Lễ Tạ Ơn xem như thời điểm bắt đầu một mùa lễ kéo dài đến năm mới với những cuộc sum vầy gia đình, những tất bật mua sắm, chuẩn bị quà Giáng Sinh, những ngày nghỉ Đông để nhìn lại một năm đã sắp sửa kết thúc. Hơn thế nữa, lễ Tạ Ơn tái nhắc nhở mỗi người về một tinh thần tri ân cần thiết để đời sống, trước hết của riêng mình và cho riêng mình, trở nên ý nghĩa và hạnh phúc hơn. Những nhà tâm lý học cho rằng, suy nghĩ bi quan của một số người đã làm chính họ phải chịu đựng một đời sống tinh thần khó nhọc hơn là họ thật sự đang trong tình cảnh như vậy. Nếu nhìn ra thế giới chung quanh và có được một tinh thần tạ ơn cần thiết.
Đời sống của hơn bảy tỉ người trên hành tinh này là bảy tỉ cảnh ngộ, tâm cảm, suy nghĩ khác nhau, nhưng tựu chung có thể xem mỗi người thuộc một trong ba nhóm khác nhau. Một số người thật sự hài lòng với đời sống của mình, hoặc vì điều kiện cuộc sống mà cũng có thể vì họ hạnh phúc, vui thú đời sống nhờ một suy nghĩ lạc quan, tích cực và có niềm vui vì sống nghĩ đến tha nhân, đón nhận ân sũng vì may mắn hơn vạn người. Số đông nhất là nhóm người luôn là quả lắc dao động qua lại giữa nụ cười và nước mắt, hạnh phúc và đau khổ, hài lòng và thất vọng như lẽ thường tình của đời sống. Và nhóm còn lại là những người đau khổ, thiếu thốn triền miên. Nếu có những mảnh đời bất hạnh cần được dang tay an ủi, xoa dịu và cảm thông, thì cũng có những người luôn ở trạng thái bi quan, trầm cảm bởi cái nhìn và thói quen của mình. Nếu như những điều các nhà tâm lý học thường nhắc đến rằng, “một nửa niềm hạnh phúc có thể đến từ sự thay đổi của chính mình” là chính xác, thì thay đổi cái nhìn là một bài thực hành cá nhân ít nhiều có thể giúp cho nhóm người này chữa lành những “tâm bịnh” tự tạo này.
Muốn nhìn rõ hơn về những tâm bịnh này, có lẽ cần hiểu rõ hơn về đặc điểm và thói quen của những người luôn nhìn đời sống qua lăng kính ảm đạm như thế nào. Họ có một niềm tin mặc định rằng cuộc sống là khó khăn, là khổ nhọc. Những người hạnh phúc chưa chắc họ có một đời sống dễ dàng hơn, nhưng họ hiểu rằng đời sống có những lúc khó khăn, nhận lãnh trách nhiệm về mình trước tình cảnh khó khăn và tìm cách vượt qua được nó hơn là chỉ ngồi than trách. Người hạnh phúc nhẫn nại tìm cách giải quyết vấn đề so với người luôn bị mắc kẹt trong tình cảnh của mình và xem đó như là đời sống định sẵn cho mình.
Nhóm người này thiếu niềm tin vào con người, thiếu sự cởi mở và thân thiện với người chung quanh và tạo ra một sự khép kín trong mối quan hệ xã hội, càng tạo nên sự cô đơn cho chính mình. Trong khi những người hạnh phúc hơn đặt niềm tin vào sự tốt đẹp của con người, họ không lấy kinh nghiệm đối diện với một đôi cá nhân nào đó để tạo nên định kiến chung trong mối quan hệ với người khác và chính sự cởi mở, biết nuôi dưỡng ý thức cộng đồng đã làm đời sống họ thăng hoa, ý nghĩa hơn. Người hay phàn nàn, chỉ trích chỉ nhìn về những điều sai trái, lấy cái sai trái để biện minh cho hành động và thái độ của mình. Ví dụ nếu họ đi trễ thì họ sẽ lấy những người đi trễ hơn để biện minh cho hành động đi trễ hơn, thay vì nhìn sang những người đã đúng giờ. Tất nhiên thế giới này có không ít điều sai trái cũng như có vô vàn chuyện tốt đẹp. Tập trung vào chỉ riêng những điều sai trái sẽ tạo ra một nỗi ám ảnh về “thế giới đen tối” mà người bi quan phải đối diện thay vì cần phải công tâm, mở cả hai mắt trước cả điều đúng-sai.
Những người không hài lòng tin rằng vận may của người khác là đánh cắp từ riêng của họ và sự thành công của người khác là may mắn, thất bại của họ là vận xui của mình, thay vì nhận thức và trân trọng khả năng người khác, cũng như học được bài học từ thất bại của mình. Chính suy nghĩ này dẫn đến sự so đo, ganh tức và oán giận thay vì tin rằng thế giới rộng mở và có những cơ hội đồng đều cho tất cả mọi người. Không có ai khác có thể hạn chế khả năng, sự thành công hay sự hài lòng của mình ngoại trừ chính mình. Những người bi quan đặt cuộc sống mình vào trong sự sợ hãi và luôn canh cánh trong niềm sợ hãi này. Sợ bị thua thiệt, sợ bị mất việc, sợ bịnh tật, sợ chết chóc, sợ hãi mọi việc. Trong khi nỗi sợ hiện hữu trong mỗi người nhưng khi ý thức được rằng, chúng ta chỉ kiểm soát được một phần nhỏ nào đó những chuyện có thể hoặc sẽ không xảy ra trong tương lai, để tìm sự bình yên trong mỗi khoảnh khắc hiện tại. Nếu có người lạc quan mơ mộng, hy vọng về những điều tốt đẹp, những cơ hội sẽ đến với mình trong tương lai thì người bi quan có thói quen nghĩ đến những điều đen tối, xui xẻo sẽ xảy ra nên nỗi lo và sợ hãi luôn tồn tại thường xuyên trong đầu, làm mất đi sự vui thú đời sống.
Trong khi mỗi người không thể kiểm soát những gì đời sống sẽ mang lại cho chính mình cũng như thái độ của người chung quanh ra sao, nhưng việc kiểm soát những thói quen, suy nghĩ và hành động của chính mình là điều có thể học và hành. Cộng thêm một tinh thần tri ân về những gì chúng ta đang có, ắt đời sống sẽ trở nên thú vị hơn. Khá lâu trước đây, một tác giả đã đặt ra những câu hỏi cho chúng ta tự vấn để xem liệu chúng ta có cảm nhận được những ân sũng đang có hay chăng, về những điều mà chỉ có một phần nhỏ người trên hành tinh này đang được hưởng. Danh sách những câu hỏi “Tại sao chúng ta ca cẩm, than van?” như sau:
1. Vì mình đang có một căn nhà ấm cúng, tiện nghi?
2. Vì mình có điện nước xài 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần?
3. Vì mùa Hè có máy lạnh mát mẻ và mùa Đông máy sưởi chạy ào ào?
4. Vì mình đang có công ăn việc làm?
5. Vì con cái đang theo học trong một nền giáo dục tốt nhất thế giới?
6. Vì ra chợ có khả năng mua đầy một xe đồ ăn?
7. Vì chạy bờ Đông sang bờ Tây nước Mỹ mà chẳng cần xin xỏ, xuất trình giấy tờ gì?
8. Vì có hàng trăm khách sạn, quán trọ sạch sẽ, an toàn nếu mình muốn dừng chân trên đường đi?
9. Vì lỡ bị tai nạn thì có cảnh sát, xe cấp cứu đến giúp hoặc trực thăng bốc mình về bịnh viện?
10. Vì không kể những điều to tát hơn như quyền tự do ngôn luận, tôn giáo, báo chí… được luật pháp bảo vệ?
Nếu được hưởng hầu hết cả danh sách này và còn nhiều điều hơn nữa, có lẽ chúng ta cũng có lý do để tri ân đời sống, không chỉ riêng trong mùa lễ Tạ Ơn này. Và liệu khi than vãn, so đo, chúng ta có tham lam quá không?
ĐYT