Menu Close

Khuôn Mặt – Thanh Tâm Tuyền

Chương 5 trong tác phẩm “Trên Nẻo Đường Nắng Tới” của nhà văn Hồ Trường An viết về  tập truyện ngắn “Khuôn Mặt,” gồm 6 truyện ngắn “Đại Lộ, Isabelle, Mùa Hè, Cuối Đường, Buổi Sáng Ngoài Bãi Biển, Khuôn Mặt,” của nhà văn Thanh Tâm Tuyền.  “Khuôn Mặt”  – theo nhận định của Hồ Trường An – nói về tâm trạng của giới trẻ trưởng thành vào những năm cuối thập niên 1950, sống trong những năm đầu của thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Thuở ấy là thời gian thanh bình, là lúc người trí thức của giai cấp trung lưu tiếp xúc với nền văn hóa Tây Âu và Hoa Kỳ du nhập vào Việt Nam. Đây cũng là thời gian nhóm Sáng Tạo của nhà văn Mai Thảo nổi lên như ánh thái dương hồng, mà Hồ Trường An đã mô tả là “một ánh sáng lạ lẫm, có một cuộc canh tân pha đôi chút hỗn láo. Rất nhiều kẻ cho rằng nhóm Sáng Tạo ăn phải bùa mê thuốc lú của trường phái Hiện Sinh bên Pháp, để đeo đuổi lý thuyết và đường lối văn chương phản trắc kênh kiệu, dám hô hào các độc giả thoát ly văn chương tiền chiến.” [Trang 226 – Trên Nẻo Đường Nắng Tới.”]

 alt

Thanh Tâm Tuyền là một trong số những cây bút chủ lực của nhóm Sáng Tạo, và cũng là người có tác phẩm thu hút giới trẻ ham thích mới lạ, hoàn toàn theo mới không chút do dự. Tập Truyện “Khuôn Mặt” của ông “phản ảnh tâm trạng của lớp người trẻ tuổi từng sống trong chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh, kinh qua thuở Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa.” [Trang 227- Trên Nẻo Đường Nắng Tới.”] Truyện ngắn đầu tiên “Đại Lộ” với nhân vật chính xưng tôi là Tâm di cư vào Nam, trong khi  Lan – người yêu của Tâm – ở lại Hà Nội. Tâm hay Vĩnh, hay Ngọc, hay Châu, là những người bạn đồng trang lứa, những người có cùng một cảm nhận cư ngụ tại Hà Nội hay những vùng phụ cận dưới sự kiểm soát của Pháp, trong thời điểm trước Hiệp Định Geneva 1954. Nội dung là những nét chấm phá nhẹ nhàng nhưng sắc  bén về quan điểm chính trị của giới trẻ Hà Thành, qua nội tâm của những nhân vật trong truyện. Họ đi vào “mùa hè rộng của nhiều cây lớn. Ánh Sáng không đủ sức hắt vào hè. Những biệt thự đã ngủ sâu ở trong. Tôi nghe tiếng giày và giọng của Châu. Một lát Châu hỏi Vĩnh: ‘Anh Tâm ít nói nhỉ?’ Vĩnh hơi suy nghĩ: ‘Ô thi sĩ nghĩa là làm thơ, vậy chắc anh đương làm thơ, anh đọc cho Châu nghe xem nào.’ Cả Vĩnh và Châu đều quay về tôi. Tôi bước thêm vài bước. Đến một chỗ ánh sáng rõ, tôi nhìn xuống hè đường. Một giòng số ghi trên viên gạch lát: 1943. Suốt trong buổi ấy, tôi chỉ nói một lần như thế này “Viên gạch của bờ hè đại lộ này hôm nay được 18 tuổi khi chúng tôi đi qua….” [“Đại Lộ, trang 16, 17]

Rồi Vĩnh bỏ đi biệt, vì mẹ của anh sợ anh bị Châu dụ dỗ nên bỏ nhà “qua người bên kia.” Trước khi Tâm di cư vào Nam, anh hỏi Châu có liên quan gì đến việc bặt vô âm tín của Vĩnh hay không, cô gái chỉ cười mong Tâm hiểu cho hoàn cảnh của những người hoạt động với bên kia như cô. Tâm nói anh hiểu tâm sự những người ở lại. “Tôi so sánh Châu với Lan. Buổi chiều vàng bệch vài phút rồi  tắt hẳn. Chúng tôi đi vào đại lộ cũ… Đến một chỗ, Châu dừng lại hỏi: ‘Anh còn nhớ một câu anh đã nói ở đây hôm ấy hay không?’ Tôi nhìn xuống viên gạch. Giòng số 1943 lật ngược trước mắt tôi. ‘Viên gạch của đại lộ bởi hè này hôm nay được hai mươi tuổi khi chúng tôi qua.’ Và tôi nắm chặt bàn tay Châu, hai bàn tay run cảm động. Sự im lặng này giảng nghĩa sự im lặng hai năm trước.” [“Đại Lộ,” trang 22]

Thanh Tâm Tuyền tên thật là Dzư Văn Tâm sinh ngày 13 (có nơi ghi 15) tháng 3 năm 1936 tại Vinh, Nghệ An; qua đời ngày 22 tháng 3 năm 2006 tại thành phố Saint Paul, Minnesota, Hoa Kỳ, hưởng thọ 70 tuổi. Là người giỏi ngoại ngữ, Thanh Tâm Tuyền học biết nghệ thuật Phương Tây bằng cách đọc trực tiếp, không qua các trường học Pháp thuộc như những nhà văn nhà thơ lớp trước. Ảnh hưởng Phương Tây trong tư tưởng của ông, vì thế rất tự do đầy sáng tạo. Ông là người giỏi văn chương, thi ca, có tài kết hợp hài hòa giữa các bộ môn nghệ thuật thơ-văn-nhạc-họa. Bàng bạc trong thơ văn của Thanh Tâm Tuyền nói chung, trong tập truyện “Khuôn Mặt” nói riêng, là tư tưởng thất bại – sự thất bại của con người trước định mệnh, và trước thế sự thăng trầm của hoàn cảnh đất nước. Ông đã dùng văn thơ như cây cầu bước qua giòng sông định mệnh và thế sự, biến nỗi buồn riêng thành văn thơ lưu lại một tiếng thở dài nhưng không hiu quạnh. Bởi vì những gì ông ký gửi trong câu chữ đã biến thành nghệ thuật vĩnh cửu, được cõi người ta đồng cảm.

HNP
1am Chủ Nhật ngày 16 tháng 11 năm 2014