Menu Close

Kính trên kính dưới

Khi hai nền văn hóa tương tác lẫn nhau, người ta chỉ có khẳng định một điều duy nhất: cọ xát và điều chỉnh. Còn hệ quả của những cọ xát và điều chỉnh đó thì hoàn toàn tùy thuộc vào lực ma sát giữa những nhân tố và hoàn cảnh liên quan.

“Bố Mẹ không biết nói thank-you với con!”

Những đứa trẻ sinh trưởng ở Mỹ có chung một nhận xét khá tế nhị về cách đối xử của phụ huynh, “Bố Mẹ không biết nói thank-you hoặc sorry với con.”

Nếu chúng ta vẫn tâm niệm rằng, “Tiên học lễ, hậu học văn” thì trong cái nhìn của con trẻ, các phụ huynh đã thiếu sót về mặt lễ. Thông thường cha mẹ Việt Nam có cảm kích con cái đến mấy thì cười thật vui và ngẫu hứng nấu những món ngon cho con ăn, chứ không nói ra những cảm xúc hân hoan trong lòng. Nhiều lắm thì vuốt đầu nó một cái. Vậy thôi. Cứ đi đường vòng.

Nói với nhau

“Em muốn tự vẫn” là câu cửa miệng của một số bạn sinh viên trẻ, muốn chết đi cho rồi vì đời sống quá căng thẳng. Bạn bè kéo nhau đi “hang out” lúc năm sáu giờ, thì curfew của em đã bắt đầu. Đi dự tiệc sinh nhật của bạn, chưa khai tiệc thì đã phải ra về. Có nhiều đứa đâm ra thù ghét cha mẹ và gia đình, tuy chính các em tha thiết được yêu thương và chăm sóc. Thời cha mẹ lớn lên ở Việt Nam, vẫn vui chơi với bạn bè một cách thoải mái. Đôi khi bạn bè lối xóm chơi cò chập cò chẽm với nhau ngoài sân đến tối mịt mới rã đám. Trong xã hội mới quá nhiều cạm bẫy và vấn đề, cha mẹ không dám để con mình lơi lỏng quá. Hở tí thì đã sợ hết hồn, vì nghiện ngập, sinh viên trung học mang bầu, băng đảng, và nhiều tệ nạn khác nữa luôn rình rập mọi nơi mọi lúc.

Một ngày sau khi con trai tốt nghiệp trung học, người Mẹ đi làm về thấy con mình đã treo cổ tự vẫn trong garage. Đối với một gia đình người Việt sinh sống tại thành phố Irvine, mức sống và hoàn cảnh kinh tế chắc chắn phải trên trung bình. Cậu con trai chịu quá nhiều áp lực, và dù trong hoàn cảnh sinh sống tương đối sung túc, đã không vượt qua được cái gánh nặng của những mong mỏi từ bố mẹ. Câu hỏi cần được đặt ra ở đây, không phải là lỗi của ai. Vấn đề tiên quyết là những nguyên nhân đưa đến quyết định tự tử của cậu, và những phương cách nào có thể giúp những bạn trẻ và phụ huynh trong hoàn cảnh tương tự nhìn ra vấn đề và kịp thời giải quyết tình trạng nguy ngập đó.

Nhiều bậc phụ huynh có con muộn, nên bố mẹ thì đã bạc đầu mà con chỉ mới học trung học. Không chỉ riêng về vấn đề tâm lý do sự khác biệt về tuổi tác gây ra, nhân sinh quan của mỗi thế hệ làm cho việc trao đổi giữa cha mẹ và con cái trở nên căng thẳng và khó khăn.  Nhưng nhịp cầu cảm thông trong gia đình cần phải là tiền đề cho tương quan cha mẹ con cái. Thiếu nhịp cầu ấy, những thành viên trong gia đình chỉ là những phần tử cộng sinh dưới một mái nhà.

Rồi một ngày nào đó, con về…

Peer pressure, peer pressure, peer pressure.  Thêm mấy pounds bồng bột của tuổi trẻ. Vậy là chúng ta có cái mà người ta gọi là “công thức của đại họa.”

Một số phụ huynh, tuy không đăng báo từ con, nhưng nói thẳng với con mình rằng, “Tao không có thứ con cái như mày!” Nhiều người dứt khoát đuổi con ra khỏi nhà khi con cái không vâng lời hay phạm một lỗi lầm nghiêm trọng nào đó, như giao du với bạn bè xấu, hút xách, băng đảng. Ca dao Việt Nam có câu, “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng”  Mấy ai hiểu được cái dằn vặt của cha mẹ khi phải dứt bỏ con mình vì “đã làm ô nhục gia phong.”  Nhưng đuổi con đi thì cũng không cứu vãn được danh dự gia đình.  Đôi khi, ngược lại, vì một khi đã bị gia đình từ bỏ, những bạn trẻ lỡ bước trở nên bất cần đời và tiếp tục lao mình vào trong những cơn cuồng loạn ấy.

Trong một phim phóng sự về các thiếu niên phạm pháp trên đài truyền hình công cộng Public Television đầu năm 2004, người ta được gặp Đức Nguyễn, một cậu bé bị ra tòa và vào tù chung thân khi đang theo học trung học. Đức rơm rớm nước mắt, “Là một teenager mà phải lãnh án chung thân, thì chẳng khác nào bị kết án tử hình.” Cậu bị kết án chỉ vì vô tình chở một tay băng đảng đến trường khi tay này bắn chết một nữ sinh trung học. Tuy qua điều tra của cảnh sát, Đức Nguyễn được chứng nhận là không có liên can đến băng đảng đã gây ra vụ bắn chết đó, nhưng gia đình của nạn nhân nhất mực đòi phải kết án chung thân người tài xế bất đắc dĩ này. Rất nhiều trẻ em vị thành niên khác cũng chịu cảnh chung thân như Đức, và có một số luật sư có thiện chí đang tìm cách giúp các em được tái xét hồ sơ để có thể được tự do sau một thời gian lãnh án thay vì “án tử hình treo” (án chung thân).

Một người bạn trẻ ba mươi tuổi, một người thế hệ 1.5 thứ thiệt, nhận xét rằng với môi trường xã hội và học đường đầy phức tạp của Mỹ, “tôi cảm thấy rất may mắn vì tôi đã thành nhân trước khi định cư ở Hoa Kỳ.  Nếu lớn lên ở Mỹ, tôi cũng không biết mình có vững vàng không.”  Đối với cá nhân này, môi trường xã hội có một vai trò tiên quyết trong sự trưởng thành của cô.

“Cháu cần cô giúp gì?”

Thái độ ban ơn, ra lệnh, hay sai khiến ở một số quý vị cao niên làm cho nhiều bạn trẻ bất mãn và bất phục. Đương nhiên, nhiều người trẻ khi tìm về sinh hoạt với cộng đồng Việt Mỹ rất ưu tư làm sao để học hỏi và phát triển kiến thức và sự nhạy bén văn hóa trong tương quan với những người xung quanh trong một môi trường có Việt tính.

Người trẻ cũng cần được tôn trọng. Họ có tư duy, có hoài bão, có cách làm việc và phương thức lãnh đạo của họ. Khi họ tìm về với cộng đồng nhà, đó là vì họ muốn bổ khuyết phần văn hóa Việt của họ và trực tiếp góp phần vào xây dựng cộng đồng. Họ vẫn là một cá nhân trưởng thành, không phải là một đứa bé dù tiếng Việt của họ có bập bẹ hay sự hiểu biết về văn hóa Việt Nam còn giới hạn.

Một số bạn trẻ thuộc ngành kịch nghệ và trình diễn sân khấu trong một buổi tập dượt tại Garden Grove đã kể lại chuyện họ bị “kỳ thị” vì nói tiếng Việt có accent. Đối với họ, nếu họ thấy “không an toàn” thì họ sẽ không dùng tiếng Việt – nghĩa là, nếu có người xét nét phán đoán về khả năng tiếng Việt của họ, thì họ sẽ nói tiếng Anh cho xong chuyện.  Sự dìu dắt và nuôi dưỡng tiếng Việt trong các thành phần trẻ của cộng đồng chúng ta sẽ cho phép nhiều thế hệ đến gần nhau hơn, và là chìa khóa cho một tiến trình hội nhập văn hóa mới chỉ khả thi ở quận Cam “Vàng” mà thôi – đó là quá trình bơi ngược dòng về văn hóa gốc một cách tự toại và dân chủ.

Kính trên kính dưới

“Treat others as you want to be treated unto.”  Hãy đối xử với người khác như bạn muốn được đối xử. Nếu nguyên tắc này được thực hành với những người xung quanh ta, thì những người đó trước hết là những người thân trong gia đình.

Chúng ta tự hào có một nền văn hiến lâu đời, và có bản sắc Việt Nam. Chúng ta vẫn mắng yêu con cái là “những đứa Mỹ con” vì cách chúng ăn nói xử sự như  người bản xứ. “Tiêu chuẩn đôi,” double standard, có thể ứng dụng để mưu ích cho cả hai phía, khi chúng ta “kính trên kính dưới.” Câu slogan thời danh của Apple là, “Think different.” Không phải lúc nào cũng chỉ cần “kính trên” không thôi.

Ngày xưa, Trần Quốc Toản bóp nát quả cam, lên đường tụ họp nghĩa quân chống giặc ngoại xâm, phất cờ thêu sáu chữ vàng, “Phá cường địch, báo hoàng ân.” Chúng ta cũng cần quan tâm đến những Trần Quốc Toản của thời đại chúng ta, để họ có một bệ phóng mang tinh hoa Việt gieo cấy vào không gian nhân loại trong thiên niên kỷ mới.

TGT