Menu Close

Tri ân người bảo trợ

Tôi rời nông trại của người bảo trợ mấy ngày trước Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) năm 1984 vì không muốn một mình ngồi nhìn cảnh gia đình 9 người con và gần 20 đứa cháu nội ngoại của họ sum họp quây quần vào dịp lễ.

Sau khi chở tôi đến trạm xe bus ở thành phố Pittsburgh, trước khi quay về, ông William McCarthy (người bảo trợ) đã trao cho tôi một bao thư khá dày rồi ôm tôi vào lòng nói nhỏ:

– John… Con đi bình an. Đây là món quà nho nhỏ của anh chị em trong gia đình đóng góp để giúp con trong bước đầu. Con cứ đi, nhưng nếu có gì bất trắc, hãy trở về nghe con. Trở về bất cứ lúc nào… Mãi mãi con là đứa con thứ mười của gia đình ta.

Tôi siết chặt vòng tay, nghẹn ngào thốt lên trong tiếng nấc: Daddy!

Đây là lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận được tình phụ tử qua giọng nói, vòng tay và nhịp đập từ trái tim của một người không phải là cha tôi. Tôi bồn chồn xúc động, bịn rịn không muốn lên xe… Có lẽ tôi đã sai khi quyết định ra đi.

Biết tôi bị dao động, ông William McCarthy từ từ nới rộng vòng tay ôm, đặt hai tay lên vai tôi, rồi ôn tồn nói:

– Con cứ đi đi… Con đã liều mình xuống tầu vượt biển để đi tìm một ước mơ, chẳng lẽ con quên rồi sao? Chúng ta sẽ còn gặp lại, phải không? Hoặc giả như con không đạt được ước mơ của mình, cứ trở về, không sao hết. Chúc con thượng lộ bình an.

Nói rồi ông vội vàng quay gót ra xe. Nếu lúc đó ông William McCarthy nói ở lại chắc chắn tôi sẽ không còn đủ can đảm ra đi. Bần thần! Hụt hẫng! Băn khoăn!

Tôi đứng lặng người như một kẻ mất hồn! Ngay khi vừa chợt tỉnh cơn mê, tôi chỉ muốn quay trở về với gia đình người bảo trợ rồi mọi sự tính sau nhưng ông William McCarthy đã lái xe đi mất tự lúc nào.

Cuối tháng 7, 1984 tôi rời trại tỵ nạn lên đường đi định cư tại nông trại của người bảo trợ với hai bộ quần áo và một mớ sách vở, giấy tờ vặt vãnh…

Hôm nay tôi rời nông trại ra đi với hai valise xếp đầy quần áo mới và một túi xách đựng bao nhiêu thứ nhu yếu phẩm, từ dao cạo râu, xà bông tắm, giầy dép…

Ngay cả quần áo lót, bà Mary McCarthy cũng sắm thêm cho tôi 18 bộ vì cuộc sống ở thành phố lớn rất bận rộn, có khi cuối tuần cũng không có giờ để giặt nên con cần phải có cái mà thay đổi! Gần 4 tháng trời sống chung với ông bà bảo trợ, ăn ở không mất tiền, mỗi ngày lại còn được trả lương 20 dollars mặc dầu tôi chỉ làm thợ vịn cho ông bà chứ không tự mình làm được việc gì nên hồn trong nông trại. Ngay cả việc lái máy cày tôi cũng phải học cả tháng nhưng chưa bao giờ điều khiển cho nó chạy ngay hàng thẳng lối được.

Tối hôm trước ông bà đã cho tôi thêm một ngàn, bây giờ lại còn trao cho tôi một bao thơ do anh chị em trong gia đình đóng góp… Ân tình này làm sao tôi quên được. Tôi là một người xa lạ, khác chủng tộc, không cùng mầu da ngôn ngữ, nhưng được gia đình người bảo trợ đón nhận như một đứa con trong gia đình.

Tạ ơn. Tôi xin tạ ơn và khắc ghi vào tâm khảm tấm lòng cao trọng của đại gia đình ông bà McCarthy. Tôi biết mình sẽ không bao giờ có thể đền đáp được những ân tình gia đình người bảo trợ đã dành cho tôi trong những ngày đầu sống kiếp tha hương nơi xứ lạ quê người.

Chính lúc tôi cất bước ra đi cũng là lúc tôi nhận thức được rằng ngoài gia đình cha mẹ ở Bình Giả, Việt Nam tôi còn có thêm một gia đình mới ở một nông trại cách xa thành phố Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania khoảng 100 cây số về hướng Tây Bắc.

Tôi tự hứa với lòng mình rằng tôi sẽ trở về, dù thành công hay thất bại tôi cũng phải trở về! Tôi phải trở về để được một lần chính thức nói lời TRI ÂN với cha mẹ và anh chị em trong gia đình mới của tôi.

alt

Thắm Nguyễn

NS – theo Nguyễn Duy An