Menu Close

Lang thang chợ

Thằng bạn ở San Jose lại gọi điện khoe vừa mới đi chợ trời “dớt” được dàn loa và cái ampli transitor hai ngàn watt giá hai trăm đô la. “Của” rẻ bèo nhưng bạn thích đồ cồng kềnh biết sao được. Bây giờ đồ âm thanh, người ta làm gọn nhẹ, lại đi tha đồ cũ về chỉ tổ làm chật nhà. Nghĩ trong bụng vậy thôi, chứ thú lang thang chợ trời của thằng bạn giống tôi nên những chuyện đi chợ trời nói cho nhau nghe cũng hợp ý. Bởi vậy lần trước tôi sang San Jose, buổi chiều chưa có chương trình gì thì cả hai phóng lên xe đến chợ trời Berryessa nhìn ngó cho biết với người ta.

alt

Chợ trời Lớn ở khu Berryessa, San Jose

Bạn kể: “Ở San Jose, nhắc đến chợ trời, không ai không biết đến hai khu chợ trời rất nổi tiếng, thường nhóm họp vào những ngày cuối tuần từ Thứ Năm đến Chủ Nhật. Tên gọi cũng rất bình dân, đó là Chợ trời Lớn ở khu Berryessa và Chợ trời Nhỏ ở khu Capitol. Trong số hơn 1.2 triệu nguời Việt đang sinh sống rải rác trên toàn quốc, thành phố San Jose vùng Bắc Cali xếp hàng thứ nhì sau thành phố Los Angeles về mật độ dân Việt, lên đến trên 150 ngàn người. Cộng đồng người Việt ở đây sống tập trung, hình thành những khu thương mại sầm uất. Nhiều siêu thị, thương xá mọc lên mỗi năm khá nguy nga và ảnh hưởng không ít đến nền kinh tế địa phương. Người gốc Việt ở đây ngày càng ăn nên làm ra, tham gia vào mọi lĩnh vực kinh doanh cũng như văn hóa, chính trị”.

alt

Những cảnh sinh hoạt thật dân dã và bình dị, thậm chí có ít nhiều thơ mộng, ấy là sinh hoạt của chợ trời

San Jose được mệnh danh là thành phố “Thung lũng hoa vàng”, hay còn gọi là “Thung lũng điện tử”, cả hai cái tên – một lãng mạn, một khô cứng – này đều miêu tả khá chính xác về thành phố vừa sôi động vừa hiền hòa này. Gọi là thung lũng hoa vàng vì mỗi năm vào mùa xuân, những bông hoa cỏ dại mọc cao ngang ngực tự nhiên trỗi dậy, nở hoa tưng bừng như trải một tấm thảm vàng rực rỡ bao bọc xung quanh thành phố. Gọi là thung lũng điện tử cũng đúng, vì San Jose là thành phố tập trung tất cả những công ty Hi-Tech nổi tiếng về điện tử trên thế giới như Yahoo, Sun Microsystem, Nasa…

Tưởng rằng với một hoàn cảnh sống như vậy, hẳn người dân San Jose toàn là những người vội vã, tất bật trong khung cảnh khoa học kỹ thuật tân tiến. Thế nhưng, tôi không khỏi ngẩn ngơ khi nhìn thấy những cảnh sinh hoạt thật dân dã và bình dị, thậm chí có ít nhiều thơ mộng, ấy là sinh hoạt của chợ trời. Thật ra chợ trời gần gũi với người Việt mình bởi dấu ấn giông giống chợ trời quê nhà hồi trước như Chợ trời Huỳnh Thúc Kháng hay Khu Dân Sinh. Thứ của gì cũng có ở chợ trời. Có rất nhiều người Việt buôn bán tại đây, nên cũng có nhiều khách hàng người Việt, kéo theo những công dân “ham rẻ” khác như người Mễ, người Hoa, người Phi, người Campuchia… Kinh nghiệm đầu tiên khi đi chợ trời là bạn phải có một chiếc cart – loại giỏ bằng kim loại có bánh xe để kéo đi được như vali. Nếu không, bạn sẽ lâm vào cảnh lê gót với hai tay mỏi nhừ vì… thấy gì cũng mua. Thật không thể không mua, bởi cái gì cũng rẻ, theo tiêu chuẩn “chợ trời”.

alt

Dãy gian hàng đồ sành làm người ta nhớ đến chợ trời “hàng Tàu” ở Ga xe lửa Sài Gòn, cuối đường Nguyễn Thông lúc trước

Điểm nổi bật nhất ở chợ trời là những gian hàng nông sản. Cơ man nào là rau, củ, quả khoe đủ sắc màu, tươi non mơn mởn. Tại gian hàng của chủ người Việt, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy rau mồng tơi, rau đay, rau muống, bí, bầu… Trong chợ trời bạn có thể gặp những người Việt lớn tuổi, bán hàng rẻ như cho, thấy người Việt Nam là mừng rỡ hỏi han. Thường thì đây là những loại rau quả họ tự trồng tại vườn nhà như một cách để nhớ quê hương, và ngồi bán chợ trời cũng chỉ để có cơ hội gặp đồng hương và kiếm thêm chút đỉnh ngoài lương đi làm ở hãng xưởng.

Thỉnh thoảng có người bán một bó vài cây mía dài thườn thượt, món mía ở quê nhà rất đỗi bình thường thì ở xứ này đắt. Mua một cây giá 2 đô, mang về chặt ra rồi tước vỏ, chặt khúc nữa, công phu bỏ vào mấy giờ đồng hồ, lại phải sắm một máy ép nước mía xách tay, cuối cùng để uống được ly nước mía tươi ngon phải mất vài đô. Do vậy ở tiệm người ta bán bốn năm đô một ly nước mía ly lớn toàn đá bào, chê mắc cũng “oan” cho họ. Và ở đây không có cảnh bán tôm cá còn tươi xanh, giãy đành đạch như chợ quê nhà. Cũng có tôm, có cá, nhưng tôm cá bày trong thùng đá lạnh lẽo, giá rẻ hơn trong siêu thị. Ngoài nông sản rau quả ra thì người Việt ở đây còn buôn bán những thứ khác, nhiều nhất là băng đĩa phim, nhạc. Có thể tìm thấy những phim mới nhất ở Sài Gòn… có lẽ là băng đĩa in sang lậu vì giá quá rẻ.

alt

Chợ nhóm từ 6 giờ sáng, đến 12 giờ đã gần tàn

Ngoài các gian hàng buôn bán đồ chơi, giày dép, quần áo được nhập từ Việt Nam, Trung Quốc không có gì lạ thì tôi rất ngạc nhiên với những gian hàng “thập cẩm” bán tô chén sành sứ. Dãy gian hàng đồ sành làm tôi nhớ đến chợ trời “hàng Tàu” ở Ga xe lửa Sài Gòn, cuối đường Nguyễn Thông lúc trước. Thời ấy ra chợ trời sắm một bộ tách trà mười mấy món đã thấy “sang” lắm rồi. Còn những gian hàng linh tinh khác, gọi là gian hàng cũng hơi quá đáng. Chỉ là một mảnh nilon được trải trên nền đất, chủ hàng cũng ngồi bệt bên cạnh, lơ đãng đọc báo hay nhồm nhoàm nhai ổ bánh mì. Trước mặt bày lỉnh kỉnh một bộ nồi mất nắp, có khi một cái radio cũ mèm long mất nút vặn, một cái phone “cục gạch” to đùng, vài con búp bê gãy tay chân, vài món nữ trang đựng trong chiếc hộp cũ kỹ… Thế mà đừng coi thường bạn nhé, chuyên gia về nội trợ Martha Steward nổi tiếng của Mỹ cho rằng đây là nơi bạn có thể lùng được những món đồ giá hời. Những nhà sưu tập có khi tìm được món đồ cổ vô giá ở đây… Còn gian hàng của người Mễ Tây Cơ thì ngập tràn những chiếc lá xương rồng với gai tua tủa. Lá còn gai sẽ rẻ tiền hơn loại lá đã được gọt lớp vỏ xanh dày bên ngoài, để lộ phần thịt bên trong xanh nõn, trông giòn rụm. Cô bán hàng người Mễ cho biết xương rồng có thể chế biến nhiều món như trộn xà lách, xào, làm nhân các loại bánh truyền thống, hoặc đơn giản là chấm muối ớt như món quà vặt.

Chợ nhóm từ 6 giờ sáng, đến 12 giờ đã gần tàn. Mua vé vào cửa với giá 25 xu, được đóng dấu vào tay để phòng khi bạn đi ra khỏi khu chợ thì đi vào không cần mua vé nữa. Tôi thấy có khi nào tôi phải đi ra nửa chừng đâu, mấy tiếng đồng hồ đi loanh quanh trôi qua như nháy mắt. Chợ trời thật muôn màu muôn vẻ với bao nhiêu điều thú vị, những tưởng như vô cùng giản dị quê mùa thì lại trở thành rất cuốn hút đối với tôi ở giữa lòng xứ văn minh này. Ra về trong tiếng nhạc phong cầm réo rắt của một nhạc công người Mễ. Bạn tôi dặn rằng phải cố mang biếu cho hết mớ rau cải trái cây vừa mua để tuần sau còn… có cớ lại đi chợ trời.

alt

Khách hàng mua rau ở “Chợ Vườn” Washington DC.

Nhắc đến rau quả, tôi lại nhớ đến một người bạn khác ở Washington D.C kể về “Chợ Vườn” của một người Việt khá đặc biệt.“Có lẽ không ai trong cộng đồng người Việt tại Washington DC lại chưa một lần ghé qua hoặc chí ít là nghe nói tới “Chợ Vườn”.  Đây là nơi duy nhất trong khu vực này tại Washington DC người ta có thể tìm mua những loại rau củ quen thuộc ở quê nhà. Chủ vườn là một người đàn ông Mỹ và vợ ông là người Việt. Họ gặp gỡ và yêu nhau trong chiến tranh Việt Nam. Bà sang Mỹ cùng chồng, ban đầu làm thợ may, sau đó trồng thêm rau và “Chợ Vườn” ra đời. Muốn ăn rau Việt, cứ vào “Chợ Vườn” là đủ cả. Các chợ Châu Á khác cũng có nhưng ít chủng loại, lại không tươi. Đây là nơi duy nhất trong khu vực này tại Washington DC người ta có thể tìm mua những loại rau củ được trồng tại chỗ.

Đây chỉ là một phần công việc thường nhật của vợ chồng ông Jean và bà Ngô Thị Bộc, một phụ nữ gốc Hưng Yên. Ở Mỹ, đâu có kẻ bán người mua đều được gọi là chợ, dù cái chợ nhiều khi chỉ có một người bán, hay chỉ là một cửa hàng tạp hóa có bán thêm chút thực phẩm. Vườn nhà bà Bộc hầu như không thiếu loại rau nào, từ dọc mùng, cải mơ, rau muống, mồng tơi, rau đay, hành, hẹ, bí xanh, bí đỏ cho đến rau răm, húng, ngò… mà điều lạ là có rau cải quanh năm cho dù mùa đông băng giá.

Thú đi chợ trời thường dành cho những di dân mới sang Mỹ, đi tìm mua những thứ cho cuộc sống mới nơi xứ người, đồ rẻ, cũ người mới ta. Và đâu chỉ có thế, người nghèo người có đủ điều kiện sống lâu năm ở đây vẫn thích đi chợ trời. Lang thang, đi và ngó cho khuây khỏa tâm hồn với những hình ảnh sinh hoạt ồn ào của kẻ bán người mua.

alt

“Chợ Vườn” của bà Ngô Thị Bộc và ông Jean

TN