Menu Close

Phố cổ riêng tôi

Tôi về thăm phố cổ. Vì tôi thích những nơi có vết tích thời gian. Vì tôi vẫn còn uất ức cho lần đứt đoạn với cuộc đời thứ nhất của mình khi phải xa nơi chôn nhau cắt rốn, trên vai vỏn vẹn một cái túi đeo vai còi cọc thất thểu, tuổi đời chưa trọn 20.

Tôi đi tìm phố cổ, vì cuộc sống cao tốc hiện đại giữ chân không cho tôi đi vào thành đô của ký ức, không cho tôi rong ruổi trên cánh đồng tâm thức dân tộc, không cho tôi đắm mình trong dòng xoáy lịch sử để tôi bơi về bến hôm nay.

Tôi đi tìm phố cổ. Ở đó, cho dù lần đầu tiên tôi ghé ngang, cũng cho tôi một cảm giác an lành của một quá khứ mà tôi có thể không bao giờ thấu hiểu nổi, hay một không gian ngùn ngụt sự tình và ký ức ngoại thân. Phố cổ, dù ở bất cứ nơi nào, cũng ngan ngát quê hương.

Phố cổ không chỉ ở một nơi nào nhất định. Phố cổ ở trong lòng, lâng lâng thiên ý. Phố cổ của ký ức, mịn màng không gian. Phố cổ của những lịch sử không có da không có thịt. Phố cổ của những hoài ước bị bức tử. Phố cổ của mỗi tâm hồn. Phố cổ của mỗi đời người. Phố cổ của mỗi dân tộc. Phố cổ của nhân sinh.

Phố cổ Warsaw

Phố cổ ở thủ đô Warsaw của Ba Lan buồn diễm lệ. Bức tường gạch đỏ rụt rè biến mất vào khoảng xa xăm. Nàng tiên cá suy tư trong ánh tà dương, khuấy lên trong tâm tư lữ khách một giấc mơ tuổi thơ trùng điệp. Một người bạn đến Ba Lan bằng đường rừng đã yêu cầu tôi viết một bài thơ về phố cổ Warsaw.

Viết gì, khi trong trái tim tôi, là tháp chì của nỗi xót xa cho nửa thế kỷ Ba Lan bị giày xéo trong gông cùm của Hồng quân Xô Viết? Viết gì, khi chênh vênh trong tôi là cái nấc nghẹn của con tim khi tôi gặp những mảnh đời trẻ em bán rong trên hè phố Warsaw, mà tưởng như mình đang đứng trên mảnh đất Sài Gòn sau 1975? Viết gì, khi tôi bị hớp hồn bởi bịch bắp rang tôi mua từ cô bé bán dạo tại công viên Chopin? Bịch bắp rang ấy đã sồng sộc chạy về hậu bán thập niên 70, kéo xốc tuổi thơ nhục nhằn của tôi, và vất tung tuổi thơ ấy trên hiện thực của một Ba Lan 2005.

Viết gì, khi trong tôi là tràng giang của nỗi bàng hoàng trong giây phút  chứng kiến thế kỷ hai mươi mốt chạm vào bàn tay chai sạn của những cu li Việt không giấy tờ (và gia đình họ ở quê nhà) sống bám vào Sân Vận Động? Viết gì, khi vênh váo giữa thủ đô Warsaw, là tòa nhà Stalin ô nhục, nhìn thì đau đớn uất ức, vất thì chẳng biết vất vào đâu! Viết gì, trong lần đầu tôi đến những quốc gia hậu cộng sản như Lithuania hay Ba Lan, mà vẫn  gặp lại mình trong chính người dân xứ ấy, cố  bước đi mà xiềng xích của quá khứ tàn nhẫn còn trì kéo họ lại phía sau, cho dù sau khi thoát ách cai trị của Liên Xô năm 1994, người dân Lithuania đã phục hoạt văn hóa và tái thiết đất nước họ?

Bài thơ ấy, tôi chưa bao giờ viết – vì nàng Thơ đã câm nín trong cái thinh không man mác kia của phố cổ Warsaw. Tôi nợ – không chỉ một bài thơ. Tôi nợ – không chỉ người bạn ấy. Tôi như nợ cái đoạn lịch sử buồn tủi của Ba Lan một câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao?” Như hỏi cho chính nơi sinh ra mình – tại sao? Tại sao bức tường Bá Linh đã đổ năm 1989 – cả hai thập niên rưỡi trước – mà bức tường toàn trị vẫn đứng sừng sững ở quê hương tôi, ngăn cách dân tộc với tự do?

Và hơn thế  nữa, khi tôi dự lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Công Đoàn Độc lập Tự trị ‘Đoàn Kết’ Ba Lan năm 2005 tại thành phố cảng Gdansk, câu hỏi ấy vẫn ám ảnh tôi. Tại sao Việt Nam không có một Công Đoàn Đoàn Kết? Rồi nhìn sang Tiệp Khắc, tôi muốn biết tại sao quê hương tôi vẫn còn phải mòn mỏi đợi chờ một cuộc cách mạng nhung. Và một mùa Xuân Ả Rập. Và cuộc cách mạng dù Hồng Kông.

alt

Một mảng của quá khứ

Phố cổ Stockholm

Ở phố cổ của thủ đô Stockholm, có con hẻm hẹp nhất thế giới, lọt thỏm giữa hai căn chung cư ngút trời. Ngay cả giữa trưa, mà con hẻm vẫn mờ mờ tối. Khoảng hẹp giữa hai vách tường chỉ cho phép một người đi bộ mà thôi. Người độc hành. Nghe gì, cảm gì, nghĩ gì, trong cái gang tấc ấy?  

Ở phố cổ Stockholm, mà tiếng Thụy Điển gọi là Gamla Stan, có một bồn nước ở quảng trường chính. Có một tây ban cầm thủ, áo quần đẫm bụi và bạc phếch tháng ngày, đến ngồi đàn để giúp vui cho du khách và cư dân sinh hoạt gần quảng trường. Từ những ngách xa, người ta đã có thể nghe tiếng đàn thẩm thấu qua những lối mòn thổ mộ, qua bao bức tường thế kỷ, qua cổng vòm mệnh danh “Lối Ngỗng,” qua ký ức của một Stockholm đang chơi kéo co một mình.

alt

Người đánh đàn tây ban cầm đến từ Liên Xô cũ.

Người đánh đàn tây ban cầm ấy đến từ Liên Xô. Tóc ông đã hoa râm, điệu đàn tuyệt luân. Ông gầy rộp, hai gò má khắc khổ. Ông đến, đàn, và đi. Ông tìm cho mình ít tiền mua thức ăn độ nhật. Rồi như con nước trên mặt hồ Maelar, ông gợn mãi giữa những đợt sóng dồn, bất phân hải trình hay lối về.

Cho nên, giữa cái kiêu hùng của một thủ đô văn hóa, giữa cái nhộn nhịp của một thành phố du lịch trứ danh, hình ảnh thu hút tôi nhất lại là hình ảnh của một lữ khách – một mảnh đời Liên Xô. Người Liên Xô được Vương quốc Thụy Điển cho phép định cư khá nhiều – nhưng không ai có thể cho tâm thức và linh hồn của một dân tộc một chỗ định cư khi mà tâm thức ấy bị bứng rễ và linh hồn ấy bị xúc phạm.

alt

Một góc Gamla Stan, Stockholm

Phố cổ Little Sàigòn

Về từ vài thập niên sau. Tôi về thăm phố cổ Little Sàigòn. Có lẽ ở tuổi thất thập cổ lai hy. Để tìm lại vết xưa của hồn thu thảo, của người năm trước, của hoa đào năm ngoái. Để gặp lại những gương mặt mới của quá khứ, những dư hương của ngày mai, những náo nức của hiện tại, những nghẹn ngào của hôm qua.

Có chăng một ngày nào đó, Little Sàigòn sầm uất rộn ràng của hôm nay sẽ trở thành phố cổ? Với bức tường đỏ khuất dần trong nắng gió của thời đại? Với nàng tiên cá quên bài hát mỹ nhân ngư? Với con hẻm hẹp âm vang lời thỉnh tội? Với điệu đàn du mục len lỏi giữa khói xe và những ánh trăng vàng?

Tam thập bất hoặc. Có thật thế không? Có cần phải đợi đến sinh nhật thứ 30 của Little Sàigòn để có thể tiên ước xem thành phố này sẽ trở thành lịch sử không? Mà Little Sàigòn đã bao nhiêu xuân xanh rồi nhỉ?

Mỗi ngày, dù ở đâu, mỗi chúng ta hãy cho Little Sàigòn được thật ‘cổ’ – để có một chút gì để sống – và để giữ lại cho ngàn sau.

Để ngan ngát quê hương.

TGT