan biến vào không gian mênh mông trước mặt. Chẳng hiểu sao lại có tấm bạt ở cái góc này…Có lẽ chủ nhân sợ mưa nắng bụi mờ tứ phía quyện vào khách, nên đã giăng thêm tấm bạt. Hơn nữa che thêm tấm bạt đặt thêm một cái bàn là bản tánh thích nghi, uyển chuyển, để có thêm chút lợi nhuận của người Việt. Mới đến Gypsy một vài lần, nhưng tự nhiên tôi nhớ những quán cà phê ở Sài Gòn xưa: Ngoài bàn ghế để trong nhà, ở mái hiên thế nào cũng có che tấm bạt, đặt thêm một cái bàn, vài ba cái ghế…Ôi! Gypsy! Ôi Sài Gòn! Tôi không biết chủ quán Gypsy là ai. Chỉ thấy một vài cô nhân viên hiền lành, đeo tạp dề, luôn tươi cười với khách. Tôi tin rằng ông chủ hay bà chủ quán chắc chắn cũng là người thân thiện.
Cảm nhận riêng của tôi để nhớ những lần đến Sài Gòn Performing Arts Center và quán Gypsy.
1:43am Thứ Bảy ngày 15 tháng 11 năm 2014