Sở thú hay thảo cầm viên là một trong những địa điểm rong chơi, giải trí cho trẻ em và người lớn. Để thu hút khách thăm viếng, người ta mang về những con thú quý hiếm từ các vùng đất xa lạ và sở thú giữ vai trò của một nơi trưng bày, triển lãm.
Khái niệm trưng bày thú hiếm xuất hiện từ thời xa xưa nhưng mục đích của sở thú đã thay đổi khá nhiều theo thời đại.
Cổ xưa nhất là sở thú của Nữ Hoàng Ai Cập, Hatshepsut, trên 4000 năm trước, lịch sử đã ghi chép về một khu vườn nuôi giữ các con thú lạ mang về cố quốc của đoàn quân viễn chinh Ai Cập. Trên dưới 500 năm sau, Vua Tàu, Wen Wang, cũng xây cất một vườn Thượng Uyển rộng khoảng 1500 mẫu đất để nuôi thú hiếm. Từ đó, từ Á sang Âu, việc phô bày quyền lực và sự giàu có được thể hiện qua việc xây cất sở thú, cái “mốt” thịnh hành của những người quyền quý sau khi xây cất cung điện và thu góp báu vật.
Ngược lại, lịch sử cũng cho thấy người cổ Hy Lạp, Đại Đế Alexander the Great trong thế kỷ IV trước tây lịch đã xây cất sở thú để các nhà sinh học thủa ấy tìm hiểu cách sinh sống, xử sự, hành động của thú vật.

Một chú bạch hổ trong khung cảnh thiên nhiên của sở thú Singapore – NGUỒN BACKCOUNTRYKATLIN-BLOGSPOT-COM
Khác với các triều đại cổ [nhưng cấp tiến và cởi mở] Hy Lạp, vào thế kỷ XVIII – XIX, các đoàn quân viễn chinh từ Âu Châu mang về cố hương những của quý hiếm từ những nơi xa lạ. Thú vật bị [được] cất giữ trong cũi sắt. Sở thú thủa ấy thường là các khu vườn của quý tộc, vương hầu để thưởng ngoạn và để khoe giàu sang; dân thường không được héo lánh đến.
Rồi khái niệm dùng sở thú với mục đích giáo dục lại xuất hiện. Năm 1794, sở thú công cộng đầu tiên được xây cất tại Paris, bá tánh được đến xem, thưởng ngoạn trong khi các chuyên viên tìm hiểu học hỏi về sinh vật. Theo chân sở thú Paris, Luân Đôn mở cửa sở thú địa phương vào năm 1828; Melbourne Zoo, mở cửa năm 1860, là sở thú đầu tiên tại Úc Châu. Cùng năm, tại Huê Kỳ, ta có Central Park Zoo trong thành phố New York. Tại sở thú khắp nơi, các con thú lớn nhỏ… bị giam giữ trong cũi sắt.
Ngoài việc trưng bày, một số sở thú huấn luyện thú vật làm trò, dã nhân bị mặc quần áo đem ra bày bàn uống trà, voi trở thành vật dụng chuyên chở, bán vé cưỡi voi đi dạo cho khán giả…
Khi kỹ nghệ truyền thông trở nên phổ cập và kỹ nghệ phim ảnh mỗi ngày một tân tiến, con người có thể nhìn ngắm đường xa, thú lạ ngay tại nơi sinh sống qua các cuộn phim, hình ảnh thì khái niệm về sự giam giữ thú vật trong sở thú cũng thay đổi. Thói quen thưởng lãm, giải trí của con người cũng thay đổi nhanh chóng, sở thú không còn là địa điểm thu hút như ngày trước; tạm hiểu là mãi lực của sở thú sút giảm khá nhanh. Con người không cần bắt bớ và giam giữ thú vật quý hiếm nữa nhất là khi hoạt động này không kiếm ra bạc nhiều như trước, chưa kể việc phải đối phó với sự phản kháng dữ dội từ những người thương yêu thú vật lớn tiếng kêu la.
Một số sở thú, như sở thú Basel, đã thả thú về nơi sinh trưởng của chúng, và chỉ trưng bày hình ảnh, các tài liệu giáo dục về sinh vật địa phương. Chủ trương của nhóm sở thú này là giáo dục và môi trường sinh sống, habitat. Họ tin rằng thú vật cần được sinh sống trong môi trường thiên nhiên của chúng. Con người muốn tìm hiểu thì chỉ nên đứng xa mà quan sát qua phim ảnh. Nhóm khác lại cố gắng tạo dựng môi trường sinh sống từa tựa như môi trường nguyên thủy của các con thú bị giam giữ để giúp chúng thích nghi, và sinh sống theo lối sống tự bẩm sinh nhưng sở thú vẫn là “sân khấu” cho con người nhìn ngắm.

Các họa sĩ tại Jardin des Plants – Paris – NGUỒN WIKIPEDIA.ORG
Khi nuôi dưỡng các loài thú sống về đêm, nocturnal animal, nhóm sở thú “tạo habitat” đã dùng đèn (bắt chước ánh trăng) và bóng tối để tạo “sân khấu” trong giờ mở cửa. Các con thú tưởng rằng đã đến đêm tối nên chúng sinh hoạt bình thường, và khách thăm viếng có thể quan sát qua các tấm gương.
“Habitat” hay môi trường sống của sinh vật có đủ mọi hình dáng, kích thước, nhỏ như một viên đá, vũng nước, hốc cây hay mênh mông rộng lớn như rừng già biển cả. Môi trường sống bao gồm cả sinh vật và các vật thể chung quanh, từ một vài loài đến nhiều ngàn sinh vật cùng sinh sống chung trong môi trường ấy.
Trở lại với các con thú và môi trường sống của chúng. Khi thú vật bị mang đến nơi xa lạ, bị nuôi nấng, cầm giữ theo cách sống của con người thì đời sống của chúng hoàn toàn xáo trộn nên tuổi thọ sút giảm; nhiều loài thú mất dần khả năng sinh sản và truyền giống. Con người sinh sôi nên phá rừng, bật núi làm nơi ăn ở, các chương trình phát triển đô thị đã thay đổi môi trường sống của các sinh vật khác. Đất sống của thú rừng bị thu hẹp, thêm việc bị truy đuổi, bắt giết nên thú hoang dã mỗi ngày một hiếm hoi. Và con người bắt đầu nhận ra hậu quả của việc thay đổi môi trường sống của sinh vật chung quanh. Sở thú đã bắt đầu thay đổi mục đích, ngoài việc “giải trí”, nhiều sở thú đã chú trọng đến mục tiêu giáo dục và bảo tồn sinh vật. Nuôi dưỡng các sinh vật sắp tuyệt chủng trong “phòng thí nghiệm” [habitat trong sở thú] để duy trì loài sinh vật ấy. Chính những phòng thí nghiệm này đã giúp con người khám phá rất nhiều về các sinh vật chung quanh, cách sống, thói quen, cách sinh hoạt giữa đồng chủng, truyền giống, tuổi thọ… và từ các khám phá ấy, con người tạo ra các phương pháp giáo dục mới mẻ, giản dị và hiệu quả hơn.
Các hoạt động trong chương trình “bảo tồn thú vật và môi trường sống” bắt đầu khởi sắc trong thập niên 80. Sở thú lần lượt thay đổi cách nuôi giữ thú vật, tạo ra các “môi trường sống” thu nhỏ hầu giúp thú vật thích nghi. Cọp không còn bị giam trong cũi sắt mà được thả vào một khu đất có cây cối, hòn giả sơn… và chung quanh là lồng kính dày trong suốt bao bọc. Khách thăm viếng được nhìn ngắm cọp và cọp uể oải ngó lại người xem. Dế Mèn có lần đi thăm sở thú, gặp dịp nhìn thẳng vào đôi mắt ấy, con cọp bị giam cầm có cái nhìn đau thương dã dượi, buông xuôi.

Central Park Zoo – New York
Cấp tiến hơn là những khu rừng bảo tồn thiên nhiên, thú vật được sống trong khung cảnh hoang dã nơi chúng ra đời và tăng trưởng. Khách thăm viếng ngồi trong những chiếc xe bọc kính, chắc chắn và tha hồ nhìn quanh, quan sát tìm hiểu nhưng không gây nhiều xáo trộn. Vai trò thăm viếng được đảo ngược, con người là sinh vật… trong lồng khi muốn đi xem dã thú.
Những sở thú chọn việc tiếp tục trưng bày dã thú trong môi trường sống của con người, thành phố đô thị, đang thay đổi cách nuôi giữ dã thú. Ngoài việc tạo ra các môi trường sống thu hẹp [trong lồng kính], sở thú cũng chăm sóc dã thú một cách cẩn thận và riêng biệt hơn. Chúng được quan sát, tìm hiểu như một thân quyến, một người trong gia đình bởi những người làm việc chăn dắt, những người thực tâm yêu thương loài vật chịu làm công việc lương thấp, việc nhọc nhằn nhưng mang lại các niềm vui đặc biệt. Khi con thú bỏ ăn hay có hành động khác lạ là chúng được chữa trị bởi các chuyên viên tâm lý, behaviorist.
Hiện nay, ngành tâm lý thú vật đang trên đà phát triển, các chuyên viên trong ngành cho rằng thú vật cũng chịu những bệnh tật tâm thần tựa như loài người, chúng cũng biết lo âu, sợ hãi, buồn rầu và trầm cảm. Bác Sĩ Thú Y, kiêm chuyên viên tâm lý thú vật [animal behaviorist], Vint Virga là một chuyên viên khá nổi tiếng trong ngành trị liệu này.
“Behaviorist” hay chuyên viên tâm lý tìm hiểu cách hành xử để chữa trị bệnh tật, hầu hết những người chuyên về luyện thú. Ông Virga là một ngoại lệ, ông là bác sĩ thú y trước khi trải qua chương trình huấn luyện về trị liệu qua cách hành xử, và dường như là người duy nhất tại Hoa Kỳ làm công việc trị liệu tâm lý cho thú vật bị nuôi giữ trong sở thú. Ông cố vấn cho các sở thú tại Hoa Kỳ và Âu Châu. Khi các con thú bỏ ăn, thay đổi tính tình và sức khỏe tuột dốc là ông Virga được mời đến chữa trị. Như mọi chuyên viên trị liệu tâm lý, ông Virga cũng tin rằng con vật bị bệnh có đời sống tâm thần, vui buồn hệt như con người. Khoa học đã bắt đầu chấp nhận khái niệm thú vật có tri thức, có cảm tính và cảm nhận được về sự hiện diện của chính nó, dựa trên định nghĩa của con người, mức tri thức cao hay thấp tùy theo loài.
Riêng với ông Virga tài ba, chữa lành thú vật là một tiến trình dựa theo sự quan sát kỹ lưỡng và kinh nghiệm. Con vật bị bệnh hành xử ra sao giữa đồng chủng, thức ăn vừa miệng là những thứ gì, thói quen sống như thế nào trước khi bị bệnh. Ông bác sĩ thú y kiêm chuyên viên tâm lý đã chữa lành một số beo tuyết, snow leopard, bị trầm cảm rất nặng. Dạy dỗ lại các con gấu bị chứng “obsessive-compulsive disorder”, cứ đi ba bước lại đập đầu vào cột liên tục, giúp chúng nhập bầy và cả những con ngựa vằn bị hoảng loạn. Ông Virga thành công trong việc chữa bệnh tâm thần cho thú vật qua việc quan sát tìm hiểu. Ông cho rằng dù không thể “nói” nhưng thú vật biết bày tỏ cảm tính qua các dấu hiệu. Khi nhận ra các dấu hiệu ấy, ta có thể thành công trong việc trị bệnh tâm thần cho thú vật.
Thí dụ điển hình là chuyện con cừu Molly, 7 tuổi bị nhiễm trùng ở đuôi. Cừu dùng đuôi để báo nguy và để đuổi ruồi muỗi. Khi đuôi Molly bị nhiễm trùng nặng, sở thú quyết định cắt đuôi để chữa dứt cơn bệnh. Sau khi bị cắt cụt đuôi, Molly thay đổi tính tình, nó nhảy dựng ngay khi chỉ nghe tiếng ruồi vo ve gần bên, chỉ thơ thẩn một mình, không còn đùa giỡn chạy nhảy với bầy cừu nữa. Rồi nó không cho ai đến gần kể cả người nuôi dưỡng, Molly mỗi ngày một gầy còm xuống dốc xơ xác. Và ông Virga được mời đến chữa trị.
Sau khi quan sát và thu nhiều cuộn phim về Molly để tìm hiểu bệnh tình của con vật, ông Virga bắt đầu chữa trị. Đầu tiên là dùng món ăn ngon để thu hút con vật. Molly lắc đầu. Kế đến là việc “quen thuốc”, cho ruồi muỗi vo ve đến gần để Molly “làm quen” và bớt sợ hãi. Cách chữa trị này cũng không thành công. Molly tiếp tục vùng vẫy nhảy cuồng khi có người đến gần. Ông Virga chưa thể tháo bẻ chu kỳ hoảng loạn của con vật. Ông ta cho rằng ta có thể được huấn luyện để bớt sợ hãi [fear] nhưng sự huấn luyện không thay đổi được sự hoảng loạn [phobia]. Cuối cùng ông bác sĩ thú y dùng thuốc an thần, Prozac. Sau vài tuần lễ, con vật hồi phục dần. Molly chịu nhập đàn, ăn cỏ với bạn bè; không còn lồng lên chạy trốn mỗi khi có người đến gần và được huấn luyện từ từ để nó không còn sợ hãi ruồi muỗi như trước. Các thí dụ tương tự khác cho thấy rằng thú vật cũng có tri thức và bị bệnh tâm thần. Đây là các con thú bị nuôi trong sở thú, captive animal.
Dù sở thú đã thay đổi khá nhiều trong việc nuôi giữ thú vật, từ cách chăm sóc sức khỏe đến việc tạo dựng môi trường sống quen thuộc để con vật bị bắt giữ thoải mái hơn, nhưng vẫn có những phong trào phản đối việc giam cầm thú vật dù với mục đích giáo dục hay thương mại. Tuy nhiên, được nuôi dưỡng chăm sóc cẩn thận trong các sở thú ngày nay, thú vật không còn biết săn mồi hay lang thang “kiếm bồ” để truyền giống, không biết chúng có “hạnh phúc” hơn không so với đời sống trong thiên nhiên hoang dã? Nếu các con vật kia biết bày tỏ ý muốn, chúng sẽ phát biểu những gì? Muốn được nuôi dưỡng trong lồng kính hay muốn xoải chân chạy nhảy, đối đầu với thiên nhiên hoang dã?
Ta ủng hộ hay chê trách việc tạo dựng sở thú dựa trên câu trả lời hay sự lựa chọn của thú vật?

Bác Sĩ Thú Y, kiêm chuyên viên tâm lý thú vật [animal behaviorist], Vint Virga – NGUỒN VINTVIRGA.COM